Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau sỏi mật là gì? Dấu hiệu và biện pháp phòng ngừa hiệu quả

Ngày 14/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sỏi mật là tình trạng tạo thành các hạt rắn trong túi mật hoặc đường mật, gây ra các triệu chứng đau quặn khó chịu. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước và loại sỏi, người bệnh có thể trải qua những cơn đau sỏi mật cực kỳ khó chịu.

Mặc dù thường không được nhắc đến nhiều như sỏi thận nhưng sỏi mật vẫn gây ra nhiều phiền toái và tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe của người bệnh. Thậm chí, nếu không được điều trị một cách quyết liệt, đau sỏi mật có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm tụy cấp, viêm mủ đường mật, áp xe gan, sốc nhiễm khuẩn,... đe dọa tính mạng của người bệnh.

Đau sỏi mật là gì? Vị trí đau sỏi thận ở đâu?

Túi mật là một cơ quan nhỏ có hình dáng giống quả lê, nằm ở vùng bên phải bụng dưới sườn, phía dưới gan. Chức năng chính của nó là lưu trữ dịch mật do gan sản xuất, và khi chúng ta ăn thức ăn, mật sẽ được tiết ra để giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Sỏi mật được hình thành trong ống mật hoặc túi mật, kích thước có thể nhỏ như hạt cát hoặc lớn như quả bóng bàn. Sỏi mật là một bệnh lý lành tính, nhưng nó có khả năng tiến triển và gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả tắc mật (xảy ra trong túi mật hoặc đường mật trong và ngoài gan).

Vị trí của đau sỏi mật
Sỏi mật được hình thành trong ống mật hoặc túi mật

Các cơn đau do sỏi mật thường xuất hiện ở vị trí vùng hạ sườn phải (ngay ở góc phần tư bên phải của bụng). Tuy nhiên, đau cũng có khả năng lan ra vùng thượng vị (vị trí giữa hai xương sườn, phía trên rốn và dưới xương ức), có thể đau lan lên vai phải, bả vai hoặc thậm chí đau phía sau lưng.

Các triệu chứng khi đau sỏi mật

Khi bị đau sỏi mật, các triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm:

  • Đau vùng hạ sườn phải: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của đau sỏi mật. Tình trạng này thường gặp sau những bữa ăn có nhiều dầu mỡ hoặc ăn quá nhiều, đặc biệt là khi bị sỏi bùn hoặc sỏi viên tạo ra rào cản trong túi mật, làm giảm sự lưu thông của dịch mật xuống ruột non và gây ngắt quãng quá trình tiêu hóa chất béo.
  • Buồn nôn và nôn mửa: Các triệu chứng này thường kèm theo cơn đau vùng hạ sườn phải.
  • Cơn đau bụng dữ dội, liên tục ở vùng thượng vị và hạ sườn phải: Đây là dấu hiệu thường xảy ra khi sỏi mật gây ra những biến chứng như viêm túi mật, viêm đường mật, hoặc tắc mật. Nhiều người bệnh cảm thấy cơn đau đến mức phải gập người lại để giảm đau, thậm chí sử dụng tay ấn vùng hạ sườn phải, nhưng cơn đau không thuyên giảm mà ngày càng tăng dần.
  • Khó tiêu hóa và khó thở: Một số người bệnh có thể cảm thấy khó tiêu hóa, khó thở, và cảm giác khó chịu.

Lưu ý rằng triệu chứng có thể thay đổi tùy thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi mật, và một số người bệnh có thể không nhận biết triệu chứng ngay lập tức. Việc tham khảo ý kiến bác sĩ là quan trọng để đánh giá và điều trị hiệu quả.

Đau ở vùng hạ sườn phải là một trong những triệu chứng điển hình của sỏi mật
Cơn đau bụng dữ dội, liên tục là một trong những dấu hiệu đau sỏi mật

Biện pháp làm giảm tạm thời cơn đau bụng do sỏi mật

Ngay khi xuất hiện các cơn đau, người bệnh nên áp dụng cách làm giảm cơn đau sỏi mật tạm thời tại nhà, ví dụ như:

  • Tạo ấm bụng bằng túi sưởi: Người bệnh đặt túi sưởi lên vùng bụng bên phải để tạo ấm, giữ túi sưởi khoảng 20 - 30 phút, đảm bảo nhiệt độ phù hợp để tránh bỏng da và mang lại cảm giác dễ chịu.
  • Nằm cong gập người: Để giảm đau, người bệnh có thể nằm nghiêng sang một bên và gập cong người, đặt hai đầu gối lên sát ngực. Tư thế này giúp giảm đau và làm người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, cơn đau cũng sẽ dần giảm đi.
  • Dùng dầu thầu dầu: Loại dầu này thường được áp dụng để thực hiện phương pháp chườm nóng và điều trị cho nhiều tình trạng đau khác nhau, bao gồm cả đau do sỏi mật. Dầu thầu dầu có tác dụng giảm đau, giảm co thắt túi mật và ống dẫn mật. Vì có thể thẩm thấu qua da nên người bệnh có thể sử dụng dầu này để chườm lên vùng túi mật khi cơn đau xuất hiện, giúp giảm đau.
  • Sử dụng thuốc giảm đau: Bên cạnh các biện pháp giảm đau trên, người bệnh có thể dùng một số loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau khi có chỉ định từ bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ.

Các phương pháp trên chỉ có thể giúp giảm đau tạm thời. Tốt nhất, bệnh nhân nên nhanh chóng tiếp nhận điều trị sỏi mật sớm để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.

Làm gì để phòng ngừa sỏi mật?

Phòng ngừa đau sỏi mật là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe và tránh những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số cách phòng ngừa:

  • Dinh dưỡng cân đối: Hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu cholesterol và đường. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, trái cây, và nạc ép trái cây để hỗ trợ tiêu hóa.
  • Giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng: Thừa cân hoặc béo phì có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi mật.
  • Tập thể dục thường xuyên: Vận động đều đặn giúp duy trì sự lưu thông dịch mật, giảm nguy cơ tạo sỏi.
  • Hạn chế sử dụng corticoid và các loại thuốc gây sỏi: Nếu phải sử dụng các loại thuốc này, hãy theo sự hướng dẫn của bác sĩ và kiểm tra sức khỏe định kỳ.
  • Tránh tiếp xúc với các chất gây độc cho gan: Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, rượu, thuốc lá, và các chất gây ô nhiễm để bảo vệ gan.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Điều này rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị các vấn đề liên quan đến sỏi mật, giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm.
  • Tuân theo lời khuyên của bác sĩ: Nếu bạn có tiền sử về sỏi mật hoặc các yếu tố nguy cơ khác, hãy thường xuyên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế.
  • Uống đủ nước: Hãy duy trì việc uống đủ nước hàng ngày, giúp mật tiết ra đủ dịch mật để hỗ trợ tiêu hóa và ngăn tạo sỏi.
Uống nước đầy đủ để bảo vệ túi mật
Uống nước đầy đủ để bảo vệ túi mật

Hy vọng rằng bài viết trên đây sẽ giúp quý đọc giả nắm được triệu chứng và cách giảm đau sỏi mật tạm thời. Việc kiểm tra định kỳ sức khỏe là rất quan trọng trong việc phát hiện tình trạng hình thành sỏi mật và chủ động điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm