Bệnh lao hồi manh tràng là gì? Điều trị lao hồi manh tràng như thế nào?
Ngày 11/09/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Lao là một loại bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh lao hồi manh tràng thuộc nhóm lao đường tiêu hóa và có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh lao ruột thường xuất hiện ở người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là từ 30 đến 55 tuổi. Thêm vào đó, người bị lao ruột có nguy cơ cao mắc lao ở các cơ quan khác như lao phổi, lao thận và ít gặp hơn là lao đường tiết niệu.
Bệnh lao hồi manh tràng là một trong những dạng lao ngoài phổi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là khu vực hồi manh tràng, nơi nối giữa ruột non và ruột già. Lao hồi manh tràng không chỉ gây ra những triệu chứng tiêu hóa đặc trưng mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Manh tràng là gì?
Manh tràng (hay còn gọi là van hồi) là một bộ phận của đại tràng, nằm ở ngã ba giữa ruột non và ruột già. Đây là đoạn ngắn nhất, dài khoảng 6cm, kết nối với hồi tràng của ruột non. Vai trò của manh tràng bao gồm:
Ngăn sự trào ngược các chất giữa ruột non và ruột già.
Lưu trữ tạm thời thức ăn, hấp thụ nước và loại bỏ chất độc.
Vi sinh vật trong manh tràng biến đổi chất đơn giản thành vitamin B, K,... cần thiết cho cơ thể.
Bệnh lao hồi manh tràng là gì?
Bệnh lao hồi manh tràng là một dạng bệnh lao ruột, xảy ra khi vi khuẩn lao gây tổn thương ở phần manh tràng và hồi tràng của ruột non. Đây là một thể bệnh lao ngoài phổi và thường xuất hiện thứ phát sau khi đã mắc lao ở các bộ phận khác. Bệnh có thể gặp ở cả hai giới và mọi lứa tuổi với tỷ lệ ngang nhau. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm so với trước đây nhưng hiện tại lao ống tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Lao ruột có thể xảy ra theo hai nguyên nhân chính:
Lao ruột nguyên phát: Đây là dạng ít gặp, xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, chủ yếu qua sữa bò tươi hoặc các chế phẩm từ sữa có nhiễm vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao có thể khu trú ngay ở ruột trước khi lan sang các cơ quan khác.
Lao ruột thứ phát: Thường xảy ra sau khi bệnh nhân đã mắc lao phổi, lao họng hầu, lao thực quản hoặc lao màng bụng.
Hiện nay, khoảng 20% bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường bị lao ruột cùng với lao phổi tiến triển. Khoảng 25% bệnh nhân lao phổi cũng có lao ống tiêu hóa.
Bệnh lao hồi manh tràng là vị trí thường gặp nhất trong lao ruột vì vùng này dễ bị ứ trệ. Đây là nơi có hoạt động trao đổi nước và điện giải mạnh nên có sự hấp thu mạnh, làm cho xuất hiện nhiều tế bào lympho nhất.
Điều trị lao hồi manh tràng
Việc điều trị lao hồi manh tràng chủ yếu là nội khoa, tương tự như điều trị các dạng lao khác như lao màng bụng và lao phổi. Điều trị nội khoa bao gồm:
Dùng thuốc kháng lao: Phương pháp điều trị bao gồm hai giai đoạn tấn công và củng cố, thường kéo dài ít nhất 6 tháng. Trước đây, liệu trình có thể kéo dài từ 8-12 tháng nhưng hiện nay, các phác đồ 6 tháng đã cho thấy hiệu quả tương đương với điều trị chuẩn 12 tháng. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy tổn thương ruột tắc nghẽn có thể được điều trị thành công bằng thuốc kháng lao mà không cần phẫu thuật.
Chế độ ăn uống: Cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất, dinh dưỡng, đặc biệt là đạm và vitamin đồng thời hạn chế thức ăn dạng bột.
Điều trị phẫu thuật được xem xét khi có biến chứng như tắc nghẽn, thủng hoặc xuất huyết ồ ạt không đáp ứng với điều trị cổ điển.
Thắt hẹp ruột: Được xử lý bằng phẫu thuật cắt đoạn ruột hẹp hoặc cắt bỏ đoạn ruột bị tắc.
Thủng ruột: Cần phẫu thuật cắt bỏ và khâu nối thay vì chỉ khâu lỗ thủng để tránh rò tiêu hóa.
Phẫu thuật bắc cầu: Các phương pháp như nối ruột hoặc mở thông ruột hồi - kết tràng không được khuyến khích cho tắc nghẽn vì có thể dẫn đến vòng mù, tắc nghẽn và rò rỉ, làm giảm hiệu quả hấp thu,...
Tại Việt Nam, chương trình Phòng chống Lao quốc gia đang được triển khai. Bệnh nhân lao hồi manh tràng và bệnh lao tổng quát nên điều trị tại các bệnh viện hoặc trung tâm y tế chuyên sâu về lao. Điều này không chỉ hỗ trợ công tác quản lý bệnh lao mà còn đảm bảo bệnh nhân nhận được các dịch vụ từ chương trình.
Để phòng ngừa lao ruột, cần duy trì vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt, tránh sử dụng sữa bò tươi chưa tiệt trùng và theo dõi tình trạng miễn dịch nếu sử dụng thuốc như corticoid. Khi có dấu hiệu bệnh, cần khám và điều trị kịp thời để tránh bệnh tiến triển nặng, đảm bảo sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Bài viết trên đã chia sẻ thông tin về bệnh lao hồi manh tràng. Để giảm thiểu nguy cơ và nâng cao hiệu quả điều trị, việc nhận thức và phát hiện sớm là rất cần thiết. Qua đó, không chỉ giúp kiểm soát tốt hơn bệnh mà còn góp phần vào việc cải thiện toàn diện sức khỏe cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.