Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh cúm mùa có nguy hiểm không? Phòng ngừa và điều trị như thế nào?

Ngày 15/07/2024
Kích thước chữ

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính xảy ra hàng năm và rất dễ lây lan. Cúm mùa có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi với nhiều mức độ khác nhau. Vậy cúm mùa có nguy hiểm không? Phòng ngừa và điều trị cúm mùa như thế nào?

Cúm mùa là một trong số những truyền nhiễm thường gặp nhất hiện nay. Bất cứ ai cũng có khả năng mắc cúm ít nhất một lần trong trong đời. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 650.000 người tử vong hàng năm liên quan đến cúm mùa.

Bệnh cúm mùa có khả năng lây lan rất nhanh, có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời. Mặc dù là bệnh lý phổ biến nhưng cúm mùa có nguy hiểm không vẫn là thắc mắc của rất nhiều người hiện nay. Hầu hết người bị cúm có thể kiểm soát triệu chứng tại nhà và phục hồi sức khỏe trong vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trường hợp biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vì thế, việc xem nhẹ cúm mùa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra những hệ lụy khôn lường.

Tìm hiểu chung về bệnh cúm mùa

Cúm mùa là bệnh gì?

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các chủng virus cúm Influenza gây ra. Virus gây bệnh cúm mùa có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành trong quá trình hô hấp thông qua giọt bắn nước bọt, dịch tiết mũi, họng khi hắt hơi, ho, khạc nhổ,...

Bệnh cúm mùa có nguy hiểm không? Phòng ngừa và điều trị như thế nào? 1
Cúm mùa lây lan rất nhanh từ người sang người qua đường hô hấp

Cúm mùa có thể tấn công bất cứ ai, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, người có hệ miễn dịch yếu, người béo phì, người có bệnh lý nền (tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim mạch, bệnh thận,...). Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị cúm mùa chiếm tới 30%. Đáng chú ý, cúm mùa lây lan rất nhanh nên dễ phát triển thành dịch trong cộng đồng. Độ tuổi, tình trạng sức khỏe, cách điều trị chính là những yếu tố hàng đầu quyết định việc cúm mùa có nguy hiểm không.

Bệnh cúm mùa thường bùng phát mạnh khi thời tiết chuyển mùa, thường gặp nhất vào mùa đông xuân. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng diễn ra quanh năm và tăng cao bất thường vào mùa hè trong những năm gần đây.

Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa

Virus cúm chính là tác nhân hàng đầu gây bệnh cúm mùa. Virus này tồn tại trong không khí và xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Virus cúm có rất nhiều chủng khác nhau và liên tục thay đổi tạo ra biến chủng mới mỗi năm. Trong đó, có 3 chủng virus cúm gây bệnh chủ yếu trên người gồm:

  • Virus cúm A H3N2 và H1N1: Đây là loại virus cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và biến đổi hàng năm.
  • Virus cúm B: Tương tự virus cúm A, virus cúm B có thể bùng phát theo mùa nhưng chúng thay đổi chậm hơn về đặc tính di truyền và kháng nguyên so với virus cúm A. Đặc biệt, virus cúm B chỉ gây bệnh trên người.
  • Virus cúm C: Đây cũng là tác nhân gây ra cúm mùa với triệu chứng nhẹ và ít biến chứng hơn so với 2 loại virus còn lại.
Bệnh cúm mùa có nguy hiểm không? Phòng ngừa và điều trị như thế nào? 2
Cúm mùa do các chủng virus cúm gây ra

Dấu hiệu nhận biết cúm mùa

Cúm mùa phổ biến nhưng rất nhiều người nhầm lẫn và tỏ ra lo lắng không biết cúm mùa có nguy hiểm không? Cúm mùa có thể gây ra các triệu chứng theo nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng ban đầu của cúm mùa rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh như sổ mũi, đau họng, hắt hơi,... Một số dấu hiệu nhận biết cúm mùa gồm:

  • Sốt cao;
  • Người ớn lạnh, đổ mồ hôi;
  • Ho khan;
  • Đau họng;
  • Đau đầu;
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi;
  • Người mệt mỏi;
  • Khó thở.

Bệnh cúm mùa có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp cúm mùa là lành tính nhưng đây vẫn là một trong những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm chúng ta không nên coi thường. Vậy bị bệnh cúm mùa có nguy hiểm không? Cúm mùa được đánh giá là nguy hiểm bởi một số chủng virus cúm có khả năng lây lan nhanh và thường xuyên biến đổi khiến việc phòng ngừa cúm rất khó khăn.

Hiện tại, bệnh cúm mùa vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, những người có đề kháng kém, trẻ em, người cao tuổi khi bị cúm sẽ có nguy cơ biến chứng cao, để lại nhiều di chứng nặng nề như viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí có thể gây tử vong ở những trẻ mắc bệnh mạn tính.

Các biện pháp phòng và điều trị bệnh cúm mùa

Bệnh cúm mùa chưa có phác đồ điều trị triệt để mà chủ yếu tìm cách giảm nhẹ triệu chứng giúp người bệnh thoải mái và dễ chịu hơn. Đầu tiên, người bệnh cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và uống nhiều nước, đồng thời bổ sung dinh dưỡng khoa học để nâng cao hệ miễn dịch, nhanh hồi phục.

Người bệnh có thể sử dụng thêm các loại thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc nhỏ mũi, thuốc xịt mũi, thuốc xịt họng,... nhằm cải thiện triệu chứng sốt, ho, đau họng, sổ mũi,... Trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng virus nhằm giảm mức độ triệu chứng, rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và ngăn ngừa các biến chứng do cúm tiến triển.

Bệnh cúm mùa có nguy hiểm không? Phòng ngừa và điều trị như thế nào? 3
Tiêm vắc xin cúm hàng năm là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất

Cúm mùa xảy ra quanh năm và dễ lây lan, vì thế thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng. Để phòng bệnh cúm mùa, tất cả mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Tiêm vắc xin cúm mùa: Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Vắc xin cúm mùa có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Tuy nhiên, cần tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần để duy trì hiệu quả bảo vệ tối ưu.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đồng thời, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, đảm bảo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ.
  • Nâng cao sức đề kháng: Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, uống đủ nước kết hợp tập luyện thể thao phù hợp với thể trạng.
  • Phòng lây nhiễm từ cộng đồng: Thường xuyên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, che miệng khi hắt hơi và hạn chế tiếp xúc với những người bị cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.

Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh cúm mùa và các biện pháp phòng ngừa. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp thắc mắc cúm mùa có nguy hiểm không, đồng thời có thêm kiến thức để chủ động phòng ngừa và xử trí đúng cách khi bị cúm mùa.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin