7 sai lầm khi bảo quản trái cây ai cũng từng mắc phải
Ngày 21/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bảo quản trái cây đúng cách không chỉ giúp chúng giữ được hương vị tươi ngon mà còn kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn mắc phải những sai lầm phổ biến khi bảo quản cho những loại trái cây khác nhau. Từ cách xử lý trước khi bảo quản cho đến khi bỏ vào tủ lạnh, những lỗi này có thể khiến trái cây nhanh chóng hư hỏng. Hãy cùng khám phá ngay 7 sai lầm khi bảo quản trái cây ai cũng từng mắc phải trong việc bảo quản trái cây!
Nhiều người thường mắc phải những lỗi phổ biến khi bảo quản trái cây, chẳng hạn như bảo quản trong bao bì không thích hợp, rửa trái cây quá sớm hoặc để chúng chồng chất lên nhau. Việc bảo quản trái cây một cách chính xác là vô cùng cần thiết, bởi vì chúng có thể nhanh chóng bị mốc hoặc chín quá, dẫn đến việc phải vứt bỏ gây lãng phí. Dưới đây là 7 sai lầm khi bảo quản trái cây ai cũng từng mắc phải:
Để nhiều loại trái cây cạnh nhau
Nhiều loại trái cây như chuối chín, táo, bơ, lê, đào sản sinh ra ethylene, một loại khí giúp thúc đẩy quá trình chín. Khi những quả này được bảo quản gần các loại trái cây và rau củ khác, đặc biệt là những loại nhạy cảm với ethylene như măng tây, mâm xôi, xoài và cam, chúng sẽ nhanh chóng chín và có nguy cơ hư hỏng.
Tốt nhất, bạn nên bảo quản những loại trái cây tương thích với nhau. Nếu tất cả đều chứa ethylene, việc để chúng gần nhau sẽ an toàn hơn, tránh làm ảnh hưởng đến các loại trái cây và rau củ khác. Ngoài tác động của ethylene, một số loại trái cây cũng có thể phát ra mùi khi để quá gần nhau. Chẳng hạn, mùi của quả mít hay cam rất dễ lan sang các loại trái cây khác.
Cắt trái cây quá sớm
Khi trái cây bị cắt, chúng ngay lập tức mất đi độ tươi do tiếp xúc với oxy và vi khuẩn. Đặc biệt, những loại trái cây có hàm lượng nước cao như dưa hấu, cam quýt và quả mọng rất dễ hỏng sau khi cắt, vì độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, ngay cả khi được bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, việc cắt trái cây còn dẫn đến hiện tượng chuyển màu nâu do oxy hóa. Một số loại như bơ, táo và chuối dễ bị oxy hóa hơn sau khi cắt. Vì vậy, tốt nhất là nên ăn chúng ngay sau khi cắt.
Rửa trái cây quá sớm trước khi bảo quản
Khi bạn rửa trái cây, đặc biệt là các loại quả mọng, trước khi chúng chín hoàn toàn hoặc ngay trước khi bảo quản, bạn thực chất đang cung cấp thêm độ ẩm cho chúng. Nếu độ ẩm dư thừa không được làm khô kỹ, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Đối với những loại trái cây dễ bị mốc, tốt nhất là bạn không nên rửa cho đến khi sẵn sàng ăn. Điều này không chỉ giảm nguy cơ nấm mốc mà còn giúp loại bỏ những quả đã có dấu hiệu hư hỏng, ngăn chặn lây lan sang các quả khác. Khi mua về, bạn chỉ cần lau nhẹ nhàng để loại bỏ bụi bẩn. Nếu muốn rửa trước, hãy hút bớt nước cho khô ráo, rồi bảo quản trong túi thoáng khí có lỗ.
Không để trái cây ra bên ngoài
Một số loại trái cây cần được bảo quản trong tủ lạnh, nhưng không phải tất cả. Chẳng hạn, quả dứa chín chậm sau khi thu hoạch, nên việc để trong tủ lạnh không mang lại hiệu quả khác biệt. Hơn nữa, tủ lạnh có thể làm ảnh hưởng đến hương vị và kết cấu của một số loại trái cây và rau củ đặc biệt là cà chua. Vì vậy, tốt nhất là để chúng ở nhiệt độ phòng và chỉ cất vào tủ lạnh khi đã chín quá hoặc sau khi đã cắt ra.
Bao bì không thích hợp để bảo quản
Nhiều người thường cất luôn hộp trái cây mua về vào tủ lạnh mà không nhận ra rằng bao bì ban đầu có thể không đủ không gian cho trái cây thở, dẫn đến tình trạng tích tụ độ ẩm và nấm mốc. Hơn nữa, bao bì từ cửa hàng cũng có thể bị bẩn. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn các hộp đựng kín khí, có thể tái sử dụng, làm từ thủy tinh hoặc nhựa không chứa BPA để giữ cho trái cây tươi lâu hơn. Túi zip nhựa với lỗ nhỏ cũng là một giải pháp hiệu quả, giúp ngăn ngừa nấm mốc và hơi ẩm nhờ vào việc cho phép không khí lưu thông.
Không biết dùng nước khi cần thiết
Một số loại trái cây được bảo quản trong nước sẽ giữ được độ giòn và tươi ngon hơn. Khi cắt táo hoặc lê, việc đặt chúng vào nước có thể giúp duy trì độ ẩm và ngăn chặn hiện tượng chuyển màu nâu mà không làm ảnh hưởng đến hương vị. Một số loại trái cây khác như bưởi, chanh, cam và dưa chuột lại phát triển tốt hơn khi có độ ẩm. Nếu không muốn để trong ngăn mát tủ lạnh, bạn có thể đặt chúng vào chậu nước bên ngoài và nhớ thay nước hàng ngày.
Tủ lạnh bảo quản bị bẩn
Trái cây không phải là loại thực phẩm duy nhất có mặt trong tủ lạnh, việc thường xuyên vệ sinh tủ có thể giúp tất cả thực phẩm tươi lâu hơn. Tủ lạnh bẩn, với thức ăn thừa, có thể làm tăng tốc độ chín và làm trái cây nhanh bị hư. Hơn nữa, một tủ lạnh sạch sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và vi trùng có thể làm ô nhiễm trái cây, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo từ các thực phẩm khác.
Bảo quản trái cây đúng cách rất quan trọng để giữ chúng tươi ngon và an toàn. Hy vọng với 7 sai lầm khi bảo quản trái cây ai cũng từng mắc phải có thể giúp bạn đọc nhận ra và khắc phục bằng cách chú ý hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.