Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chảy máu đường mật: Mức độ nguy hiểm, hướng chẩn đoán và điều trị

Ngày 26/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chảy máu đường mật là một trong những bệnh lý gan mật nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chính vì thế, việc hiểu rõ về tình trạng bệnh này sẽ giúp người bệnh có hướng thăm khám sớm để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn do bệnh gây ra.

Vậy nguyên nhân gây chảy máu đường mật là gì? Các triệu chứng của bệnh ra sao? Hướng chẩn đoán và điều trị tình trạng này như thế nào? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp trong bài viết sức khỏe hôm nay.

Tổng quan về tình trạng chảy máu đường mật

Chảy máu đường mật là một tổn thương xảy ra trong sự lưu thông máu giữa hệ thống các mạch máu tại vùng gan mật bao gồm động mạch gan, tĩnh mạch gan, tĩnh mạch cửa… và đường mật. Tổn thương này dẫn đến hiện tượng chảy máu bất thường bên trong đường mật, nếu không được phát hiện sớm và kịp thời xử, tính mạng của người bệnh có thể bị đe doạ.

Trên thực tế, chảy máu đường mật có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể kể đến:

  • Chấn thương tại gan: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng chảy máu đường mật. Khi xảy ra chấn thương, gan phải chịu một tác động lớn khiến cho các mạch máu và đường mật bị tổn thương hoặc vỡ dẫn đến chảy máu đường mật.
  • Phẫu thuật hoặc thủ thuật y khoa: Chảy máu đường mật có thể là biến chứng của một số phẫu thuật hay thủ thuật y khoa chẳng hạn như sinh thiết gan, dẫn lưu dịch mật qua da, chọc dò dịch mật…
  • Viêm đường mật: Đường mật bị nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng hoặc sỏi mật… dẫn đến viêm đường mật. Viêm đường mật không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng áp xe đường mật đồng thời phá huỷ mô gan, gây tổn thương mạch máu và đường mật.
  • Một số nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân nêu trên, các bệnh lý về gan như áp xe gan, ung thư gan… hay bất thường về mạch máu như vỡ phình động mạch gan, viêm đa động mạch… cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu đường mật.

Khi bị chảy máu đường mật, người bệnh có thể phải đối mặt với một số triệu chứng sau:

  • Vàng da: Đây là triệu chứng điển hình của các bệnh lý liên quan đến gan mật nói chung và chảy máu đường mật nói riêng. Thông thường, sau khi chảy máu, triệu chứng này sẽ có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Xuất huyết tiêu hoá với các biểu hiện như nôn ói ra máu, đi ngoài phân đen…
  • Đau vùng thượng vị và sườn phải. Các cơn đau này thường xuất hiện trước khi người bệnh bị xuất huyết đường mật.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị sốt cao, rét run, đặc biệt phổ biến ở đối tượng có nhiễm trùng đường mật.

Các chuyên gia cho biết: Các triệu chứng của chảy máu đường mật thường không có xu hướng xuất hiện ngay khi bị ảnh hưởng. Có nhiều trường hợp, phải mất đến vài tuần, thậm chí là vài tháng các triệu chứng bệnh lý mới dần xuất hiện.

Chảy máu đường mật: Mức độ nguy hiểm, hướng chẩn đoán và điều trị 1
Chảy máu đường mật là tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh

Chảy máu đường mật có nguy hiểm không?

Chảy máu đường mật nếu không được phát hiện và can thiệp xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Một số biến chứng của chảy máu đường mật không thể không kể đến như:

  • Mất máu: Đây được đánh giá là biến chứng nghiêm trọng nhất của chảy máu đường mật. Trong trường hợp mất máu quá nhiều có thể khiến người bệnh tử vong.
  • Sự hình thành cục máu đông trong lòng ống dẫn mật: Sự tồn tại các cục máu đông trong lòng ống mật sẽ gây cản trở, thậm chí là tắc nghẽn ống dẫn mật. Khi ống dẫn mật bị tắc nghẽn, đoạn ống dẫn mật phía trên cục máu đông sẽ có hiện tượng giãn, gây ra hiện tượng vàng da. Trong một số trường hợp, có thể hình thành sỏi đường mật.
  • Ngoài ra, người bệnh chảy máu đường mật còn có thể phải đối diện với các biến chứng khác như viêm túi mật, viêm đường mật, viêm tụy, nhiễm trùng đường mật nặng…
Chảy máu đường mật: Mức độ nguy hiểm, hướng chẩn đoán và điều trị 2
Mất máu là một trong những biến chứng của chảy máu đường mật

Hướng chẩn đoán và điều trị chảy máu đường mật

Có thể thấy rằng, chảy máu đường mật là tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe khôn lường. Chính vì thể, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ chảy máu đường mật nêu trên, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp.

Chẩn đoán

Để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng chảy máu đường mật, bên cạnh việc hỏi bệnh, hỏi tiền sử bệnh và thăm khám các triệu chứng trên lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm, chụp X-quang, cộng hưởng từ…

Ở người bệnh có chảy máu đường mật, kết quả của các thăm dò cận lâm sàng sẽ cho thấy:

  • Xét nghiệm máu: Hồng cầu, hematocrit và huyết sắc tố giảm. Bạch cầu, ure máu, Bilirubin và tốc độ máu lắng tăng…
  • X-quang: Bóng gan to, phản ứng góc sườn hoành.
  • Chụp tĩnh mạch lách - cửa: Có thể thấy lỗ rò tĩnh mạch của - đường mật.
  • Siêu âm và chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện các tổn thương xuất huyết bất thường tại đường mật.

Trong chẩn đoán chảy máu đường mật, cần thận trọng phân biệt tình trạng này với một số tình trạng bệnh lý như chảy máu do tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc chảy máu do loét dạ dày - tá tràng, sỏi mật, viêm đường mật.

Chảy máu đường mật: Mức độ nguy hiểm, hướng chẩn đoán và điều trị 3
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán chảy máu đường mật

Điều trị

Dựa trên tình trạng và mức độ chảy máu đường mật của từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp. Dựa trên mức độ nghiêm trọng, chảy máu đường mật được chia thành 2 thể đó là thể nặng và thể nhẹ.

Đối với thể nhẹ: Điều trị sẽ bao gồm truyền máu và điều trị bảo tồn. Điều trị bảo tồn gồm có truyền dịch, sử dụng thuốc cầm máu và thuốc kháng sinh, áp dụng các biện pháp hồi sức tốt.

Đối với thể nặng: Điều trị xâm lấn là cần thiết để có thể bảo toàn tính mạng của người bệnh đối với trường hợp chảy máu đường mật mức độ nặng hay nói cách khác là thể nặng. Điều trị xâm lấn có thể là phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.

  • Mổ mở được áp dụng để lấy sỏi trong ống mật chủ. Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng huyết thanh ấm để bơm rửa đường mật sau đó thực hiện dẫn lưu Kehr.
  • Trong trường hợp không cầm được máu, các bác sĩ có thể chỉ định thắt động mạch gan.
  • Nếu chảy máu đường mật xuất phát từ túi mật thì phẫu thuật cắt bỏ túi mật có thể được chỉ định.
  • Trong trường hợp mổ mở phát hiện có tổn thương khu trú ở một thuỳ gan hoặc áp xe gan, cắt bỏ phần gan là điều cần thiết.
  • Ngoài các phương pháp nêu trên, chảy máu đường mật còn có thể được điều trị thông qua thuyên tắc lỗ rò trên động mạch và đường mật. Hiện nay, đây là phương pháp được áp dụng phổ biến.
Chảy máu đường mật: Mức độ nguy hiểm, hướng chẩn đoán và điều trị 4
Điều trị xâm lấn là bắt buộc đối với trường hợp chảy máu đường mật thể nặng

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng bệnh lý chảy máu đường mật mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu hơn về chảy máu đường mật. Có thể thấy, chảy máu đường mật vô cùng nguy hiểm do vậy bạn cần chủ động thăm khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ để tránh những rủi ro sức khỏe không đáng có.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm