Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

5 bài tập thể dục cho người thiếu máu cơ tim

Thục Hiền

08/03/2025
Kích thước chữ

Thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến, gây ảnh hưởng đến khả năng bơm máu và cung cấp oxy của tim. Việc duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt là áp dụng các bài tập thể dục cho người thiếu máu cơ tim, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tuần hoàn máu và giảm nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, không phải mọi hình thức vận động đều phù hợp và người bệnh cần lựa chọn các bài tập an toàn, có cường độ phù hợp để hỗ trợ chức năng tim mà không tạo áp lực quá mức.

Nếu bạn đang quan tâm đến các bài tập thể dục cho người thiếu máu cơ tim, thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về các phương pháp tập luyện an toàn, hiệu quả.

Lợi ích của việc tập thể dục đối với người thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim là tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim do hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành, làm suy giảm chức năng bơm máu và cung cấp oxy của tim. Việc tập thể dục đúng cách và đều đặn có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và cải thiện sức khỏe tim mạch.

5-bai-tap-the-duc-cho-nguoi-thieu-mau-co-tim
Lợi ích của việc tập thể dục đối với người thiếu máu cơ tim

Dưới đây là những lợi ích của việc luyện tập thể dục đối với hệ tim mạch và cơ thể người bệnh thiếu máu cơ tim:

  • Cải thiện tuần hoàn máu và chức năng tim: Hoạt động thể chất giúp tim bơm máu hiệu quả hơn, tăng cường lưu lượng máu đến các cơ quan, từ đó giảm áp lực lên tim. Đồng thời, tập thể dục giúp mở rộng mạch máu, cải thiện khả năng phân phối oxy đến mô cơ tim.
  • Ổn định huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng: Rèn luyện thể chất giúp điều hòa huyết áp, giảm áp lực lên thành mạch và hạn chế nguy cơ huyết khối. Nhờ đó, người bệnh có thể giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Kiểm soát cholesterol và cân nặng: Tập thể dục thường xuyên giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó hạn chế xơ vữa động mạch. Ngoài ra, việc vận động giúp duy trì cân nặng hợp lý, giảm gánh nặng cho tim và hạn chế nguy cơ béo phì.
  • Giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ: Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc thiền giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm lý và hỗ trợ giấc ngủ sâu hơn. Điều này góp phần làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và cải thiện sức khỏe tổng thể.
  • Tăng cường sức bền và chất lượng cuộc sống: Việc duy trì vận động giúp người bệnh giảm mệt mỏi, cải thiện khả năng chịu đựng khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho người thiếu máu cơ tim, giúp kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn bài tập phù hợp, tập luyện với cường độ vừa phải và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn.

5-bai-tap-the-duc-cho-nguoi-thieu-mau-co-tim
Tập thể dục có khả năng cải thiện tuần hoàn máu và chức năng tim

Các bài tập thể dục cho người thiếu máu cơ tim

Việc lựa chọn bài tập phù hợp là điều cần thiết để tránh gây áp lực quá mức lên tim. Dưới đây là một số bài tập được khuyến nghị phù hợp cho người thiếu máu cơ tim:

Đi bộ

Đi bộ là một trong những bài tập an toàn và dễ thực hiện đối với người bị thiếu máu cơ tim. Bài tập này giúp duy trì nhịp tim ổn định, hỗ trợ lưu thông máu và cải thiện sức bền của tim mạch. Người bệnh nên đi bộ với tốc độ vừa phải trên địa hình bằng phẳng, duy trì thói quen này ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 lần/tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bơi lội

Bơi lội là một môn thể thao giúp vận động toàn thân mà không gây áp lực lớn lên khớp và hệ tuần hoàn. Khi bơi, nước giúp nâng đỡ cơ thể, giúp tim hoạt động hiệu quả hơn mà không bị quá tải. Ngoài ra, bơi lội cũng giúp cải thiện khả năng hô hấp và giảm huyết áp. Người bệnh nên lựa chọn môi trường nước ấm và bơi với tốc độ vừa phải, tránh lặn sâu hoặc thực hiện các động tác đòi hỏi nhiều sức lực.

5-bai-tap-the-duc-cho-nguoi-thieu-mau-co-tim
Bơi lội là một trong những bài tập phù hợp cho người thiếu máu cơ tim

Thể dục nhịp điệu (Aerobic)

Thể dục nhịp điệu là một hình thức vận động giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường khả năng bơm máu của tim. Các bài tập aerobic nhẹ nhàng như nâng cao đùi, bước tại chỗ hoặc các bài tập tay chân phối hợp giúp cơ thể hoạt động linh hoạt mà không gây căng thẳng cho tim. Người bệnh nên bắt đầu với 10–15 phút mỗi ngày theo chỉ định bác sĩ.

Đạp xe

Đạp xe giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ hệ tuần hoàn hoạt động hiệu quả hơn và kiểm soát huyết áp. Người bệnh có thể đạp xe ngoài trời hoặc sử dụng xe đạp tập tại nhà để điều chỉnh tốc độ phù hợp. Khi mới bắt đầu, nên duy trì tốc độ chậm và thời gian tập từ 15–20 phút, sau đó có thể tăng dần tùy theo thể trạng.

Yoga

Yoga là một bài tập nhẹ nhàng giúp giảm căng thẳng, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ điều hòa nhịp tim. Các tư thế yoga đơn giản như tư thế ngồi thiền, tư thế em bé hoặc tư thế cây cầu có thể giúp người bệnh thư giãn và duy trì sự ổn định của hệ tim mạch. Kết hợp với kỹ thuật hít thở sâu, yoga còn giúp tăng cường khả năng kiểm soát huyết áp và cải thiện chức năng hô hấp.

Tập thể dục đúng cách có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bị thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện, lựa chọn bài tập phù hợp và duy trì cường độ hợp lý.

Những lưu ý khi tập luyện

Bài tập thể dục cho người thiếu máu cơ tim có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất định, nhưng quá trình tập luyện cần được thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn. Một số nguyên tắc quan trọng cần lưu ý khi vận động giúp hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả cho hệ tim mạch:

  • Chọn bài tập phù hợp: Các bài tập nhẹ nhàng với cường độ vừa phải, tránh các bài tập cường độ cao hoặc thay đổi tốc độ đột ngột vì có thể làm tăng áp lực lên tim.
  • Kiểm soát thời gian và cường độ: Nên tập trong khoảng 20–30 phút mỗi ngày, duy trì tốc độ ổn định và tránh gắng sức. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc có dấu hiệu bất thường như khó thở, đau ngực, cần dừng tập ngay.
  • Hít thở đúng cách: Duy trì hơi thở đều đặn giúp ổn định nhịp tim và giảm áp lực lên hệ tuần hoàn. Tránh nín thở hoặc thở gấp trong khi tập luyện.
  • Bổ sung nước đầy đủ: Cần uống đủ nước trước, trong và sau khi tập để duy trì sự ổn định của huyết áp và hỗ trợ tuần hoàn máu.
  • Tránh tập ngay sau khi ăn: Vận động ngay sau bữa ăn có thể làm giảm lượng máu đến hệ tiêu hóa và ảnh hưởng đến tim. Tốt nhất nên tập sau ăn ít nhất 1–2 giờ.
  • Chú ý đến môi trường tập luyện: Không gian tập nên thoáng mát, tránh nơi có nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Tập luyện ngoài trời cần chọn thời điểm mát mẻ trong ngày để tránh ảnh hưởng đến huyết áp.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Thiếu ngủ hoặc căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến hiệu quả tập luyện. Nếu cơ thể chưa sẵn sàng nên ưu tiên nghỉ ngơi thay vì cố gắng vận động.
5-bai-tap-the-duc-cho-nguoi-thieu-mau-co-tim
Cần bổ sung đầy đủ nước trong quá trình luyện tập 

Việc tuân thủ các nguyên tắc tập luyện là điều quan trọng giúp đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro và nâng cao sức khỏe tim mạch.

Bài viết đã cung cấp các thông tin liên quan đến bài tập thể dục cho người thiếu máu cơ tim, giúp người bệnh lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp nhằm hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường thể chất. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần kiểm soát cường độ vận động, theo dõi phản ứng của cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện. Hy vọng bài viết cung cấp các thông tin hữu ích giúp bạn lựa chọn bài tập thể dục phù hợp nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin