Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh da vảy cá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Ngày 18/01/2023
Kích thước chữ

Bệnh da vảy cá là một bệnh khá phổ biến trong thực tế. Tình trạng này không chỉ gây đau đớn mất thẩm mỹ cho người mắc phải, mà còn khiến họ mất đi sự tự tin khi giao tiếp hằng ngày. Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh da vảy cá qua bài viết dưới đây!

Bệnh da vảy cá làm khô và bong tróc da với nhiều mức độ khác nhau, tuy nhiên ở mức độ nào thì cũng đều gây khó chịu cho người bệnh. Ở bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu bệnh da vảy cá là gì, đồng thời làm rõ nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh.

Bệnh da vảy cá là gì?

Bệnh da vảy cá có tên khoa học là Ichthyosis Vulgaris. Da vảy cá là tình trạng các tế bào da chết tích tụ thành mảng hoặc thành miếng dày và khô như những chiếc vảy cá nằm trên bề mặt da.

Bệnh da vảy cá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị 1 Bệnh da vảy cá là gì?

Thông thường, các tế bào da sau khi kết thúc chu kỳ sẽ bong ra và làm lộ lớp tế bào da mới thay thế ở bên dưới. Tuy nhiên, không phải lúc nào chu kỳ này đều diễn ra suôn sẻ. Ở đa số các trường hợp, các tế bào chết không tự bong mà dính lại trên da tạo các mảng khô và dày, điển hình trong bệnh da vảy cá.

Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 0 – 7 tuổi, thậm chí có một vài trường hợp bệnh xuất hiện ngay sau khi trẻ sinh ra. Hầu hết da vảy cá đều có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên bệnh cũng có thể tiến triển nặng gây ra tình trạng nứt và đau. Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh da vảy cá

Nhìn chung, bệnh da vảy cá không phải là bệnh quá nghiêm trọng và thường biến mất dần trong quá trình phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh có thể quay trở lại khi ở tuổi trưởng thành. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến bệnh da vảy cá:

  • Di truyền: Chỉ cần bố hoặc mẹ mang gen gây bệnh da vảy cá thì hoàn toàn có khả năng di truyền cho thế hệ sau. Đây là một trong những bệnh di truyền về da phổ biến nhất trong cộng đồng.
  • Do dùng thuốc: Nếu sử dụng thuốc đặc trị các bệnh về da không đúng chỉ định và liều lượng có thể dẫn đến bệnh da vảy cá.
  • Do suy giảm hệ miễn dịch: Bệnh da vảy cá có thể gặp ở những những người bị HIV/AIDS hoặc các tình trạng bệnh khác như ung thư, suy thận, tuyến giáp…
  • Do tổn thương dị ứng: Da vảy cá có thể xuất hiện kèm theo các bệnh lý da khác như viêm giác mạc, viêm da dị ứng…
Bệnh da vảy cá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị 2 Bệnh da vảy cá có nguyên nhân chủ yếu là do di truyền

Triệu chứng của bệnh da vảy cá

Các triệu chứng của bệnh da vảy cá bao gồm:

  • Phần da bị khó chịu, căng và khô cứng.
  • Lớp da đóng vảy màu xám trắng hoặc màu nâu, có thể bị bong tróc.
  • Lớp da bị dày lên, có cảm giác tê cứng.
  • Ở những bệnh nhân có tình trạng nặng, lớp da hình thành các vết nứt sâu gây đau đớn cho người mắc phải. Khi đó, cần phải điều trị kịp thời và dứt điểm để không xảy ra các biến chứng ngoài ý muốn.

Chẩn đoán bệnh da vảy cá

Để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất, bác sĩ có thể hỏi người bệnh một số câu hỏi dưới đây:

  • Có ai trong gia đình bạn có tình trạng da vảy cá tương tự hay không?
  • Tình trạng da đóng vảy cá xuất hiện lần đầu vào năm bạn bao nhiêu tuổi?
  • Bạn có đang gặp tình trạng da liễu nào khác hay không?
  • Bạn có đang mắc phải tình trạng bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe nào khác hay không?
  • Những loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng hiện tại là gì?

Tuy nhiên, đôi khi biểu hiện của bệnh da vảy cá lại trông giống như một bệnh lý về da khác. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành làm sinh thiết da để có thể loại trừ các bệnh lý về da tương tự, ví dụ như bệnh vảy nến.

Khi thực hiện sinh thiết da, bác sĩ lấy một phần nhỏ của da bị bệnh để quan sát và kiểm tra dưới kính hiển vi. Quá trình lấy mẫu sinh thiết diễn ra nhanh chóng và tương đối dễ dàng chỉ trong một lần khám.

Bệnh da vảy cá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị 3 Sinh thiết da là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh da vảy cá có tính chính xác cao

Các phương pháp chữa trị bệnh da vảy cá

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh da vảy cá. Người ta chỉ điều trị nhằm giảm các triệu chứng nặng của bệnh, đồng thời ngăn cho bệnh không tiến triển nặng thêm.

Các biện pháp chữa da vảy cá tại nhà

Tắm rửa thường xuyên là một việc làm rất cần thiết. Việc ngâm nước sẽ giúp hydrat hóa làn da và làm mềm phần da khô đóng vảy. Trong trường hợp có vết loét trên da, nên bôi một ít sáp dầu lên vết loét trước khi tắm. Điều này giúp giảm bớt sự kích ứng của nước lên vùng bị tổn thương.

Nếu có thể, nên tắm bằng nước muối biển, điều này vừa làm mềm da, vừa sát khuẩn cho da.

Tẩy tế bào chết cho da bằng đá bọt hoặc miếng bọt biển sẽ giúp loại bỏ phần da thừa. Ngoài ra có thể kết hợp với các sản phẩm có chứa axit lactic, axit salicylic giúp giảm kích thước vùng da đóng vảy cá.

Nên bôi kem dưỡng ẩm cho da ngay sau khi tắm, điều này sẽ giúp da giữ được độ ẩm tốt hơn. Sử dụng các sản phẩm chứa các thành phần như ure, lanolin, axit salicylic, axit alpha hydroxy. Đối với vết nứt sâu trên da cần phải bôi sáp dầu.

Bệnh da vảy cá là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị 4 Sử dụng kem dưỡng ẩm giúp hạn chế tình trạng da đóng vảy cá

Chữa trị bằng các sản phẩm đặc trị

Nếu bệnh da vảy cá có tiến triển nặng, tốt nhất nên đi khám da liễu. Bác sĩ sẽ kê đơn bao gồm các loại kem và thuốc mỡ nhằm điều trị tại chỗ, đồng thời giảm các triệu chứng của viêm da. Chủ yếu các sản phẩm có chứa axit lactic hoặc axit alpha hydroxy để làm mềm da, kháng khuẩn cũng như giảm ngứa tại chỗ.

Một hoạt chất khác có thể sử dụng để ngăn ngừa tình trạng da vảy cá đó là retinoid. Chất này có tác dụng làm chậm quá trình sản xuất các tế bào da của cơ thể. Hiện nay, một số retinoid đường uống được sử dụng bao gồm Acitretin, Isotretinoin. Nếu tình trạng quá nặng, bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc uống chứa kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm trùng máu.

Tuy nhiên, những thuốc đường uống thường gây các tác dụng phụ, bao gồm làm suy yếu xương, làm suy giảm chức năng dạ dày. Do vậy, người bệnh cần được thăm khám và được xác định tình trạng bệnh bởi bác sĩ chuyên khoa, từ đó mới định hướng được cách điều trị và xem xét có nhất thiết phải uống thuốc hay không.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn tìm hiểu về bệnh da vảy cá, đồng thời đưa ra các phương hướng giúp chữa trị bệnh này một cách kịp thời nhất. Chúc bạn đọc nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec, Medlatec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin