Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm dạ dày nói chung và viêm xung huyết hang vị dạ dày nói riêng là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường không được quan tâm đúng mức vì ít gây các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng viêm lớp niêm mạc dạ dày tại vị trí hang vị và có xung huyết (dãn mạch) kèm theo. Hang vị là vùng nối giữa dạ dày và hành tá tràng có vai trò phân cắt thức ăn giúp quá trình tiêu hóa và hấp thu tại ruột non. Vì thế, khi tổn thương tại vùng hang vị, người mắc bệnh có thể cảm giác đau bụng, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua,...

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xung huyết hang vị dạ dày

Khi có viêm trong dạ dày làm quá trình tiêu hóa thức ăn giảm đi, thức ăn ứ đọng trong dạ dày, quá trình di chuyển thức ăn qua khoang hang vị đến ruột non chậm lại, dẫn đến thức ăn bị chua hoặc lên men. Điều này làm tăng tính axit bên trong dạ dày, làm tổn thương niêm mạc, gây đau vào ban đêm, ợ chua, buồn nôn và nôn. Như vậy, các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh viêm dạ dày nói chung bao gồm:

Đau rát vùng thượng vị: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh lý dạ dày. Đau rát thượng vị thường diễn tiến theo cơn hay âm ỉ với cường độ từ nhẹ đến trung bình. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn hay stress gợi ý bệnh lý tại vùng tá tràng.

Ợ hơi, ợ chua: Triệu chứng này thường xảy ra theo cơn gây đau xót, nóng rát vùng sau xương ức.

Buồn nôn: Khi niêm mạc dạ dày bị viêm, các mạch máu giãn ảnh hưởng đến quá trình chứa đựng và tiêu hóa thức ăn gây buồn nôn hay nôn.

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 4
Đau vùng thượng vị liên quan tới bữa ăn là dấu hiệu điển hình cho bệnh lý viêm dạ dày

Tác động của viêm xung huyết hang vị dạ dày đối với sức khỏe

Viêm xung huyết hang vị dạ dày làm người mắc bệnh khó chịu thường xuyên vùng bụng, buồn nôn,... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc của người mắc. Ngoài ra, nếu bệnh kéo dài và diễn tiến theo chiều hướng xấu có thể gây các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Biến chứng có thể gặp viêm xung huyết hang vị dạ dày

Một số biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân viêm xung huyết hang vị như:

Xuất huyết tiêu hóa: Khi mạch máu trong dạ dày gây tiêu phân đen, nôn máu hay kín đáo hơn là xanh xao, hoa mắt chóng mặt trong thời gian dài do mất máu rỉ rả.

Thủng dạ dày: Khi thành dạ dày bị loét trong thời gian dài có thể gây thủng dạ dày với các triệu chứng đặc trưng như đột ngột đau bụng dữ dội, bụng căng cứng và ấn đau khắp bụng.

Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày là sự thay đổi hình thái tế bào niêm mạc dạ dày và gây ung thư. Khả năng mắc ung thư dạ dày cao hơn hẳn khi bệnh nhân có nhiễm HP kèm theo.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có các triệu chứng gợi ý bệnh hay biến chứng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm xung huyết hang vị dạ dày

Có khoảng 90% bệnh nhân mắc bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày là do nhiễm HP và thuốc kháng viêm không steroid. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây nên tình trạng này:

Vi khuẩn HP: HP là tên viết tắt của vi khuẩn Helicobacter pylori - tác nhân gây ra khoảng 70% trường hợp bệnh lý dạ dày. HP là xoắn khuẩn gây bệnh tại dạ dày do thay đổi độ pH trong dày làm dạ dày dễ viêm, loét,... HP lây lan chủ yếu qua đường ăn uống, sống trong lớp nhầy trên niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 5
Helicobacter pylori là tác nhân gây ra khoảng 70% trường hợp bệnh lý dạ dày

Thuốc: Các thuốc kháng viêm giảm đau như meloxicam, diclophenac,... làm giảm tiết chất nhầy ở dạ dày nên dạ dày dễ tổn thương nếu sử dụng lâu dài.

Chất kích thích: Các chất kích thích như trà, rượu, cà phê, thuốc lá, thức ăn cay,... làm tăng tiết axit dạ dày. Nếu sử dụng chúng trong thời gian dài thì lượng axit tiết ra có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Stress: Những căng thẳng trong cuộc sống và công việc làm tăng tiết axit dạ dày và giảm tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày dẫn đến viêm dạ dày .

Các nguyên nhân khác: GERD (trào ngược dạ dày hay trào ngược dạ dày thực quản), bệnh lý tự miễn,... cũng có thể là nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày mặc dù chúng là nhóm nguyên nhân thường chiếm tỷ lệ thấp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm xung huyết hang vị dạ dày?

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là bệnh khá phổ biến ở nước ta. Bệnh có thể hiện diện ở mọi lứa tuổi, nhưng người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (trên 65 tuổi) chiếm tỉ lệ cao hơn cả.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm xung huyết hang vị dạ dày

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

Thói quen ăn uống không lành mạnh: Việc ăn uống không đúng giờ, hay bỏ bữa, ăn vội vàng, ăn thức ăn cay và nhiều dầu mỡ làm nhịp tiết acid dạ dày thay đổi thất thường, ảnh hưởng tiêu hóa và tổn thương lớp niêm mạc dạ dày nói chung và vùng hang vị nói riêng.

Sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài: Các thuốc kháng viêm giảm đau nhóm NSAIDS, corticoid,... gây viêm loét dạ dày nếu sử dụng trong thời gian dài.

Sử dụng chất kích thích: Sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, rượu, thuốc lá,... thường xuyên gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Căng thẳng trong cuộc sống: Căng thẳng làm tăng tiết axit dạ dày và làm tăng nguy cơ mắc viêm xung huyết hang vị.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xung huyết hang vị dạ dày

Khai thác triệu chứng

Đặc điểm về yếu tố khởi phát, thời gian hiện diện, cường độ, yếu tố tăng giảm và các bệnh lý kèm theo của mỗi triệu chứng trên đều được khai thác cẩn thận nhằm xác định bệnh.

Khai thác tiền căn và các yếu tố nguy cơ

Tiền căn mắc bệnh trước đó hay các yếu tố nguy cơ giúp bác sĩ tiên lượng về mức độ nặng của bệnh, đồng thời có kế hoạch thay đổi các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được giúp người bệnh quản lý bệnh tốt hơn.

Thăm khám lâm sàng

Thăm khám bụng và các thăm khám toàn thân khác giúp chẩn đoán bệnh, tìm biến chứng cũng như đánh giá mức độ bệnh.

Cận lâm sàng

Nội soi dạ dày: Nội soi đường tiêu hóa giúp nhìn rõ cấu trúc bên trong đường tiêu hóa như sự lành lặn của lớp niêm mạc, mạch máu xung huyết, điểm xuất huyết,.... Nội soi dạ dày là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh lý dạ dày vì nó không chỉ cho phép kiểm tra chi tiết niêm mạc dạ dày như đã kể trên mà còn có thể lấy mẫu để kiểm tra mô học, tìm HP hoặc sinh thiết khu vực nghi ngờ ung thư dạ dày, khâu chỗ thủng,...

Test hơi thở: Test hơi thở là xét nghiệm giúp chẩn đoán HP không xâm lấn giúp theo dõi hiệu quả điều trị HP.

Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 6
Nội soi tiêu hóa trên là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hầu hết các bệnh lý dạ dày

Phương pháp điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày hiệu quả

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Ăn đúng cữ, ăn chậm nhai kỹ, không dùng các chất kích thích, tập luyện thể dục thể thao và giữ có tinh thần lạc quan, thoải mái,... là những phương pháp điều trị chủ yếu trong bệnh lý viêm dạ dày.

Điều trị

Điều trị HP: Điều trị HP là điều trị trong thời gian dài và điều trị cho cả người thân. Hiện nay phác đồ 3 thuốc hoặc 4 thuốc để điều trị HP rất hiệu quả.

Thuốc giảm tiết axit niêm mạc dạ dày: Các thuốc nhóm PPI (Omeprazole, Esomeprazole, Rabeprazole hoặc Pantoprazole) giúp hạn chế tiết axit dạ dày nên giảm tình trạng đau, xót thượng vị.

Thuốc trung hòa axit: Các thuốc đều có chứa thành phần là Magnesium carbonate và Aluminium hydroxide giúp cầm máu, giảm viêm dạ dày.

Thuốc băng dạ dày: Các thuốc như Sucralfat, Bismuth subcitrat,… tạo thành một màng bọc có tác dụng củng cố hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Thuốc chống co thắt dạ dày: Drotaverin và Alverin giúp giảm co thắt vùng dạ dày bị tổn thương, phù nề, xung huyết,... nên cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của viêm xung huyết hang vị dạ dày

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.
  • Không hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích.
  • Tránh thức khuya.
  • Thường xuyên tập thể dục giảm lo âu, tránh căng thẳng, giúp tinh thần thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống điều độ, không ăn quá no, không bỏ bữa, không để bụng quá đói, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.
  • Nên nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt.
  • Không sử dụng các thức uống có tính chất kích thích dạ dày: Bia, rượu, các thức uống có ga, cà phê,…
  • Không ăn thức ăn chua, các loại thức ăn chế biến dạng sống, nhiều dầu mỡ và các loại gia vị cay nóng.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xung huyết hang vị dạ dày 7
Thói quen ăn uống lành mạnh giúp bảo vệ tốt dạ dày của bạn

Phương pháp phòng ngừa viêm xung huyết hạng vị dạ dày hiệu quả

Để phòng bệnh hiệu quả, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thói quen ăn uống lành mạnh: Thực hiện thói quen ăn chậm nhai kỹ, ăn uống đúng bữa, hạn chế ăn cay, dầu mỡ,...
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: Ngưng hay giảm liều thuốc giảm đau ngay khi bệnh lý đau giảm, sử dụng kèm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị giúp bạn bảo vệ dạ dày của mình.
  • Không sử dụng các chất kích thích: Hạn chế sử dụng các chất kích như trà, cà phê, thuốc lá,... giúp hạn chế viêm dạ dày, đồng thời bảo vệ sức khỏe tim mạch của bạn.
  • Giữ gìn ăn uống sạch sẽ: Ăn chín uống sôi, không dùng chung đũa với người khác, rửa tay trước khi ăn,... giúp bảo vệ bạn và gia đình khỏi bệnh lý dạ dày.
  • Giữ tinh thần thoải mái: Giữ tinh thần lạc quan thoải mái giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Nguồn tham khảo
  • Congestive gastropathy and Helicobacter pylori: an endoscopic and morphometric study: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1379069/
  • Congestive gastroenteropathy—an extension of nonvariceal upper gastrointestinal bleeding in portal hypertension: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0016510789728984
  • Symptoms & Causes of Gastritis & Gastropathy: https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gastritis-gastropathy/symptoms-causes
  • Gastropathy: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24671-gastropathy
  • Gastropathy: https://www.healthline.com/health/gastropathy

Các bệnh liên quan