Co cứng thành bụng là một trong những dấu hiệu dễ gặp khi mắc viêm phúc mạc cấp. Vậy tình trạng bệnh này có nguy hiểm không? Điều trị thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp ở bài viết.
Đau bụng, vùng bụng co thắt âm ỉ hay co cứng thành bụng chính là triệu chứng không thể chủ quan, bởi có thể là “nguồn cơn” của bệnh viêm phúc mạc. Đây là một trong những bệnh dễ gặp và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời điều trị. Bài viết sẽ thông tin cụ thể đến bạn về dấu hiệu và cách điều trị.
Viêm phúc mạc cấp khiến bụng co cứng?
Viêm phúc mạc cấp là tình trạng viêm màng thanh dịch lót trong khoang bụng cùng các cơ quan trong đó. Nguyên nhân gây ra bệnh phần lớn do sự xâm nhập của nhiễm trùng vào môi trường phúc mạc bắt đầu từ thủng cơ quan hay do các chất kích thích khác. Điển hình như mắc dị vật dẫn đến túi mật bị thủng, vỡ gan, axit dịch vị làm loét thủng thành ống tiêu hoá. Riêng với phụ nữ, nếu ống dẫn trứng bị nhiễm trùng hoặc u nang buồng trứng bị vỡ thì có khả năng cao bị viêm phúc mạc.
Co cứng thành bụng chính là hiện tượng mà nhiều người mắc viêm phúc mạc cấp gặp phải. Lúc này người bệnh bắt đầu nhận ra những điểm đau bất thường trên cơ thể và tiến hành thăm khám bác sĩ. Những đối tượng có tiền sử bệnh viêm ruột, viêm túi thừa, loét dạ dày tá tràng sẽ dễ mắc bệnh hơn. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là dẫn đến nhiễm trùng huyết trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh viêm phúc mạc có dấu hiệu gì?
Như đã đề cập, bệnh viêm phúc mạc cấp sẽ khiến người bệnh đau vùng bụng hay gọi là co cứng thành bụng. Mức độ đau còn tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng tiến triển của bệnh. Các dấu hiệu đầu tiên dễ tìm thấy ở người bệnh là sốt, ớn lạnh. Ngoài ra các chức năng tiêu hoá giảm sút như chướng bụng, đau âm ỉ vùng bụng, tiêu chảy.
Thực tế các triệu chứng diễn ra âm ỉ hơn là dữ dội khiến nhiều người chủ quan làm bệnh thêm nặng. Ban đầu cơn đau sẽ ở mức độ vừa và tăng dần lên bởi ổ nhiễm trùng mới hình thành và gây tổn thương phúc mạc tạng. Sau đó cơn đau sẽ xuất hiện nhiều hơn, đau nhói hơn, càng cử động càng đau, đây là dấu hiệu cho thấy phúc mạc thành đã bị tổn thương.
Đặc biệt hiện tượng cổ trướng có thể xảy ra, lúc này dịch trong ổ bụng có lượng trung bình đến nhiều, mức độ ma sát giữa nội tạng và bề mặt phúc mạc giảm, khiến cảm ứng phúc mạc khó nhận biết. Gần 50% người bệnh đều gặp chán ăn, buồn nôn vào giai đoạn này.
Cách điều trị co cứng thành bụng viêm phúc mạc
Những ca cấp cứu bệnh viêm phúc mạc cấp tại bệnh viện đều nhận thấy người bệnh đang trong tình trang sốt trên 38 độ C kèm nhiễm trùng. Chưa kể bệnh nhân còn có triệu chứng tim đập nhanh, không tỉnh táo, nôn mửa. Lúc này bác sĩ sẽ dựa vào các hiện trạng trên để cấp cứu nhanh, giúp họ thoát khỏi tình trạng sốc nhiễm khuẩn.
Một khi tình huống cấp cứu khẩn cấp đã qua đi, bác sĩ bắt đầu thăm khám cụ thể hơn để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh từ đó lên phác đồ điều trị phù hợp. Không phải ai mắc triệu chứng co cứng thành bụng do viêm phúc mạc cấp đều đến bệnh viện ở trạng thái khẩn cấp. Với những người bệnh có mức độ nhẹ hơn, bác sĩ sẽ khuyến khích sử dụng xét nghiệm dịch rửa phúc mạc để biết chính xác căn nguyên của bệnh.
Thông thường phương pháp kháng sinh toàn thân và điều trị hỗ trợ ngăn biến chứng xuất hiện do suy hệ thống cơ quan được bác sĩ ứng dụng. Ngoài ra bệnh nhân có thể được cân nhắc điều trị như dẫn lưu áp xe qua da, đặt stent qua da và nội soi hoặc phẫu thuật.
Sau khi được điều trị, chế độ sinh hoạt của bệnh nhân mắc viêm phúc mạc cũng cần được chú ý hơn cả. Bởi bản chất của bệnh xuất phát từ việc nhiễm trùng, ổ bụng bị tổn thương nên ăn gì và hoạt động ra sao là yếu tố quyết định đến khả năng phục hồi.
Về dinh dưỡng: Không gia vị, không cứng, lành tính là các yếu tố cần có trong món ăn của người bệnh. Trong quá trình điều trị và phục hồi bệnh, để cơn đau giảm dần cũng như cơ thể vẫn đủ sức dung nạp thuốc đặc trị, bạn nên cho bệnh nhân ăn cháo, súp lỏng không nhiều gia vị, dầu mỡ và chế biến đơn giản nhất có thể. Đặc biệt ở giai đoạn bệnh nhân bắt đầu khoẻ hơn, sự chủ quan sẽ xuất hiện trong dinh dưỡng, đây cũng chính là nguyên nhân làm bệnh khó lành. Tuyệt đối không ăn thực phẩm chế biến sẵn, khó tiêu. Nên ưu tiên ăn thịt heo nạc, cá, rau củ để hệ tiêu hoá được ổn định dần. Ngoài ra phải chia nhiều bữa ăn, không ăn một lượng lớn thức ăn trong một lần, có thể tham khảo với bác sĩ các phương pháp bổ sung dinh dưỡng khác như tiêm, truyền dịch.
Sinh hoạt: Bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra. Tình trạng co cứng thành bụng sẽ giảm dần đi từ khi bác sĩ ứng dụng phương pháp đặc trị phù hợp nhưng chúng chưa chắc đã biến mất hoàn toàn. Đặc biệt những ai vừa mới phẫu thuật xong thì quá trình đau âm ỉ tại ổ bụng vẫn còn. Hạn chế hoạt động mạnh, không co chân hay gập bụng vào lúc này. Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần. Nếu có điều kiện, bạn nên được thăm khám 24/7 tại bệnh viện vào thời gian đầu sau cấp cứu, hạn chế về nhà tự điều trị bởi những diễn biến xấu có khả năng xảy ra và cần được bác sĩ can thiệp kịp thời.
Trên đây là những chia sẻ về dấu hiệu và cách điều trị tình trạng co cứng thành bụng. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh viêm phúc mạc cấp và biết cách chăm sóc bản thân.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.