Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cảnh giác dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm độc thai nghén là tình trạng phụ nữ mang thai có thể gặp phải trong 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Khi bà bầu bị nhiễm độc thai nghén, trẻ sơ sinh dễ bị chậm phát triển, nhẹ cân, bị ngạt sau sinh. Vậy dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối là gì? Cách phòng ngừa ra sao?

Ốm nghén là tình trạng hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp phải. Ốm nghén mang đến những trải nghiệm không mấy thú vị như nôn nhiều, khó ăn uống, thậm chí khó thở, suy nhược cơ thể. Khi các triệu chứng này có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, có thể mẹ bầu đã bị nhiễm độc thai nghén. Nhiễm độc thai nghén có thể xảy ra trong giai đoạn đầu hoặc cuối thai kỳ. Vậy dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối là gì?

Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối là gì?

Nhiễm độc thai nghén xuất hiện trong thời kỳ thai nghén của nữ giới và chỉ xuất hiện vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của quá trình mang thai. Theo thống kê, có khoảng 80% bà bầu bị ốm nghén khi mang thai. Tùy cơ địa từng người, các triệu chứng ốm nghén có thể từ nhẹ đến nặng như: Buồn nôn, nôn nhiều, kém ăn uống, chóng mặt, thay đổi khẩu vị,… Ốm nghén nặng có thể khiến bà bầu mệt mỏi, kiệt sức, suy nhược cơ thể. Nhưng nhiễm độc thai nghén triệu chứng còn nặng và mang đến những trải nghiệm tồi tệ hơn ốm nghén rất nhiều.

Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kỳ xảy ra khi có tình trạng rối loạn co thắt mạch máu ở bà bầu. Tình trạng rối loạn này xảy ra ở cả mạch máu ngoại biên lẫn mạch máu nội tạng trong gan, thận, tử cung,… Hậu quả dẫn đến việc thiếu máu nuôi dưỡng các cơ quan trên cơ thể mẹ và máu truyền qua nhau thai để nuôi dưỡng thai nhi. Có thể nói, nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối có hại cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Cảnh giác dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối 1
Bà bầu cần cảnh giác với dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối

Nguyên nhân nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối

Cho đến nay, nguyên nhân đầy đủ dẫn đến nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các yếu tố được cho là có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng này gồm:

  • Thai phụ trẻ tuổi, mang thai con so: Theo thống kê, những thai phụ này chiếm tỷ lệ từ 3% - 10% phụ nữ bị nhiễm độc thai nghén và cao hơn những phụ nữ đã từng mang thai nhiều lần.
  • Thời tiết chuyển mùa hoặc thời tiết lạnh cũng khiến thai phụ dễ bị nhiễm độc thai nghén hơn.
  • Phụ nữ thường xuyên phải làm việc quá sức, bị mệt mỏi trong quá trình mang thai.
  • Phụ nữ thừa cân béo phì, có chỉ số BMI > 30.
  • Nếu bà bầu sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng như nhộng tằm, động vật có vỏ,…cũng tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén.
  • Nếu đã từng mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, tiểu đường thai kỳ, suy thận mạn, viêm loét dạ dày, lupus ban đỏ, hội chứng kháng phospholipid, viêm cầu thận, tăng huyết áp,… nguy cơ nhiễm độc thai nghén cũng cao hơn.
  • Những mẹ bầu nhiều nước ối hay mang đa thai cũng sẽ dễ bị nhiễm độc thai nghén hơn những phụ nữ khác.
  • Người đã từng bị nhiễm độc thai nghén ở những lần mang thai trước cũng dễ gặp tình trạng này ở các lần mang thai tiếp theo.
Cảnh giác dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối 2
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối

Dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối

Nhiễm độc thai nghén có thể xảy ra ở cả 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối sẽ rõ ràng hơn vì ở thời điểm này, hầu hết thai phụ đều không còn tình trạng ốm nghén. Phụ nữ bị nhiễm độc thai nghén trong những tháng cuối thai kỳ sẽ có những triệu chứng điển hình như:

  • Chứng phù chân khi mang thai có biểu hiện nghiêm trọng với hai chân thai phụ bị phù rất to. Dùng ngón tay ấn vào vị trí mắt cá chân sẽ thấy ngay vết lõm. Nếu bị phù nặng, bà bầu thậm chí phù cả mặt và tay.
  • Xét nghiệm nước tiểu sẽ cho kết quả chỉ số protein niệu cao hơn 0,3g/l.
  • Bà bầu bị nhiễm độc thai nghén huyết áp cũng sẽ tăng cao. Nếu huyết áp hơn 140/90 mmHg, họ có thể cần theo dõi tại cơ sở y tế để phòng ngừa biến chứng.

Các dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, thai phụ có nguy cơ phải đối mặt với biến chứng tiền sản giật hoặc sản giật. Nếu bị tiền sản giật, bà bầu sẽ gặp các triệu chứng như đau bụng, đau đầu, choáng váng, hoa mắt, protein niệu có thể lên đến hơn 0,5g/l. Trong trường hợp này, bà bầu cần nhập viện theo dõi. Các bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng sức khỏe thực tế của mẹ và tuổi thai để chấm dứt thai kỳ đúng lúc. Trẻ sinh ra có thể bị nhẹ cân do sinh non.

Tiền sản giật không được theo dõi, điều trị đúng cách sẽ khiến bà bầu bị sản giật. Sản giật là biến chứng nguy hiểm nhất của nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối. Bà bầu sẽ phải hứng chịu những cơn co giật toàn thân cực mạnh, cơ cứng toàn thân, giật rung nhanh, sùi bọt mép, hôn mê, ngưng thở. Khi bị phù phổi, suy tim, nhồi máu não, sản phụ có nguy cơ tử vong. Thai nhi cũng đứng trước nguy cơ bị sảy thai, chết lưu.

Cảnh giác dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối 3
Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối cần được theo dõi sát sao từng triệu chứng

Điều trị nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thế nào?

Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối dù là nhẹ nhất bà bầu cũng nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tùy triệu chứng mà mẹ bầu gặp phải, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Cụ thể là:

  • Giúp thai phụ ổn định huyết áp, không để huyết áp tăng quá cao hoặc hạ huyết áp quá thấp.
  • Các nhóm thuốc kháng sinh nhóm beta lactam cũng sẽ được chỉ định để điều trị tình trạng protein niệu, phòng ngừa viêm cầu thận.
  • Bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân gây phù nề. Nếu tăng natri máu, thai phụ cần giảm nạp natri clorua vào cơ thể. Nếu bị phù do giảm protein máu, thai phụ cần truyền đạm.
  • Để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, bà bầu cũng sẽ được truyền bổ sung acid folic, magie B6,…
  • Chăm sóc mẹ bị nhiễm độc thai nghén tại nhà cũng cần gia đình hết sức chú trọng.

Nhiễm độc thai nghén hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân. Vì vậy, thai phụ cần chủ động phòng ngừa bằng cách: Khám tiền sản trước khi mang thai, kiểm soát tốt các bệnh lý nền nếu có, khám định kỳ trong quá trình mang thai để phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối nếu có. 

Trong thai kỳ, mẹ bầu nên cố gắng dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế áp lực công việc và những căng thẳng trong cuộc sống. Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc nhiễm độc thai nghén cũng nhưng các vấn đề nghiêm trọng khác khi mang thai. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm