Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Sau sinh mổ, người mẹ phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là những cơn đau, không chỉ đau ở vết mổ bụng dưới mà còn đau lưng. Mức độ đau lưng sẽ khác nhau ở các mẹ, có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và quá trình phục hồi sức khoẻ sau sinh. Vậy đau lưng sau sinh mổ nguyên nhân là do đâu? Cách khắc phục tình trạng này là gì? Chúng ta hãy cùng đi tìm đáp án nhé!
Đau lưng là vấn đề gặp phải ở rất nhiều bà mẹ sau khi sinh mổ. Cơn đau thường xuất hiện vài giờ sau sinh và kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí là vài tháng sau sinh. Tình trạng này khiến cho mẹ bỉm cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sau sinh và chất lượng cuộc sống. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu đau lưng sau sinh mổ nguyên nhân là do đâu? Cách để khắc phục tình trạng này là gì nhé!
Quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày đã rất khó khăn với các mẹ bầu, tưởng chừng những khó khăn ấy sẽ biến mất sau khi sinh con xong. Tuy nhiên trên thực tế, người mẹ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sau khi sinh con ra, đặc biệt là các mẹ đẻ mổ lại càng khó khăn hơn. Đau lưng sau sinh mổ là tình trạng mà đa số mẹ bỉm đều gặp phải. Theo thống kê, mức độ đau lưng sau sinh mổ khá cao, lên đến 70% trường hợp, nghĩa là cứ 10 mẹ bầu sinh mổ thì có đến 7 mẹ bị đau lưng sau sinh.
Không phải mẹ bỉm nào cũng có sự hiểu biết về mức độ đau lưng sau sinh mổ, họ có thể lơ là khiến tính trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống và nguy hiểm hơn là hình thành nhiều bệnh lý.
Đau lưng được nhận biết thông qua các cơn đau, khó chịu ở lưng, đặc biệt là phần thắt lưng và nửa lưng dưới. Trong quá trình vận động, mức độ của cơn đau lưng sẽ tăng lên, có thể xuất hiện các cơn đau nhói ở phần thắt lưng, ảnh hưởng đến việc đi lại hay đứng ngồi của mẹ bỉm. Thông thường các cơ đau lưng sẽ giảm dần đi khi mẹ bỉm nghỉ ngơi đầy đủ và kết hợp các biện pháp hỗ trợ giảm đau.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng sau sinh mổ, một số nguyên nhân có thể kể đến như:
Trong quá trình mang thai, đối với những phụ nữ khỏe mạnh cân nặng có thể tăng từ 10 - 20 cân. Lúc này, cột sống của người mẹ ngoài việc phải chịu áp lực từ chính trọng tải của cơ thể mình còn phải hỗ trợ tải trọng của thai nhi khi mang thai. Thắt lưng là nơi chịu trọng lực chính, từ đó khiến khối cơ thành bụng bị giãn nở làm cho cột sống mất đi sự hỗ trợ từ khối cơ bụng này và kết quả là phần cơ ở phía lưng dưới sẽ bị căng giãn ra.
Bên cạnh đó, khi trọng lượng của thai nhi và tử cung ngày càng phát triển sẽ gây áp lực lên các mạch máu và dây thần kinh của khung xương chậu, vùng lưng và xương cùng cụt.
Quá trình mang thai làm thay đổi trọng tâm của cơ thể, trọng lượng bị dồn ra phía trước khiến mẹ bầu phải thay đổi tư thế uốn cong gây bất lợi cho cột sống. Các cơ bắp ở lưng cũng phải hoạt động nhiều hơn trong quá trình mang thai.
Trong thai kỳ nội tiết tố bị thay đổi, từ đó có thể làm nới lỏng các khớp cũng như dây chằng nối giữa xương chậu và cột sống, khiến cho cấu trúc này trở nên lỏng lẻo, kém ổn định hơn trước.
Bên cạnh đó, quá trình mang thai vất vả diễn ra dài ngày khiến nhiều cơ bắp phải hoạt động hết công suất. Những thay đổi này sẽ không thể biến mất nhanh chóng, cho nên sau khi sinh xong đau lưng là điều khó tránh khỏi.
Trong thai kỳ, mẹ bầu cần được bổ sung nhiều dưỡng chất thiết yếu. Tuy nhiên, trong trường hợp bổ sung thiếu canxi không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thai nhi, lúc này cơ thể người mẹ sẽ huy động canxi từ mẹ để bù đắp lượng thiếu hụt cho em bé, từ đó gây ra loãng xương ở người mẹ.
Sau sinh, đặc biệt là sinh mổ, sức khoẻ của mẹ bỉm vẫn còn khá yếu, đồng thời phải cho con bú thường xuyên cũng làm thất thoát đi một lượng canxi nhất định. Từ đó tạo cơ hội cho những cơn đau lưng xuất hiện.
Trước khi sinh mổ, người mẹ sẽ được tiêm gây tê tuỷ sống. Đau lưng sau sinh có thể do ảnh hưởng của vị trí chọc kim tiêm. Thông thường triệu chứng này sẽ thuyên giảm dần và biến mất hoàn toàn trong thời kỳ hậu sản.
Tuy nhiên, nếu trong lúc gây tiêm làm tổn thương đến những dây chằng ở thắt lưng có thể khiến cơn đau lưng trở nên trầm trọng hơn.
Tư thế cho con bú cũng rất quan trọng và cần được chú ý đến nếu mẹ bỉm không muốn làm trầm trọng hơn tình trạng đau lưng. Thói quen ngồi gập người sẽ làm cho cơ bắp và cổ bị căng từ đó dẫn đến tình trạng đau lưng sau sinh.
Việc nằm im trên giường quá lâu mà không vận động khiến khí huyết tích tụ ở vùng chậu ảnh hưởng đến sự lưu thông, từ đó gây đau lưng sau sinh. Ngoài ra, trường hợp sức khoẻ chưa hồi phục hoàn toàn nhưng mẹ bỉm đã phải làm việc cực nhọc, quá sức khiến các dây chằng càng thêm giãn ra, khiến lưng càng thêm đau êm ẩm.
Phụ nữ sau sinh cơ thể rất yếu ớt, sẽ dễ bị tổn thương khí huyết nếu không chú ý giữ ấm. Nếu không may để gió lạnh tấn công cơ thể, gây ảnh hưởng đến cơ thể, thừa độ ẩm có thể khiến vùng lưng và xương khớp của cơ thể đau nhức.
Ngoài ra, nếu sản phụ phải nằm trên đệm quá cứng, bị stress thường xuyên hoặc phải mang giày cao gót quá lâu… cũng dễ khiến lưng bị đau.
Dưới đây là một số cách khắc phục tình trạng đau lưng sau sinh mổ mà các mẹ bỉm nên tham khảo:
Nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tinh thần vui vẻ, sảng khoái: Mới sinh xong là giai đoạn mẹ bỉm cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục lại sức khoẻ giúp vết mổ nhanh lành, đồng thời giảm đau lưng hiệu quả. Lựa chọn tư thế ngủ thoải mái, kê gối cao vừa phải, có thể kê một chiếc gối ở dưới đầu gối để giảm bớt áp lực cho vùng lưng dưới. Bên cạnh đó, việc giữ một tinh thần thoải mái, ổn định, sảng khoái sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm đau lưng.
Xoa bóp, massage nhẹ nhàng: Hành động xoa bóp, massage sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn, giảm căng cơ, hỗ trợ giảm cơn đau nhức ở lưng hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ nên dùng một lực vừa phải để không gây ra tổn thương cho cơ thể hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng đau lưng.
Tắm với nước ấm hoặc chườm ấm: Tắm với nước ấm hoặc chườm ấm cho lưng sẽ giúp giãn mạch, cải thiện tuần hoàn, giảm co thắt, giảm đau lưng hiệu quả. Mẹ bỉm có thể kết hợp cả tắm nước ấm và chườm ấm để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Cho con bú đúng cách: Tránh cúi gập người khi cho con bú. Mẹ bỉm nên ngồi tựa lưng ra sau một góc 45 độ, cho bé nằm lên bụng và tì vào ngực mẹ hoặc mẹ có thể nằm nghiêng và đặt bé nằm song song, tay đỡ đầu để bé có tư thế bú thoải mái nhất.
Giảm cân: Sau mang thai, việc lấy lại cân nặng sẽ giúp giảm bớt áp lực lên cột sống. Việc giảm cân cần dựa trên các biện pháp khoa học để không ảnh hưởng đến mẹ.
Cải thiện chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho mẹ là điều bắt buộc, đặc biệt là canxi, sắt, kẽm… Đồng thời, mẹ bầu có thể tăng cường các vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Luyện tập, vận động: Vận động nhẹ nhàng trong khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày cũng là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng đau lưng sau sinh mổ. Tuy nhiên mẹ bỉm nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, động tác đơn giản để không ảnh hưởng đến vết mổ. Tốt hơn hết, mẹ bỉm có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi luyện tập.
Đừng chủ quan với những cơn đau, đặc biệt là đau lưng sau sinh mổ. Bởi nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của nhiều chị em. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong việc chăm sóc cơ thể mình để quá trình hồi phục sau sinh và giảm đau lưng hiệu quả.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.