Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Takotsubo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa trị hiệu quả

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Những người mắc bệnh Takotsubo có thể phục hồi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh sẽ không bị tổn thương cơ tim vĩnh viễn và nguy cơ tái phát bệnh khá thấp.

Tình trạng đau thắt ngực đột ngột là một trong các nguyên nhân chính gây ra bệnh Takotsubo. Bệnh này còn được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ. Đây là bệnh lý ở tim mạch đã được phát hiện trong thời gian gần đây. Vậy nguyên nhân nào đã gây ra bệnh này? Những cách nào để chẩn đoán bệnh này? Mời bạn đọc theo dõi thông tin chi tiết qua bài viết dưới đây.

Thông tin tổng quan về căn bệnh Takotsubo

Bệnh Takotsubo (hội chứng trái tim tan vỡ) là bệnh tim mạch lần đầu tiên được công bố ở Nhật Bản vào năm 1990. Khi mắc phải, bệnh sẽ xuất hiện các cơn căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần làm thể tích của thất trái trở nên lớn hơn. Điều này sẽ gây tình trạng giảm sức bơm máu ở vùng này. Đây là vùng có chức năng bơm máu để di chuyển đi nuôi cơ thể của tim.

Bệnh Takotsubo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa trị hiệu quả 1
Bệnh Takotsubo còn được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ

Vậy vì sao bệnh này được gọi là bệnh Takotsubo? Đây là do khi xuất hiện các bất thường, tim có hình cổ hẹp và đáy tròn giống với bình gốm Takotsubo mà ngư dân người Nhật thường sử dụng để bẫy bạch tuộc. Một số nghiên cứu đã cho thấy bệnh này có các triệu chứng đau tức ngực đột ngột nên dễ nhầm với cơn đau thắt ngực không ổn định ở hội chứng vành cấp. Tuy nhiên, điều khác biệt là bệnh này hoàn toàn có thể hồi phục mà không làm tổn thương đến cơ tim hoặc mạch máu.

Hội chứng trái tim tan vỡ thường gặp ở phụ nữ và có thể chiếm khoảng 90% tổng số ca bệnh. Phụ nữ có độ tuổi dao động từ 58 - 75 tuổi có nguy cơ gặp phải hội chứng này nhiều hơn. Các nghiên cứu đã thống kê được có khoảng 5% phụ nữ xuất hiện cơn đau thắt ngực ở tim là do hội chứng Takotsubo này.

Nguyên nhân gây ra hồi chứng Takotsubo là gì?

Hiện nay, hội chứng Takotsubo vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây nên. Tuy nhiên, có một giả thuyết chỉ ra bệnh này là do cơ thể bị stress làm tăng hormone adrenaline làm tế bào cơ tim hoặc mạch vàng xuất hiện bất thường. Từ đó, chức năng co bóp ở thất trái của tim bị ảnh hưởng. Đây là giả thuyết nhận được nhiều sự ủng hộ trong thời gian dài. 

Bệnh Takotsubo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa trị hiệu quả 2
Stress kéo dài có thể gây ra bệnh Takotsubo

Bên cạnh đó, bệnh này còn xuất phát từ các nguyên nhân khác gây ra căng thẳng về thể chất và tinh thần. Cụ thể như:

  • Cơn đau dữ dội ở cơ quan trong cơ thể: Đau đầu hoặc đau bụng.
  • Huyết áp bị giảm đột ngột.
  • Vấn đề bạo lực: Bạo lực gia đình và bạo lực học đường.
  • Các cú sốc tinh thần hoặc bị tổn thương tâm lý đột ngột.
  • Áp lực tinh thần: Phát biểu trước đám đông hoặc lo lắng khi tiếp xúc với môi trường mới.
  • Tai nạn giao thông.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh Takotsubo như:

  • Thiếu estrogen: Khoảng 90% phụ nữ mắc bệnh này đang ở trong giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Sử dụng chất kích thích hoặc rối loạn tâm thần: Điều này làm giảm tác dụng của dây thần kinh số X và tăng phản ứng hormon tủy thượng thận gây ra tình trạng tăng tiết adrenalin.
  • Di truyền: Thụ thể α- và β-adrenergic có tính nhạy cảm cao nên dễ có nguy cơ mắc bệnh Takotsubo.

Dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo bệnh Takotsubo

Hầu hết các triệu chứng của Takotsubo sẽ diễn ra trong thời gian ngắn sau các cơn căng thẳng và có các đặc điểm để nhận biết.

Bệnh Takotsubo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa trị hiệu quả 3
Nhận biết bệnh Takotsubo qua các dấu hiệu cơ bản

Những dấu hiệu cảnh báo bệnh Takotsubo điển hình như:

  • Trong người cảm thấy khó thở.
  • Xuất hiện cơn đau thắt ngực đột ngột, dữ dội và có cảm giác bị bóp nghẹt vào tim. Đây là triệu chứng phổ biến nhất.
  • Nhịp tim không đều hoặc nhịp tim đập nhanh bất thường.
  • Hạ huyết áp: Hoa mắt, chóng mặt và đầu đau buốt.
  • Ngất xỉu.

Tiên lượng và biến chứng phổ biến của Takotsubo

Bệnh Takotsubo được xem là loại bệnh có tiên lượng tốt nên khả năng hồi phục hoàn toàn đến khoảng 96%. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong của bệnh chỉ nằm ở mức 1 - 2%. Tuy nhiên, theo nghiên cứu đưa ra sẽ có hơn 11% bệnh nhân có khả năng tái phát bệnh sau 4 năm.

Dù tỷ lệ hồi phục bệnh này khá cao nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp các biến chứng như:

  • Phù phổi cấp;
  • Vỡ thất trái tim;
  • Suy tim;
  • Hình thành cục máu đông ở tâm thất trái;
  • Sốc tim;
  • Tử vong.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh Takotsubo hiệu quả

Hiện tại, để chẩn đoán bệnh này, bác sĩ cần phải nắm được tiền sử bệnh và đưa ra biện pháp chẩn đoán khác. 

  • Hỏi tiền bệnh sử: Đau ngực, khó thở khi cảm thấy căng thẳng,...
  • Điện tâm đồ: Có nhiều bất thường.
  • Chụp động mạch vành: Không tìm thấy tắc nghẽn mạch vành tim.
  • Siêu âm tim: Có hình ảnh của vùng mỏm và vùng giữa thất trái vô động hoặc có hiện tượng phình, giảm co bóp.
  • MRI tim ở các bệnh cảnh phức tạp.
  • Chụp buồng thất: Đánh giá kích thước và sức co bóp hiệu của buồng tim.
Bệnh Takotsubo: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chữa trị hiệu quả 4
Bác sĩ chẩn đoán Takotsubo qua tiền sử bệnh và các phương pháp hỗ trợ khác

Sau khi có được các kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể dựa trên các manh mối để chẩn đoán bệnh Takotsubo như sau:

  • Các triệu chứng của Takotsubo xuất hiện đột ngột sau sự kiện căng thẳng.
  • Điện tâm đồ cho thấy rõ hoạt động điện tim không bình thường và khác với các thay đổi được tìm thấy trong cơn đau tim.
  • Các động mạch vành nuôi tim không tắc nghẽn.
  • Tâm thất trái có dãn rộng hoặc co bóp bất thường.
  • Xét nghiệm men tim cao hơn bình thường và thấp hơn cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Hướng dẫn điều trị bệnh Takotsubo

Để điều trị bệnh này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và điều trị cấp tính hoặc điều trị lâu dài.

Điều trị bệnh Takotsubo cấp tính

Ở giai đoạn cấp tính, việc điều trị bệnh này tương tự với hội chứng vành cấp để cải thiện một số triệu chứng đi kèm là:

  • Tụt huyết áp: Ưu tiên dùng bóng đối xung để tăng huyết áp thay vì dùng thuốc vận mạch.
  • Tắc nghẽn đường ra thất trái: Sử dụng thuốc ức chế Beta giao cảm.

Điều trị và theo dõi bệnh Takotsubo lâu dài

Sau khi đã chữa khỏi bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh nhân để cân nhắc vấn đề sử dụng một số loại thuốc bổ sung như:

  • Bệnh lý của tim: Bác sĩ chỉ định dùng thuốc để ức chế men chuyển, ức chế thụ thể và chẹn beta giao cảm cho đến khi chức năng của thất trái hồi phục.
  • Phòng ngừa huyết khối: Chỉ định dùng các loại thuốc kháng kết tập tiểu cầu như Aspirin.

Hy vọng bài viết này của Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc các kiến thức bổ ích về bệnh Takotsubo. Bệnh này thường gặp chủ yếu ở nữ giới và có các triệu chứng tương tự hội chứng vành cấp. Do đó, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám nếu xuất hiện các đặc điểm đã kể trên.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm