Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Biến chứng của bệnh tuyến giáp và cách phòng bệnh tuyến giáp hiệu quả

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, sản xuất và lưu trữ các hormon điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Hiện nay nhiều người gặp phải bệnh lý về tuyến giáp cùng các biến chứng của bệnh tuyến giáp khi không phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh tuyến giáp khi không được phát hiện, điều trị kịp thời hoặc phương pháp điều trị không đáp ứng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy biến chứng của bệnh tuyến giáp là gì?

Bệnh tuyến giáp là gì?

Trước khi tìm hiểu biến chứng của bệnh tuyến giáp thì hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin về bệnh tuyến giáp trước nhé!

Bệnh tuyến giáp là tình trạng hormone tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hơn bình thường. Khi hormone sản xuất quá ít dẫn tới tình trạng suy giáp còn ngược lại nếu hormone quá nhiều thì gây nên cường giáp. Bên cạnh đó thì cũng có một số bệnh tuyến giáp không liên quan đến hormone như ung thư tuyến giáp, bướu giáp...

Bệnh tuyến giáp thường bị ở phụ nữ nhiều hơn, tỷ lệ mắc bệnh cao nam giới gấp 5 - 8 lần. Bên cạnh đó thì có những yếu tố nguy cơ khác như tiền sử gia đình bị bệnh tuyến giáp, người bệnh có bệnh nền (tiểu đường, viêm khớp dạng thấp...), từng điều trị tuyến giáp hoặc ung thư...

Vậy có những dấu hiệu nào để giúp biết bệnh lý tuyến giáp? Một số dấu hiệu mà bạn cần chú ý:

  • Cân nặng thay đổi: Bệnh nhân có thể gặp tình trạng tăng cân khi bị suy giáp, hoặc giảm cân nếu bị cường giáp;
  • Tình trạng da khô hoặc phát ban, tóc dễ gãy rụng và móng tay giòn;
  • Nhạy cảm với nhiệt độ;
  • Mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ khiến ngủ không đủ giấc;
  • Tinh thần lo lắng, trầm cảm;
  • Mắt sưng đỏ hoặc chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Cổ hoặc họng có vấn đề như sưng, đau, khó nuốt hoặc khàn giọng;
  • Với bệnh nhân bị suy giáp có thể bị táo bón dai dẳng. Cường giáp thì bị tiêu chảy, phân lỏng hoặc hội chứng ruột kích thích;
  • Bệnh tuyến giáp kéo dài có thể gây rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ sảy thai, vô sinh;
  • Sa sút trí nhớ, khả năng tập trung giảm...;
  • Cơ, khớp thường đau hoặc hội chứng ống cổ tay.
Biến chứng của bệnh tuyến giáp và cách phòng bệnh tuyến giáp hiệu quả
Bệnh tuyến giáp có nhiều dấu hiệu cần chú ý

Các bệnh tuyến giáp khi không được điều trị kịp thời hay đúng cách thì gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy biến chứng của bệnh tuyến giáp là gì? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ở phần tiếp theo nhé!

Biến chứng của bệnh tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp thường phổ biến với tình trạng suy giáp và cường giáp. Ở bài viết này Nhà thuốc Long Châu sẽ đề cập đến các biến chứng sức khỏe của bệnh suy giáp và cường giáp nhé.

Biến chứng cường giáp

Cường giáp là tình trạng người bệnh tăng hormone tuyến giáp ở mức cao hơn bình thường, nồng độ FT4, FT3 tăng và TSH giảm. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng tim mạch: Nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, có thể gặp phải các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ.
  • Cơn bão giáp: Khi tình trạng hormone tăng quá cao, triệu chứng đột ngột trở nên nặng, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.
  • Lồi mắt ác tính: Trong bệnh Basedow, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng lồi mắt, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng, hay kèm theo tổn thương viêm kết mạc, giác mạc.
Biến chứng của bệnh tuyến giáp và cách phòng bệnh tuyến giáp hiệu quả
Biến chứng của bệnh tuyến giáp nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều đến người bệnh

Biến chứng suy giáp

Trái ngược với cường giáp thì suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone và suy giáp có thể gặp ở bất kì ai, tỷ lệ mắc cao hơn ở người cao tuổi. Vì vậy cần được điều trị và xử lý kịp thời, nếu không sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Bướu cổ: Bướu lớn ảnh hưởng đến việc nuốt thức ăn hoặc thở;
  • Tim mạch: Bệnh nhân bị suy giáp sẽ tăng nguy cơ bị bệnh tim và suy tim.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: Bệnh tiến triển trong thời gian dài có thể làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên, gây đau, tê và ngứa ran ở cánh tay, chân.
  • Hôn mê phù niêm: Tình trạng này xảy ra ở người bệnh bị suy giáp nhưng không điều trị trong thời gian dài. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm hôn mê, hạ thân nhiệt nhanh, mất phản xạ, co giật và suy hô hấp.
  • Cản trở quá trình rụng trứng: Tình trạng này dẫn đến khả năng bị hạn chế khả năng sinh sản.
  • Dị tật bẩm sinh: Trẻ sinh ra từ mẹ mắc bệnh tuyến giáp có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh cao hơn trẻ bình thường nếu mẹ không được điều trị bệnh. Trẻ mắc suy giáp bẩm sinh có nguy cơ gặp vấn đề về thể chất và tinh thần.
Biến chứng của bệnh tuyến giáp và cách phòng bệnh tuyến giáp hiệu quả
Bướu cổ là một trong những biến chứng nguy hiểm của tình trạng suy giáp

Các biến chứng của bệnh tuyến giáp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy nên khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh tuyến giáp, bạn hãy đến khám tại các cơ sở y tế. Tại đây các bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành khám bệnh, chẩn đoán và có phương pháp điều trị bệnh phù hợp cho từng người bệnh.

Phòng ngừa bệnh tuyến giáp như thế nào?

Bệnh tuyến giáp cùng những biến chứng của bệnh tuyến giáp ảnh hưởng không nhỏ đến người bệnh. Các biện pháp phòng ngừa không thể đảm bảo rằng bạn không bị bệnh tuy nhiên chúng có thể làm giảm khả năng mắc các bệnh lý tuyến giáp.

Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng giúp hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý về tuyến giáp. Trong đó thì iodine giúp cân bằng và kích thích sản sinh các nội tiết tố, từ đó giảm hình thành các khối. Cơ thể không tự tổng hợp iodine, chính vì thế phải chủ động bổ sung thông qua đường ăn uống.

Một số loại thực phẩm mà bạn có thể lưu ý để lựa chọn:

  • Các loại thực phẩm giàu iodine như rong biển, hải sản tảo bẹ... và cần chú ý liều lượng khi sử dụng ở bệnh nhân bị cường giáp.
  • Bổ sung nhiều rau xanh, ngoài cung cấp nhiều vitamin, chất xơ cho cơ thể thì còn giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ, mệt mỏi, nhịp tim không đều. Các loại rau đó là mồng tơi, diếp cá, rau muống… 
  • Sữa chua ít béo chứa nhiều iodine, vitamin D tốt cho tuyến giáp.
  • Nhóm thực phẩm chứa nhiều axit béo, omega-3.
  • Các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều… là nguồn cung cấp magie, protein thực vật, vitamin B, vitamin E và các khoáng chất khác cho cơ thể, hỗ trợ tuyến giáp hoạt động hiệu quả.
  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều selen như thịt bò, gà, cá, phô mai…
Biến chứng của bệnh tuyến giáp và cách phòng bệnh tuyến giáp hiệu quả
Bổ sung các loại thực phẩm giàu iod

Bên cạnh chế độ ăn uống thì chế độ nghỉ ngơi cùng việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng quan trọng và cần thiết không kém. Một chế độ nghỉ ngơi tốt cho sức khỏe như ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, stress... cũng là biện pháp phòng tránh các bệnh lý tuyến giáp hiệu quả.

Nếu bạn có những triệu chứng bất thường ở cổ hoặc bất cứ vấn đề liên quan đến sức khỏe, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và tư vấn điều trị. Việc phát hiện, chữa trị sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả và ngăn ngừa những biến chứng của bệnh tuyến giáp nguy hiểm.

Nhà thuốc Long Châu hy vọng bài viết trên đã giải đáp được những thắc mắc của nhiều độc giả về biến chứng của bệnh tuyến giáp. Bệnh tuyến giáp có thể bị ở bất cứ ai vì vậy nên việc phòng tránh bệnh rất quan trọng và cần thiết.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin