Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Nấm mốc là gì? Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người

Ngày 18/05/2024
Kích thước chữ

Nấm mốc xuất hiện rất phổ biến trong môi trường sinh hoạt, học tập, làm việc hàng ngày. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người chủ quan về tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe. Bài viết sau đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin về nấm mốc, để bạn có cái nhìn cụ thể hơn, từ đó có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Nấm mốc có thể phát triển mạnh mẽ ở mọi vị trí, ngóc ngách trong ngôi nhà của bạn, đặc biệt là vào những mùa nồm, ẩm. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, gây ra nhiều căn bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh,... Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí một số tác hại của nấm mốc cũng như những mẹo ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc nhé!

Nấm mốc là gì?

Nấm mốc là một dạng nấm phổ biến. Các sợi nấm có dạng sợi nhỏ đa bào và có thể phát triển mạnh mẽ ở môi trường ẩm ướt, thiếu ánh sáng, ít thông thoáng như: Nhà bếp, nhà tắm, gác, nhà kho,...

Nấm mốc có rất nhiều màu sắc khác nhau. Từ nấm mốc đen, nấm mốc trắng,... đến nấm mốc xanh, nấm mốc màu cam. Màu sắc của nấm phụ thuộc chủ yếu vào loại nấm, cũng như điều kiện sinh lý riêng. Mặc dù vậy, chúng vẫn sở hữu những đặc điểm chung về môi trường sống là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và dinh dưỡng.

Theo đó, điều kiện thích hợp nhất để nấm mốc sinh sôi là trong khoảng 22 - 27 độ C. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh cần có độ ẩm cao, không thoáng khí và kém vệ sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nấm mốc vẫn có thể tồn tại ở nhiệt độ từ 2 - 5 độ C, thậm chí là lên đến 40 độ.

Nấm mốc là gì? Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người 1
Nấm mốc xuất hiện phổ biến trong mọi ngóc ngách của căn nhà 

Phân loại nấm mốc theo màu sắc

Theo thống kê của các nhà khoa học, tính đến nay, có đến hơn 4000 loại nấm mốc khác nhau. Trong đó, một số loại nấm mốc thường gặp có thể kể đến là:

Nấm mốc đen

Nấm mốc đen thường xuất hiện trên bề mặt các đồ dùng làm từ gỗ, bìa cứng hoặc giấy cũ, ẩm. Nếu có kết cấu nhầy nhụa, rất có thể đây là loại mốc Stachybotrys. Ngoài ra, nấm Ulocladium cũng có màu đen đặc trưng. Tuy nhiên, chúng thường bị bắt gặp ở khu vực có nhiều hơi nước ngưng tụ như: Phòng tắm, bếp, tầng hầm,... Khi tiếp xúc với nấm mốc đen, bạn có thể sẽ bị khó thở, mệt mỏi, nhức đầu, thậm chí là trầm cảm.

Nấm mốc trắng

Ban đầu, nấm mốc Chaetomium sẽ có màu trắng rồi chuyển dần sang xám. Chúng hiện diện phổ biến ở trên các bức tường thạch cao và gây ra mùi ẩm mốc vô cùng khó chịu. Bên cạnh đó, nấm mốc Aspergillus cũng có màu trắng và bám vào vỏ của các loại trái cây. Chúng là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh hen suyễn, cũng như các vấn đề về phổi.

Nấm mốc là gì? Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người 2
Nấm mốc trắng có thể gây bệnh hen suyễn 

Nấm mốc màu cam

Loại nấm mốc có màu cam, vàng đặc biệt là mốc Aspergillus. Chúng chỉ có thể phát triển ở nơi có nước đọng như: Ao tù, nhà tắm,... Loại nấm này vô cùng nguy hiểm với những người có tiền sử mắc bệnh về hen, phổi, viêm xoang,...

Nấm mốc màu nâu

Nấm mốc màu nâu có tên là Alternaria, thường xuất hiện ở bồn tắm, bồn rửa, phòng tắm,... Điểm khác biệt của loại nấm này là khả năng sản sinh ra chất độc. Nếu chạm phải hoặc hít phải bề mặt sơn, giấy dán tường có chứa nấm Alternaria, bạn có thể sẽ bị nhiễm trùng da, mắt và móng.

Nấm mốc xanh

Tùy vào từng trường hợp mà nấm Penicillin và Trichoderma sẽ có màu xanh lá hoặc xanh dương. Chúng thường mọc ở dưới các ống dẫn nước, thảm, giấy dán tường,... Loại nấm này lây lan rất nhanh, mọc thành từng mảng nên rất khó loại bỏ triệt để. Không chỉ gây hư hỏng nội thất trong nhà, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim, gan.

Nấm mốc là gì? Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người 3
Nấm mốc còn có thể phân biệt bằng màu xanh dương 

Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người

Nấm mốc sinh sản và lây lan bằng bào tử nên nó có thể là một phần của bụi trong nhà. Vì vậy, rất khó có thể tránh khỏi tình trạng vô tình ăn phải hoặc hít phải nấm mốc. Lúc này, bạn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm là:

Nếu hít phải nấm mốc

Việc hít phải nấm mốc sẽ ngay lập tức kéo theo các triệu chứng bất thường như: Uể oải, mệt mỏi, khó chịu,... Ở những người có hệ miễn dịch kém như người già và trẻ nhỏ, người bệnh có thể cảm thấy nghẹt mũi, thở khò khè, hắt hơi, đau đầu, ho, buồn nôn. Bên cạnh đó, cơ thể sẽ bắt đầu nổi mề đay, mắt hoặc da bị đỏ, sưng ngứa,...

Đặc biệt, ở những người có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là hen suyễn thì lại càng phản ứng mạnh hơn khi tiếp xúc với nấm mốc. Tình trạng dị ứng nấm mốc có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm: Viêm xoang, viêm phổi quá mẫn, dị ứng aspergillosis phế quản phổi,... Khi tiếp xúc với nồng độ độc tố mycotoxin cao có trong nấm mốc, nó có thể kéo theo các vấn đề về thần kinh, thậm chí là gây tử vong.

Nấm mốc là gì? Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người 4
Hít phải nấm mốc có thể gây ra các vấn đề về hô hấp 

Nếu ăn phải nấm mốc

Thực phẩm nếu không được bảo quản kín, hợp vệ sinh hoặc để trong thời gian quá lâu thì cũng sẽ sinh ra nấm mốc. Trên thực tế, do môi trường bên trong dạ dày có nồng độ axit rất cao nên nấm mốc khó để tồn tại. Tuy nhiên, người bệnh vẫn sẽ cảm thấy buồn nôn, ói mửa nếu ăn phải. Lâu dần, hàm lượng độc tố tích tụ sẽ phát ra các căn bệnh nguy hiểm, đó là: Suy thận do ochratoxin, ung thư gan do nấm mốc aflatoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins,...

Làm sao để phòng ngừa nấm mốc?

Để phòng ngừa sự phát triển và lây lan của nấm mốc, bạn có thể áp dụng các phương pháp đơn giản sau trong chính ngôi nhà của mình:

  • Tìm kiếm và xử lý kịp thời những vị trí bị ẩm ướt, đọng nước trong nhà, chẳng hạn như: Lỗ dột trên mái nhà, nơi hệ thống nước bị rò rỉ, khe cửa sổ bị đọng nước sau cơn mưa,...
  • Giữ cho các khu vực ẩm ướt được thông thoáng bằng cách thường xuyên lau dọn, mở cửa sổ hoặc lắp đặt quạt thông gió ở phòng tắm, nhà bếp,...
  • Hạn chế sử dụng đồ nội thất làm từ các chất liệu dễ hút ẩm như: Thảm, rèm cửa,...
  • Phơi quần áo ngoài trời.
  • Vào mùa nồm, cần tích cực bật máy hút ẩm, trang bị thêm lọ hóa chất chống nấm mốc và túi hút ẩm,...
  • Vệ sinh điều hòa thường xuyên để nâng cao khả năng hút ẩm cho ngôi nhà.
  • Lựa chọn loại sơn chống mốc, thân thiện với môi trường.
  • Làm sạch các chỗ từng bị nấm mốc bằng giấm trắng, baking soda, dầu trà, nước chanh, vỏ cam, vôi sống,...
Nấm mốc là gì? Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người 5
Bạn nên tích cực dọn dẹp nhà cửa vào mùa nồm, ẩm 

Cách xử lý và phòng ngừa nấm mốc trong thực phẩm

Con người tiêu thụ thực phẩm hàng ngày nên cần đảm bảo các sản phẩm mà bạn đưa vào bên trong cơ thể đều tươi sạch, lành mạnh và không chứa nấm mốc. Bạn có thể phòng ngừa ngộ độc và tiêu diệt nấm mốc có trong đồ ăn bằng những cách là:

  • Lựa chọn những loại thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và còn hạn sử dụng.
  • Bảo quản thực phẩm khô ở nơi khô ráo, thoáng mát.
  • Nếu mua thực phẩm với số lượng lớn, bạn cần bảo quản trong ngăn mát, ngăn đá tủ lạnh hoặc tủ cấp đông.
  • Nếu phát hiện màu sắc, hình dạng, mùi vị của thực phẩm có những điểm khác thường thì hãy ngay lập tức vứt bỏ và không sử dụng nữa. Việc rửa nấm mốc cũng không thể loại bỏ triệt để độc tố có trong bào tử nấm.
  • Khi cơ thể xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm mốc, bạn cần dừng sử dụng loại thực phẩm đó. Tiếp đó, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, chất nôn, nước tiểu, phân,... của người bệnh để tiến hành xét nghiệm và cấp cứu kịp thời.
  • Trong khi chờ xe cấp cứu đến, bạn hãy nôn hết ra các chất đã ăn ra để ngăn ruột hấp thụ chất độc, cũng như bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Nấm mốc là gì? Tác hại của nấm mốc đối với sức khỏe con người 6
Bạn nên vứt bỏ những loại thực phẩm chứa nấm mốc 

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp bạn phân biệt các loại nấm mốc, cũng như phòng ngừa và xử lý nấm mốc đúng cách. Hãy áp dụng ngay tại nhà để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình nhé! 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin