Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Các đối tượng dễ mắc đột quỵ và những điều cần biết

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ

Khi động mạch lên não bị tắc nghẽn và não không được cung cấp đủ oxy thì đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ xảy ra. Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ bị đột quỵ sẽ tăng lên nếu bạn có một số yếu tố nguy cơ nhất định. Các đối tượng dễ mắc đột quỵ hơn người bình thường được trình bày trong bài viết dưới đây.

Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi. Nhưng một số điều có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và người thân khỏi đột quỵ là hiểu rõ nguy cơ và cách kiểm soát nó. Trong bài viết dưới đây sẽ nói cho bạn biết các đối tượng dễ mắc đột quỵ

Tìm hiểu về đột quỵ

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn hoặc bị giảm đáng kể. Các tế bào não không thể nhận được oxy và chất dinh dưỡng cần thiết từ máu và chúng bắt đầu chết trong vòng vài phút. Điều này khiến não bộ bị tổn thương nghiêm trọng và lâu dài có thể dẫn dến tàn tật hoặc thậm chí tử vong.

Các loại đột quỵ

Có hai loại đột quỵ:

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là do cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu trong não. Đây là loại phổ biến nhất, khoảng 80% số ca đột quỵ là do thiếu máu cục bộ.
  • Đột quỵ xuất huyết là do mạch máu não bị vỡ, làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất.
cac-doi-tuong-de-mac-dot-quy-va-nhung-dieu-can-biet 1
Đột quỵ khiến não bộ bị tổn thương nghiêm trọng và lâu dài

Các đối tượng dễ mắc đột quỵ

Người có tiền sử đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Nếu người có tiền sử bệnh bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA), khả năng có đến 40% trường hợp đột quỵ sẽ tái phát trong 5 năm tiếp theo.

Người huyết áp cao

Các đối tượng dễ mắc đột quỵ bao gồm người huyết áp cao. Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Nó xảy ra khi áp lực của máu trong động mạch quá cao.

Thường tăng huyết áp không xuất hiện triệu chứng. Do đó nên kiểm tra huyết áp thường xuyên nếu bạn bị tăng huyết áp. Việc hạ huyết áp thông qua thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

cac-doi-tuong-de-mac-dot-quy-va-nhung-dieu-can-biet 2
Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ

Người cholesterol máu cao

Cholesterol là một loại chất béo do gan tạo ra hoặc được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Gan sản xuất đủ cholesterol cho nhu cầu của cơ thể, nhưng con người thường tiêu thụ nhiều cholesterol hơn từ thực phẩm chúng ta ăn. Nếu chúng ta hấp thu nhiều cholesterol hơn mức cơ thể có thể sử dụng, lượng cholesterol dư thừa có thể tích tụ trong động mạch. Điều này có thể tạo các mảng xơ vữa bám vào thành mạch, dẫn đến thu hẹp hoặc làm tắc động mạch, cản trở lưu thông máu đến não, gây ra đột quỵ và các vấn đề khác.

Xét nghiệm máu có thể cho bác sĩ biết liệu bạn có lượng cholesterol và triglycerid trong máu cao hay không.

Người mắc bệnh tim

Các rối loạn tim mạch thông thường có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ví dụ, bệnh động mạch vành làm tăng nguy cơ đột quỵ vì mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch và ngăn chặn dòng máu giàu oxy đến não.

Các bệnh tim khác, chẳng hạn như khuyết tật van tim, nhịp tim không đều (bao gồm rung tâm nhĩ) và buồng tim phì đại, có thể làm các cục máu đông vỡ ra, di chuyển đến mạch máu não, gây tắc mạch máu não và dẫn tới đột quỵ.

Người bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người bệnh tiểu đường có nồng độ đường huyết cao trong máu, ngăn cản oxy và chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm cả não. Tăng huyết áp cũng thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ và là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh tiểu đường.

cac-doi-tuong-de-mac-dot-quy-va-nhung-dieu-can-biet 3
Các đối tượng dễ mắc đột quỵ bao gồm người mắc bệnh tiểu đường

Người béo phì

Người béo phì có lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Béo phì có liên quan đến mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) và triglycerid cao hơn và làm giảm mức HDL-cholesterol (cholesterol tốt). Béo phì cũng có thể dẫn đến tăng huyết áp và tiểu đường - nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ.

Người mắc bệnh hồng cầu hình liềm

Bệnh hồng cầu hình liềm là một chứng rối loạn máu liên quan đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em da đen. Căn bệnh này khiến một số tế bào hồng cầu hình thành hình liềm bất thường. Đột quỵ có thể xảy ra nếu các tế bào hình liềm mắc kẹt trong mạch máu và chặn dòng máu lên não.

Người uống nhiều rượu bia

Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Nó cũng làm tăng mức chất béo trung tính (triglyceride), một dạng chất béo trong máu có thể làm giảm độ đàn hồi mạch máu của bạn. Phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly mỗi ngày, đàn ông không nên uống quá hai ly mỗi ngày.

Người hút thuốc lá

Sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ bởi:

  • Hút thuốc lá có thể làm tổn thương tim và mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Nicotine làm tăng huyết áp.
  • Carbon monoxide từ khói thuốc lá làm giảm lượng oxy mà máu có thể mang theo.
  • Tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể khiến bạn dễ bị đột quỵ hơn.

Biện pháp phòng ngừa đột quỵ dễ thực hiện

Chế độ dinh dưỡng

Để tránh đột quỵ, việc xây dựng và duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh cần tuân theo các lưu ý sau:

  • Đảm bảo cân bằng giữa protein, chất béo, tinh bột, khoáng chất và vitamin trong khẩu phần ăn.
  • Tránh ăn quá nhiều hoặc quá ít trong mỗi bữa, nên chia nhỏ khẩu phần ăn để giảm áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa.
  • Ưu tiên thêm vào khẩu phần ăn rau củ và hoa quả tươi để tăng cường chất xơ và bổ sung dưỡng chất tốt cho cơ thể.
  • Tiêu thụ thực phẩm giàu omega-3 và chất béo không bão hòa để giảm cholesterol xấu trong máu và hạn chế sự hình thành cục máu đông.

Những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu não, tiểu đường,... cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp.

cac-doi-tuong-de-mac-dot-quy-va-nhung-dieu-can-biet 4
Xây dựng và duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học để ngăn ngừa đột quỵ

Tập luyện thể dục

Để tăng cường sức khỏe, việc duy trì lịch trình tập luyện thể dục đều đặn là điều quan trọng mà ai cũng nên thực hiện. Phương pháp này không chỉ giúp ngăn ngừa đột quỵ mà còn hỗ trợ phòng ngừa nhiều bệnh lý khác, bao gồm:

  • Giảm căng thẳng và lo lắng.
  • Tăng cường lưu thông máu.
  • Cải thiện hệ thống miễn dịch.

Tùy thuộc vào sở thích và tình trạng sức khỏe của bạn, có nhiều lựa chọn bài tập phù hợp. Nên duy trì việc tập luyện ít nhất từ 4 - 5 buổi mỗi tuần, với khoảng thời gian tập từ 20 - 30 phút.

Người cao tuổi có thể lựa chọn các hoạt động nhẹ nhàng như:

  • Yoga;
  • Thiền;
  • Dưỡng sinh;
  • Đi bộ.

Người trẻ thì có nhiều tùy chọn hơn với các hoạt động như:

  • Tập gym;
  • Aerobics;
  • Chạy bộ;
  • Bơi lội;
  • Đạp xe.

Điều trị các bệnh lý mạn tính

Những bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp, và cholesterol cao là một số yếu tố đặc biệt tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, việc tuân thủ điều trị nhằm cải thiện tình trạng bệnh là quan trọng đối với những người đang mắc các bệnh trên.

Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ

Ngày nay, đột quỵ xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn và có nhiều biến chứng phức tạp. Do đó, những người thuộc nhóm các đối tượng dễ mắc đột quỵ nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm để đánh giá nguy cơ mắc đột quỵ.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã biết các đối tượng dễ mắc đột quỵ. Từ đó, biết được những nguy cơ và cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin