Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cảnh giác với một số tác dụng phụ của bí ngòi

Thanh Hương

22/12/2024
Kích thước chữ

Bí ngòi, một loại rau quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, ít ai biết rằng việc tiêu thụ quá nhiều bí ngòi cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Vậy tác dụng phụ của bí ngòi là gì?

Bí ngòi, còn gọi là bí ngồi hay Zucchini, là một loại thực vật thuộc họ Bí (Cucurbitaceae), cùng họ với dưa hấu, bí đỏ, dưa chuột.  Dù có vị ngọt dễ ăn lại giàu dinh dưỡng nhưng ăn bí ngòi không đúng cách có thể gây ra một số tác dụng phụ. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác dụng phụ của bí ngòi.

Tác dụng phụ của bí ngòi với đường tiêu hóa

Bí ngòi với hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, luôn được xem là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều hoặc dùng theo cách không phù hợp có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa.

Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của bí ngòi là tình trạng chướng bụng đầy hơi. Nguyên nhân chính là do hàm lượng chất xơ cao trong loại quả này. Chất xơ không hòa tan trong bí ngòi khó tiêu hóa hoàn toàn, khi đến ruột già sẽ được lên men bởi vi khuẩn đường ruột, sản sinh khí methane và hydrogen gây ra cảm giác đầy bụng, khó chịu. Đặc biệt, ở những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm hoặc dạ dày yếu, việc ăn sống hoặc tiêu thụ quá nhiều bí ngòi có thể làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, lượng chất xơ và nước quá nhiều trong bí ngòi còn có thể làm tăng nhu động ruột, dẫn đến tiêu chảy. Khi chất xơ di chuyển quá nhanh qua đường ruột, cơ thể không kịp hấp thụ nước, gây ra tình trạng phân lỏng và đi ngoài nhiều lần. Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều bí ngòi cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng khác.

Cảnh giác với một số tác dụng phụ của bí ngòi 1
Tác dụng phụ của bí ngòi đối với hệ tiêu hóa là dễ nhận ra nhất

Dị ứng - Tác dụng phụ của bí ngòi đáng lưu ý

Dị ứng thực phẩm không phải là tình trạng hiếm gặp. Đây là một phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch đối với một loại thực phẩm nào đó, thường là protein trong thực phẩm. Hệ thống miễn dịch nhầm lẫn protein vô hại trong thực phẩm là chất gây hại và tạo ra kháng thể IgE để chống lại chúng. Lần sau khi ăn phải loại thực phẩm đó, các kháng thể IgE sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch giải phóng Histamine và các hóa chất khác, gây ra các triệu chứng dị ứng. Ngoài sữa, trứng, đậu phộng, đậu nành, động vật có vỏ… các loại quả quả họ bầu bí cũng có thể gây dị ứng.

Các triệu chứng dị ứng với bí ngòi có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, bao gồm: Nổi mề đay, ngứa da, sưng mặt, môi hoặc lưỡi, khó thở, thậm chí là sốc phản vệ. Các triệu chứng này thường xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc tiếp xúc với bí ngòi.

Khi bị dị ứng bí ngòi nhẹ, việc đầu tiên là ngừng ăn bí ngòi ngay lập tức. Uống nhiều nước giúp đào thải chất gây dị ứng. Thuốc kháng Histamine (như Cetirizine, Loratadine) có thể giảm ngứa, phát ban nhưng bạn nên tham khảo dược sĩ trước khi dùng. Nếu triệu chứng không giảm hoặc nặng hơn, người bệnh cần đến bác sĩ.

Cảnh giác với một số tác dụng phụ của bí ngòi 2
Một số người bị dị ứng với protein có trong bí ngòi

Tác dụng phụ của bí ngòi đến sức khỏe tổng thể

Chúng ta cũng không thể bỏ qua những tác dụng phụ của bí ngòi đối với sức khỏe tổng thể.

Ảnh hưởng đến thận

Một số nghiên cứu cho rằng oxalat, một hợp chất tự nhiên có trong bí ngòi, có thể góp phần hình thành sỏi thận ở những người có nguy cơ cao. Oxalat kết hợp với canxi trong nước tiểu tạo thành các tinh thể canxi canxi oxalat, là thành phần chính của sỏi thận. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa lượng oxalat trong thực phẩm và nguy cơ sỏi thận vẫn còn nhiều tranh cãi và cần được nghiên cứu thêm. Những người có tiền sử sỏi thận hoặc các vấn đề về thận nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu oxalat, bao gồm cả bí ngòi.

Tích tụ độc tố tự nhiên

Một số loại bí ngòi, đặc biệt là các loại bí dại, có thể chứa hàm lượng cucurbitacin cao. Cucurbitacin là một hợp chất đắng có tác dụng bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Tuy nhiên, khi ăn phải bí ngòi có hàm lượng cucurbitacin cao, người dùng có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Lưu ý khi dùng để hạn chế tác dụng phụ của bí ngòi

Để tận dụng tối đa lợi ích dinh dưỡng và hạn chế các tác dụng phụ của bí ngòi, chúng ta cần lưu ý một số điều sau:

Lựa chọn và sơ chế bí ngòi

Chọn bí ngòi tươi ngon để sử dụng là lưu ý đầu tiên bạn cần nhớ. Bí ngòi tươi ngon có vỏ sáng bóng, không bị dập nát, phần cuống còn tươi. Nên chọn những quả có kích thước vừa phải, không quá già hoặc quá non.

Trước khi chế biến bí ngòi, bạn không nhất thiết phải gọt vỏ. Vỏ bí ngòi chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất xơ, vitamin C, kali và các chất chống oxy hóa. Nếu bạn lo lắng về dư lượng thuốc trừ sâu, hãy rửa kỹ và chà xát nhẹ nhàng vỏ bí ngòi.

Cảnh giác với một số tác dụng phụ của bí ngòi 3
Chọn chọn và chế biến bí ngòi kỹ càng để tránh tác dụng phụ

Ăn sống hay nấu chín bí ngòi?

Bí ngòi ăn sống được không? Mặc dù bí ngòi có thể ăn sống, nhưng ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng do hàm lượng chất xơ cao. Một số loại bí ngòi có thể chứa cucurbitacins, một hợp chất có thể gây ngộ độc nếu ăn với số lượng lớn. Nếu bạn ăn bí ngòi sống và cảm thấy có vị đắng, hãy ngừng ăn ngay lập tức. Với trẻ em, việc nấu chín kỹ bí ngòi giúp làm mềm các sợi chất xơ, dễ tiêu hóa hơn, giảm thiểu tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, nấu chín cũng giúp loại bỏ một phần các chất gây dị ứng có trong bí ngòi.

Kết hợp bí ngòi với thực phẩm khác

Bí ngòi nên được kết hợp với các loại thực phẩm khác trong một bữa ăn cân bằng để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ví dụ, bạn có thể kết hợp bí ngòi với thịt nạc, cá, các loại đậu, gạo lứt và các loại rau xanh khác. Nếu chỉ ăn chủ yếu là bí ngòi trong các bữa ăn, bạn sẽ dễ bị mất cân bằng dinh dưỡng.

Cẩn trọng với dị ứng bí ngòi

Người có tiền sử dị ứng với các loại quả họ bầu bí khác cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng bí ngòi, vì có nguy cơ cao bị dị ứng chéo. Nếu bạn đã từng bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào, cũng nên cẩn trọng trước khi sử dụng bí ngòi. Nếu là lần đầu sử dụng, bạn chỉ nên ăn với lượng nhỏ.

Cảnh giác với một số tác dụng phụ của bí ngòi 4
Bí ngòi tốt nhất cho sức khỏe khi bạn ăn đủ lượng, đúng cách

Bí ngòi là một loại rau quả giàu dinh dưỡng. Nhưng việc tiêu thụ quá nhiều có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là dị ứng. Để tận hưởng trọn vẹn những lợi ích của bí ngòi, bạn nên kết hợp chúng với các loại thực phẩm khác và ăn với lượng vừa phải. Nếu có tiền sử dị ứng và lo lắng về các tác dụng phụ của bí ngòi, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thực phẩm này. 

Xem thêm: Điểm danh các công dụng của bí ngòi cho bé

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin