Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách phân loại rung nhĩ phổ biến và cách dự phòng bệnh rung nhĩ mà bạn nên biết

Ngày 24/08/2023
Kích thước chữ

Rung nhĩ là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Hiện nay, trên thực hành lâm sàng có nhiều cách phân loại rung nhĩ. Trong đó, phương pháp phân loại phổ biến nhất chia thành 5 mức độ khác nhau của bệnh rung nhĩ.

Trong bệnh lý tim mạch, rung nhĩ là tình trạng phổ biến gây rối loạn nhịp tim, đồng thời làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 5 lần. Bởi vậy, việc chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả kết hợp quản lý bệnh chặt chẽ là yếu tố tiên quyết bảo vệ sức khỏe người bệnh. Dựa theo phân loại rung nhĩ, bác sĩ sẽ thảo luận cùng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tối ưu cũng như chỉ dẫn cụ thể về lối sống sinh hoạt hàng ngày dự phòng bệnh tiến triển.

Tổng quan về bệnh rung nhĩ

Bệnh rung nhĩ, còn được gọi là Atrial Fibrillation (AFib), là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến, đặc biệt với đối tượng người trên 60 tuổi. Trong tình trạng sức khỏe này, các nhĩ của tim rung lên không đều khiến nhịp tim bất thường, từ đó dẫn tới chức năng tim hoạt động không hiệu quả.

Bên cạnh đó, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ đáng kể của máu trong các khoang tim, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hình thành cục máu đông, đây là nguy cơ chính gây ra đột quỵ.

Nguyên nhân gây ra AFib là quá trình dẫn truyền điện trong tim rối loạn, thường liên quan đến các tác nhân như tuổi tác kết hợp với bệnh tăng huyết áp, bệnh van tim, bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, thậm chí cả căng thẳng tâm lý cũng góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh.

Cách phân loại rung nhĩ phổ biến và cách dự phòng bệnh rung nhĩ mà bạn nên biết 1
Biến chứng mạch máu của bệnh đái tháo đường là yếu tố nguy cơ rung nhĩ

Nhiều người bệnh không có triệu chứng khiến việc chẩn đoán, điều trị bị chậm trễ. Hầu hết các ca bệnh ghi nhận mắc rung nhĩ do phát hiện tình cờ khi bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ. Chỉ khi bệnh lý tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng như:

  • Nhịp tim không đều: Một triệu chứng chính của AFib là nhịp tim không đều, thường biểu hiện qua cảm giác đập tim nhanh hoặc nhịp tim bất thường.
  • Khó thở, mệt mỏi: Do tim không hoạt động hiệu quả, cơ thể không được cung cấp đủ oxy làm bệnh nhân thở khó khăn và mệt mỏi thường xuyên.
  • Đau ngực: Biểu hiện này có thể xuất hiện khi máu không được bơm ra đủ, gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể từ đó ảnh hưởng tới chức năng của các tim. Đồng thời, đây cũng là dấu hiệu nguy hiểm báo hiệu tiến triển bệnh cần được xử trí sớm.
  • Mất thăng bằng: Do tác động lên quá trình cung cấp máu đến não khiến người bệnh chóng mặt, lâng lâng, thậm chí ngất xỉu. Người bệnh có thể gặp triệu chứng do tụt huyết áp tư thế, đặc biệt khi di chuyển nhanh, đột ngột.

Nếu không được phát hiện kịp thời, AFib sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tình trạng rối loạn nhịp tim kéo dài, hình thành cục máu đông, suy tim, thậm chí gây đột quỵ nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Bởi vậy, người bệnh cần được điều trị, quản lý bệnh sớm nhất có thể. Dựa trên phân loại rung nhĩ cùng thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị phù hợp, có thể bao gồm can thiệp nội khoa, ngoại khoa kết hợp thay đổi lối sống tích cực, lành mạnh.

Cách phân loại rung nhĩ phổ biến và cách dự phòng bệnh rung nhĩ mà bạn nên biết 2
Rung nhĩ thường gây rối loạn nhịp tim ở người bệnh

Phân loại rung nhĩ trên lâm sàng

Khi điều trị bệnh, xác định được phân loại rung nhĩ sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ chữa trị hiệu quả tối ưu. Hiện nay, trên thực hành lâm sàng, rung nhĩ có nhiều loại phân loại dựa trên tình trạng và đặc điểm cụ thể. Dưới đây là cách phân loại chính, cụ thể:

  • Rung nhĩ cơn: Đây là tình trạng rung nhĩ kết thúc nhanh chóng hoặc tồn tại không quá 7 ngày. Các cơn rung nhĩ có thể xuất hiện lặp lại với tần suất không đều.
  • Rung nhĩ bền bỉ: Loại này là khi rung nhĩ xuất hiện liên tục và kéo dài trên 7 ngày.
  • Rung nhĩ dai dẳng: Đây là dạng rung nhĩ kéo dài liên tục trên 12 tháng.
  • Rung nhĩ mãn tính: Loại này được định nghĩa bởi việc cả bác sĩ và bệnh nhân đều chấp nhận rằng không thể chuyển nhịp hoặc duy trì nhịp xoang ổn định.
  • Rung nhĩ không do bệnh van tim: Đây là trường hợp rung nhĩ không liên quan đến tình trạng hẹp van 2 lá do thấp, không có van tim sinh học/cơ học hoặc can thiệp tình trạng hẹp van 2 lá.
Cách phân loại rung nhĩ phổ biến và cách dự phòng bệnh rung nhĩ mà bạn nên biết 3
Phân loại rung nhĩ phổ biến được chia thành 5 loại

Phương pháp dự phòng bệnh rung nhĩ

Ngoài phân loại rung nhĩ thì nhiều người cũng quan tâm tới những cách ngăn ngừa bệnh rung nhĩ nói riêng và bệnh tim mạch nói chung. Hiện nay, có nhiều biện pháp dự phòng được chứng minh hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ.

Việc dự phòng AFib không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch mà còn giảm nguy cơ các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc suy tim. Dưới đây là một số phương pháp dự phòng quan trọng, bao gồm:

  • Chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối: Hãy tập tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, đồ ngọt hay thực phẩm có hàm lượng mỡ bão hòa cao. Một thực đơn ăn uống phù hợp không chỉ giúp dự phòng bệnh rung nhĩ mà còn bảo vệ sức khỏe toàn diện cho cơ thể.
  • Tập thể dục đều đặn: Ít nhất là 150 phút tập thể dục mỗi tuần giúp duy trì sức khỏe tim mạch tốt. Những hoạt động như đi bộ, bơi lội, yoga đều rất có lợi cho sức khỏe của người bệnh.
  • Tránh thói quen hút thuốc: Thuốc lá có tác động tiêu cực lên tim mạch, tăng nguy cơ mắc AFib. Bỏ hút thuốc sẽ giảm bớt yếu tố nguy cơ mắc rung nhĩ nói riêng và bệnh lý tim mạch, hô hấp nói chung.
  • Hạn chế tiêu thụ cồn: Uống rượu bia một cách có mức độ để tránh tác động xấu lên sức khỏe.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Chuyên gia khuyến nghị người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp, tiền sử đột quỵ, bệnh lý van tim… nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để được tư vấn kế hoạch tầm soát, phát hiện sớm bệnh rung nhĩ cũng như bệnh lý khác nếu có.
  • Kiểm soát bệnh lý nền: Tăng huyết áp hoặc đái tháo đường đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh rung nhĩ. Hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị giúp kiểm soát đường huyết và sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Cách phân loại rung nhĩ phổ biến và cách dự phòng bệnh rung nhĩ mà bạn nên biết 4
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp bảo vệ sức khỏe toàn diện

Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới độc giả thông tin hữu ích về bệnh rung nhĩ bao gồm phân loại rung nhĩ, nguyên nhân gây bệnh cũng như cách dự phòng hiệu quả bằng cách duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học, tối ưu. Đừng quên tiếp tục đón xem những bài viết sắp tới với nhiều chủ đề đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin