Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau thắt ngực ổn định và không ổn định khác nhau thế nào?

Ngày 23/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau thắt ngực là chỉ báo quan trọng để nhận biết về bệnh động mạch vành. Vậy hai loại đau thắt ngực ổn định và không ổn định có gì khác nhau? Việc hiểu đúng về hai loại bệnh này sẽ giúp bạn tìm ra phương án điều trị phù hợp.

Đau thắt ngực là khái niệm chỉ cơn đau hoặc tình trạng khó chịu ở vùng ngực. Đây được xem là triệu chứng cảnh báo điển hình của bệnh mạch vành vì 90% cơn đau thắt ngực là do hẹp động mạch vành. Sau nhiều năm mạch bị xơ vữa, kết hợp với các mảng bám tích tụ ở lòng mạch, thành mạch sẽ bị dày lên và cứng lại, từ đó mất đi khả năng đàn hồi và làm giảm lượng máu chuyển đến cơ tim. Khi đó, tim buộc phải hoạt động trong môi trường thiếu oxy nên người bệnh sẽ bị đau thắt ngực.

Hai loại đau thắt ngực phổ biến là đau thắt ngực ổn định và không ổn định, hay còn gọi là hội chứng bệnh mạch vành mạn tính và cấp tính. Việc tìm hiểu sự khác nhau giữa hai loại đau này sẽ giúp bạn nhận biết chính xác tình trạng bệnh để tìm ra phương án điều trị thích hợp.

Định nghĩa về đau thắt ngực ổn định và không ổn định

Đau thắt ngực ổn định là gì?

Đau thắt ngực ổn định là tình trạng đau ở phía sau xương ức hoặc cạnh tim. Cơn đau xảy ra khi cơ tim bị thiếu lượng máu giàu oxy tối thiểu để hoạt động bình thường. Lúc này, tim đập nhiều và đập mạnh hơn khi người bệnh làm việc quá sức hoặc bị căng thẳng tâm lý.

Người bệnh cảm thấy như có vật thể bóp chặt và đè nặng lên vùng sau xương ức hoặc bên cạnh tim. Cơn đau có thể chạy tới 2 bên vai, 2 bên quai hàm dưới và lan ra mặt trong của tay trái hoặc lan lên cổ. Đôi khi người bệnh lại đau ở bên phải, ở vùng thượng vị nên có thể bị nhầm sang đau dạ dày cấp.

dau-that-nguc-on-dinh-va-khong-on-dinh-2.jpg
Đau thắt ngực ổn định ít nguy hiểm hơn đau thắt ngực không ổn định

Nguyên nhân chủ yếu gây ra đau thắt ngực ổn định là do động mạch vành bị xơ vữa, lòng mạch bị thu hẹp, từ đó lưu lượng máu tới tế bào cơ tim giảm mạnh. Ngoài ra, những cơn đau này cũng có thể xảy ra do có cục máu đông gây tắc hẹp mạch máu. Đau thắt ngực ổn định thường ít nguy hiểm hơn so với đau thắt ngực không ổn định.

Trong trường hợp này, người bệnh cần được nghỉ ngơi, chờ nhịp tim hồi phục chậm lại. Khi đó, lượng oxy mà động mạch vành chuyển tới cơ tim được đáp ứng đủ, từ đó giúp giảm hẳn cơn đau.

Đau thắt ngực không ổn định là gì?

Khác với đau thắt ngực ổn định, cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra đột ngột, thậm chí cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, thư giãn và có tâm lý thoải mái. Cơn đau này thường gặp ở thời điểm về đêm hoặc gần sáng.

Đau thắt ngực không ổn định là hội chứng mạch vành cấp, rất nguy hiểm. Tình trạng này xảy ra khi dòng máu từ mạch vành đến nuôi cơ tim bị giảm đột ngột. Nguyên nhân của nó thường do mảng xơ vữa bị nứt vỡ, gây ra tình trạng bít tắc đột ngột một phần hoặc toàn bộ lòng mạch. Trong tình huống này, bệnh nhân cần được cấp cứu khẩn cấp.

Với cơn đau thắt ngực không ổn định, triệu chứng thường dữ dội và diễn ra lâu hơn so với khi đau thắt ngực ổn định. Các cơn đau sẽ xảy ra ngày càng nhiều, mức độ ngày càng tăng dần và có thể diễn biến xấu trong khoảng thời gian rất ngắn.

Do vậy, khi cơn đau thắt ngực diễn ra lâu hơn 15 phút, không có dấu hiệu giảm bớt thì người bệnh cần được cấp cứu kịp thời tại cơ sở y tế gần nhất để tránh nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tim dẫn tới tử vong đột ngột.

dau-that-nguc-on-dinh-va-khong-on-dinh-3.jpeg
Người bị đau thắt ngực không ổn định cần được cấp cứu khẩn cấp

Đau thắt ngực ổn định và không ổn định khác nhau ở đâu?

Để bạn có thể hình dung rõ hơn về sự khác biệt của đau thắt ngực ổn định và không ổn định, bài viết sẽ tổng hợp thông qua bảng dưới đây.

 

Đau thắt ngực ổn định

Đau thắt ngực không ổn định

Tên gọi khác

Hội chứng bệnh mạch vành mạn tính.

Hội chứng bệnh mạch vành cấp tính.

Triệu chứng và vị trí đau

Đau sau xương ức hoặc bên cạnh tim, lan ra 2 bên vai, 2 bên quai hàm dưới, mặt trong của tay trái hoặc cổ. Đôi khi đau ở bên phải, ở vùng thượng vị.

Đau dai dẳng, đột ngột, thường lâu hơn 15 phút, ở tim bên trái, lan ra cánh tay hoặc sau xương ức, cổ hoặc hàm. Có thể kèm chướng bụng, buồn nôn, khó tiêu, choáng váng, đánh trống ngực, khó thở, vã mồ hôi lạnh ở đầu, cổ.

Nguyên nhân

Xơ vữa động mạch vành nên lòng mạch bị thu hẹp, lưu lượng máu tới tế bào cơ tim bị giảm. Còn có thể do cục máu đông gây tắc hẹp mạch máu.

Mảng xơ vữa bị nứt vỡ, gây ra tình trạng bít tắc đột ngột một phần hoặc toàn bộ lòng mạch.

Thời điểm

Làm việc quá sức hoặc bị căng thẳng tâm lý.

Xảy ra đột ngột, ngay cả khi đang nghỉ ngơi và tâm lý thoải mái. Thường gặp lúc về đêm hoặc gần sáng.

Mức độ nguy hiểm

Ít nguy hiểm hơn.

Có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, ngừng tim gây tử vong đột ngột hoặc bị di chứng nặng.

Xử trí

Nghỉ ngơi, chờ nhịp tim hồi phục chậm lại.

Đưa người bệnh đi cấp cứu ngay ở cơ sở y tế gần nhất.

Biện pháp phòng tránh đau thắt ngực

Trong khi đau thắt ngực ổn định có thể dự đoán được và không quá nguy hiểm đến tính mạng thì đau thắt ngực không ổn định lại có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, việc phòng tránh đau thắt ngực ổn định và không ổn định có vai trò rất quan trọng. Chúng ta có thể tham khảo một số biện pháp phòng ngừa do chuyên gia khuyến cáo như sau:

  • Rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên và vừa sức để tăng cường sức khỏe.
  • Giữ cân nặng ở mức vừa phải.
  • Ăn thường xuyên thực phẩm nằm trong nhóm rau xanh và hoa quả tươi.
  • Tập cho mình nếp sinh hoạt và ăn uống khoa học, lành mạnh.
  • Hạn chế ăn uống thực phẩm nhiều cholesterol, mỡ, thực phẩm giàu chất béo từ các loại thịt màu đỏ, nội tạng, da hay óc tủy động vật, lòng đỏ trứng, gạch tôm cua,...
  • Không lạm dụng đồ uống chứa caffein, cồn. Không sử dụng các loại thuốc lá và chất kích thích.
  • Không để bản thân rơi vào tình trạng lo âu, căng thẳng hay stress quá lâu.
  • Nếu có tiền sử bệnh tim thiếu máu cục bộ thì bạn cần điều trị đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh đau thắt ngực.
dau-that-nguc-on-dinh-va-khong-on-dinh-4.jpeg
Xác định đau thắt ngực bằng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

Trên đây là một số thông tin cơ bản và cách phân biệt đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Việc phân biệt hai loại đau này rất quan trọng vì nó quyết định cách xử trí đúng đắn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Bài viết cũng đã giới thiệu một số biện pháp phòng tránh bệnh đau thắt ngực để độc giả có thể tham khảo cho mình và gia đình.

Xem thêm: Hiểu đúng về đau thắt ngực điển hình và không điển hình

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm