Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa

Ngày 18/04/2023
Kích thước chữ

Bệnh nhân bị tiểu đường có thể gặp phải nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Biến chứng này bắt đầu từ tình trạng xơ vữa động mạch máu lớn, càng về sau có thể gây ra suy tim hoặc nhồi máu cơ tim, dẫn đến tử vong. Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường thường xuất hiện âm thầm, không biểu hiện rõ ngày từ đầu, chúng có xảy ra một cách đột ngột và gây ảnh hưởng rất tiêu cực đối với sức khỏe.

Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cao gấp 2 - 4 lần so với những biến chứng khác. Vậy những biến chứng này gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Biện pháp phòng ngừa ra sao? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!

Những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đối với tim mạch

Đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, các vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ tim mạch chính là hệ luỵ của tình trạng hàm lượng đường trong máu tăng cao kéo dài hoặc đường huyết lên xuống bất thường, xảy ra do dây thần kinh điều khiển tần số nhịp tim bị tổn thương. 

Bên cạnh đó, xơ vữa động mạch làm cho mạch máu trở nên cứng, sự đàn hồi kém, dẫn đến huyết áp tăng cao. Đồng thời, chúng cũng thu hẹp thiết diện lòng mạch máu và lượng máu lưu thông qua nơi này sẽ bị hạn chế.

  • Trên mạch máu nhỏ (hệ vi mạch), khi đường huyết tăng cao hoặc bất thường khi đẩy nhanh quá trình oxy hoá ở lòng mạch, gây ra viêm mạn tính và chít hẹp mạch máu do tạo ra các gốc tự từ lòng mạch.
  • Trên mạch máu lớn, khi rối loạn chuyển hoá đường cộng thêm rối loạn chuyển hoá chất béo gây ra sự dư thừa chất béo trong máu. Khi đó, lượng chất béo dư thừa này sẽ bám vào thành động mạch dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch.

Với hai tình trạng viêm là chít hẹp vi mạch máu và xơ vữa động mạch đều cản trở quá trình lưu thông máu đến tim và não bộ, gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Những ảnh hưởng tiêu cực do biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường sẽ phụ thuộc vào vị trí xảy ra xơ vữa động mạch, cụ thể:

  • Ảnh hưởng đến động mạch mắt: Làm giảm thị lực hoặc có thể bị mù loà.
  • Ảnh hưởng đến động mạch thận: Làm tăng huyết áp hoặc nguy cơ bị suy thận tăng cao.
  • Hẹp mạch vành: Gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim. Người bệnh có biểu hiện đau thắt ngực, thậm chí là nhồi máu cơ tim.
  • Tổn thương đến mạch máu não: Gây ra tình trạng thiếu máu não não, nguy cơ đột quỵ tăng cao.
  • Ảnh hưởng đến động mạch các chi: Gây ra chứng viêm động mạch chi làm cho bệnh nhân hoại tử đầu chi, đi cà nhắc cách hồi…

Bên cạnh những yếu tố trên, có một số yếu tố khác khiến tỷ lệ mắc biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường cao hơn, cụ thể:

  • Tuổi cao;
  • Tăng huyết áp;
  • Nghiện rượu;
  • Hút nhiều thuốc lá;
  • Béo phì hoặc thừa cân;
  • Thể chất yếu do ít hoạt động;
  • Chế độ ăn có nhiều chất béo chuyển hóa hoặc chất béo bão hoà hoặc ăn mặn;
  • Rối loạn lipid máu;
  • Gia đình có tiền sử người chết do nhồi máu cơ tim.
Các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa 1
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim

Một số biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường chủ yếu gặp 3 biến chứng tim mạch như sau:

Bệnh mạch vành

Đây là nguyên nhân gây tử vong cao trong các biến chứng tim mạch khi bị tiểu đường. Với sự xuất hiện mảng xơ vữa trong lòng mạch làm cho tim phải hoạt động trong trạng thái thiếu oxy, và lâu dần có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hay suy tim… Bên cạnh đó, một điểm cũng rất quan trọng đó là triệu chứng lâm sàng của bệnh này rất ít, do vậy, rất nhiều người mắc tiểu đường bị thiếu máu cơ tim, có khi bị nhồi máu cơ tim nặng mà không hề hay biết, và khi đi khám thì mới phát hiện ra. 

Ngoài ra, còn một số biểu hiện của bệnh mạch vành nặng như đau thắt ngực như bị bóp nghẹn ở tim, bị khó thở, đánh trống ngực, nặng ngực mơ hồ. 

Các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa 2
Bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải các biến chứng liên quan đến mạch vành

Bệnh mạch máu não hay đột quỵ

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi lượng máu cung cấp lên não không đủ, có biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. 

Triệu chứng lâm sàng của đột quỵ là đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng, tê bì một bên chân, tay hoặc nửa người, méo miệng, khó nói, kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Những triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng vẫn còn khả năng tái phát hoặc có thể diễn biến nặng hơn. Đối với các trường hợp nặng, bệnh có thể để lại di chứng tàn phế, liệt nửa người, nặng hơn nữa là tử vong.

Các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa 3
Đột quỵ là một biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường 

Bệnh ngoại mạch ngoại biên

Loại bệnh này xơ vữa do đường huyết cao, không những gây tắc nghẽn mạch máu đến tim và não, mà còn ảnh hưởng đến động mạch nuôi các chi. Dấu hiệu sớm của bệnh này đó là đau các chi, mỏi chân tay hoặc bị chuột rút khi đi bộ. Sau khi nghỉ ngơi, các biểu hiện sẽ hết nhưng nếu tiếp tục đi bệnh nhân lại xuất hiện các dấu hiệu vừa rồi. Ngoài ra, còn có các biểu hiện nặng đối với các trường hợp nặng, cụ thể:

  • Hoại tử hoặc loét ở các đầu chi;
  • Ở mu bàn chân, mạch yếu dần hoặc mất hẳn;
  • Mất mạch khoeo;
  • Ở các chi dưới huyết áp thấp.

Cách phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường

Đối với mỗi biến chứng tim mạch thì sẽ có những phác đồ điều trị riêng, cụ thể và phù hợp với tình trạng của từng người bệnh. Tuy nhiên, việc chủ động phòng ngừa nhằm kiểm soát bệnh tiểu đường và hạn chế được các biến chứng tim mạch là biện pháp tối ưu nhất. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường. Cụ thể như sau:

  • Theo dõi các chỉ số tiểu đường: Chỉ số HbA1c, đường huyết lúc đói, theo dõi huyết áp, kiểm tra chỉ số mỡ máu 6 tháng - 1 năm.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, ăn nhiều trái cây tươi, rau củ tươi, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, không nên dùng các loại thức ăn đóng hộp, có sẵn, ăn ít mỡ động vật hoặc mỡ đã được chế biến nhiều lần.
  • Hạn chế uống rượu bia, không được hút thuốc lá.
  • Thường xuyên tập thể dục.
  • Duy trì cân nặng, tránh béo phì.
  • Tránh những căng thẳng hoặc tránh những sự việc gây ra tăng huyết áp.
Các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường và cách phòng ngừa 4
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa những biến chứng tim mạch

Như vậy, biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường bao gồm các bệnh lý liên quan đến hệ tim mạch và hệ luỵ của nó là không lường trước được, thậm chí có thể gây tử vong. 

Hy vọng qua bài viết trên có thể giúp người đọc có thêm những thông tin bổ ích, nhận biết được các dấu hiệu bệnh và nắm rõ một số biện pháp phòng ngừa các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường. Từ đó giúp bệnh nhân tiểu đường phòng tránh được các biến chứng tim mạch có thể xảy ra và sống khỏe mạnh hơn.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin