Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chẩn đoán sùi mào gà thế nào? Làm sao để phòng ngừa sùi mào gà?

Ngày 18/11/2024
Kích thước chữ

Sùi mào gà là một căn bệnh nguy hiểm lây truyền qua đường tình dục, do virus HPV gây ra và thường khó phát hiện sớm vì thời gian ủ bệnh kéo dài. Vậy chẩn đoán sùi mào gà thế nào? Việc chẩn đoán bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm chuyên sâu. Để đảm bảo điều trị hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán ngay khi nghi ngờ mắc bệnh.

Sùi mào gà có thời gian ủ bệnh dài và các triệu chứng thường mờ nhạt trong giai đoạn đầu, việc chẩn đoán bệnh sùi mào gà không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cùng tìm hiểu về chẩn đoán sùi mào gà thế nào trong bài viết dưới đây.

Sùi mào gà là bệnh gì?

Sùi mào gà (hay còn gọi là bệnh mồng gà) là một dạng mụn cóc xuất hiện tại vùng sinh dục. Đây là một trong các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến, nguyên nhân do virus HPV (Human Papillomavirus) gây ra. Ngoài việc phát triển ở bộ phận sinh dục, bệnh cũng có thể xuất hiện ở miệng hoặc lưỡi nếu người bệnh có quan hệ bằng miệng không an toàn với người nhiễm bệnh. Tổn thương do sùi mào gà có thể biểu hiện dưới dạng các nốt nhỏ riêng lẻ hoặc kết tụ thành mảng giống hình dạng cây súp lơ. Trong một số trường hợp, mụn cóc rất nhỏ và khó nhận biết bằng mắt thường.

Chẩn đoán sùi mào gà thế nào? Làm sao để phòng ngừa sùi mào gà? 1
Sùi mào gà là một trong các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến

Chẩn đoán sùi mào gà thế nào?

Nhiều người thắc mắc chẩn đoán sùi mào gà thế nào? Thời gian ủ bệnh của sùi mào gà có thể dao động từ vài tuần đến vài năm, khiến việc chẩn đoán trở nên phức tạp. Để xác định chính xác, bác sĩ thường dựa vào các phương pháp sau:

Chẩn đoán qua triệu chứng lâm sàng

Dựa trên các dấu hiệu bên ngoài, bác sĩ có thể đánh giá nguy cơ mắc sùi mào gà. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Ở nữ giới có các nốt sùi thường xuất hiện ở âm hộ, thành âm đạo, vùng xung quanh cơ quan sinh dục, hậu môn, ống hậu môn và cả cổ tử cung.
  • Ở nam giới, mụn nhọt thường thấy ở đầu hoặc thân dương vật, tinh hoàn và vùng hậu môn.
  • Các nốt sùi nhỏ, có thể đổi màu hoặc có màu xám, mọc tại vùng sinh dục.
  • Những mảng mụn nhỏ mọc gần nhau tạo thành hình dáng như bông súp lơ.
  • Cảm giác ngứa ngáy, khó chịu tại khu vực bị ảnh hưởng.
  • Một số trường hợp xuất hiện tình trạng chảy máu khi quan hệ tình dục.
Chẩn đoán sùi mào gà thế nào? Làm sao để phòng ngừa sùi mào gà? 2
Tổn thương do sùi mào gà có thể biểu hiện dưới dạng các nốt nhỏ riêng lẻ hoặc kết tụ thành mảng

Chẩn đoán thông qua mô bệnh học

Để xác định sùi mào gà một cách chính xác, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp chẩn đoán dựa trên mô bệnh học. Bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch axit axetic nồng độ thấp bôi trực tiếp lên vùng tổn thương. Sau đó, khu vực sinh dục sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng bằng kỹ thuật soi tử cung. Dưới đây là hai phương pháp phổ biến:

  • Xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung): Bác sĩ sử dụng dụng cụ mỏ vịt để mở âm đạo, sau đó thu thập mẫu tế bào từ vùng cổ tử cung (nằm giữa âm đạo và tử cung). Mẫu tế bào sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường. Phụ nữ được khuyến nghị nên kiểm tra vùng chậu định kỳ và thực hiện xét nghiệm Pap để phát hiện sớm sự thay đổi tại cổ tử cung do virus HPV hoặc các dấu hiệu bệnh của ung thư cổ tử cung.
  • Xét nghiệm HPV: Mẫu tế bào từ cổ tử cung sẽ được thu thập để kiểm tra các chủng HPV gây bệnh. Phương pháp này thường dành cho phụ nữ trên 30 tuổi.

Chẩn đoán phân biệt

Để xác định bệnh sùi mào gà, bác sĩ sẽ phân biệt bệnh này với một số bệnh lý khác có triệu chứng tương tự. Các tình trạng thường cần xem xét bao gồm:

  • Giang mai giai đoạn II: Xuất hiện các mụn sần ở cơ quan sinh dục, hậu môn hoặc các vùng nếp kẽ. Khác với sùi mào gà, mụn sần trong giang mai thường có chân bè rộng, bề mặt ít gồ ghề, dễ bị ẩm ướt và có thể đi kèm tổn thương ở các khu vực khác. Kết quả xét nghiệm huyết thanh giang mai (RPR hoặc TPHA) thường cho kết quả dương tính.
  • U mềm lây.
  • Ung thư tế bào gai hoặc tổn thương tiền ung thư Bowen.
  • Lichen phẳng.
  • Nơ vi.

Sùi mào gà gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe người bệnh. Do đó, nếu phát hiện các khối u, mụn nhọt ở vùng sinh dục, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và xác định bệnh chính xác.

Hiện nay, sùi mào gà vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để vì nguyên nhân gây bệnh là virus HPV – loại virus chưa thể loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, việc phòng ngừa là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh. Cần tiêm ngừa vắc xin ngừa HPV để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Chẩn đoán sùi mào gà thế nào? Làm sao để phòng ngừa sùi mào gà? 3
Nhiều người thắc mắc chẩn đoán sùi mào gà thế nào?

Tiến triển của bệnh sùi mào gà

Chẩn đoán sùi mào gà thế nào đã được giải đáp, vậy tiến triển của bệnh ra sao?

Tiến triển của bệnh sùi mào gà thường được chia thành 5 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn đi kèm với các triệu chứng đặc trưng:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Đây là giai đoạn khi virus HPV xâm nhập vào cơ thể đến lúc xuất hiện các biểu hiện lâm sàng đầu tiên. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tuần, vài tháng hoặc vài năm, trung bình khoảng 3 tháng.
  • Giai đoạn khởi phát: Còn được gọi là giai đoạn đầu của sùi mào gà, người bệnh sẽ xuất hiện của các nốt sùi nhỏ, có màu nhạt và thường mọc rải rác,...
  • Giai đoạn phát triển: Trong giai đoạn này, bệnh có sự tiến triển nhanh chóng về kích thước và số lượng nốt sùi. Tình trạng này xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, gây khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và tâm lý người bệnh.
  • Giai đoạn biến chứng: Theo dân gian, đây còn được gọi là giai đoạn nặng hoặc giai đoạn cuối, người bệnh có thể gặp các biến chứng như bội nhiễm, các vùng bị tổn thương trở nên sưng tấy, tiết dịch, loét, dễ chảy máu. Một số trường hợp có thể tiến triển thành ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung hoặc vòm họng,...
  • Giai đoạn tái phát: Sau khi điều trị, bệnh vẫn có khả năng tái phát do virus HPV trong cơ thể chưa được loại bỏ hoàn toàn hoặc lây nhiễm lại từ bạn tình chưa điều trị dứt điểm. Tình trạng tái phát thường nghiêm trọng hơn giai đoạn nguyên phát, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Phòng ngừa sùi mào gà như thế nào?

Nếu đang trong độ tuổi quan hệ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm nguy cơ lây nhiễm hoặc truyền bệnh HPV cũng như các bệnh qua đường tình dục:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ;
  • Khám sức khỏe định kỳ;
  • Điều trị dứt điểm bệnh lây qua đường tình dục;
  • Chung thủy hoặc giảm số lượng bạn tình;
  • Tiêm phòng vắc xin HPV.
Chẩn đoán sùi mào gà thế nào? Làm sao để phòng ngừa sùi mào gà? 4
Hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ để phòng ngừa bệnh sùi mào

Bài viết trên đã giải đáp về chẩn đoán sùi mào gà thế nào. Tóm lại, việc chẩn đoán sùi mào gà là một quá trình quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị phù hợp. Mỗi người nên chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi những nguy cơ mà bệnh lý này mang lại.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin