Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh tan máu tự miễn là gì? Phân loại và nguyên nhân gây bệnh

Ngày 17/01/2024
Kích thước chữ

Bệnh tan máu tự miễn là một bệnh lý liên quan đến cơ chế miễn dịch của cơ thể, cụ thể là tuổi thọ của hồng cầu. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý huyết học này.

Bệnh tan máu tự miễn là căn bệnh về tuổi thọ của hồng cầu trong máu và có liên quan mật thiết đến cơ chế miễn dịch của cơ thể. Bệnh không chỉ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy phát hiện bệnh tan máu tự miễn sớm và tiến hành điều trị ngay mang tính quyết định trong việc phục hồi sau đó, bảo đảm sức khỏe.

Bệnh tan máu tự miễn là gì và cơ chế của bệnh?

Hồng cầu là một dạng tế bào máu có vai trò chính là vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan và mô trên toàn cơ thể. Bên cạnh đó, hồng cầu cũng nhận nhiệm vụ nhận lấy CO2 từ các mô và vận chuyển về lại phổi để thực hiện quá trình hô hấp. Đối với một cơ thể khỏe mạnh bình thường, hồng cầu sẽ có tuổi thọ từ 100 – 120 ngày sau khi hình thành từ tủy xương nhưng với trường hợp mắc bệnh tan máu tự miễn, thời gian tồn tại của hồng cầu ngắn lại và dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cơ thể.

Bệnh tan máu tự miễn là gì?

Bệnh tan máu tự miễn là bệnh lý được định nghĩa là một dạng thiếu máu do các kháng thể bất thường từ hệ thống miễn dịch chống lại các kháng nguyên có trên màng hồng cầu, từ đó làm giảm tuổi thọ của hồng cầu.

Bệnh tan máu tự miễn là gì? Phân loại và nguyên nhân gây bệnh 1
Bệnh tan máu tự miễn là tình trạng hệ miễn dịch tấn công và tiêu hủy hồng cầu, giảm tuổi thọ hồng cầu

Tình trạng tan máu tự miễn có thể diễn ra chậm hoặc nhanh tùy từng trường hợp cụ thể và dẫn đến nhiều nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh nếu không được phát hiện và tiến hành cấp cứu, chữa trị kịp thời. Những trường hợp mắc bệnh tan máu tự miễn, thời gian tồn tại của các tế bào hồng cầu là rất ngắn, thậm chí chỉ được 1 ngày.

Cơ chế của bệnh tan máu tự miễn

Với một cơ thể bình thường, các tế bào bạch cầu thường được gắn với tế bào hồng cầu để di chuyển đến khắp nơi trên cơ thể để thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn, vi rút, nấm,… gây hại. Tuy nhiên với những người bị bệnh tan máu tự miễn thì quá trình này diễn ra bất thường và gây nhiều tác động xấu đến khả năng miễn dịch của cơ thể.

Do một nguyên nhân nào đó mà hệ thống miễn dịch bị rối loạn và khi này, các tế bào bạch cầu sẽ nhận diện nhầm giữa hồng cầu và tác nhân gây bệnh, từ đó tự động kích hoạt chế độ tiêu diệt hồng cầu và khiến tuổi thọ của tế bào hồng cầu giảm mạnh. Đây chính là cơ chế của bệnh tan máu tự miễn.

Bệnh tan máu tự miễn là gì? Phân loại và nguyên nhân gây bệnh 2
Rối loạn bất thường ở hệ miễn dịch dẫn đến tan máu tự miễn

Phân loại bệnh tan máu tự miễn

Trong y khoa, bệnh tan máu tự miễn được hình thành khi cơ thể bắt đầu xuất hiện các kháng thể chống lại hồng cầu. Tùy theo mỗi nguyên nhân cụ thể khác nhau hoặc dựa trên cơ chế hoạt động của kháng thể mà bệnh có thể chia ra thành các loại sau:

  • Bệnh tan máu tự miễn lạnh do nhóm kháng thể chống lại tế bào hồng cầu tồn tại ở nhiệt độ khoảng 37oC và thường không có liên quan đến Agglutinin (lạnh) hoặc IgM. Các kháng thể khi này sẽ bắt đầu liên kết với tế bào hồng cầu khi máu tiếp xúc với nhiệt độ lạnh từ 0 – 40oC. Với trường hợp mắc bệnh tan máu tự miễn này, tỷ lệ bệnh nhân chỉ chiếm từ 10 – 20% trong tổng số các ca bệnh được phát hiện.
  • Tình trạng tan máu tự miễn lạnh do nhóm kháng thể chống lại hồng cầu có thể hoạt động được ở nhiệt độ phòng khoảng 37oC. Với nhóm bệnh tan máu tự miễn này có mối liên quan đến kháng thể IgG và thường gặp hơn, chiếm từ 80 – 90% tổng số ca bệnh.

Bên cạnh 2 nhóm tan máu tự miễn nêu trên còn có thể dựa trên nguyên nhân gây bệnh để phân loại thành nhiều dạng hơn. Các bác sĩ thường chia tan máu tự miễn thành 2 dạng là nguyên nhân thứ phát và nguyên nhân nguyên phát.

Nguyên nhân gây bệnh tan máu tự miễn

Những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh tan máu tự miễn gồm:

  • Trường hợp người bệnh có nhóm máu được truyền không tương thích với nhóm máu ban đầu trong cơ thể dẫn đến tan máu miễn dịch.
  • Xảy ra ở trẻ sơ sinh có nhóm máu khác với nhóm máu của mẹ, ví dụ như con mang nhóm máu A nhưng mẹ lại nhóm máu O hoặc con nhóm máu Rh(+) còn mẹ nhóm máu Rh(-).
  • Do người bệnh được truyền nhóm máu O nguy hiểm, có yếu tố anti-A hoặc anti-B bất thường trong máu.
  • Do quá trình hình thành các kháng thể bất thường trong máu khi tiến hành truyền máu không đồng nhóm phụ, không đồng hệ thống kháng nguyên bạch cầu, tiểu cầu hoặc hệ Rh.
  • Người bệnh tiếp xúc lâu ngày với hóa chất độc hại.
  • Bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống nhiễm trùng, thuốc bào chế có nguồn gốc động vật.
  • Trường hợp tế bào lympho T suy giảm chức năng bất thường khiến lympho B sản xuất ra kháng thể bất thường và dẫn đến bệnh tan máu tự miễn.
  • Một số loại vi rút có thể có khả năng tấn công mạnh mẽ vào hệ miễn dịch dẫn đến tình trạng rối loạn, tế bào lympho bị tổn thương nghiêm trọng và mất dần chức năng bảo vệ cơ thể, dẫn đến biến đổi bất thường sang tấn công hồng cầu.
Bệnh tan máu tự miễn là gì? Phân loại và nguyên nhân gây bệnh 3
Truyền máu không tương thích có thể dẫn đến tan máu tự miễn

Bệnh tan máu tự miễn có nguy hiểm không?

Tùy vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân để xác định tan máu tự miễn có nguy hiểm không. Tuy nhiên, đa số các ca bệnh tan máu tự miễn không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao vì bệnh diễn ra âm thầm với những triệu chứng đơn giản, dễ nhầm lẫn với bệnh lý thông thường nên đa số được phát hiện khi bệnh chuyển biến nặng hơn.

Bệnh nhân bị tan máu tự miễn cấp tính do truyền nhóm máu không phù hợp có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng với sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng nếu không được cấp cứu sớm. Những trường hợp bị bệnh tan máu tự miễn còn lại cũng có thể gây nhiều biến chứng lâu dài đối với sức khỏe nên nếu nghi ngờ bản thân bị tan máu tự miễn, bạn cần đến bệnh viện thăm khám ngay.

Bệnh tan máu tự miễn là gì? Phân loại và nguyên nhân gây bệnh 4
Bệnh nhân nghi bị tan máu tự miễn cần nhập viện sớm để tiến hành cấp cứu và chữa trị

Bệnh tan máu tự miễn có thể được điều trị bằng nhiều cách tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh, phổ biến nhất và dùng thuốc và phẫu thuật. Các bệnh nhân mắc bệnh cần nhập viện và tiến hành theo dõi thường xuyên, tránh trường hợp biến chứng xảy đến bất ngờ nhưng cấp cứu chậm trễ dẫn đến tử vong.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin