Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki được thực hiện như thế nào?

Ngày 11/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thay van tim tự thân hay phẫu thuật sửa van tim là phương pháp được chỉ định điều trị trong các trường hợp hệ thống van tim bị tổn thương gây hở van, hẹp van hoặc cả hở và hẹp van, gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh. Vậy thay van tim tự thân là gì?

Thay van tim tự thân là một phương pháp điều trị mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân có van tim bị tổn thương nặng, gây ảnh hưởng đến chức năng của tim. Phương pháp này giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng, ngăn chặn tình trạng rối loạn nhịp tim và các biến chứng như suy tim, tai biến mạch máu não. Vậy kỹ thuật thay van tim tự thân được thực hiện như thế nào?

Hoạt động của hệ thống van tim

Trước khi tìm hiểu về phương pháp thay van tim tự thân, bạn đọc cũng nên hiểu rõ về cách thức hoạt động của hệ thống van tim. Theo đó, bình thường quả tim có 4 loại van tim, bao gồm:

  • Van 3 lá: Là van nằm giữa tâm thất phải và tâm nhĩ phải, có vai trò vận chuyển máu theo một chiều từ nhĩ phải xuống thất phải.
  • Van động mạch phổi: Gồm 3 van nhỏ có hình tổ chim nằm giữa động mạch phổi và tâm thất phải. Dòng máu từ thất phải di chuyển qua van động mạch phổi đi vào động mạch phổi và đưa máu lên phổi để trao đổi oxy.
  • Van 2 lá: Nằm giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái. Van này có vai trò vận chuyển máu theo một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái.
  • Van động mạch chủ: Là van nằm giữa động mạch chủ và tâm thất trái. Dòng máu sẽ di chuyển từ thất trái đi qua van động mạch chủ vào động mạch chủ để đưa máu đi nuôi toàn bộ cơ thể.

Các van tim đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hướng di chuyển theo một chiều nhất định của tuần hoàn máu, đồng thời kiểm soát dòng chảy của máu khi đi qua tim bằng cách đóng - mở van mỗi khi tâm thất và tâm nhĩ co bóp. Sự chênh lệch áp suất giữa các buồng tim giúp điều khiển chức năng đóng - mở của van tim.

Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki được thực hiện như thế nào? 1
Hệ thống van tim đóng vai trò quan trọng trong điều phối hướng đi của tuần hoàn máu

Các bệnh tim mạch thường gặp gồm có:

  • Hở van tim: Hở van động mạch chủ, hở van hai lá.
  • Hẹp van tim: Hẹp van động mạch chủ và hẹp van hai lá là thường gặp.
  • Hở và hẹp một hoặc nhiều van tim: Hở - hẹp van hai lá kèm theo hở - hẹp van động mạch chủ.

Khi van tim bị hẹp, máu sẽ không thể di chuyển qua van một cách dễ dàng, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn ở phía thượng nguồn và thiếu máu ở phía hạ nguồn, gây giãn các buồng tim và suy tim.

Khi van tim bị hở, máu không di chuyển xuôi theo một chiều nhất định mà sẽ chảy ngược một phần về phía thượng nguồn, làm tăng gánh nặng cho tim và lâu dài dẫn đến tình trạng giãn buồng tim, dày cơ tim hoặc suy tim.

Bệnh lý van 3 lá và van động mạch phổi sẽ ít gặp hơn so với bệnh lý van động mạch chủ và van 2 lá. Đồng thời, chỉ định phẫu thuật điều trị bệnh lý van 2 lá và van động mạch chủ phổ biến hơn. Ngoài ra, ở người bình thường, van động mạch phổi và van 3 lá có thể bị hở nhẹ trên hình ảnh siêu âm tim.

Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki được thực hiện như thế nào? 2
Các bệnh lý liên quan đến tổn thương van hai lá thường phổ biến hơn

Kỹ thuật thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki là gì?

Hiện nay, có 3 loại van được sử dụng để thay cho van tim bị tổn thương ở người bệnh là van tim sinh học, van tim cơ học và van tim tự thân. Bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào các yếu tố như tình trạng bệnh, tuổi tác, điều kiện theo dõi sau thay van của bệnh nhân cũng như điều kiện kinh tế để tư vấn loại van thay thế phù hợp với mỗi người bệnh.

Giáo sư Ozaki (người Nhật Bản) là người phát minh ra phương pháp sử dụng màng ngoài tim tự thân để tái tạo van động mạch chủ cách đây hơn 10 năm. Phương pháp này lấy màng ngoài tim của chính người bệnh để tái tạo thành van tim và khâu trực tiếp vào vòng van tự nhiên để hoạt động như van tim tự nhiên, từ đó dòng máu đi qua van tim ít bị cản trở hơn so với van sinh học hoặc van cơ học.

Kỹ thuật thay van tim tự thân này đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới và được coi là một bước tiến nhảy vọt, mang lại nhiều ưu điểm trong việc điều trị thay thế van tim bị tổn thương như:

  • Người bệnh không cần phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết khi thay thế bằng van tim nhân tạo.
  • Ở người trẻ, tỷ lệ không phải phẫu thuật lại sau 10 năm đối với van sinh học là 85%, còn nếu áp dụng kỹ thuật thay van tự thân Ozaki thì tỷ lệ đạt đến 95 - 98%.
  • Van tim được tái tạo từ chính một phần cơ thể người bệnh nên khả năng dung nạp của cơ thể sẽ tốt hơn, hạn chế sự thải ghép và kéo dài hạn sử dụng của lá van, thậm chí tồn tại gần như suốt đời với người bệnh.
  • Cấu trúc của van tim tự thân tương tự như van tim tự nhiên nên dòng máu đi qua van ít bị cản trở hơn so với van sinh học hoặc van cơ học.
  • Phương pháp này giúp người bệnh giảm được chi phí điều trị do không cần mua van tim nhân tạo và tái phẫu thuật nhiều lần.
  • Phương pháp này rất phù hợp với người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, người có vòng van tự nhiên nhỏ, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển hoặc người bệnh bị nhiễm trùng trong tim.

Thay van tim tự thân Ozaki là một kỹ thuật tiên tiến, cần được thực hiện bởi những chuyên gia có chuyên môn cao, tay nghề thành thạo và được đào tạo bài bản.

Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki được thực hiện như thế nào? 3
Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki có nhiều ưu điểm nổi trội

Cách thực hiện kỹ thuật thay van tim tự thân

Màng ngoài tim là lớp màng bao quanh quả tim. Trước khi tiếp cận với trái tim, chuyên viên phẫu thuật sẽ cắt một miếng màng ngoài tim có kích thước khoảng 7x8 cm. Sau đó, lớp màng này được đem đi xử lý bằng dung dịch đặc biệt có tác dụng làm cho màng ngoài tim trở nên cứng chắc hơn.

Sau khi lá van bị hư của bệnh nhân được cắt bỏ, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng một dụng cụ đo đặc biệt để đo khoảng cách giữa hai mép van. Sau đó, bác sĩ sẽ cắt màng tim của người bệnh theo kích thước tương ứng dựa theo bảng mẫu có sẵn và khâu lần lượt từng lá van mới vào vị trí lá van cũ của bệnh nhân.

Phương pháp Ozaki đã giúp bệnh nhân phẫu thuật bệnh van tim bớt đi nhiều ưu phiền. Bắt đầu từ năm 2007, phương pháp tạo hình van động mạch chủ bằng màng ngoài tim tự thân đã được bác sĩ Shigeyuki Ozaki triển khai tại bệnh viện Ohashi - Tokyo Nhật Bản. Đến năm 2011, tác giả Ozaki lần đầu tiên công bố kết quả phẫu thuật thành công trên 404 bệnh nhân. Đến năm 2015, Giáo sư Ozaki tiếp tục công bố kết quả thành công của phương pháp này với số lượng người bệnh nhiều hơn và triển khai kỹ thuật này ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Một số bệnh viện lớn ở Việt Nam đã học hỏi từ Giáo sư Ozaki và áp dụng thành công kỹ thuật ít xâm lấn và phương pháp Ozaki. Ở bệnh nhân có chỉ định thay van động mạch chủ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi nhằm lấy màng ngoài tim chỉ với vết mổ dài 6 cm. Van động mạch chủ được thay thế hoạt động như van tự nhiên, bệnh động mạch chủ được điều trị hiệu quả, giảm đau đớn cho bệnh nhân do không phải mổ mở toàn bộ phần xương ức như các phương kinh điển khác.

Thay van tim tự thân bằng phương pháp Ozaki được thực hiện như thế nào? 4
Thay van tim tự thân cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn. Về phương pháp thay van tim tự thân. Đồng thời mong rằng phương pháp điều trị Ozaki sẽ được triển khai rộng rãi hơn để giúp nhiều người bệnh được hưởng lợi ích từ kỹ thuật tiên tiến này.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm