Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện và tại nhà như thế nào?

Ngày 31/08/2023
Kích thước chữ

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý về tim mạch có nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Do vậy, việc phát hiện, điều trị cũng như chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim đúng cách giúp phòng ngừa tái phát bệnh, nhanh hồi phục sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong.

Để chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim một cách hiệu quả và đúng cách, trước hết hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu tổng quát về tìm trạng nhồi máu cơ tim, nguyên nhân và triệu chứng ra sao nhé!

Tổng quát về tình trạng nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là tình trạng thuộc loại hội chứng vành cấp hay còn được gọi là nhồi máu cơ tim cấp. Đây là một loại bệnh về tim mạch xảy ra khi xuất hiện tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch, do có cục máu đông hoặc một nguyên nhân nào khác gây ra. Khi hệ thống động mạch vành đóng vai trò cung cấp máu nuôi máu bị giảm đi thì lúc đó hoạt động của cơ tim sẽ bị yếu dần đi. Điều này có thể gây ra hiện tượng suy giảm chức năng tâm trương và tâm thu, dễ khiến người bệnh bị loạn nhịp tim.

Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện và tại nhà như thế nào? 1
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ động mạch

Theo nghiên cứu, có 3 loại hội chứng vành cấp đó là:

  • NSTEMI - nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên;
  • STEMI - nhồi máu cơ tim có ST chênh lên;
  • Đau thắt ngực không ổn định.

Nhồi máu cơ tim được chia thành 2 loại nguyên nhân đó là:

  • Xơ vữa động mạch: Tình trạng xảy ra khi các mảng xơ vữa bị vỡ ra, dẫn đến tình trạng huyết khối, đồng thời cũng khiến lưu lượng máu trong mạch vành bị giảm đi.
  • Không phải do xơ vữa động mạch: Đây là tình trạng giảm cung cấp khí oxy do mất máu cấp tính, thiếu máu, huyết áp thấp… Nhu cầu khí oxy gặp trong nhịp tim nhanh tăng lên, nhiễm độc giáp, uống cocaine khiến nhu cầu oxy tăng…

Ngoài ra còn một số yếu tố dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, cụ thể:

  • Các vấn đề về tâm trạng, tâm lý như hay suy nghĩ, suy nghĩ tiêu cực, tâm trạng lo âu, căng thẳng…
  • Người hút thuốc lá;
  • Béo phì, thừa cân, lười vận động, ít vận động thể lực;
  • Các bệnh lý khiến động mạch vành bị viêm;
  • Bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc rối loạn lipid máu;
  • Vấn đề tuổi tác: Càng lớn tuổi thì càng có nguy cơ mắc bệnh;
  • Vấn đề giới tính: Tỷ lệ nam giới bị nhồi máu cơ tim nhiều hơn nữ giới;
  • Phụ nữ sau mãn kinh;
  • Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch;
  • Vấn đề nguồn gốc: Người gốc Nam Á hoặc gốc Đông Á có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với người da đen.

Triệu chứng của tình trạng nhồi máu cơ tim

Đau ngực là một triệu chứng điển hình của bệnh nhồi máu cơ tim. Cơn đau có thể lan ra cánh tay trái, vai, cổ, hàm với mức độ dữ dội và dai dẳng. Cơn đau ngực được miêu tả là đau dữ dội, như xương ức bị ép chặt, nó có thể kéo dài trong khoảng 12 giờ hoặc hơn thế nữa.

Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng khác như: Khó thở, khó tiêu, nhịp tim nhanh, thở nhanh, thở dốc, các biểu hiện sốt, các chi lạnh toát, vã mồ hôi, cảm giác lo lắng, hồi hộp…

Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện và tại nhà như thế nào? 2
Đau ngực là triệu chứng điển hình của tình trạng nhồi máu cơ tim

Cần phải chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim thế nào?

Việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim cần phải được thực hiện sớm và đúng phương pháp cả khi ở bệnh viện cũng như ở nhà. Làm như vậy để làm giảm tỷ lệ tử vong, làm giảm thời gian hồi phục cho người bệnh và phòng tránh tái phát bệnh.

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện

Việc chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở bệnh viện đa phần là phần việc của nhân viên y tế, đó là điều dưỡng viên. Tuy vậy, người nhà và bệnh nhân cũng cần phối hợp với nhân viên y tế để chăm sóc bệnh nhân được hiệu quả hơn. Cụ thể:

Làm giảm triệu chứng đau ngực:

  • Những ngày đầu nhập viện nên hạn chế hoạt động thể lực nhằm giúp giảm việc tiêu thụ oxy của cơ tim.
  • Khi thực hiện y lệnh Morphin Sulfat (tiêm tuỷ sống) cần theo dõi tần số thở, vì có khả năng có biến chứng ức chế hô hấp.
  • Thực hiện chỉ định dùng thuốc giãn mạch vành (nếu có).
  • Thực hiện y lệnh thở oxy.
  • Hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Phương pháp nghỉ ngơi có thể làm giảm tần số tim, đồng thời cũng cải thiện lưu lượng máu.
  • Làm theo y lệnh thuốc giãn mạch nhằm làm giảm hậu gánh.
  • Theo dõi, kiểm tra: Tần số tim, tình trạng rối loạn nhịp tim, tình trạng huyết áp, lượng nước tiểu, triệu chứng đau ngực, mệt mỏi.

Cải thiện chức năng trao đổi khí ở phổi:

  • Hướng dẫn người bệnh nằm ở tư thế fowler (tư thế nửa ngồi).
  • Thực hiện y lệnh thở khí oxy.
  • Dạy người bệnh tập thở sâu, thường xuyên thay đổi tư thế nằm, ngồi nhằm thông khí phổi sau khi hết triệu chứng đau ngực.
  • Theo dõi và kiểm tra: Kiểu thở, tần số thở và hiện tượng khó thở.
  • Điều trị và kiểm soát các bệnh lý kèm theo có nguy cơ cao gây ra biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, chứng rối loạn lipid máu hoặc rối loạn chức năng thận…

Tập vận động thể lực: Sau khi hết triệu chứng đau ngực với tần suất tăng dần:

  • Ngày đầu chỉ cần cử động nhẹ nhàng các ngón tay, ngón chân.
  • Ngày thứ 2 ngồi dậy 1 - 2 lần với thời gian khoảng 5 - 10 phút cho mỗi lần.
  • Ngày thứ 3, thứ 4 ngồi dậy 3 - 4 lần với thời gian 10 - 20 phút cho mỗi lần, hoặc có thể đi lại mấy bước trong phòng bệnh.
  • Ngày thứ 5, thứ 6 có thể đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh.
  • Ngày thứ 7, thứ 8 có thể đi bộ đến hành lang bệnh viện.
  • Sau ngày thứ 9 có thể đi bộ xa hơn nhưng không được đi gắng sức.
  • Khoảng 2 - 3 tháng sau có thể đi làm việc bình thường nhưng không nên làm những việc nặng nhọc và cảm xúc mạnh.
  • Theo dõi và kiểm tra những hoạt động đáp ứng thể lực sau khi hết đau ngực như mạch đập, nhịp tim, huyết áp, tình trạng đau tức ngực, khó thở hoặc vã mồ hôi.

Làm giảm lo âu cho người bệnh:

  • Giữ trạng thái phòng bệnh luôn được yên tĩnh.
  • Tuyệt đối không để bệnh nhân kích động, sang chấn tâm lý hoặc gây căng thẳng.
  • Thường xuyên trò chuyện, tâm sự, động viên bệnh nhân.
  • Làm theo y lệnh thuốc an thần cho người bệnh nếu có.

Hướng dẫn giáo dục sức khoẻ:

  • Cung cấp kiến thức và giải thích cho người bệnh về tình trạng bệnh, thuốc điều trị nhồi máu cơ tim
  • Hướng dẫn người bệnh về chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để hồi phục sức khỏe sau nhồi máu cơ tim.
  • Trường hợp người bệnh có liên quan đến bệnh tim mạch thì cần được hỗ trợ hướng dẫn điều trị bệnh đi kèm và thường xuyên đi thăm khám.
Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện và tại nhà như thế nào? 3
Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện như thế nào

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim ngay tại nhà

Sau khi được chăm sóc ở bệnh viện bởi các nhân viên y tế thì sau khi xuất viện người bệnh cũng cần được chăm sóc một cách kỹ lưỡng và ổn định như sau:

  • Bảo đảm trạng thái tâm lý của bệnh nhân ở mức ổn định, tránh lo âu, căng thẳng. Đối với người nhà bệnh nhân cần phải trau dồi kiến thức chăm sóc người bệnh nhồi máu cơ tim.
  • Hãy cho người bệnh tập thể dục mỗi ngày tại nhà ít nhất là 30 phút với những bài tập thể dục nhẹ nhàng.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học: Ưu tiên những loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, hạt… Không ăn những thực phẩm có chứa chất béo bão hoà như đồ ăn nhanh, mỡ động vật, đồ ăn đóng hộp, thịt đỏ…
  • Người bệnh tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
  • Khuyên bệnh nhân trong vòng 4 tuần đầu tiên không được hoạt động tình dục.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý, tránh thừa cân hoặc béo phì.
  • Duy trì ổn định, điều trị bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung và nguy cơ nhồi máu cơ tim nói riêng như tiểu đường, rối loạn mỡ máu hoặc cao huyết áp.
  • Tái khám định kỳ sau 3 tháng hoặc sớm hơn để kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim tại bệnh viện và tại nhà như thế nào? 4
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim nên tránh sử dụng rượu bia

Chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim là một vấn đề quan trọng và thiết yếu. Công việc này có thể làm giảm thời gian tái phát bệnh và thời gian hồi phục của bệnh nhân, đồng thời nó cũng làm giảm nguy cơ gặp những biến chứng hoặc nguy cơ tử vong. Để chăm sóc bệnh nhân nhồi máu cơ tim thì cần phải có sự phối hợp giữa người bệnh, người nhà và các nhân viên y tế trong qua trình điều trị và theo dõi.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin