Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào?

Ngày 04/10/2024
Kích thước chữ

Tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm do các loại virus đường ruột gây ra với nhiều chủng khác nhau. Khi mắc bệnh, các giai đoạn của bệnh tay chân miệng sẽ có những triệu chứng và nguy cơ khác nhau. Vậy biểu hiện bệnh tay chân miệng ở mỗi giai đoạn như thế nào?

Tay chân miệng là một bệnh lý lây nhiễm do các virus đường ruột gây ra. Người mắc bệnh tay chân miệng có thể phải đối mặt với nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Về lâm sàng, bệnh lý tay chân miệng phát triển theo 4 giai đoạn. Vậy các giai đoạn của bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào? Biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng là gì?

Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, phổ biến nhất là Enterovirus 71 và Coxsackievirus A16. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng sốt, mọc các nốt mụn nước, điển hình là ở vòm miệng, lòng bàn tay và chân.

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh thường diễn tiến theo 4 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn ủ bệnh;
  • Giai đoạn khởi phát;.
  • Giai đoạn toàn phát;
  • Giai đoạn lui bệnh.
Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào? 1
Tay chân miệng là một bệnh lý truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra

Vậy các giai đoạn của bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào? Ở mỗi giai đoạn, bệnh tay chân miệng sẽ có những biểu hiện khác nhau. Dưới đây là những triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở từng giai đoạn, cụ thể như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn ủ bệnh của bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ 3 - 5 ngày kể từ khi trẻ nhiễm phải virus gây bệnh từ nước bọt, nốt phỏng nước trên da hoặc phân của người mắc bệnh. Ở giai đoạn này, bệnh chưa có biểu hiện rõ ràng và cụ thể ra bên ngoài ở người mắc phải.

Như đã nói ở trên, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc phải bệnh tay chân miệng, trong đó phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bởi trẻ nhỏ rất dễ tiếp xúc với chất tiết đường tiêu hoá, dịch tiết mũi miệng hoặc dịch tiết từ bóng nước của bạn bè trong môi trường nhà trẻ mẫu giáo hay ở các khu vui chơi công cộng. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng còn có thể lây nhiễm gián tiếp qua sự tiếp xúc của bàn tay với những bề mặt chứa virus gây bệnh, đồ chơi bị nhiễm bẩn, môi trường kém chất lượng, thực phẩm chưa được chưa chín kỹ…

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát bệnh thường kéo dài từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng bệnh rõ rệt hơn, cụ thể là:

  • Sốt nhẹ hoặc cao;
  • Đau họng;
  • Mệt mỏi;
  • Biếng ăn;
  • Nôn;
  • Tiêu chảy vài lần/ngày.

Thực tế, có rất nhiều phụ huynh không biết rằng trẻ bị tay chân miệng sẽ sốt trong bao nhiêu ngày. Điều này dẫn tới sự chủ quan và không kịp xử lý nếu như xảy ra biến chứng nên vô cùng nguy hiểm.

Ở giai đoạn này, trẻ có thể bị sốt nhẹ và vừa. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C và kéo dài trên 3 ngày thì đây có thể là biểu hiện của nguy cơ về biến chứng viêm não, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát có thể diễn ra từ 3 - 10 ngày. Đây là một trong các giai đoạn của bệnh tay chân miệng được xem là nguy hiểm nhất, bởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách.

Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh phải đối mặt với nhiều triệu chứng điển hình của bệnh ở tay, chân và miệng, cụ thể như sau:

  • Loét miệng: Xuất hiện các tổn thương niêm mạc ở vòm miệng, lưỡi và lợi dưới dạng bọng nước. Các nốt phỏng nước có đường kính từ 2 - 3mm và diễn tiến nhanh chóng. Sau đó, các nốt phỏng nước này sẽ vỡ ra khiến cho bệnh nhi bị đau miệng, bỏ bú hoặc ăn và tăng tiết nước bọt.
  • Phát ban ở dạng phỏng nước: Ban đầu là những nốt ban hồng thông thường có kích thước từ 1 - 2mm nên dễ bị bỏ sót. Sau đó, các nốt ban này sẽ phát triển thành bóng nước có hình bầu dục với đường kính từ 2 - 10mm, có thể lồi hoặc ẩn dưới da, có dịch trong và ấn vào thường không đau. Các nốt bỏng nước chủ yếu xuất hiện ở lòng bàn tay - chân, vùng mông (quấn tã) hoặc đầu gối. Phát ban ở dạng phỏng nước thường tồn tại dưới 7 ngày và có nguy cơ để lại sẹo thâm hoặc biến mất hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách.
  • Các dấu hiệu khác: Trẻ có thể bị sốt và nôn ói. Nếu trẻ bị sốt cao và nôn nhiều kéo dài thì có nguy cơ cao dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, các biến chứng về tim mạch, thần kinh và hô hấp thường xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 kể từ khi phát bệnh.

Giai đoạn lui bệnh

Nếu trẻ không gặp phải bất kỳ một biến chứng nào sau giai đoạn toàn phát thì bệnh sẽ bước bước vào giai đoạn lui bệnh. Giai đoạn này thường diễn ra từ 3 - 5 ngày sau khi phát bệnh hoặc 7 ngày kể từ lúc khởi bệnh.

Trên thực tế, không phải người bệnh nào mắc phải bệnh tay chân miệng cũng sẽ trải qua diễn tiến bệnh giống nhau. Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng điển hình như đã nêu ở trên thuộc vào thể cấp tính. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng còn có hai thể lâm sàng khác, bao gồm:

  • Thể tối cấp: Bệnh thường tiến triển rất nhanh chóng và xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê và dẫn đến tử vong chỉ trong 24 - 48 giờ.
  • Thể không điển hình: Triệu chứng phát ban của bệnh không rõ ràng hoặc chỉ xảy ra tình trạng loét miệng hoặc một triệu chứng tim mạch/ thần kinh/ hô hấp mà không xuất hiện tình trạng phát ban lẫn loét miệng.
Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào? 2
Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng sẽ có những triệu chứng khác nhau

Khi nào cần đến bệnh viện?

Tay chân miệng được đánh giá là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Do vậy, bên cạnh việc phòng ngừa bệnh thì cha mẹ cũng cần nắm được các dấu hiệu, triệu chứng sớm của biến chứng để phát hiện kịp thời và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám ngay. Những biểu hiện khẩn cấp của biến chứng bệnh tay chân miệng cụ thể là:

  • Sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo nôn ói.
  • Biến chứng ở hệ thần kinh với biểu hiện run chi, giật mình, ngủ gà, co giật hoặc hôn mê.
  • Dấu hiệu về hô hấp như thở nhanh, thở không đều hoặc khó thở.
  • Suy tuần hoàn như nhịp tim nhanh, da xanh xao hoặc tím tái, tay chân lạnh.

Nếu trẻ có những biểu hiện trên thì phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để được theo dõi và cấp cứu kịp thời.

Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào? 3
Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ bị tay chân miệng sốt cao liên tục

Biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Sau đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả mà mọi người có thể thực hiện, bao gồm:

  • Rửa tay với xà phòng tiệt khuẩn và nước sạch là một biện pháp quan trọng nhằm ngăn virus gây bệnh lây lan. Đặc biệt, bạn cần phải rửa sạch tay trước khi ăn uống, sau khi đi đến nơi công cộng hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Tránh tiếp xúc với người đang bị tay chân miệng, đặc biệt là trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng mắt, mũi, quanh miệng, tay chân luôn được sạch sẽ nhằm ngăn chặn virus xâm nhập.
  • Tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân hoặc chia sẻ đồ chơi hay các vật dụng khác để hạn chế virus lây lan.
  • Dọn dẹp cũng như vệ sinh các bề mặt sử dụng thường xuyên như đồ chơi, bàn ghế, vật dụng nhà cửa… nhằm phòng ngừa virus tồn tại và lan truyền.
  • Khi xuất hiện dịch bệnh tay chân miệng trong cộng đồng thì cần hạn chế tham gia vào các hoạt động đông người như lễ hội, hội họp vui chơi nhằm giảm nguy cơ tiếp xúc với người bệnh.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường, bệnh lý trong cơ thể và điều trị kịp thời.
  • Tăng cường hệ miễn dịch cơ thể bằng cách bổ sung cân đối các chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao và nghỉ ngơi hợp lý.
Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng có biểu hiện như thế nào? 4
Rửa tay với xà phòng và nước sạch là biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả

Tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng sẽ có những biểu hiện khác nhau. Do đó, bạn cần nắm được những triệu chứng điển hình ở mỗi giai đoạn của bệnh tay chân miệng để theo dõi sự tiến triển của bệnh và phát hiện sớm những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin