Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh sởi ở người lớn và những điều cần lưu ý

Ngày 10/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng và có nguy cơ cao về biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mặc dù bệnh sởi ở trẻ em thường được quan tâm hơn, nhưng bệnh sởi ở người lớn cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nguy hiểm của bệnh sởi ở người lớn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và độ tuổi của bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin và các lưu ý cần biết về bệnh sởi ở người lớn. Mời bạn đọc theo dõi!

Bệnh sởi là gì?

Virus sởi là một loại virus ARN thuộc chi Morbillillin trong họ Paramyxoviridae, chỉ có thể lây nhiễm từ con người sang con người. Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm cao nhất và có thể lan rộng trong cộng đồng, dễ dàng bùng phát thành dịch. Theo thông tin của UNICEF, virus sởi gây ra nguy hiểm hơn cả Ebola, bệnh lao hay cúm.

Virus sởi có thể lây lan nếu người nhiễm tiếp xúc với bề mặt hoặc vật chứa virus, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của mình hoặc ăn uống mà chưa rửa tay. Virus cũng có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt trong khoảng 2 giờ, chờ đợi để xâm nhập vào đường hô hấp của người khác.

Dấu hiệu nhận biết bạn đã mắc bệnh sởi

Sởi là một bệnh lây nhiễm phổ biến, nhưng đa số người lớn đã có miễn dịch với bệnh từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có một số người lớn chưa có miễn dịch vẫn có thể mắc sởi. Khi nhiễm bệnh, thời gian ủ bệnh thường từ 7 - 21 ngày, trung bình khoảng 10 ngày, trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện.

Các triệu chứng của sởi bao gồm:

  • Bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, chán ăn và đau đầu. 
  • Bệnh cũng gây viêm đường hô hấp trên, với các triệu chứng như ho khan, ngạt mũi và sổ mũi chảy nước mũi. 
  • Mắt của người bệnh sẽ đỏ, cộm và chảy nước mắt, họ cũng sẽ sợ ánh sáng và có thể mi mắt sưng.
  • Ngoài ra, trên bề mặt niêm mạc của miệng (phía trong miệng, ngang răng hàm trên) có thể thấy các hạt nhỏ màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi lên, có kích thước khoảng 0,5 - 1 mm.
  • Sau một vài ngày sau khi sốt cao, một phát ban hồng xuất hiện trên da, bắt đầu từ sau tai, sau gáy, trán và mặt, sau đó lan đến thân và tứ chi, bao gồm lòng bàn tay, gan bàn chân. Khi toàn bộ phát ban xuất hiện, thân nhiệt sẽ giảm dần.
Bệnh sởi ở người lớn và những điều cần lưu ý  1
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở người lớn

Bệnh sởi ở người lớn có biến chứng nguy hiểm không? 

Sởi ở người lớn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm viêm phổi, suy hô hấp, động kinh, viêm não và ảnh hưởng đến trí tuệ. Khoảng 15% người trưởng thành bị biến chứng sởi có thể tử vong do can thiệp muộn hoặc can thiệp không hiệu quả. Biến chứng sởi thường xảy ra ở những người sức khỏe yếu, bị bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc làm giảm miễn dịch.

Một điều đáng lo ngại khi mắc bệnh sởi ở người lớn là các di chứng khó nhận biết để phòng ngừa kịp thời. Có trường hợp bệnh nhân cho rằng họ đã hồi phục sau khi khỏi sốt và ban đỏ, tuy nhiên, các triệu chứng sốt kéo dài có thể tái phát bất cứ lúc nào và khi đó nguy cơ mắc viêm màng não rất cao.

Phụ nữ mang thai cũng là nhóm người nguy hiểm, vì họ có nguy cơ bị biến chứng cao khi mắc phải virus sởi. Nếu thai phụ mắc bệnh trong những tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ biến chứng thai gặp phải như sảy thai, đẻ non, thai chết lưu, dị tật thai nhi, thai nhiễm sởi tiên phát, trẻ bị nhẹ cân và nhiều nguy cơ khác. Theo một thống kê khoa học, nếu thai phụ mắc bệnh sởi trong tháng đầu tiên, tỉ lệ dị tật bẩm sinh lên tới 50%. Nếu mắc bệnh ở tháng thứ hai, tỉ lệ dị tật là 22%, và tháng thứ ba có tỉ lệ thấp hơn chỉ khoảng 6%. Do đó, phụ nữ mang thai nên hoàn thành mũi tiêm phòng sởi trước khi mang thai và tăng cường sức đề kháng để phòng ngừa bệnh.

Bệnh sởi ở người lớn và những điều cần lưu ý  2
Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có thể gây dị tật thai nhi

Điều trị và chăm sóc bệnh sởi ở người lớn

Sởi có thể được điều trị khá dễ dàng ở người lớn, tuy nhiên cần chú ý đến việc điều trị các triệu chứng cùng với việc chăm sóc người bệnh để ngăn ngừa các biến chứng: 

  • Để giảm sốt nhanh chóng, người bệnh sởi có thể được dùng thuốc hạ sốt như Paracetamol, không nên chườm lạnh để hạ nhiệt.
  • Bệnh nhân cũng cần được chăm sóc vệ sinh da tốt tại nhà và chăm sóc răng miệng thường xuyên để giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác.
  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi ở nơi thông thoáng, tránh gió và ánh sáng.. Người chăm sóc phải đeo găng tay và khẩu trang mỗi khi tiếp xúc. 
  • Để đảm bảo sức khỏe và phục hồi sau bệnh, bệnh nhân sởi cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A. Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung đầy đủ vitamin A trong quá trình điều trị có thể giảm 50% tỷ lệ tử vong do bệnh và ngăn ngừa các biến chứng cho mắt.
  • Ngoài việc uống thuốc, bệnh nhân cũng cần bổ sung nhiều nước, ví dụ như nước lọc, nước ép rau quả (cà rốt, dưa đỏ, xoài, đu đủ, đào, cà chua…) để giúp cơ thể hồi phục.

Nếu tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân cần được chăm sóc y tế dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Bệnh sởi ở người lớn và những điều cần lưu ý  3
Vitamin A tăng sức đề kháng cho người mắc bệnh sởi

Phòng ngừa bệnh sởi ở người lớn

Để phòng ngừa bệnh sởi bạn cần thực hiện một số biện pháp sau:

  • Luôn đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người hoặc trong môi trường có nhiều vi khuẩn gây bệnh như bệnh viện. 
  • Thường xuyên rửa tay bằng thuốc sát trùng sau khi tiếp xúc với những người bệnh sởi hoặc đến những nơi đông người. 
  • Luôn giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ cũng rất quan trọng.
  • Tiêm phòng: Các chuyên gia khuyến khích tiêm phòng sởi để phòng ngừa bệnh sởi ở người lớn. Tất cả những người chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi đều có nguy cơ mắc bệnh sởi, kể cả trẻ em dưới 9 tháng tuổi. Tiêm phòng vắc xin sởi là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh, với hiệu quả bảo vệ lên đến 95% sau khi tiêm hai mũi. Người đã từng bị bệnh sởi hoặc được tiêm phòng sởi sẽ ít khi mắc lại bệnh.

Bài viết trên hy vọng đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và giải đáp thắc mắc  cho bạn đọc về bệnh sởi ở người lớn. Đừng chủ quan với tình trạng bệnh sởi, bạn nên đến trung tâm y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời khi gặp các dấu hiệu bất thường của bệnh sởi.

Xem thêm: 

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm