Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chỉ định mổ lấy thai: 3 trường hợp bắt buộc can thiệp để giữ an toàn cho mẹ và bé

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chỉ định mổ lấy thai là giải pháp can thiệp bắt buộc lấy thai ra khỏi tử cung bằng cách rạch thành bụng và tử cung, vì nhận định quá trình chuyển dạ tự nhiên không an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Thông thường các bác sĩ sản phụ khoa sẽ theo dõi tình hình sức khỏe và cân nhắc chỉ định hình thức sinh mổ hoặc sinh thường sao cho phù hợp với thể trạng của mỗi mẹ bầu. Tuy nhiên trong một số trường hợp vì sức khỏe của mẹ và bé chuyển biến không tốt nên cần được chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chuyển dạ. Vậy các trường hợp nào bác sĩ sẽ bắt buộc mổ lấy thai? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Chỉ định mổ lấy thai chủ động

Trong các trường hợp có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai ra khỏi tử cung sau khi rạch bụng và mở tử cung. Trước khi quá trình thực hiện, gia đình sản phụ sẽ được giải thích vì sao cần phải áp dụng phương pháp can thiệp này và ký cam kết trước khi mổ.

Bên cạnh đó trong quá trình theo dõi sức khỏe, bác sĩ cũng xác định được các vấn đề gặp ở mẹ bầu sau đây và có thể chỉ định mổ lấy thai chủ động trước.

Chỉ định mổ lấy thai: 3 trường hợp bắt buộc can thiệp để giữ an toàn cho mẹ và bé 1
Các trường hợp chỉ định mổ lấy thai chủ động mẹ bầu cần biết

Khung chậu bất thường

Trong các trường hợp khung chậu bất thường dưới đây, mẹ bầu sẽ được chỉ định làm thêm thủ thuật sản khoa nghiệm pháp lọt ngôi chỏm để sinh đường dưới nếu thai không to, nếu thất bại mới chỉ định mổ lấy thai.

  • Khung chậu hẹp toàn diện: Đường kính khung chậu gồm eo trên và eo dưới đều giảm, trong đó đường kính hậu vệ từ 8.5 trở xuống.
  • Khung chậu không đối xứng: Đo hình trám michaelis không đều và đường kinh nhô - hậu vệ từ 8,5cm trở xuống.
  • Khung chậu hình phễu: Khung eo dưới hẹp và eo trên rộng, thai lọt qua eo trên nhưng không lọt được qua eo dưới và đường kính nhỏ khoảng 9cm thai sẽ không sổ ra được.

Đường ra của thai bị cản trở

  • Khối u tiền đạo: Thường gặp như u xơ ở eo tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng,... Hoặc bất kỳ khối u nào nằm trên đường thai đi ra.
  • Nhau tiền đạo trung tâm gây chảy máu nhiều buộc phải mổ cấp cứu để cầm máu cứu mẹ, tình huống này cần dựa vào kết quả siêu âm để thực hiện mổ lấy thai chủ động.

Tử cung có sẹo mổ

  • Các sẹo mổ lần trước ở tử cung: Như sẹo bóc u xơ, sẹo từ phẫu thuật tạo hình tử cung,...
  • Sẹo phẫu thuật mổ ngang vị trí dưới tử cung từ lần sinh mổ trước chưa đến 24 tháng.
Chỉ định mổ lấy thai: 3 trường hợp bắt buộc can thiệp để giữ an toàn cho mẹ và bé 2
Sẹo mổ từ lần sinh trước cũng là nguyên nhân để chỉ định mổ lấy thai

Nguyên nhân từ người mẹ

  • Mẹ mắc các bệnh lý cấp tính hoặc mãn tính: Như bệnh tim, tiền sản giật hoặc cao huyết áp, đều gây nguy hiểm cho mẹ trong quá trình chuyển dạ tự nhiên.
  • Dị dạng ở tử cung như: Tử cung đôi, tử cung hai sừng và kèm theo ngôi thai bất thường.
  • Bất thường ở đường sinh dục dưới: Mổ sa sinh dục, tiền sử mổ rò,...

Nguyên nhân từ thai nhi

  • Thai nhi bị suy dinh dưỡng nặng trong tử cung.
  • Thai bị bất đồng nhóm máu với mẹ nếu không lấy thai ra, có khả năng thai chết lưu trong buồng tử cung.

Bắt buộc mổ lấy thai khi chuyển dạ

Trong quá trình chuyển dạ, tình trạng mẹ bầu và thai nhi có thể chuyển biến không tốt cần phải mổ lấy thai khẩn cấp, mặc dù trước đó không phát hiện bất thường.

Chỉ định mổ lấy thai: 3 trường hợp bắt buộc can thiệp để giữ an toàn cho mẹ và bé 3
Trong quá trình chuyển dạ có thể chỉ định mổ lấy thai gấp vì tình trạng sức khỏe cả hai không tốt

Nguyên nhân từ người mẹ

  • Thai phụ có con so ở độ tuổi 35 trở lên và có tiền sử điều trị hiếm muộn, vô sinh.
  • Các bệnh lý của mẹ bầu ở một số tình huống có thể theo dõi chuyển dạ tự nhiên hoặc mổ lấy thai nếu kèm thêm yếu tố sinh khó khác.

Nguyên nhân từ thai nhi

  • Thai to trên 4kg.
  • Các ngôi bất thường như ngôi trán, ngôi thóp trước, ngôi vai/ngang, ngôi mặt cằm sau hoặc ngôi mông.
  • Thai thứ nhất không phải ngôi đầu khi mang đa thai.
  • Quá trình chuyển dạ có nguy cơ suy thai khi chưa đủ điều kiện sanh đường dưới.

Mổ lấy thai vì xuất hiện bất thường khi chuyển dạ

  • Xuất hiện cơn co tử cung bất thường: Mặc dù đã dùng các loại thuốc tăng hoặc giảm co nhưng không có tác dụng.
  • Cổ tử cung không mở mặc dù cơn co tử cung đồng bộ, phù hợp với độ mở cổ tử cung.
  • Vỡ ối sớm làm quá trình chuyển dạ ngưng tiến triển.
  • Đầu thai với khung chậu không tương xứng nhau.
  • Đầu thai không lọt khi cổ tử cung đã mở hết.

Chỉ định mổ lấy thai vì sự cố trong chuyển dạ

Một số vấn đề nguy hiểm có thể gặp trong chuyển dạ, bắt buộc phải can thiệp mổ lấy thai như:

  • Sa dây rốn khi thai còn sống;
  • Dọa vỡ tử cung;
  • Chảy máu vì nhau bong non;
  • Sa tử cung sau khi đã thử đẩy lên nhưng không thành công.

Sau khi thực hiện ca mổ lấy thai, mẹ bỉm cần được theo dõi tại bệnh viện trong vòng 7 ngày và sau 30 ngày để cơ thể phục hồi hoàn toàn. Bên cạnh đó theo khuyến cáo từ bác sĩ sản khoa, mẹ bầu sinh mổ nên kế hoạch vào lần sinh nở tiếp theo tối thiểu 3 năm tiếp theo để sức khỏe hồi phục tốt nhất.

Chỉ định mổ lấy thai: 3 trường hợp bắt buộc can thiệp để giữ an toàn cho mẹ và bé 4
Các tình huống nguy hiểm như sa dây rốn hoặc dọa vỡ tử cung đều bắt buộc mổ lấy thai gấp

Chỉ định mổ lấy thai sẽ được thực hiện trong các tình huống bất khả kháng, có thể gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con và những lần chuyển dạ tiếp theo. Hy vọng bài viết đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các mẹ bỉm có để có những kế hoạch theo dõi thai kỳ để phát hiện sớm các vấn đề bất thường để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm