Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các loại thuốc mỡ bôi chín mé hỗ trợ điều trị chín mé hiệu quả

Ngày 19/02/2023
Kích thước chữ

Chín mé là tình trạng nhiễm trùng hình thành nên ổ mủ hay áp xe ở đầu các ngón tay, ngón chân. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn tụ cầu vàng và virus Herpes gây ra. Nếu không chữa trị triệt để, bệnh sẽ dai dẳng, dễ tái phát. Vậy các điều trị chín mé hiệu quả như thế nào? Các loại thuốc mỡ bôi chín mé thường sử dụng là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

Chín mé ở đầu ngón tay, ngón chân là tình trạng nhiễm trùng rồi mưng mủ do vi khuẩn virus gây nên. Chín mé mưng mủ nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Vậy khi bị chín mé cần làm gì? Loại thuốc mỡ bôi chín mé nào hiệu quả? Nếu như bạn đang quan tâm tới vấn đề này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết sau đây.

Chín mé là bệnh gì?

Chín mé ở đầu ngón tay, ngón chân là một bệnh lý ngoài da thường gặp. Bệnh này thường do vi khuẩn tụ cầu vàng và virus Herpes gây mưng mủ, sưng đau và hình thành nên áp xe ở đầu ngón tay, ngón chân. Chín mé nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm.

Yếu tố nguy cơ của chín mé thường là do các tác động của cuộc sống gây ra. Cụ thể, việc làm móng tay, móng chân của phụ nữ và không ít nam giới rất thường xuyên, có thể trung bình 1 tuần 1 lần có thể dẫn đến chín mé. Hoặc việc mang giày cao gót, bít mũi; chơi các môn thể thao có nguy cơ cao gặp phải chấn thương các đầu ngón tay, ngón chân; người béo phì, người đang điều trị HIV… đều góp phần làm bệnh chín mé xảy ra nhiều hơn.

Chín mé tiến triển theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Giai đoạn này xảy ra trong 1 - 3 ngày đầu. Đầu ngón tay, ngón chân xuất hiện một vị trí bị sưng phồng, tấy đỏ, ngứa, sau đó ngày càng trở nên đau nhức, khó chịu, có khi gây cứng ngón tay, làm hạn chế cử động.
  • Giai đoạn 2: Giai đoạn này diễn ra từ ngày thứ 4 - 7. Đây là thời kỳ viêm lan tỏa, chỗ sưng đã lan rộng ra xung quanh ngón, có cảm giác đau nhức nhối, căng tức, cơn đau theo nhịp đập của mạch. Bên cạnh đó có thể kèm theo sốt nhẹ tới vừa.
  • Giai đoạn 3: Lúc này có hiện tượng tụ mủ ở vị trí sưng đỏ ban đầu.

Thông thường, người bị chín mé ít khi được điều trị khi bị tổn thương ở giai đoạn nhẹ, cho đến khi chuyển sang giai đoạn nặng, chín mé mưng mủ thì người bệnh mới bắt đầu khám và điều trị. Nếu chín mé không được xử lý sớm và điều trị đúng cách, có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm hơn như viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, thậm chí là nhiễm trùng huyết.

Các loại thuốc mỡ bôi chín mé nhằm điều trị chín mé hiệu quả 1 Chín mé đầu ngón tay, ngón chân là một bệnh lý ngoài da thường gặp

Một số loại thuốc mỡ bôi chín mé

Khi bị chín mé ngón tay, ngón chân, các bác sĩ sẽ kê cho bạn một trong các loại thuốc mỡ bôi chín mé sau: 

  • Fucidin: Thuốc fucidin có thành phần chính là acid fusidic 20mg/g. Thuốc được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da. Acid fusidic là một hoạt chất có tính kháng khuẩn, được sử dụng phổ biến để tiêu diệt một số loại vi khuẩn nhạy cảm như tụ cầu. Nhờ đó mà kem bôi ngoài da Fucidin được các bác sĩ sử dụng để kê đơn cho người bệnh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trong đó có bệnh chín mé. Fucidin trở thành thuốc đầu tay được các bác sĩ chọn lựa trong điều trị bệnh chín mé, đem lại hiệu quả tốt.
  • Foban: Tương tự như Fucidin, Foban cũng có thành phần chính là acid fusidic được sản xuất dưới dạng kem bôi ngoài da. Acid Fusidic được kê đơn cho các trường hợp bị nhiễm trùng da do vi khuẩn gây nên. Chính vì vậy, Foban cũng được các bác sĩ lựa chọn trong điều trị chín mé. 

Các loại thuốc mỡ bôi ngoài da nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, khi bạn bị chín mé hay mắc các bệnh lý ngoài da khác, không nên tự ý mua thuốc mà cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp.

Các loại thuốc mỡ bôi chín mé nhằm điều trị chín mé hiệu quả 2 Fucidin là một loại thuốc mỡ bôi chín mé thường được các bác sĩ kê đơn

Cách điều trị chín mé hiệu quả

Khi bị chín mé đầu ngón tay, ngón chân, bạn cần bình tĩnh xử trí như sau:

  • Giữ gìn vệ sinh vùng chín mé thật sạch sẽ bằng cách rửa vùng bị tổn thương bằng thuốc tím pha loãng với nước. 
  • Sau khi vệ sinh sạch sẽ vùng chín mé, bạn cần bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ như Foban, Fucidin để hạn chế, ngăn ngừa sự gia tăng tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc bôi thuốc kháng sinh cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ.
  • Trường hợp, người bệnh bị chín mé đã mưng mủ, cần tới các cơ sở y tế ngay để được thăm khám và xử trí đúng cách. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch ổ mủ để dẫn lưu mủ thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc mỡ kháng sinh bôi.
  • Nếu sau khi đã điều trị như trên mà chỗ chín mé vẫn sưng đau nhiều hay không đáp ứng với điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh chụp X-quang để kiểm tra chín mé có gây nên biến chứng gì không.
Các loại thuốc mỡ bôi chín mé nhằm điều trị chín mé hiệu quả 3 Chín mé nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm

Cách phòng ngừa bệnh chín mé

Bệnh chín mé nếu không điều trị đúng cách sẽ kéo dài dai dẳng và rất dễ bị tái phát. Để phòng ngừa bệnh chín mé ngón tay, ngón chân hiệu quả, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Thường xuyên vệ sinh tay chân sạch sẽ, rửa tay, rửa chân sạch sẽ mỗi ngày.
  • Không ngâm tay, ngâm chân quá lâu trong nước.
  • Tránh đi chân trần, đặc biệt là ở những nơi đất cát, bẩn, không vệ sinh sạch sẽ, dễ tồn tại rất nhiều vi khuẩn.
  • Không cắt móng tay, móng chân quá sát vào da, đặc biệt là vùng khóe móng tay, móng chân 2 bên cạnh móng của ngón tay, ngón chân. Giữ móng tay dài hơn da nhưng phải đảm bảo vệ sinh để tránh móng tay, móng chân đâm vào da gây nên chín mé.
  • Khi bị chín mé đầu ngón tay, ngón chân, đầu tiên, người bệnh cần ngăn ngừa vùng bị tổn thương không bị nhiễm trùng bằng cách vệ sinh thật sạch vùng chín mé bằng dung dịch sát khuẩn và bôi kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Khi đã có hiện tượng mưng mủ, hình thành áp xe, tuyệt đối không tự xử trí, đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chích rạch và xử trí hợp lý, tránh để lâu ngày hay tự ý điều trị gây nên các biến chứng nguy hiểm hơn.
Các loại thuốc mỡ bôi chín mé nhằm điều trị chín mé hiệu quả 4 Vệ sinh tay chân sạch sẽ mỗi ngày giúp phòng ngừa bệnh chín mé hiệu quả

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về bệnh chín mé, biết cách xử trí hợp lý khi bị chín mé cũng như nắm được một số loại thuốc mỡ bôi chín mé hiệu quả trên thị trường. Tuy nhiên, khi gặp phải tình trạng này, bạn nên đi khám để được tư vấn và kê đơn phù hợp bởi các bác sĩ, không tự ý mua thuốc tránh làm tình trạng bệnh trở nên xấu hơn. Chúc bạn nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin