Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bệnh vôi hóa van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị thay van nhân tạo

Ngày 24/08/2023
Kích thước chữ

Khi mảng canxi, khoáng cặn và mô mỡ trên bề mặt van tim đóng cặn gây tình trạng vôi hóa van tim. Bệnh có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh do sự tiến triển âm thầm. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu bệnh lý này nhé!

Hiện nay, vôi hóa van tim là bệnh lý tim mạch thường gặp và có xu hướng gia tăng. Nếu không được phát hiện và tiếp nhận điều trị kịp thời, mảng vôi hóa sẽ gây suy giảm chức năng đóng, mở của van tim. Đồng thời, các mảng bám khoáng cặn tại van tim có thể di chuyển vào hệ thống tuần hoàn của cơ thể, gây bít tắc mạch máu hoặc hình thành cục máu đông.

Thông tin về bệnh vôi hóa van tim

Bệnh vôi hóa van tim là một bệnh tim mạch khá phổ biến và nguy hiểm. Bệnh xuất phát từ sự tích tụ các mảng vữa (bản chất là canxi) cùng các mô mỡ, khoáng cặn dư thừa trên bề mặt van tim.

Các mảng bám tích tụ giới hạn khả năng hoạt động của van tim. Điều này dẫn đến giảm khả năng van mở và đóng, tác động đến tuần hoàn máu, từ đó gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch.

Bệnh vôi hóa van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị thay van nhân tạo 1
Vôi hóa van tim có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh

Nguyên nhân dẫn tới van tim bị vôi hóa

Sự hình thành vôi hóa van tim bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tác động tương tác làm giảm chức năng đóng, mở của van tim. Dưới đây là một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thường gặp, cụ thể:

  • Van tim bị lão hóa: Van tim là cơ quan làm việc không ngừng, chịu áp lực và ma sát liên tục. Khi tuổi tác gia tăng, van tim trở nên dễ bị tổn thương với các mảng vữa, chất béo tích tụ trên bề mặt van qua năm tháng.
  • Các bất thường van bẩm sinh: Những biến đổi gen làm cho cấu trúc van không bình thường, làm cho chúng dễ bị vôi hóa và cứng hơn theo thời gian.
  • Thuốc lá: Hút thuốc lá có thể góp phần vào sự hình thành mảng vữa trên van tim, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch.
  • Tiểu đường: Bệnh tiểu đường tác động xấu đến chức năng hệ thống động mạch, tạo điều kiện hình thành mảng vữa trên van tim.
  • Bệnh thận mạn: Vấn đề về thận tạo điều kiện cho sự tích tụ vữa trên van tim.
  • Rối loạn mỡ máu: Tăng cholesterol và triglyceride có thể góp phần vào tạo điều kiện cho sự tích tụ mảng vữa.
  • Xơ vữa động mạch: Phần lớn van tim vôi hóa do sự tắc nghẽn động mạch tại tim và các bộ phận khác trong cơ thể. Quá trình này tạo điều kiện cho sự tích tụ mảng vữa.
  • Tình trạng viêm nhiễm: Sự viêm nhiễm trên bề mặt van tim gây tổn thương, từ đó bắt đầu quá trình vôi hóa.
Bệnh vôi hóa van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị thay van nhân tạo 2
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý như vôi hóa van tim

Biểu hiện của vôi hóa van tim

Triệu chứng của bệnh vôi hóa van tim có thể biểu hiện từ cường độ nhẹ tới nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Đau ngực: Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh vôi hóa van tim là cảm giác đau ngực. Cơn đau có thể lan ra từ ngực trái lên cổ, xương sống và cả cánh tay trái. Đau ngực thường xuất hiện khi người bệnh hoạt động vật lý hoặc trong tình trạng căng thẳng, giảm đi khi nghỉ ngơi.
  • Khó thở: Cảm giác khó thở có thể xuất hiện cùng với cơn đau ngực. Khó thở do van tim bị vôi hóa, không mở hoặc đóng tốt. Người bệnh cảm thấy khó thở ngay cả trong các hoạt động nhẹ hay trong tình trạng nghỉ ngơi nếu tình trạng bệnh nặng.
  • Thường xuyên mệt mỏi: Bệnh vôi hóa van tim làm cho tim không thể bơm máu đủ để cung cấp cho nhu cầu của cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng mệt mỏi nhanh chóng, kể cả trong các hoạt động thường ngày.
  • Các triệu chứng khác: Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện biểu hiện khác như ho, tiểu đêm nhiều, buồn ngủ ban ngày…
Bệnh vôi hóa van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị thay van nhân tạo 3
Khó thở kèm đau ngực có thể là biểu hiện của bệnh vôi hóa van tim

Điều trị vôi hóa van tim

Bệnh vôi hóa van tim khiến cho chức năng của van tim bị suy giảm, gây ra các triệu chứng khó chịu, nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Hiện nay, các phương thức chữa trị bệnh tim mạch được tập trung phát triển và hoàn thiện. Trong đó, lựa chọn thay van tim nhân tạo vẫn là phương pháp được ưu tiên lựa chọn với bệnh nhân bị vôi hóa van tim mức độ nghiêm trọng. 

Kỹ thuật thay van tim sẽ giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh để lựa chọn loại van phù hợp với tình hình sức khỏe cũng như điều kiện của bệnh nhân. Hiện nay, có hai loại van được lựa chọn phổ biến, bao gồm:

  • Van cơ học: Loại van này thường được làm từ kim loại. Chúng có cơ chế mở và đóng tương tự như van tim bình thường. Tuy nhiên, chất liệu kim loại có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng thuốc chống đông máu trọn đời.
  • Van sinh học: Loại van này được làm từ mô động vật, thường là mô bò hoặc lợn. Chúng thường không cần sử dụng thuốc chống đông máu trọn đời nhưng có tuổi thọ ngắn hơn so với van cơ học.

Về phương pháp can thiệp phẫu thuật, có ba phương thức được lựa chọn, cụ thể:

  • Phẫu thuật mở: Thay van tim thông qua phẫu thuật mở xương ức. Đây là phương pháp truyền thống tương đối phức tạp, yêu cầu mở ngực để tiếp cận van tim, thay thế bằng van nhân tạo.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Thay van tim thông qua một vết mổ nhỏ bên ngực. Phương pháp này ít xâm lấn hơn giúp thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn hơn so với phẫu thuật mở.
  • Thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR): Đây là một lựa chọn ít xâm lấn hơn nhiều cho những bệnh nhân lớn tuổi hoặc có tình trạng sức khỏe yếu. Thay vì phẫu thuật mở, van được đưa vào vị trí thông qua ống thông chạy từ đùi hoặc cánh tay.

Điều trị vôi hóa van tim là một bước quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh ở giai đoạn vôi hóa nghiêm trọng. Lựa chọn loại van cùng phương pháp thay van phù hợp, dựa vào tình trạng và mong muốn của bệnh nhân, sẽ giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sau quá trình thay van tim, bệnh nhân sẽ cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp khám sức khỏe tổng thể, đánh giá chức năng tim mạch định kỳ để dự phòng biến chứng có thể xảy do van nhân tạo.

Bệnh vôi hóa van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị thay van nhân tạo 4
Thay van tim nhân tạo thường được chỉ định với bệnh nhân có van tim bị vôi hóa nặng

Hy vọng thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu sẽ gửi tới độc giả thông tin hữu ích về bệnh vôi hóa van tim, có được góc nhìn tổng quan về nguyên nhân gây bệnh, yếu tố nguy cơ, triệu chứng bệnh cũng như phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Hãy tiếp tục đón chờ những bài viết sắp tới với nhiều chủ đề đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.