Cách phòng bệnh giao mùa xuân hè hiệu quả mà ai cũng cần biết
Ngày 07/03/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Làm thế nào để phòng bệnh giao mùa xuân hè? Đây chắc hẳn là nỗi băn khoăn của nhiều người tại thời điểm đặc biệt này. Vào thời điểm giao mùa cùng với sự thay đổi thất thường của chỉ số chất lượng không khí ngày càng kém đã tác động mạnh mẽ đến sức khỏe con người, đặc biệt là các nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ có thai, người già và người mắc bệnh mãn tính.
Vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa xuân hè, thời tiết sẽ thay đổi thất thường khiến cơ thể không kịp thích nghi. Điều này làm chúng ta dễ mắc các bệnh hơn bởi đây là thời tiết thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển. Chúng thường gây ra các bệnh phổ biến như: Cúm mùa, thủy đậu, viêm kết mạc, tiêu chảy cấp,... Chính vì thế, cần phải có phương pháp phòng bệnh giao mùa xuân hè hiệu quả để bảo vệ bản thân và gia đình.
Nhóm người dễ mắc bệnh khi giao mùa xuân hè
Để phòng bệnh giao mùa xuân hè hiệu quả, trước tiên chúng ta phải biết được ai dễ mắc bệnh vào thời điểm này nhất.
Trẻ nhỏ: Trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn bởi vì hệ thống miễn dịch ở trẻ nhỏ chưa được phát triển đầy đủ nên khả năng phòng vệ của trẻ yếu hơn và dễ bị nhiễm bệnh khi chuyển mùa.
Người lớn tuổi: Những thay đổi về thời tiết có thể dễ dàng gây ra bệnh. Bởi người lớn tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như bệnh hô hấp, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, suy gan, suy thận khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Vì vậy, bệnh ở người lớn tuổi thường nặng hơn nhiều so với người trẻ.
Phụ nữ mang thai: Nhiễm trùng trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể khiến thai nhi dễ bị dị tật bẩm sinh. Ngay cả khi mẹ bầu bị ốm, họ cũng thường ngại uống thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, việc phòng bệnh giao mùa xuân hè là ưu tiên hàng đầu của phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, những người có bệnh nền sẵn cũng là đối tượng dễ bị bệnh khi giao mùa.
Một số bệnh lý có thể gặp khi giao mùa xuân hè
Vào giai đoạn giao mùa xuân hè, trời thường mưa nhiều, thời tiết nóng lạnh khiến cơ thể khó thích nghi và tăng nguy cơ mắc bệnh. Sau đây là những bệnh dễ xảy ra khi chuyển mùa:
Cúm mùa
Khi thời tiết chuyển giao từ mùa xuân sang mùa hè, nhiệt độ sẽ dao động suốt cả ngày, mưa gió thất thường đi kèm với không khí bị ô nhiễm. Vì vậy, cúm mùa là căn bệnh phổ biến và thường gặp nhất vào thời gian này. Cúm mùa là bệnh do virus cấp tính có thể dễ dàng lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh qua những giọt nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Hoặc lây lan bằng cách tiếp xúc với các đồ vật có chứa virus, chạm vào tay, mắt, mũi, miệng,...
Thủy đậu
Thời điểm chuyển tiếp từ xuân sang hè làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, thủy đậu là một trong những bệnh thường gặp nhất. Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan và do virus varicella-zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua dịch tiết và giọt bắn từ người bệnh. Khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện bình thường, virus sẽ phát tán theo giọt nước bọt, khiến những người tiếp xúc gần trực tiếp rất dễ bị nhiễm trùng. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em nhưng người lớn cũng dễ mắc bệnh. Các dấu hiệu của thời kỳ ủ bệnh bao gồm sốt, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ, buồn nôn và đau họng.
Viêm kết mạc
Viêm kết mạc hay còn gọi là viêm kết mạc mùa xuân là một loại bệnh dị ứng thường xảy ra vào mùa xuân. Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là phấn hoa làm dị ứng mắt. Người bệnh có các triệu chứng như đỏ mắt, ngứa, rát, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, thường xuyên rửa mắt và liên tục muốn dụi mắt nhưng càng dụi thì càng ngứa. Bệnh thường tái phát theo mùa. Bệnh có thể xảy ra ở tất cả mọi người, kể cả người lớn và trẻ em, và phổ biến hơn ở những người mắc bệnh dị ứng kèm theo các loại bệnh khác như hen phế quản, viêm xoang mũi dị ứng và dị ứng thực phẩm.
Tiêu chảy cấp
Thời tiết giao mùa sẽ khiến nhiệt độ tăng cao, đây là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Chính vì thời tiết thay đổi thất thường đã khiến mọi người không chú ý đến việc bảo quản thực phẩm. Làm thực phẩm dễ ôi thiu và nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa. Tiêu chảy cấp là một bệnh điển hình. Tiêu chảy cấp là tình trạng đi tiêu phân lỏng từ ba lần trở lên trong ngày, kèm theo các triệu chứng như nôn mửa, mất nước, mất cân bằng điện giải cũng như các triệu chứng điển hình như chướng bụng, đau bụng, đi ngoài kéo dài, nôn mửa và mệt mỏi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Làm thế nào để phòng bệnh giao mùa xuân hè?
Dưới đây là một số cách phòng bệnh giao mùa xuân hè mà bạn có thể thực hiện để phòng ngừa bệnh tật cho bản thân và mọi người xung quanh.
Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
Ngăn ngừa lây nhiễm: Hạn chế tối đa tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu,....
Tránh tiếp xúc với nguồn gây dị ứng: Đối với các bệnh do thay đổi theo mùa hoặc do dị ứng phấn hoa, nên tránh tiếp xúc với các nguồn gây dị ứng như đội mũ, đeo kính râm, đeo khẩu trang và tránh ánh nắng mặt trời.
Tiêm phòng đầy đủ: Tiêm phòng sẽ giúp ngăn ngừa nhiều bệnh, bao gồm thủy đậu, cúm, sởi, quai bị và một số mầm bệnh gây tiêu chảy.
Giữ nhà cửa và nơi làm việc sạch sẽ: Duy trì môi trường sạch sẽ, thông thoáng và thường xuyên lau chùi các bề mặt và đồ vật cẩn thận.
Đảm bảo an toàn thực phẩm: Luôn ăn thực phẩm đã nấu chín và tránh ăn thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín kỹ.
Tránh bị muỗi đốt: Muỗi là vật trung gian truyền nhiều loại bệnh. Bạn nên bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, sử dụng màn chống muỗi và bôi thuốc chống côn trùng.
Đảm bảo chế độ ăn uống: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ tăng cường sức đề kháng.
Tập thể dục thường xuyên: Rèn luyện cơ thể sẽ làm tăng cường thể trạng và sức đề kháng.
Phòng bệnh giao mùa xuân hè là biện pháp giúp mọi người chủ động tránh hoặc giảm thiểu bệnh tật khi chuyển mùa.
Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ biết được những biện pháp phòng bệnh giao mùa xuân hè hiệu quả. Để tránh các bệnh giao mùa ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng ta nên chủ động phòng tránh càng sớm càng tốt.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.