Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bệnh võng mạc tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Ngày 10/01/2024
Kích thước chữ

Bệnh võng mạc tăng huyết áp hay còn gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp là bệnh lý về võng mạc xảy ra khi các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị tổn thương do tăng huyết áp. Trong bài viết này, Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị võng mạc tăng huyết áp.

Theo thống kê, có đến hơn 47% người Việt bị bệnh tăng huyết áp. Căn bệnh này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ở nhiều cơ quan khác như mạch máu, thận, tim, não… Bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc, gây là các bệnh được gọi chung là bệnh võng mạc tăng huyết áp.

Bệnh võng mạc tăng huyết áp là gì?

Võng mạc là lớp mô nằm sau nhãn cầu, là nơi tiếp nhận các tín hiệu ánh sáng. Bệnh võng mạc tăng huyết áp hay bệnh võng mạc do tăng huyết áp là những tổn hại ở võng mạc xảy ra bắt nguồn từ bệnh tăng huyết áp. Thật may, võng mạc là bộ phận duy nhất trên cơ thể con người cho phép quan sát hệ thống mạch máu. Từ đó, các nhà khoa học có thể dễ dàng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết áp.

Huyết áp quá cao khiến thành mạch máu của võng mạc bị dày lên và lòng mạch máu bị hẹp lại. Điều này làm giảm lượng máu nuôi đến võng mạc. Khi đó, thị lực người bệnh bị suy giảm và có những trường hợp xuất hiện phù nề võng mạc và nhiều vấn đề về thị lực khác.

Bệnh võng mạc tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Huyết áp tăng cao hoàn toàn có thể làm tổn thương mạch máu ở võng mạc

Bệnh võng mạc tăng huyết áp biểu hiện như thế nào?

Bệnh võng mạc tăng huyết áp khi mới xuất hiện thường không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến nặng hơn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như:

  • Mắt bệnh nhân như sưng hẳn lên, dễ nhận biết.
  • Cùng với đó là tình trạng giảm tầm nhìn, song thị kèm triệu chứng đau đầu và có thể bị đứt vỡ mạch máu.
  • Khi kiểm tra huyết áp thấy chỉ số huyết áp tăng cao liên tục.

Khi có 3 biểu hiện trên, người bệnh nên nghi ngờ đến bệnh võng mạc do tăng huyết áp và cần đi khám sớm. Ở giai đoạn mới khởi phát, bệnh có thể chưa ảnh hưởng đến thị lực nên người bệnh dễ bỏ qua. Nhưng ở giai đoạn sau, khi bệnh đã nặng và biến chứng nghiêm trọng ở võng mạc thì dễ phát hiện nhưng điều trị lại khó khăn vô cùng và khả năng phục hồi thấp.

Các cấp độ tổn thương võng mạc do tăng huyết áp

Các tổn thương võng mạc xảy ra do tăng huyết áp được phân chia thành các cấp độ khác nhau với các biểu hiện không giống nhau bao gồm:

Cấp độ

Biểu hiện

Cấp độ 1

Động mạch võng mạc bị thu hẹp nhẹ

Cấp độ 2

Giống cấp độ 1 nhưng có dị dạng động mạch do tình trạng co thắt mạch máu diễn ra nặng hơn.

Cấp độ 3

Giống cấp độ 2 nhưng thêm phù võng mạc, xuất huyết dạng bông, xuất huyết võng mạc, vi phình mạch.

Cấp độ 4

Giống cấp độ 3 nhưng nặng hơn với biểu hiện: Phù gai thị, phù hoàng điểm, sưng các dây thần kinh thị giác và nhiều vấn đề thị lực nghiêm trọng khác. Ở giai đoạn này, người mắc bệnh võng mạc tăng huyết áp có nguy cơ đột quỵ hay mắc các bệnh lý liên quan đến tim và thận cao và dễ phải đối mặt với các bệnh lý liên quan tới tim hoặc thận.

Đặc điểm bệnh võng mạc tăng huyết áp

Khi thăm khám ở những bệnh nhân mắc căn bệnh này, các bác sĩ phát hiện ra các đặc điểm như:

  • Tại một số khu vực hay toàn bộ võng mạc xảy ra hiện tượng co mạch, khiến động mạch trở nên cứng, thẳng, chia nhánh vuông góc nên hình ảnh của hệ mạch võng mạc rất thưa thớt.
  • Xuất hiện những dấu hiệu xơ cứng động mạch như ánh động mạch giống sợi dây bạc, sợi dây đồng. Đây là dấu hiệu của bệnh võng mạc tăng huyết áp trong giai đoạn đầu.
  • Khi có xơ cứng thành mạch xảy ra, động mạch sẽ đè tĩnh mạch và cản trở quá trình tuần hoàn.
  • Xuất hiện những xuất huyết nông hình ngọn nến ở dọc các sợi thần kinh quanh mạch máu lớn nằm gần đĩa thị. Các xuất huyết sâu hơn sẽ có hình chấm tròn ở khắp võng mạc.
  • Có những xuất tiết mềm là những đám màu trắng, nằm nông, che lấp các mạch máu. Cũng có khi bệnh nhân có những xuất tiết cứng là những đám màu vàng, nằm sâu thường xuất hiện ở cực sau. Chúng sắp xếp theo hình nan hoa, lan tỏa quanh hoàng điểm hoặc tập trung thành những đám thâm nhiễm lớn.
  • Bệnh nhân bị phù đĩa thị giác, đôi khi có xuất huyết trước đĩa thị giác.
Bệnh võng mạc tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Tật song thị hay nhìn đôi ở những người mắc bệnh võng mạc tăng huyết áp

Bệnh võng mạc tăng huyết áp gây biến chứng gì?

Bệnh võng mạc tăng huyết áp khiến người bệnh phải đối mặt với những nguy cơ như: Nhồi máu hắc mạc, phình mạch, bong võng mạc thanh dịch, liệt cơ vận nhãn, tắc tĩnh mạch hoặc động mạch trung tâm võng mạc.

Ngoài ra, các biểu hiện xơ cứng động mạch ở người bệnh không thể phục hồi. Biểu hiện co hẹp động mạch có thể phục hồi cũng có thể không. Xuất huyết có thể tan sau 3 - 4 tuần, xuất tiết mềm có thể tan sau 4 - 6 tuần, xuất tiết cứng có thể tan sau vài tháng. Nếu không điều chỉnh được huyết áp, phù đĩa thị sẽ dẫn đến teo đĩa thị giác.

Nếu người bệnh bị tăng huyết áp ác tính đột ngột gây giảm thị lực đột ngột cũng có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Theo kết quả nghiên cứu, bệnh nhân mắc bệnh võng mạc do tăng huyết áp dễ bị suy tim và đột quỵ hơn những người khác.

Điều trị bệnh võng mạc tăng huyết áp

Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Phương pháp điều trị bệnh chủ yếu nhắm đến mục tiêu điều trị bệnh tăng huyết áp. Khi huyết áp được điều chỉnh sẽ ngăn chặn tổn thương mới hình thành ở võng mạc. Người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc giãn mạch, bền mạch và được hướng dẫn thay đổi lối sống.

Các biến chứng do tắc tĩnh mạch võng mạc cũng được điều trị bằng laser. Bệnh nhân bị phù hoàng điểm có thể được tiêm thuốc khoang thủy tinh giảm phù nề. Nếu người bệnh bị mất thị lực đột ngột ở 1 mắt, hãy giảm áp lực cho mắt bằng massage và dùng thuốc hoặc dẫn lưu dịch ra ngoài.

Bệnh võng mạc tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Người bị tăng huyết áp cần khám mắt định kỳ

Bệnh tăng huyết áp không quá xa lạ ở nước ta. Biến chứng của tăng huyết áp lại vô cùng nguy hiểm và một trong số đó là bệnh võng mạc tăng huyết áp. Bệnh nhân bị tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp thường xuyên, điều trị đúng chỉ định của bác sĩ và khám mắt định kỳ. Việc này giúp phát hiện bệnh võng mạc do tăng huyết áp từ giai đoạn sớm, giảm nguy cơ biến chứng và giúp việc điều trị hiệu quả hơn. 

Xem thêm: 

Nguyên nhân gây tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

4 bệnh về mắt thường gặp mùa hè và cách phòng tránh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin