Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh chàm khô đầu ngón tay: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 02/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh chàm khô đầu ngón tay là một tình trạng da mà nhiều người phải đối mặt hàng ngày. Bệnh này thường gây ra những triệu chứng khó chịu như ngứa ngáy, sưng, đỏ, và vảy nổi trên các khu vực tiếp xúc với chất kích thích. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng và duy trì làn da ngón tay khỏe mạnh.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh chàm khô đầu ngón tay. Đồng thời đưa ra những lời khuyên hữu ích để bảo vệ và chăm sóc da ngón tay, hãy cùng tìm hiểu bạn nhé!

Bệnh chàm khô đầu ngón tay là gì?

Chàm khô đầu ngón tay là tổn thương da ngoài, gây nứt nẻ, bong tróc và khó chịu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể tái phát và trở thành bệnh mãn tính.

Da đầu ngón tay tiếp xúc với yếu tố gây kích ứng trong sinh hoạt, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của chàm khô. Chàm khô đầu ngón tay ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày đặc biệt là trong việc vận động, cầm nắm, ma sát. Tổn thương nặng có thể tạo điều kiện cho vi nấm hoặc vi khuẩn phát triển, gây hại. Nếu không điều trị đúng cách, có thể xảy ra nhiễm trùng da nghiêm trọng, khó lành và nguy hiểm.

Đau ngón tay và ngón chân khô nứt, bong tróc gây mất thẩm mỹ. Người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, công việc và giao tiếp hàng ngày. Đặc biệt, trẻ em bị chàm khô ở tay gặp nhiều vấn đề hơn người lớn. Da của trẻ thường nhạy cảm, dễ bị tổn thương và nhiễm trùng.

Chàm khô đầu ngón tay thường có các triệu chứng sau:

  • Mảng đỏ xuất hiện ở đầu ngón tay.
  • Da ở đầu ngón tay khô và gây ngứa.
  • Da bị tổn thương dễ bong tróc.
  • Đầu ngón tay có thể nứt nẻ hoặc chảy máu.
benh-cham-kho-dau-ngon-tay-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-1.jpg
Triệu chứng của bệnh chàm khô đầu ngón tay

Nguyên nhân dẫn đến chàm khô đầu ngón tay

Bệnh chàm khô đầu ngón tay có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Chàm ngón tay do viêm da tiếp xúc: Gây ra bởi tiếp xúc với các chất kích ứng như chất tẩy rửa, bụi bẩn, nước không đảm bảo chất lượng.
  • Tay bị chàm khô ngứa do thời tiết: Xuất hiện khi thời tiết lạnh, hanh khô trong khi da tay không được bảo vệ đúng cách.
  • Bệnh chàm khô do di truyền: Bệnh có yếu tố di truyền và liên quan đến sự thiếu hụt chất filaggrin trong cơ thể.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như vấn đề vệ sinh không đảm bảo, da khô và mẫn cảm, rối loạn trao đổi chất, yếu tố dị ứng, và tác động từ các bệnh ngoài da khác.

Phương pháp điều trị bệnh chàm khô đầu ngón tay

Các mẹo dân gian chữa chàm khô đầu ngón tay

Phương pháp này thích hợp cho tình trạng tổn thương nhẹ ở vùng da đầu ngón tay do bệnh chàm khô. Các biện pháp dưới đây giúp bổ sung độ ẩm cho da, giảm triệu chứng da khô, bong tróc và ngứa ngáy.

  • Sử dụng dầu dừa: Dầu dừa giàu axit béo, cung cấp độ ẩm cho da, bảo vệ da khỏi tác nhân gây hại. Axit lauric trong dầu dừa cũng có khả năng kiểm soát nấm men và tiêu diệt vi khuẩn. Sử dụng dầu dừa thường xuyên để dưỡng ẩm da và giảm triệu chứng bệnh chàm khô.
  • Sử dụng gel nha đam: Thoa một lớp gel nha đam lên da, để trong khoảng 15 - 20 phút và rửa lại bằng nước ấm. Gel nha đam giúp làm mềm da, giảm bong tróc và ngứa ngáy. Nha đam chứa nhiều polyphenol, khoáng chất và vitamin, thúc đẩy quá trình tái tạo và phục hồi tế bào da.
  • Ngâm nước sắc lá trầu không: Nước sắc lá trầu không có tác dụng làm mềm da, giảm ngứa và ức chế nấm men, vi khuẩn có hại. Áp dụng mẹo này 2 - 3 lần/ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm ngứa ngáy đáng kể.
benh-cham-kho-dau-ngon-tay-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-3.jpg
Dầu dừa giúp giảm triệu chứng chàm khô đầu ngón tay

Lưu ý: Trước và sau khi áp dụng các biện pháp trên, hãy vệ sinh vùng da tổn thương sạch sẽ và lau khô bằng khăn mềm. Không áp dụng liệu pháp này nếu da có tình trạng viêm nhiễm. Nếu gặp vấn đề bất thường, hãy ngừng sử dụng và tìm sự chăm sóc y tế.

Dùng thuốc bôi trị chàm khô đầu ngón tay

Dưỡng ẩm da là một phần quan trọng trong điều trị bệnh chàm khô. Đối với vùng đầu ngón tay, cần chú ý vì tiếp xúc nhiều với nước và hoạt động cầm nắm. Trước khi dùng sản phẩm dưỡng ẩm, vệ sinh da tay đúng cách và lau khô bằng khăn mềm. Thoa một lớp mỏng nhẹ để da hấp thụ tốt, có thể thoa nhiều lần trong ngày.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp với tình trạng bệnh. Không nên mua kem dưỡng ẩm tự ý sử dụng, vì sử dụng sản phẩm không phù hợp có thể gây kích ứng và làm tăng nghiêm trọng vấn đề.

Ngoài việc dưỡng ẩm da, bác sĩ có thể kê đơn thuốc Tây dùng qua đường uống hoặc tại chỗ để giảm triệu chứng ngứa và ngăn ngừa viêm nhiễm như: Thuốc có chứa Hydrocortisone, thuốc kháng Histamin, Corticosteroids, thuốc sát trùng hay kháng sinh điều trị tại chỗ.

Chữa chàm khô đầu ngón tay theo Đông y

Để đạt hiệu quả điều trị bệnh chàm khô, Đông y sử dụng các loại thảo dược tự nhiên và điều chỉnh chúng theo tỷ lệ chuẩn để loại bỏ nguyên nhân gốc rễ. Bài thuốc Đông y được sử dụng để làm dịu viêm nhiễm, loại trừ tà độc, cân bằng huyết khí, tăng cường chức năng tự phục hồi của cơ thể. Nhờ đó, các triệu chứng của bệnh chàm khô trên tay, chân và các khu vực da khác được giải quyết và ngăn ngừa tái phát.

Bạn có thể tham khảo thông tin về bài thuốc Thanh bì Dưỡng can thang, đây là một giải pháp đáng tin cậy trong việc điều trị các bệnh viêm da mãn tính bao gồm bệnh chàm khô đầu ngón tay.

benh-cham-kho-dau-ngon-tay-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-4.jpg
Bài thuốc Đông y giúp điều trị chàm khô đầu ngón tay

Chăm sóc và phòng ngừa bệnh chàm khô đầu ngón tay

Bệnh chàm khô đầu ngón tay dễ tái phát trở lại do đó rất quan trọng trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

Người mắc bệnh chàm khô đầu ngón tay cần bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh và làm mát cơ thể như rau xanh, các thực phẩm giàu giàu vitamin E, vitamin B, vitamin A, vitamin C, omega-3, các nguyên tố vi lượng và uống đủ nước.

Khi bị chàm khô trên tay, bạn nên tránh các thực phẩm có thể gây kích ứng da, làm tăng ngứa và bong tróc da như hải sản, thức ăn lạnh, có mùi tanh, giới hạn tiêu thụ tinh bột, chất béo và đường. Cần tránh uống rượu bia, hút thuốc lá và các chất kích thích khác.

Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý chăm sóc da tay như sau:

  • Vệ sinh da tay đúng cách, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng. Hạn chế rửa tay bằng nước nóng và tránh sử dụng các sản phẩm chứa chất tẩy mạnh.
  • Tránh tiếp xúc với bột giặt, thuốc tẩy hoặc nước rửa chén khi da tay đang bị chàm khô.
  • Dưỡng ẩm cho da tay và các vùng da lân cận để ngăn ngừa sự lan rộng của bệnh.
  • Uống đủ nước và bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh trong chế độ dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp duy trì độ ẩm tự nhiên cho da.
  • Bảo vệ da tay kỹ lưỡng khi ra ngoài, bất kể là trời nắng hay lạnh. Tuy nhiên, hạn chế sử dụng bao tay làm từ chất liệu da hoặc len.
  • Tránh gãi hoặc bóc vùng da đầu ngón tay bị chàm khô, vì điều này có thể làm tăng triệu chứng và làm nặng thêm tình trạng da.
benh-cham-kho-dau-ngon-tay-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-2.png
Tiếp xúc với chất tẩy rửa có thể gây chàm khô đầu ngón tay

Hi vọng những thông tin cụ thể về bệnh chàm khô đầu ngón tay đã giúp bạn biết cách phòng tránh cũng như chăm sóc vùng da ngón tay hiệu quả hơn. Khi buộc phải tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, bạn cần đeo găng tay bảo vệ để da vùng bàn tay, ngón tay không bị viêm nhiễm nhé.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm