Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh viêm quầng (Erysipelas) là gì? Đối tượng thường mắc và cách phòng ngừa

Ngày 17/04/2024
Kích thước chữ

Bệnh Erysipelas hay còn gọi viêm quầng đây là một bệnh lý nhiễm trùng da do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy bạn cần phát hiện và điều trị, trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh viêm quầng.

Viêm quầng là một bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra, thường bắt đầu bằng một mảng da đỏ, sưng và đau. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, bao gồm nhiễm trùng máu, sốc, thậm chí tử vong. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết những thông tin về bệnh viêm quầng hay còn gọi là Erysipelas.

Bệnh viêm quầng (Erysipelas) là gì?

Viêm quầng, hay còn gọi là Erysipelas, là một bệnh lý nhiễm trùng da do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở mặt, chân hoặc cánh tay, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể. Viêm quàng thường bắt đầu với một mảng da đỏ, sưng tấy, nóng rát và đau nhức. Mảng da này có thể lan rộng nhanh chóng và có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, buồn nôn và nôn.

Bệnh Erysypelas là gì? 1
Erysipelas là một bệnh lý nhiễm trùng da do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra

Đối tượng mắc bệnh viêm quầng

Bệnh Erysipelas có thể mắc ở mọi đối tượng, tuy nhiên một số nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:

  • Trẻ em: Hệ miễn dịch của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện, do đó dễ bị vi khuẩn tấn công và gây nhiễm trùng. Trẻ em thường hiếu động, hay vui chơi ngoài trời, dễ bị trầy xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Người cao tuổi: Hệ miễn dịch của người cao tuổi suy yếu theo thời gian, khiến họ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả viêm quầng. Người cao tuổi thường có các bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, suy thận,... khiến họ dễ bị biến chứng do viêm quầng.
  • Người có hệ miễn dịch yếu: Những người có hệ miễn dịch yếu do các bệnh lý như ung thư, HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch,... có nguy cơ mắc viêm quầng cao hơn. Người nghiện rượu, sử dụng ma túy cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do hệ miễn dịch bị suy yếu.
  • Người có vết thương hở trên da: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào da qua các vết thương hở, do đó những người có vết thương hở trên da có nguy cơ mắc viêm quầng cao hơn. Vết thương hở do phẫu thuật, tai nạn, côn trùng đốt,... đều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Erysipelas xâm nhập.
  • Người có bệnh lý nền: Một số bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, suy thận,... có thể khiến da dễ bị tổn thương và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm quàng. Bệnh nhân tiểu đường thường có da khô, nứt nẻ, dễ bị tổn thương và nhiễm trùng. Bệnh nhân tim mạch thường có lưu lượng máu đến da kém, khiến da dễ bị tổn thương và nhiễm trùng.
Bệnh Erysypelas là gì? 2
Bệnh viêm quầng thường xảy ra hơn ở trẻ sơ sinh

Dấu hiệu bệnh viêm quầng

Vi khuẩn gây viêm quầng sau khi xâm nhập vào da sẽ trải qua một giai đoạn ủ bệnh, thường kéo dài từ 2 đến 5 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh không có bất kỳ biểu hiện bất thường nào.

Thời kỳ toàn phát có những dấu hiệu sau:

  • Bệnh nhân sẽ trải qua những triệu chứng rõ rệt hơn so với giai đoạn ủ bệnh. Sốt cao đột ngột, có thể lên tới 39-40 độ C, kèm theo rét run, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa. Ở những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính hoặc suy giảm hệ miễn dịch, các biểu hiện toàn thân thường nặng nề hơn, bao gồm sốt cao kéo dài, li bì, thậm chí hôn mê.
  • Ở những vùng da bị tổn thương và sưng đau, các hạch bạch huyết lân cận cũng sẽ sưng to và gây đau đớn. Khi tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn, kích thước của hạch có thể tăng lên đáng kể và gây ra cảm giác đau nhức dữ dội.
  • Trên da xuất hiện những mảng tổn thương đặc trưng của bệnh viêm quầng: Vùng da bị tổn thương nổi cao hơn so với vùng da lành xung quanh, khu vực tổn thương có màu đỏ tươi. Khi quan sát kỹ, ta có thể thấy tổn thương có hình dạng tương tự như vỏ quýt, với các múi da sần sùi. Ban đầu, bệnh thường biểu hiện bằng một nốt đỏ nhỏ, sau đó lan rộng dần ra xung quanh, tạo thành mảng da lớn hơn. Vùng da bị viêm thường trở nên cứng rắn và gây cảm giác đau nhức, đặc biệt khi ấn nhẹ.
  • Vị trí xuất hiện của tổn thương da do viêm quầng có thể thay đổi tùy theo từng độ tuổi. Bụng là vị trí phổ biến nhất ở trẻ em. Ngoài ra, có thể gặp ở các vị trí khác như lưng, hông, bẹn, mặt, tai, da đầu. Ở người lớn vị trí hay gặp là chân, tay ngoài ra có thể gặp ở các vị trí khác như mặt, lưng, bụng, ngực.

Phòng ngừa bệnh Erysipelas

Bệnh viêm quầng là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn, thường gặp ở mặt, cổ, tứ chi. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em có nguy cơ mắc cao hơn người lớn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Tuy nhiên, bệnh viêm quàng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp sau:

  • Giữ vệ sinh da: Vệ sinh da sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi ra ngoài. Sử dụng xà phòng diệt khuẩn để tắm rửa và rửa tay thường xuyên. Giữ cho da luôn khô ráo, thoáng mát. Tránh gãi, chà xát mạnh lên da, đặc biệt là khi có các vết thương hở.
  • Cắt móng tay, móng chân ngắn: Cắt móng tay, móng chân ngắn, gọn gàng. Tránh để móng tay, móng chân dài và nhọn gây xước da.
  • Chữa trị các vết thương hở: Xử lý các vết thương hở đúng cách, tránh để nhiễm trùng. Vệ sinh vết thương hở hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn. Bịt kín vết thương bằng băng gạc vô trùng. Nếu vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng tấy, nóng, đỏ, đau, chảy mủ,... cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng các nhóm chất. Uống đủ nước mỗi ngày, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, hạn chế căng thẳng, stress.
  • Một số lưu ý khác: Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm quầng. Sử dụng đồ dùng cá nhân riêng biệt, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
Bệnh Erysypelas là gì? 3
Vệ sinh vết thương ngoài da cho tới khi vết thương liền, tránh tạo các vết thương hở

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh viêm quàng như mảng da đỏ, sưng, sốt,... cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa trên, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm quầng.

Viêm quầng (Erysipelas) là một bệnh nhiễm trùng da nguy hiểm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và đi khám bác sĩ để được điều trị là vô cùng quan trọng. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin