Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Y học cổ truyền

Các loại lá trị ho hiệu quả nhất bạn nên biết

Ngày 09/05/2023
Kích thước chữ

Ho là triệu chứng phổ biến của cảm lạnh, cảm cúm do thời tiết thay đổi. Đây cũng là triệu chứng của nhiều bệnh đường hô hấp hoặc bệnh liên quan đến chức năng hô hấp. Khi bị ho, cơ thể mệt mỏi, đau rát cổ họng,... Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh thường dùng, bạn nên tìm hiểu một số lá trị ho tại nhà không chỉ giảm ho an toàn mà hạn chế tác dụng phụ do kháng sinh gây ra.

Nhiều người cho rằng ho triệu chứng thông thường mà không nhận ra rằng đó cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý. Nếu cơn ho kéo dài có thể trở thành mãn tính, làm tổn thương vùng họng và khó điều trị dứt điểm. Các loại lá trị ho tự nhiên rất hiệu quả trong việc giảm ho cho cả người lớn và trẻ em. Vậy lá gì trị ho? Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu các lá trị ho tốt nhất mà không phải ai cũng biết. 

Hiệu quả của các loại lá trị ho

Khí hậu thay đổi liên tục, không khí ô nhiễm dẫn đến các bệnh về đường hô hấp ngày càng gia tăng. Việc dùng thuốc kháng sinh trị ho trong thời gian dài gây ra những tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Bạn có thể tự chữa ho bằng các loại lá cây tự nhiên để bệnh nhanh khỏi. 

Các loại lá là nguyên liệu dễ kiếm, cách chế biến cũng đơn giản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thuốc ho dân gian chỉ có tác dụng khi bệnh mới khởi phát và vi khuẩn vẫn đang sống ở vùng hầu họng. Nếu tình trạng ho, sổ mũi kéo dài, vi khuẩn có thể đã di chuyển qua phế quản, phổi. Lúc này bạn nên đi khám bác sĩ để được dùng thuốc phù hợp.

Các loại lá trị ho dễ kiếm

Lá hẹ trị ho

Trong Đông y, lá hẹ có tính ôn, vị chua, hơi hăng, rất lành tính, có tác dụng tiêu đờm, trị ho rất hiệu quả. Bài thuốc chữa ho bằng lá hẹ rất đơn giản, chỉ cần lấy 1 nắm lá hẹ tươi, rửa sạch, phơi khô rồi thái khúc. Thêm mật ong hoặc đường phèn hấp cho đến khi chín và sử dụng được. Ngày dùng 3 - 4 lần, mỗi lần 2 - 3 muỗng cà phê sẽ giúp giảm ho. Lá hẹ chữa ho có thể dùng cho trẻ nhỏ, tuy nhiên trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong vì hệ tiêu hóa còn yếu.

Các loại lá trị ho hiệu quả nhất bạn nên biết 1
Trong Đông y, lá hẹ có tính ôn, vị chua, hơi hăng, rất lành tính, có tác dụng tiêu đờm, trị ho rất hiệu quả

Trị ho bằng lá kinh giới

Với lá kinh giới chữa ho, bạn có thể thực hiện bằng cách đun lấy nước uống như trà hoặc kết hợp với một số vị thuốc khác để điều trị bệnh. 

  • Cách 1: Lá kinh giới rửa sạch, cho vào nôi, thêm nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Thêm mật ong khi uống khi còn ấm là tốt nhất.
  • Cách 2: Rau kinh giới rửa sạch, cho vào cối giã hoặc xay nhuyễn, chắt lấy nước cốt uống. Bài thuốc này chữa ho ra máu rất hiệu quả, hoặc phơi khô lá kinh giới, tán thành bột, đựng trong lọ dùng dần.
  • Cách 3: Kết hợp kinh giới với lá diếp cá, rễ rau má, lá rẻ quạt, cỏ mần trâu, mỗi loại 1 nắm. Đem rửa sạch, cho vào nấu cùng 800ml nước, đun sôi còn khoảng 500ml thì tắt bếp, để nguội rồi uống.

Lá mơ trị ho

Trị ho bằng lá mơ bằng cách kết hợp với các nguyên liệu khác như sau:

  • Lá mơ mật ong trị ho viêm họng: Mật ong có đặc tính kháng viêm kết hợp với lá mơ càng nâng cao tác dụng. Bạn chỉ cần lấy một nắm lá mơ, rửa sạch với muối, để ráo nước rồi vò nát, vắt lấy nước. Hòa 1 muỗng mật ong vào 30ml nước lá mơ, đun nóng và uống. Khi uống, bạn nên ngậm trong họng khoảng 2 - 3 phút để đạt hiệu quả tối đa. Không dùng quá 30ml nước lá mơ mỗi ngày vì có thể gây táo bón. 
  • Lá mơ trứng gà: Chuẩn bị 1 nắm lá mơ, 2 quả trứng gà. Lá mơ rửa sạch với nước muối, cắt nhỏ cho vào chén, đập trứng vào, đánh tan rồi chiên chín. 

Lá húng chanh trị ho

Lá húng chanh hay còn gọi là lá tần dày có tác dụng chữa ho cho trẻ nhỏ rất hiệu quả. Theo Đông y, húng chanh có vị cay, tính ấm, mùi thơm đặc trưng. Loại lá này được bộ y tế công nhận là cây thuốc nam có dược tính rất tốt. Các thành phần hóa học trong húng chanh có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, ngăn cản sự sản sinh E.coli gây viêm họng, cảm cúm, ho và hỗ trợ tiêu hóa.

Các loại lá trị ho hiệu quả nhất bạn nên biết 2
Lá húng chanh hay còn gọi là lá tần dày có tác dụng chữa ho cho trẻ nhỏ rất hiệu quả

Lá diếp cá trị ho

Rau diếp cá có vị chua, tính mát và thành phần kháng sinh tự nhiên. Nhờ đó giúp thanh nhiệt, thải độc, kháng viêm, sát trùng và trị ho hiệu quả. Cách làm như sau:

  • Lấy một nắm lá diếp cá tươi, rửa sạch, xay nhuyễn. 
  • Nấu cùng với nước vo gạo trong khoảng 20 phút.
  • Chắt nước uống khi còn ấm. Ngày uống 2 - 3 lần trong 5 - 7 ngày.

Lá tía tô trị ho

Tía tô có khả năng giải cảm, tiêu đờm và trị ho rất hiệu quả. Trong các tài liệu Đông y, lá tía tô có vị cay nồng, tính ấm, mùi thơm nhẹ. Khi đi vào cơ thể sẽ tác động vào 3 kinh phế - tâm - tỳ giúp thanh nhiệt cơ thể. Lá tía tô trị ho còn an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt khi bị sốt, người bệnh có thể đun nước lá tía tô để hạ sốt rất tốt. 

Lá khế trị ho

Lá khế có tác dụng làm dịu long đờm và trị ho rất tốt. Theo Đông y, loại lá này có vị chua, tính bình, ngoài công dụng chữa ho còn có tác dụng hỗ trợ điều trị kiết lỵ, bổ can thận. 

Dùng lá khế chữa ho bằng cách lấy 1 nắm lá khế tươi, rửa sạch, để ráo nước rồi giã hoặc xay mịn. Lọc lấy nước, thêm vài hạt muối hoặc đường phèn để dễ uống và tăng hiệu quả trị ho. 

Cải cúc trị ho

Rau cải cúc có tính mát, vị ngọt hơi đắng. Đây là loại rau được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn Việt Nam vì tính tươi mát và bổ dưỡng. 

  • Dùng như cải cúc trị ho cho trẻ em: Lấy 1 nắm lá cải cúc tươi, giã nát, chắt lấy nước, thêm mật ong rồi hấp cách thủy từ 10 - 15 phút. Trẻ em ngày dùng 2 - 3 lần.
  • Trị ho bằng cải cúc cho người lớn: Chuẩn bị 100g cải cúc, 200g phổi heo, nấu canh ăn hàng ngày sẽ giảm ho nhanh chóng. Nếu có thể uống lá cải cúc sống, bạn có thể giã nát lấy nước, thêm mật ong uống để tiêu đờm. 
Các loại lá trị ho hiệu quả nhất bạn nên biết 3
Rau cải cúc có tính mát, bổ dưỡng phù hợp để trị ho cho trẻ nhỏ

Hoa đu đủ đực trị ho

Hoa đu đủ đực được nhiều người truyền tai nhau về công dụng làm thuốc ho rất đơn giản.

  • Rửa sạch ít hoa đu đủ đực, 1 chùm hoa khế, 4 - 5 lá tía tô.
  • Cho nguyên liệu vào tô, thêm ít đường phèn và hấp cách thủy trong vòng 15 - 20 phút. 
  • Chắt lấy nước uống. Trẻ nhỏ uống 1/2 muỗng cà phê một ngày. Người lớn 1 - 2 muỗng cà phê. Dùng ngày 1 - 2 lần/ngày cho đến khi khỏi hẳn.

Lưu ý khi sử dụng các loại lá trị ho

Chữa ho bằng các loại lá rất lành tính nhưng người bệnh cũng cần lưu ý những điều sau để điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

  • Các bài thuốc từ lá phù hợp với tình trạng bệnh nhẹ, cách áp dụng và tốc độ khỏi bệnh tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. 
  • Sử dụng các bài thuốc tại nhà cần kiên trì, bệnh có thể thuyên giảm ít nhất sau 5 - 7 ngày sử dụng.
  • Trẻ dưới 1 tuổi khi dùng lá trị ho không dùng mật ong mà thay thế bằng đường phèn để bảo vệ hệ tiêu hóa của bé. 
  • Với tình trạng bệnh nặng, các bài thuốc dân gian chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Lúc này nên đi khám ​​bác sĩ để được tư vấn tốt nhất.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. 

Dùng các loại lá trị ho là phương pháp dân gian lưu truyền từ xa xưa của người Việt Nam. Không chỉ có độ an toàn cao, cách thực hiện dễ dàng mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, phương pháp dùng lá trị ho chỉ hiệu quả khi bệnh ở giai đoạn nhẹ, mới bắt đầu. Nếu bệnh nặng, kéo dài cần phải can thiệp bằng các phương pháp y học hiện đại.

Có thể bạn quan tâm:

Cao Hiếu 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin