Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đậu bắp trị tiểu đường có thực sự tốt như lời đồn?

Ngày 20/08/2023
Kích thước chữ

Trong những giải pháp điều trị tiểu đường thì đậu bắp được biết đến là một loại thực phẩm có khả năng kiểm soát đường huyết hiệu quả. Liệu đậu bắp trị tiểu đường có thực sự tốt như lời đồn?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về đậu bắp và tác động của nó đối với tiểu đường. Chúng ta sẽ đi sâu vào các thành phần dinh dưỡng quan trọng có trong đậu bắp và sự thật về việc dùng đậu bắp trị tiểu đường. Hãy cùng khám phá ngay bạn nhé!

Tìm hiểu về bệnh tiểu đường

Tiểu đường, còn được gọi là đái tháo đường, là một bệnh lý rối loạn quá trình chuyển hóa cơ bản của cơ thể. Bệnh này xuất hiện khi lượng đường trong máu (đường huyết) luôn duy trì ở mức cao hơn so với bình thường do sự tiết insulin kém hoặc khả năng đề kháng với insulin, cũng có thể do cả hai. Điều này dẫn đến sự rối loạn nghiêm trọng trong quá trình chuyển hóa đường, đạm, mỡ, và các chất khoáng.

Khi bị mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tự chuyển hoá đường từ thực phẩm hàng ngày để tạo năng lượng cho cơ thể. Dần dần, điều này dẫn đến sự tăng đường huyết liên tục. Sự duy trì của mức đường huyết cao có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tổn thương cho nhiều cơ quan, bao gồm hệ thần kinh, mắt, thận, và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thường liên quan đến sự tăng đường huyết bao gồm cảm thấy khát, uống nhiều nước, đi tiểu thường xuyên và gặp vấn đề về tầm nhìn. Những biến chứng muộn của bệnh bao gồm các vấn đề như bệnh lý mạch máu, bệnh thần kinh ngoại vi, rối loạn chức năng thận và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Đậu bắp trị tiểu đường có thực sự tốt như lời đồn? 1
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến cấc biến chứng thần kinh ngoại vi nguy hiểm

Lợi ích của đậu bắp trong việc điều trị tiểu đường

Công dụng của đậu bắp trị tiểu đường 

Theo Đông y, đậu bắp được xem là một loại thực phẩm có vị chua dịu, tính mát và mang theo nhiều tác dụng lợi cho sức khỏe. Nó được sử dụng để giảm đau, làm dịu các triệu chứng của nhiều bệnh bao gồm cả lậu, táo bón, bạch đới và bí tiểu tiện. Ngoài ra, rễ và lá của đậu bắp cũng được biết đến trong việc chữa trị các vấn đề về ho và viêm họng. Đậu bắp tươi và khô đều có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân tiểu đường.

Đậu bắp chứa một hợp chất gọi là Myricetin. Hợp chất này có khả năng giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng cường sự hấp thụ glucose từ các tế bào cơ.

Ngoài ra, đậu bắp có thể kích thích tuyến tụy sản xuất insulin cần thiết cho cơ thể. Việc sử dụng đậu bắp thường xuyên có thể giúp giảm đáng kể mức triglyceride trong máu, từ đó đóng vai trò trong việc ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường.

Đậu bắp chứa một lượng đáng kể chất xơ hòa tan, làm tăng độ nhớt trong dạ dày và ruột. Chất nhớt này rất có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp người bị tiểu đường cảm thấy no lâu hơn. Đồng thời, việc sử dụng đậu bắp cũng giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose từ dạ dày vào máu sau khi ăn, giữ cho mức đường huyết luôn ổn định.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất từ hạt đậu bắp có khả năng chống oxy hóa và giúp giảm căng thẳng. Sự kiểm soát căng thẳng là một yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị tiểu đường, bởi khi người bệnh thường xuyên trải qua căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến một tăng đột ngột lượng đường trong máu.

Bổ sung đậu bắp vào chế độ ăn có thể tăng cường quá trình phục hồi, giảm thiểu cảm giác mệt mỏi cho những người mắc bệnh tiểu đường. Khi kết hợp việc tiêu thụ đậu bắp hàng ngày với một chế độ tập thể dục hợp lý, bạn có thể duy trì thời gian tập luyện lâu hơn. Điều này giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh tiểu đường một cách hiệu quả.

Đậu bắp trị tiểu đường có thực sự tốt như lời đồn? 2
Đậu bắp có công dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường hiệu quả

Cách chữa tiểu đường bằng đậu bắp

Sử dụng nước ngâm đậu bắp

Có thể áp dụng phương pháp hỗ trợ điều trị tiểu đường bằng cách sử dụng đậu bắp. Đây là một phương pháp đơn giản, an toàn và dễ thực hiện. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách ngâm đậu bắp chữa tiểu đường:

  • Lấy khoảng 100g đậu bắp tươi non, rửa sạch, loại bỏ phần đầu và đuôi.
  • Cắt nhỏ đậu bắp theo chiều dọc và ngâm nó trong nước lọc qua đêm.
  • Khi thấy nước ngâm có chứa chất nhầy, tiến hành lọc nước để uống, bỏ đi phần bã.
  • Thực hiện liên tục, uống trước bữa sáng từ 15 đến 20 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.

Kết hợp đậu bắp với lá sa kê và lá ổi

Theo nghiên cứu khoa học, lá sa kê và lá ổi đều có khả năng giúp hạ đường huyết, lợi tiểu, khi kết hợp cùng đậu bắp sẽ mang lại lợi ích cho quá trình điều trị tiểu đường.

Cách thực hiện như sau:

  • Chuẩn bị 100g đậu bắp, 100g lá sa kê vàng mới rụng và 20g búp ổi tươi.
  • Rửa sạch nguyên liệu đã chuẩn bị, lá sa kê và lá ổi có thể vò sơ qua và để ráo nước.
  • Sắc cả ba loại nguyên liệu này với 2 lít nước trong nồi hoặc ấm đất, đun bằng lửa than cho đến khi còn khoảng 500ml nước, tắt bếp.
  • Đợi cho hỗn hợp nguội, sau đó chia thành nhiều phần để uống trong suốt ngày.

Lưu ý: Để đảm bảo hiệu quả, hãy kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống khoa học. Tránh sử dụng rượu, bia, chất kích thích, thức ăn chứa nhiều đường, tinh bột và chất béo vì chúng có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Đậu bắp trị tiểu đường có thực sự tốt như lời đồn? 3
Sử dụng nước ngâm đậu bắp là biện pháp an toàn, dễ thực hiện giúp chữa tiểu đường

Những lưu ý khi sử dụng đậu bắp chữa bệnh tiểu đường

Đậu bắp trị tiểu đường có hiệu quả không?

Việc sử dụng đậu bắp để hỗ trợ điều trị tiểu đường là có cơ sở. Tuy nhiên, giống như nhiều phương pháp dân gian khác, đậu bắp chỉ có khả năng ổn định đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh, không phải là một phương pháp điều trị căn bệnh từ gốc. Do đó, đậu bắp không thể thay thế cho thuốc điều trị và không nên coi đây là một phương pháp "thần thánh".

Thực tế, hiệu quả của việc chữa tiểu đường bằng đậu bắp phụ thuộc vào cơ địa, cách thực hiện và sự kiên trì sử dụng của người bệnh. Các biện pháp dân gian thường đòi hỏi thời gian để thấy được hiệu quả đo đó không thể mong đợi khỏi bệnh trong vài ngày sử dụng.

Đậu bắp thường chỉ xem xét cho những người có nguy cơ tiểu đường nhằm kiểm soát mức đường huyết và ngăn ngừa bệnh tiểu đường phát triển. Tuy không phải là một phương pháp chữa trị tức thì, việc sử dụng đậu bắp trị tiểu đường là một cách dễ thực hiện và an toàn để duy trì mức đường huyết ổn định. Do đó, nó có thể được coi là một phương pháp hỗ trợ hữu ích, song song với việc tuân theo phác đồ điều trị và tư vấn từ bác sĩ.

Đậu bắp trị tiểu đường có thực sự tốt như lời đồn? 4
Đậu bắp chỉ là biện pháp hỗ trợ, không thể thay thế thuốc trị tiểu đường

Lưu ý khi sử dụng đậu bắp chữa tiểu đường

Mặc dù đậu bắp mang nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người mắc bệnh tiểu đường, tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng:

  • Không nên sử dụng đậu bắp quá mức. Sử dụng quá nhiều đậu bắp có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của nó.
  • Tránh sử dụng quá mức để ngăn ngừa lắng đọng oxalate và tăng nguy cơ sỏi thận. Đậu bắp giàu oxalate, một hợp chất có thể góp phần vào sự hình thành của tinh thể sỏi thận.
  • Đậu bắp có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy, và chuột rút, đặc biệt đối với những người có vấn đề về đường ruột do chứa nhiều fructans.
  • Nếu bạn đang sử dụng thuốc Metformin để điều trị tiểu đường, lưu ý đậu bắp có thể làm giảm tác dụng của loại thuốc này, do đó không nên dùng đậu bắp cùng lúc với Metformin.
  • Hãy duy trì việc thăm khám, kiểm tra đường huyết đều đặn để kiểm soát và điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Hy vọng rằng qua bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin hữu ích về việc sử dụng đậu bắp trị tiểu đường. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị và không thể thay thế thuốc điều trị. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường, quan trọng là nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được xét nghiệm và áp dụng các phương pháp điều trị chuyên khoa theo phác đồ phù hợp với tình trạng bản thân.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin