Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Y học cổ truyền

Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng

Ngày 10/05/2023
Kích thước chữ

Tắc chưng đường phèn là bài thuốc ho dân gian được cha ông ta sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, nếu chưng đường phèn không đúng cách, sẽ không phát huy tối đa hiệu quả của bài thuốc này. Chính vì vậy, bài viết dưới đây bạn sẽ hướng dẫn cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng.

Tắc chưng đường phèn là một trong những bài thuốc chữa ho, viêm họng hiệu quả được dân gian áp dụng từ bao đời nay. Thay vì sử dụng các loại thuốc kháng sinh có thể gây nhiều tác dụng phụ thì siro tắc và đường phèn trị ho rất lành tính, dùng được cho cả người lớn và trẻ em, an toàn cho cả bà bầu.

Tắc chưng đường phèn có tác dụng gì?

Tắc hay còn gọi là quất là loại cây quen thuộc ở Việt Nam. Tắc thuộc họ cam, quả nhỏ, vị chua ngọt, vỏ hơi đắng, tính ấm nên được dùng nhiều trong y học, điển hình là chữa ho, đau rát cổ, viêm họng. Sử dụng đường phèn chưng tắc là một phương pháp chữa ho đơn giản đã được giới thiệu trong cẩm nang sức khỏe. 

  • Theo Đông y, tắc có vị chua, vỏ hơi đắng, tính ấm nên rất hiệu quả trong việc trị ho, làm dịu cơn đau họng, tiêu đờm và giải cảm. 
  • Theo y học hiện đại, tắc chứa hàm lượng vitamin C cao có tác dụng phòng và điều trị các bệnh về đường hô hấp, hỗ trợ điều trị viêm họng, giảm ho khan và đau họng. Hàm lượng vitamin C trong tắc cũng giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh.
  • Vỏ quất chứa flavonoid nên có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm hiệu quả. Các hợp chất phytosterol được tìm thấy trong quả tắc có cấu giúp ngăn cơ thể hấp thụ cholesterol và làm giảm mức cholesterol trong máu. 
  • Hàm lượng tinh dầu cao trong quả tắc có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm và làm giảm cơn ho. 
  • Đường phèn có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ phế trừ đờm rất tốt cho người bị ho khan, ho có đờm và viêm họng.

Khi kết hợp tắc với đường phèn giúp tăng cường tác dụng trong việc chữa ho khan, ho có đờm và viêm họng ở người lớn, trẻ em và bà bầu rất hiệu quả.

Ngoài ra, tắc chưng đường phèn còn tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch từ đó chống lại virus cảm lạnh, cảm cúm,...

Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng 1
Tắc chưng đường phèn nổi tiếng với công dụng chữa ho, giải cảm, giảm đau rát họng,...

Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng

Siro tắc đường phèn trị ho rất hiệu quả, dễ làm tại nhà nhưng không phải ai cũng thành công vì sau khi chưng dễ bị đắng. Khi làm siro, các bước sơ chế hay chưng hấp cũng rất quan trọng. 

Cách chọn và sơ chế nguyên liệu

Bí quyết làm siro tắc đường phèn không đắng nằm ở khâu lựa chọn và sơ chế nguyên liệu. Nguyên liệu làm tắc chưng đường phèn bao gồm: 

  • 300g tắc vàng, chọn tắc có hình dáng cân đối, màu vàng, mọng nước, cuống tươi, khi bóp có cảm giác mềm. Không nên chọn những quả tắc còn xanh vì ít nước và khi chín sẽ bị đắng, khó ăn. 
  • 150g đường phèn hạt nhỏ, nếu đường phèn dạng cục thì nên đập nhỏ trước khi dùng.
  • 3 muỗng muối hột.
  • 5g muối tinh.

Sơ chế nguyên liệu như sau: 

  • Tắc rửa với muối hột, chà xát nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút cho sạch bụi bẩn rồi rửa lại 2 - 3 lần với nước và để ráo. Chà xát tắc với muối hột sẽ giúp loại bỏ nhựa và giảm vị đắng của vỏ. 

Có hai phương pháp tắc chưng đường phèn đơn giản là chưng cất truyền thống và chưng cách thủy.

Cách làm tắc chưng đường phèn truyền thống không bị đắng

Với cách làm truyền thống, khi làm xong tắc chưng đường phèn có thể cho vào hũ, bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh và dùng dần trong nhiều ngày. 

  • Sơ chế: Dùng dao bổ đôi quả tắc, vắt lấy nước cốt và bỏ hạt. 
  • Quất sau khi vắt xong giữ lại vỏ, có thể để nguyên hoặc thái sợi.
  • Ướp tắc với đường phèn: Cho nước cốt tắc, đường phèn, muối tinh vào trộn đều rồi ướp khoảng 3 - 4 tiếng cho đường phèn và muối tan hết, vỏ thấm đường. 
  • Chưng tắc: Cho hỗn hợp vào nồi nhỏ, đun lửa nhỏ, khuấy liên tục cho đến khi hỗn hợp đặc lại, khoảng 5 phút thì tắt bếp. 
  • Bảo quản: Để nguội rồi rót siro vào lọ thủy tinh, để trong ngăn mát tủ lạnh. Khi sử dụng thì pha với nước ấm để dùng. Mỗi lần dùng khoảng 2 muỗng cà phê, ngày uống 2 - 3 lần. 

Với cách làm này, bạn cần loại bỏ hết hạt vì hạt làm tăng vị đắng, khó uống. Siro tắc đường phèn có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 3 tháng.

Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng 2
Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng là chọn nguyên liệu tươi, chất lượng

Tắc chưng đường phèn cách thủy

Với phương pháp chưng cách thủy, bạn chỉ cần dùng 4 - 5 quả tắc và dùng trong vài ngày.

  • Sơ chế: Sau khi rửa sạch tắc, cắt đôi hoặc cắt lát mỏng và cho vào chén.
  • Ướp tắc với đường phèn: Cho 1 muỗng cà phê đường phèn vào chén, trộn đều với tắc, ướp khoảng 30 phút. Bạn có thể thêm vài lát gừng và 1 muỗng mật ong nguyên chất để làm tăng hiệu quả trị ho. 
  • Chưng cách thuỷ: Đặt chén tắc đường phèn vào xửng hấp khoảng 15 - 20 phút. 
  • Cách sử dụng: Sau khi hấp chín, để nguội, chắt lấy nước uống 2 - 3 lần/ngày. Vỏ tắc có thể dùng để ngậm khi bị ho. Nên dùng hết trong 2 - 3 ngày. Nếu dùng cho trẻ em nên pha loãng với nước ấm cho trẻ uống.

Lưu ý khi sử dụng tắc chưng đường phèn

Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng trị ho an toàn và hiệu quả cho cả người lớn, trẻ em và bà bầu. Tuy nhiên, để bài thuốc phát huy tối đa hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau: 

  • Khi sơ chế tắc bạn nên bỏ hết hạt để giảm vị đắng.
  • Siro trị ho tắc chưng đường phèn phát huy hiệu quả tối đa khi dùng liên tục trong 3 - 4 ngày. Tuy nhiên, nếu dùng liên tục trong khoảng 1 tuần mà không thấy giảm ho, giảm đờm hoặc tình trạng nặng hơn thì nên đi khám bác sĩ và điều trị. 
  • Tắc chưng đường phèn trị ho khan hiệu quả cho trẻ nhỏ nhưng không tự ý dùng cho trẻ sơ sinh. Khi bé bị ho, mẹ nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào vì dùng siro tắc đường phèn có thể khiến trẻ bị tiêu chảy, đau bụng.
  • Nếu bị ho do mắc các bệnh đường hô hấp mãn tính như viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn hay hen suyễn thì nên đi khám và có phác đồ điều trị cụ thể.
  • Tắc chưng đường phèn bên cạnh tác dụng trị ho thì có khả năng thanh nhiệt cơ thể. 
Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng 3
Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng để chữa ho hiệu quả hơn

Cách làm tắc chưng đường phèn không bị đắng đã được nhiều người áp dụng và kiểm chứng tính hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, món này chỉ phù hợp với những người bị ho nhẹ, cơn ho mới khởi phát hoặc không ho mãn tính. Tốt nhất khi bị ho, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Xem thêm: Gừng nướng mật ong​​ có tác dụng gì và cách làm

Cao Hiếu 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm