Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Có nên sử dụng cây cà độc dược chữa viêm xoang không?

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

Trong Y học cổ truyền Việt Nam có nhiều cây thuốc có tác dụng chữa viêm xoang. Một trong số đó là cây cà độc dược. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về cách dùng cây cà độc dược chữa viêm xoang.

Từ xa xưa, trong kho tàng dược liệu dân gian đã lưu truyền nhiều cây dược liệu, vị thuốc và bài thuốc chữa bệnh viêm xoang. Một trong số đó là cây cà độc dược chữa viêm xoang. Vậy cây cà độc dược là cây gì? Tại sao có thể chữa được bệnh viêm xoang và dùng loại dược liệu này như thế nào?

Cây cà độc dược là cây gì?

Cà độc dược còn có tên gọi khác là mạn đà la, vốn được sử dụng để chữa mụn nhọt, ho hen và viêm xoang từ xa xưa. Cây mọc quanh năm, có thể đạt chiều cao từ 1 - 2m. Thân cây khá nhẵn, có màu xanh hoặc tím. Trên thân mọc ra các cành non có nhiều lông tơ ngắn.

Lá cây là loại lá đơn, có thể mọc đối hoặc mọc vòng. Lá cây hình trứng với đầu nhọn, đáy hẹp, mặt trên xanh xám, mặt dưới lá xanh nhạt. Hoa cây cà độc là hoa đơn, mọc ở kẽ lá. Quả cây cà độc dược có hình cầu, nhiều gai nhọn. Quả khi chín chuyển màu nâu, nứt ngang và dọc chia tách thành 4 phần để lộ ra nhiều hạt. Ở nước ta hiện nay phân bố 3 loài cà độc dược gồm: Cà độc dược hoa trắng, cà độc dược hoa tím và cà độc dược lai giữa giống hoa trắng và hoa tím.

Trong Đông y, cây cà độc dược có tính nóng, vị cay và có độc. Loài dược liệu này thường xuất hiện nhiều nhất trong các bài thuốc trị thấp khớp, trị ho và hen suyễn. Một số bài thuốc chữa loét dạ dàyviêm xoang cũng có vị thuốc này.

cay-ca-duoc-chua-viem-xoang-2.jpg
Cây cà độc dược mọc hoang và có thể nhiều người đã biết

Cây cà độc dược chữa viêm xoang được không?

Viêm xoang là tình trạng lớp niêm mạc lót bên trong hốc xoang bị nhiễm trùng khiến dịch tiết ra từ xoang bị ứ đọng. Lỗ thông xoang với mũi tắc nghẽn kéo theo các triệu chứng như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, nặng mặt, đau nhức vùng đầu mặt, hôi miệng, mất khứu giác,… Từ xa xưa, nhiều người đã dùng cây cà độc dược chữa viêm xoang và giảm những triệu chứng bệnh kể trên.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, dùng cà độc dược giống như “con dao hai lưỡi”. Cà độc dược có thể có tác dụng trên một số bệnh nhân viêm xoang. Nhưng nếu dùng không đúng cách, cây cà độc dược có thể gây tổn hại đến sức khỏe một cách nghiêm trọng. Bạn cần lưu ý, hiệu quả của cây cà độc dược trong điều trị viêm xoang chỉ dừng lại ở kinh nghiệm truyền miệng. Chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả chữa viêm xoang của cà độc dược.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rủi ro trong việc sử dụng cà độc dược chữa bệnh. Trong các bộ phận của cây đều có hoạt chất hyoxin và atropin. Atropin có thể làm giãn đồng tử, tăng áp lực mắt, làm co thắt ruột, gây sốt, kích thích thần kinh, tê liệt nếu dùng quá liều. Hyoxin cũng có tác động tương tự nhưng làm giãn đồng tử nhanh hơn và triệu chứng ngộ độc thiên về ức chế thần kinh.

Không ít trường hợp ngộ độc chỉ vì người dân tự ý dùng cà độc dược chữa bệnh với liều lượng không hợp lý. Chất độc của loại dược liệu này đủ sức đe dọa tính mạng người dùng. Bất cứ bệnh nhân nào định dùng cây cà độc dược chữa viêm xoang đều cần cân nhắc lợi hại. Hãy hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng cách chữa bệnh này bạn nhé!

cay-ca-duoc-chua-viem-xoang-3.jpg
Các bộ phận của cây cà độc dược đều có độc

Dùng cây cà độc dược chữa viêm xoang thế nào?

Nếu vẫn muốn dùng cây cà độc dược để chữa bệnh viêm xoang, bạn có thể áp dụng cách sau:

  • Chuẩn bị lá cà độc dược khô bằng cách tự thu hái lá tươi về phơi khô hoặc mua lá khô bán sẵn. Hiện nay có nhiều địa chỉ bán lá cà độc dược khô nên bạn sẽ không quá khó để tìm kiếm.
  • Dùng một vỏ lon sữa bột rửa sạch, để khô, đục phần nắp một lỗ to bằng ngón tay cái.
  • Dùng một ít lá cà độc dược khô cắt nhỏ, cho vào lon, đậy nắp lại.
  • Đặt lon lên trên bếp đun lửa nhỏ, đến khi thấy khói bay lên là bạn có thể xông mũi.
  • Bạn cùng một tờ bìa cuộn lại thành hình phễu, đặt đầu nhỏ vào lỗ đã đục sẵn trên nắp lon sữa, đầu phễu hứng khỏi bay lên.
  • Kề mũi vào phễu để hít luồng khói bằng mũi rồi thở ra bằng miệng.
  • Cách thành phần có tác dụng chữa xoang sẽ theo làn khói đi vào xoang và lắng đọng ở hốc xoang để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
  • Bạn thực hiện xông khói trong 3 - 6 phút, mỗi ngày lặp lại 2 lần và kiên trì áp dụng trong 1 tháng sẽ thấy triệu chứng viêm xoang giảm nhiều.

Một số đối tượng không nên dùng cây cà độc dược chữa viêm xoang như:

  • Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai và cho con bú không nên áp dụng. Độc tính từ cà độc dược có thể tác động xấu đến cả mẹ và bé.
  • Dược liệu này có thể làm tăng nhịp tim nên bệnh nhân mắc bệnh tim không nên sử dụng.
  • Người bị huyết áp cao, bị các bệnh về tâm thần, tăng nhãn áp tuyệt đối không nên sử dụng.
cay-ca-duoc-chua-viem-xoang-4.jpg
Độc tính trong cây cà độc dược được xếp vào nhóm chất độc bảng A

Cách xử lý khi ngộ độc cà độc dược?

Từ lâu, các cách chữa bệnh bằng cây thuốc vẫn được ưa chuộng vì độ an toàn cao, ít tác dụng phụ. Có nhiều cây thuốc trị viêm xoang an toàn và hiệu quả thực sự. Nhưng cà độc dược là một ngoại lệ. Nếu dùng quá liều, các chất độc trong cây cà độc dược có thể khiến người dùng bị ngộ độc. Triệu chứng ngộ độc loại dược liệu này là chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, chân tay tê bì,… Nếu không may bị ngộ độc cà độc dược, người bệnh cần làm ngay những việc sau:

Dùng 10g cam thảo, 2 thìa đường nấu cùng 200ml nước nóng. Để nguội một chút, người bệnh cần uống ngay khi nước còn ấm. Nước cam thảo sẽ giải độc tức thời và cách này chỉ hiệu quả khi ngộ độc nhẹ. Nếu thấy các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng, người nhà bệnh nhân sau khi cho người bệnh uống nước thuốc giải độc cần đưa ngay họ đến bệnh viện.

Dùng cây cà độc dược chữa viêm xoang tiềm ẩn rủi ro và hiệu quả chưa được khoa học chính thức công nhận. Nếu dùng sai cách, người bệnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Bạn cần cân nhắc kỹ càng và có tư vấn của thầy thuốc trước khi áp dụng. Thêm một lời khuyên khác dành cho bệnh nhân viêm là dù triệu chứng viêm xoang nặng hay nhẹ, bạn cũng nên đến cơ sở y tế để được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Căn cứ vào tình trạng bệnh thực tế, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp chữa xoang phù hợp nhất với từng người bệnh.

Xem thêm: Cách vệ sinh mũi cho người bị viêm xoang

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin