Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chi tiết về công dụng và cách thực hiện phương pháp cạo gió

Ngày 05/06/2024
Kích thước chữ

Cạo gió là từ xa xưa đã được ông cha ta coi như một phương pháp trị bệnh không dùng thuốc. Đến nay, phương pháp này vẫn được áp dụng rộng rãi và được nhiều người biết đến. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về công dụng cũng như cách thực hiện phương pháp cạo gió đúng chuẩn.

Cạo gió là một trong những biện pháp trị bệnh trong Y học cổ truyền không dùng thuốc. Đến nay, phương pháp này vẫn được ứng dụng rộng rãi. Vậy bạn đã biết cạo gió là gì? Những ai có thể cạo gió? Cạo gió có tác dụng gì? Thực hiện cạo gió thế nào cho đảm bảo an toàn chưa? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết nhất về phương pháp cạo gió trong bài viết dưới đây nhé!

Cạo gió là phương pháp gì?

Cạo gió là kỹ thuật trị bệnh thuộc biếm pháp (bao gồm cạo gió, đánh cảm, chích lễ, bầu giác). Theo quan điểm của Y học cổ truyền, khi cơ thể trúng gió độc sẽ xuất hiện tình trạng đau đầu, mệt mỏi, đau bụng, sốt, buồn nôn… Để khắc phục các triệu chứng này, bệnh nhân cần được cạo gió (hay còn gọi là đánh gió). 

Cạo gió là kỹ thuật sử dụng các vật có bờ, cạnh hình cung tròn, nhẵn nhụi (cạo gió bằng bạc, thìa nhôm, miệng chén, nhẫn bạc,...) kết hợp với các loại dầu gió, rượu thuốc, nước, dầu vừng… để tác động lên da, cân cơ, kinh lạc của cơ thể với một lực thích hợp. Nhờ cạo gió, khí huyết lưu thông, đẩy lùi khí độc giúp giảm triệu chứng khó chịu và cải thiện sức khỏe cho người bệnh.

Chi tiết về công dụng, cách thực hiện phương pháp cạo gió 1
Cạo gió có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á sau đó phổ biến khắp thế giới

Phương pháp này vận dụng lý luận về học thuyết âm dương, bì bộ, học thuyết kinh lạc trong y học cổ truyền. Nếu như châm cứu, bấm huyệt cần sự tác động chính xác tuyệt đối lên các điểm thì cạo gió chỉ cần tác động lên các vùng cơ thể. Cạo gió không dùng thuốc, độ an toàn cao, hiệu quả nhanh, ít tốn kém nên được phổ biến rộng rãi trong dân gian. Đến nay, phương pháp này vẫn được nhiều người biết đến và áp dụng.

Công dụng nổi bật của phương pháp cạo gió

Theo Y học cổ truyền, các huyệt vị của ngũ tạng phân bố ở lưng. Khi cạo gió sẽ khiến khí dơ của tạng phủ được thoát ra ngoài, giúp lưu thông khí huyết, điều hòa tỳ vị, toát mồ hôi, giải cảm… Ngày nay, cạo gió được biết đến với những công dụng nổi bật như:

  • Cạo gió giúp độc tố tích tụ trong cơ thể được đào thải qua lỗ chân lông.
  • Tăng cường lưu thông khí huyết trong cơ thể, tăng cường quá trình trao đổi chất và phục hồi sức khỏe.
  • Khí hậu nước ta dễ khiến con người bị nhiễm phong hàn. Khí độc nhiễm qua da chủ yếu là lưu huỳnh. Cạo gió bằng bạc sẽ giúp hút lưu huỳnh ra ngoài cơ thể, giúp giảm mệt mỏi đáng kể.
  • Y học cổ truyền vẫn có quan điểm cho rằng khí huyết lưu thông sẽ không đau, khí huyết tắc trở sẽ gây đau. Cạo gió làm thư giãn gân cốt, thông kinh hoạt lạc, giảm đau, giảm căng thẳng cơ bắp hiệu quả nên tốt cho người bị đau vai gáy, đau thắt lưng, thoái hóa cột sống, căng cơ, tổn thương và đau mỏi các cơ.
  • Các tổn thương bên trong tạng phủ có thể được biểu hiện trên vùng da được cạo gió. Nếu vùng da sau cạo gió màu xanh chứng tỏ có tình trạng đau. Vùng da màu đen thể hiện sự ứ trệ khí huyết, tê liệt. Vùng da được cạo gió màu vàng hay đỏ thể hiện tình trạng viêm. Vùng da được cạo gió màu trắng cho thấy cơ thể có hàn khí. Qua quan sát màu sắc vùng da được cạo gió, các thầy thuốc có thể có thêm căn cứ để chẩn đoán bệnh bên trong cơ thể.
Chi tiết về công dụng, cách thực hiện phương pháp cạo gió 2
Cạo gió có nhiều lợi ích cho sức khỏe

Những ai nên và không nên cạo gió?

Dù cạo gió nhiều nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng. Những trường hợp có thể cạo gió bao gồm:

  • Người bị cảm mạo, phong hàn thông thường, cảm cúm do giảm sức đề kháng, hàn khí xâm nhập cơ thể.
  • Người bị đau nhức đầu, đau mình mẩy, hoa mắt, chóng mặt.

Những người không nên áp dụng phương pháp cạo gió gồm:

  • Phụ nữ đang trong thai kỳ, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Phụ nữ đang có kinh cạo gió được không? Câu trả lời là không bạn nhé! Những đối tượng đang bị xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, bệnh có xu hướng gây chảy máu cũng không thích hợp để áp dụng phương pháp trị bệnh này.
  • Người bị cao huyết áp cũng không nên thực hiện phương pháp bởi không bởi cạo gió làm giãn mạch, có thể khiến triệu chứng bệnh thêm nặng đồng thời tăng nguy cơ thiếu máu não dẫn đến biến chứng mắt không khép, méo miệng.
  • Khi bị bệnh ngoài da, ung nhọt, vết thương chưa lành, chấn thương phần mềm, chấn thương xương… cũng không được cạo gió.
  • Bệnh nhân bị mắc bệnh suy tim, suy thận, xơ gan, phù không được cạo gió.
  • Không cạo gió cho người say rượu, người yếu mệt.
  • Thận trọng khi cạo gió cho người cao tuổi mắc bệnh lâu năm với cơ thể ốm yếu.
  • Tuyệt đối không cạo gió vùng đầu cho trẻ em do hộp sọ của trẻ chưa phát triển toàn diện.
Chi tiết về công dụng, cách thực hiện phương pháp cạo gió 3
Việc cạo gió không thể thực hiện tùy ý để tránh nguy hiểm

Chi tiết cách cạo gió chuẩn Đông y

Cạo gió không phải kỹ thuật quá phức tạp nhưng để thực hiện đúng cách không phải dễ. Một số vấn đề bạn cần biết trước khi tiến hành cạo gió như:

Vị trí được cạo gió

Một số vị trí được cạo gió:

  • Vị trí phù hợp để cạo gió là từ hai bên xương sống, kéo dài từ vai xuống vùng thắt lưng, tỏa ra trước mạn sườn.
  • Dọc cánh tay từ trên xuống, cả mặt trước cánh tay, mặt trong cánh tay dọc theo lòng bàn tay.
  • Xương mỏ ác trước ngực cũng có thể là vị trí thích hợp để cạo gió.
  • Các vị trí tuyệt đối không được cạo gió là mắt, lỗ mũi, lỗ tai, môi, lưỡi, rốn, môi, đầu vú nữ giới.

Thao tác cạo gió

Bạn có thể chọn các vật có cạnh nhẵn, hình cung, hình tròn như đồng xu, nhẫn, thìa, miệng chén… để cạo gió. Trước khi cạo, các dụng cụ này cần được sát trùng. Người tiến hành cạo gió sẽ cầm vật nghiêng 45 - 90 độ so với bề mặt da. Thao tác cạo duy trì đều đặt khoảng 3 - 5 phút sẽ thấy da bắt đầu ửng đỏ. 

Thời gian cạo gió ở mỗi bộ phận cơ thể không nên quá 10 phút. Khi cạo gió, chúng ta cần cạo 1 chiều từ trên xuống dưới. Tùy vị trí cạo gió mà chúng ta sử dụng lực khác nhau. Thông thường, cạo gió vùng lưng cần tác động lực mạnh hơn ở cánh tay hay ngực.

Chi tiết về công dụng, cách thực hiện phương pháp cạo gió 4
Tùy tình trạng của từng người, thời gian cạo gió có thể khác nhau

Lưu ý khi áp dụng phương pháp cạo gió

Khi áp dụng phương pháp cạo gió, có một số vấn đề bạn cần lưu ý như:

  • Có thể dùng các loại dầu gió để cạo gió nhằm gia tăng hiệu quả.
  • Sau khi cạo gió, người bệnh nên nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh, tránh gió, uống một cốc nước ấm và thư giãn toàn thân.
  • Khi mới cạo gió xong, nhất là trong 30 phút đầu, người bệnh không nên tắm rửa bằng nước lạnh.
  • Các lần cạo gió nên cách nhau ít nhất 5 - 7 ngày, không cạo đè lên vết gió cũ còn tồn tại trên da.
  • Mỗi loại bệnh sẽ phù hợp với một cách cạo gió khác nhau để đạt được hiệu quả cao nhất. Nếu bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nên cạo gió ở giữa sống lưng, bên mạn sườn, dọc cánh tay. 
  • Nếu bị ho nên cạo gió ở trước ngực kết hợp giữa sống lưng tỏa ra hai bên. Nếu bị trúng gió kết hợp cạo gió lưng với bắt gió ở ấn đường. 
  • Khi bị sốt, đau đầu nên cạo gió ở sau cổ kéo xuống vai thành 2 đường chéo xiên sang hai bên vai. Khi đau nhức cơ thể có thể cạo gió tứ chi…

Cạo gió không đúng cách hoặc lạm dụng cạo gió có thể khiến tổn thương da, vỡ mao mạch dưới da. Cạo gió trong môi trường nhiễm lãnh có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng. Dùng dụng cụ cạo gió không phù hợp có thể gây trầy xước, nhiễm trùng. Vì vậy, trước khi cạo gió cho bất cứ đối tượng nào, chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ càng về kỹ thuật, lưu ý khi thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.

Xem thêm: Người bị cao huyết áp có nên cạo gió không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin