Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Cách xác định thừa cân béo phì và biện pháp cải thiện, phòng ngừa

Ngày 17/08/2024
Kích thước chữ

Việc hiểu rõ cách xác định thừa cân béo phì, cùng với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa đang ngày càng được nhiều người quan tâm chú trọng nhằm cải thiện và nâng cao sức khỏe của mình. Vậy cách xác định thừa cân béo phì là gì? Để cải thiện và phòng ngừa cần làm thế nào? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay sau đây!

Tình trạng thừa cân, béo phì hiện nay ngày càng tăng chủ yếu là do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không lành mạnh. Vì vậy việc hiểu rõ cách xác định thừa cân béo phì là vô cùng cần thiết để kịp thời kiểm soát cân nặng và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Phân biệt thừa cân với béo phì

Hai khái niệm này đôi khi được mọi người hiểu chung với nhau bởi chúng đều nói về tình trạng tích lũy mỡ quá mức bình thường trong cơ thể. Nhưng thực tế chúng khác nhau về mức độ tác động đến với sức khỏe. 

Thừa cân là tình trạng tích tụ nhiều mỡ quá mức bình thường nhưng chưa đến mức gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Béo phì cũng là thừa cân nhưng tình trạng tích tụ mỡ đã nhiều đến mức được coi là một căn bệnh mãn tính bởi rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe mà nó gây ra.

Béo phì dẫn đến nguy cơ cao mắc tiểu đường tuýp 2, bệnh về tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, ảnh hưởng đến sức khỏe xương. Béo phì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như giấc ngủ hoặc trong hoạt động, di chuyển.

Trong hầu hết các trường hợp, béo phì là bệnh đa nguyên nhân, có thể do môi trường, tâm lý hoặc do gen. Mà nguyên nhân căn bản là do mất cân bằng về năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao của cơ thể, do gia tăng sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng trong khi lối sống thì lười vận động, ít hoạt động thể lực.

Cách xác định thừa cân béo phì và biện pháp cải thiện, phòng ngừa 1
Ăn nhiều thức ăn nhanh và ít vận động gây gia tăng thừa cân béo phì 

Thừa cân béo phì dễ dàng thấy rõ trong sự thay đổi về ngoại hình và chỉ số cân nặng. Căn cứ vào đó, một phương pháp rất hữu hiệu đã được xây dựng, đó là đánh giá tình trạng béo phì thông qua chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI). Đây là phương pháp được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo và là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Cách xác định thừa cân béo phì

Tại Việt Nam, tiêu chuẩn đánh giá thừa cân và béo phì thường được dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, cách xác định thừa cân béo phì được thực hiện bằng cách đo cân nặng và chiều cao của mọi người và tính toán chỉ số BMI.

Đối với người lớn (trên 20 tuổi)

BMI được tính bằng cân nặng (tính bằng kg) chia cho bình phương của chiều cao (tính bằng mét) để đánh giá tình trạng cân nặng của người trưởng thành. Kết quả được đánh giá như sau:

  • Dưới 18.5: Thiếu cân;
  • 18.5 - 22.9: Bình thường;
  • 23 - 24.9: Thừa cân;
  • 25 - 29.9: Béo phì độ I;
  • Trên 30: Béo phì độ II.
Cách xác định thừa cân béo phì và biện pháp cải thiện, phòng ngừa 2
Công thức tính chỉ số BMI

Đây là cách dễ dàng để ước lượng được lượng mỡ cơ thể của một người, tuy nhiên nó không thể hiện lượng mỡ thực tế của cơ thể do đó cách xác định thừa cân béo phì này có thể không đủ độ tin cậy trong một số trường hợp. Chẳng hạn, một người khỏe mạnh có thể có thừa cân nếu tính theo BMI vì người đó là người có nhiều cơ bắp, chứ không phải vì có lượng mỡ cơ thể dư thừa.

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên (trên 2 tuổi) 

Ở nhóm này cũng sử dụng cách xác định thừa cân béo phì bằng chỉ số BMI tuy nhiên nó phân biệt theo tuổi, giới tính và thường được gọi là BMI theo tuổi (tuổi được tính bằng tháng), được biểu thị dưới dạng phần trăm.

Chỉ số BMI cho trẻ em và thanh thiếu niên cũng được tính dựa theo cân nặng và chiều cao như cách tính đối với người lớn. Sau đó, BMI cần được so sánh trên biểu đồ tăng trưởng theo giới tính và độ tuổi để đánh giá vị trí của trẻ so với các trẻ khác cùng giới tính và tuổi theo phần trăm như sau:

  • Thiếu cân: <5;
  • Bình thường: 5 - <85;
  • Thừa cân: 85 - <95;
  • Béo phì: 95.

Ví dụ: Giả sử một bé trai 10 tuổi có chỉ số BMI ở phần trăm thứ 90. Điều này có nghĩa là chỉ số BMI của bé cao hơn 90% các bé trai khác cùng tuổi và chỉ có 10% các bé trai khác có chỉ số BMI cao hơn. Theo phân loại như trên thì bé trai được xếp vào mức độ thừa cân.

Cách xác định thừa cân béo phì thông qua BMI cung cấp một cách đơn giản, dễ tính toán, không tốn kém, không yêu cầu các thiết bị phức tạp và có thể áp dụng cho đa số mọi người. Việc tìm hiểu và ứng dụng phương pháp này giúp mỗi người có thể tự xác định tình trạng thừa cân và béo phì của mình để nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cho gia đình, phòng ngừa các nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp và một số bệnh ung thư.

Một số cách xác định thừa cân béo phì khác

Mặc dù BMI là một công cụ phổ biến để xác định thừa cân và béo phì nhưng nó có những hạn chế nhất định. Trong trường hợp cần đánh giá thêm về sự phân bố mỡ trong cơ thể hay cần đo lượng mỡ thì cần dùng đến các phương pháp xác định bổ sung như:

  • Đo chu vi vòng eo hoặc dùng tỷ lệ vòng eo trên vòng mông (Waist-to-hip ratio, WHR) giúp đánh giá sự phân bố mỡ trên cơ thể.
  • Các kỹ thuật hình ảnh học (như siêu âm, DEXA) cung cấp đánh giá chi tiết và chính xác nhất về tỷ lệ mỡ cơ thể và phân bố mỡ.
Cách xác định thừa cân béo phì và biện pháp cải thiện, phòng ngừa 3
Đo vòng eo cũng là một cách đơn giản để đánh giá sự phân bố mỡ của cơ thể

Hậu quả sức của thừa cân béo phì

Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật và tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cao hơn so với những người có cân nặng khỏe mạnh. Bao gồm:

  • Tử vong do mọi nguyên nhân (tử vong sớm);
  • Huyết áp cao (tăng huyết áp);
  • Nồng độ cholesterol LDL cao hoặc thấp và nồng độ triglyceride cao (rối loạn lipid máu);
  • Bệnh tiểu đường loại 2;
  • Bệnh tim mạch;
  • Đột quỵ;
  • Viêm xương khớp;
  • Nhiều loại ung thư;
  • Chất lượng cuộc sống thấp hơn, khó khăn trong hoạt động thể chất;
  • Trầm cảm, lo âu và các rối loạn tâm thần khác.

Ở Việt Nam, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đang trở thành một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại do sự thay đổi lối sống, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh và ít hoạt động thể chất. 

Các gia đình nên có ý thức tìm hiểu cách xác định thừa cân béo phì cho trẻ em để sớm phát hiện và áp dụng ngay các biện pháp cải thiện, phòng ngừa nhằm tránh những nguy cơ cao mắc các bệnh lý mạn tính và các vấn đề về tâm lý từ rất sớm.

Cách xác định thừa cân béo phì và biện pháp cải thiện, phòng ngừa 4
Người bị thừa cân béo phì rất dễ bị sa sút tinh thần

Phòng ngừa và quản lý thừa cân béo phì 

Thừa cân và béo phì phần lớn có thể phòng ngừa và kiểm soát được. Ở mỗi cá nhân, mỗi người có thể giảm nguy cơ của mình bằng cách áp dụng các biện pháp can thiệp phòng ngừa ở trong lối sống và rèn luyện. Bao gồm:

  • Điều chỉnh các hành vi của trẻ em về ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất, hành vi ít vận động và giấc ngủ;
  • Giới hạn thời gian sử dụng màn hình, tham gia hoạt động thể chất thường xuyên;
  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường và thực phẩm giàu năng lượng và tăng lượng tiêu thụ trái cây và rau quả, cũng như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt;
  • Thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh theo tư vấn của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng;
  • Điều chỉnh thời gian sinh hoạt hợp lý, không thức khuya hay dậy quá muộn, đảm bảo chất lượng giấc ngủ;
  • Tránh thuốc lá và rượu bia, tự điều chỉnh cảm xúc;
  • Tìm hiểu cách xác định thừa cân béo phì và tự theo dõi các chỉ số để duy trì khoảng cân nặng phù hợp.
Cách xác định thừa cân béo phì và biện pháp cải thiện, phòng ngừa 5
Bổ sung rau củ quả thay vì thức ăn nhanh chứa quá nhiều calo 

Với cách xác định thừa cân béo phì được cung cấp trong bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu hy vọng sẽ mang lại thông tin hữu ích cho bạn trong việc theo dõi sức khỏe cân nặng của mình. Từ đó thúc đẩy chúng ta hành động sớm và kiên trì trong việc duy trì lối sống lành mạnh. Đây chính là chìa khóa quan trọng để ngăn chặn và quản lý hiệu quả thừa cân và béo phì.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin