Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Vi khuẩn bạch hầu là loại vi khuẩn gây ra bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người. Phương thức lây bệnh dễ dàng thông qua đường hô hấp, kết hợp với khả năng sống sót tốt trong các môi trường khác nhau khiến vi khuẩn bạch hầu trở thành loại vi khuẩn được chính phủ đặc biệt quan tâm phòng chống. Vậy vi khuẩn bạch hầu sống được ở nhiệt độ nào? Làm sao để phòng chống loại vi khuẩn này?
Vi khuẩn bạch hầu không còn là cái tên quá xa lạ với hầu hết chúng ta. Có thể bạn đã từng nghe nói vi khuẩn bạch hầu lây lan rất nhanh, khả năng sống sót của loại vi khuẩn này cũng rất tốt kể cả trong những điều kiện sống khắc nghiệt. Vậy bạn đã thực sự hiểu rõ sự nguy hiểm của loại vi khuẩn này mang lại chưa? Bạn có thắc mắc vi khuẩn bạch hầu sống được ở nhiệt độ nào không? Có cách nào để loại bỏ hay phòng chống loại vi khuẩn này không? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Vi khuẩn bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae, thuộc họ Corynebacteriaceae. Hầu hết các loại vi khuẩn thuộc họ Corynebacteriaceae không gây bệnh, một số ít gây bệnh cho người trong đó có Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn bạch hầu gồm có 3 tuýp: Gravis, Mitis và Intermedius. Ba tuýp này khác nhau về đặc điểm hình thái và đặc điểm sinh học, tuy nhiên không khác nhau về khả năng gây bệnh và các biểu hiện lâm sàng.
Vi khuẩn bạch hầu là vi khuẩn gram dương, hiếu khí. Loại vi khuẩn này phát triển rất tốt trong môi trường nuôi cấy thông thoáng, đặc biệt phát triển mạnh trên môi trường máu hoặc huyết thanh.
Corynebacterium diphtheriae có hình thái là dạng trực khuẩn, dạng hình que hoặc hơi cong, phình to ở một hoặc cả hai đầu tạo thành hình chùy, dài khoảng 2 - 6 μm và rộng khoảng 0,5 - 1 μm. Vi khuẩn bạch hầu không có vỏ, không có khả năng di động và không sinh nha bào.
Vi khuẩn bạch hầu sống ký sinh ở trong đất, động vật và con người. Sức đề kháng của C. diphtheriae ở ngoài cơ thể rất cao, đặc biệt còn được bảo vệ bởi một lớp chất nhầy bao bọc bên ngoài, điều này giúp vi khuẩn bạch hầu có thể sống sót trong các môi trường khô, lạnh.
Vậy vi khuẩn bạch hầu sống được ở nhiệt độ nào? Ngoài việc sống ký sinh ở cơ thể người, vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao khi sống ở môi trường bên ngoài, chịu được thời tiết lạnh giá và khô hạn. Có thể sống trên các vật dụng như chén, đũa, muỗng, cốc, đồ chơi,… từ vài ngày đến vài tuần. Có thể tồn tại ở trong nước uống hoặc sữa trong khoảng 20 ngày, trên các đồ bằng vải khoảng 30 ngày và thậm chí có thể sống trong xác chết khoảng 2 tuần.
Mặc dù có sức sống bền bỉ trong một số điều kiện sống ở bên ngoài, tuy nhiên vi khuẩn bạch hầu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố lý hoá khác. Khi bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, vi khuẩn bạch hầu có thể chết sau vài giờ. Dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời khuếch tán, chúng có thể chết sau vài ngày. Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu chỉ có thể tồn tại khoảng 10 phút dưới điều kiện nhiệt độ 58 độ C và sống được khoảng 1 phút trong môi trường chứa phenol 1% và cồn 60 độ.
Bởi vì ngoại độc tố bạch hầu có bản chất là protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính mạnh. Tuy nhiên protein thì sẽ không bền với nhiệt độ hay môi trường formol. Khi vi khuẩn bạch hầu được xử lý với nhiệt độ và formol thì sẽ làm mất đi độc tố, gọi là vi khuẩn giải độc tố được dùng làm vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Vi khuẩn bạch hầu được lây truyền thông qua đường hô hấp, do sự tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn, gây ra bệnh bạch hầu. Cả người bệnh và người lành mang bệnh vừa là ổ chứa vi khuẩn, vừa là nguồn lây truyền bệnh.
Ngoài ra, do khả năng có thể sống sót trên các vật dụng ở bên ngoài môi trường nên vi khuẩn bạch hầu còn có thể lây lan qua người khác thông qua sự tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Thời gian ủ bệnh thông thường từ 2 - 5 ngày tùy vào thể trạng của mỗi người. Thời kỳ lây truyền vi khuẩn thường là từ thời kỳ khởi phát, một số trường hợp có thể diễn ra ở cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời gian người bệnh đào thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể có thể kéo dài từ 2 tuần và ngắn hơn 4 tuần. Đối với người lành mang bệnh, thời kỳ lây truyền thường kéo dài từ vài ngày đến 3 hoặc 4 tuần tùy trường hợp. Hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu, điều trị bằng thuốc kháng sinh phù hợp sẽ giúp nhanh chóng kết thúc sự lây lan này.
Sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu, trải qua giai đoạn ủ bệnh, bạn sẽ trở thành người mắc bệnh bạch hầu. Lúc này bạn sẽ có có triệu chứng như: Viêm họng, mũi, thanh quản, đau rát họng, ho, sốt nhẹ, mệt mỏi và mức độ nặng của các triệu chứng sẽ tăng dần theo thời gian. Trong vòng 2 - 3 ngày, sẽ xuất hiện các lớp giả mạc màu xám bám dính ở vùng hầu họng. có thể sưng vùng dưới hàm hoặc sưng các hạch ở vùng cổ.
Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh mà chia thành các loại như bệnh bạch hầu mũi trước, bệnh bạch hầu họng và amidan, bệnh bạch hầu thanh quản,... Trong đó bệnh bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng và tiến triển nhanh nhất ở trẻ em với biểu hiện tại chỗ là có giả mạc ở thanh quản gây tắc đường thở, suy hô hấp và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, tê liệt các hệ thần kinh như sọ não, cảm giác, vận động và viêm cơ tim, có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Kháng thể miễn dịch của vi khuẩn bạch hầu có thể truyền từ mẹ sang con, có tác dụng miễn dịch, bảo vệ và có thể sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi. Ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính đều có thể bị mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Những người đã từng mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại bởi cơ thể đã tạo được miễn dịch lâu dài.
Hiện nay đã có vaccine tiêm phòng bệnh bạch hầu, nhà nước đã tạo điều kiện chích ngừa cho tất cả các em bé từ trên 2 tháng tuổi trở lên thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, cũng nên tiêm nhắc lại khoảng 5 năm một lần và/hoặc thực hiện xét nghiệm kiểm tra để đánh giá tình trạng miễn dịch vi khuẩn bạch hầu của cơ thể.
Một môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng không chỉ giúp chúng ta phòng ngừa vi khuẩn bạch hầu mà còn phòng ngừa nhiều loại virus, vi khuẩn khác có nguy cơ gây bệnh cho cơ thể chúng ta.
Thông qua bài viết vừa rồi bạn đã có thêm nhiều kiến thức về vi khuẩn bạch hầu như khả năng lây lan nhanh chóng, các biến chứng gây ra hết sức nghiêm trọng, có thể hình dung được mức độ nguy hiểm của vi khuẩn bạch hầu và trả lời được câu hỏi vi khuẩn bạch hầu sống được ở nhiệt độ nào. Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố các yếu tố tự nhiên, đặc biệt là ánh sáng và nhiệt độ. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ. Ngoài ra, trong môi trường bóng râm, nhiệt độ cao thì vi khuẩn cùng độc tố của chính nó sẽ chết sau vài ngày.
Do đó, bất kỳ ai dù là trẻ em hay người lớn đều cần chủng ngừa vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe của bản thân chúng ta, đồng thời làm ảnh hướng đến những người xung quanh, tạo ra những gánh nặng cho xã hội. Hãy vì một xã hội khoẻ mạnh và an toàn bạn nhé!
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.