Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách đeo kính cận đúng cách và một số vấn đề liên quan đến cận thị

Ngày 17/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cận là một dạng tật khúc xạ phổ biến hiện nay và trẻ em ngày càng mắc cận thị sớm. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì? Đeo kính cận đúng cách như thế nào? Bài viết sẽ bật mí đến bạn.

Cận thị là một trong những tật về mắt phổ biến và ngày càng trẻ hoá. Với những ai bị cận thị, tầm nhìn của họ rất hạn chế và cần phải đeo kính đúng độ để quan sát rõ vật thể xung quanh. Tuy nhiên không hẳn ai cũng biết đeo kính cận đúng cách. Bài viết này sẽ thông tin đến bạn về các bước để mang kính cận thật phù hợp.

Tại sao người trẻ bị cận thị ngày càng nhiều?

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phan Hồng Mai tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cận thị ngày càng cao bởi tính chất học tập đã thay đổi, hình thức học online trên máy vi tính phổ biến và khiến trẻ phải tiếp cận chúng nhiều giờ liền trong ngày.

Ngoài ra tỷ lệ trẻ em cận thị ở thành phố thường cao hơn nông thôn và yếu tố tác động lớn đến vấn đề này là trẻ em thành thị thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh của thiết bị điện tử. Chính ánh sáng xanh là “thủ phạm” khiến các bệnh về mắt gia tăng như cận thị, mất thị lực, nhức mỏi mắt.

Đeo kính cận đúng cách: Các bước thực hiện cần nắm 1
Tật cận thị ngày càng nhiều người trẻ mắc phải

Một số bé có thói quen đọc sách, học tập không đúng như học dưới điều kiện thiếu sáng, đọc truyện, sách không đúng tư thế sẽ khiến mắt dễ bị mất tập trung và gia tăng tình trạng lão hoá. Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng nhất định đến việc mắc tật khúc xạ.

Thực trạng trẻ em học tiểu học, trung học bị cận thị là điều mà phụ huynh và nhà trường không thể chủ quan. Thay vì tìm hiểu về đeo kính cận đúng cách, tập trung bảo vệ mắt là điều nên ưu tiên. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ học tập đúng tư thế cũng như hạn chế cho bé sử dụng điện thoại, laptop, ti vi trong thời gian dài. 

Bác sĩ khuyến cáo khoảng cách lý tưởng giữa học sinh và điện thoại thông minh là 40cm và 60cm với laptop. Trường hợp trẻ xem TV thì khoảng cách phù hợp là khoảng 2m. Giữa các giờ học, nên dành ra 10 - 15 phút để giải lao, vận động từ đó giúp mắt thư giãn.

Đeo kính cận đúng cách

Một khi bị cận thị, bạn sẽ rất khó nhìn vật ở xa, phải thường xuyên nheo mắt, chớp mắt để quan sát vật thể. Chưa kể nếu chưa kịp đeo kính đúng độ thì có khả năng cao bị mỏi mắt, nhức đầu. Không thể chủ quan trước cận thị bởi chúng làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể. Đặc biệt một số biến chứng có thể xảy ra nếu bạn không điều trị mắt cận thị kịp thời như:

  • Bong võng mạc: Tình trạng này có thể gây mù loà. Mức độ cận thị càng nặng thì khả năng bong võng mạc càng cao.
  • Tăng nhãn áp: Đây là dạng tổn thương thần kinh thị giác của mắt. Bệnh xảy ra với đặc điểm xuất hiện chất lỏng tích tụ ở phần trước của mắt.
  • Đục thuỷ tinh thể: Lúc này thuỷ tinh thể tự nhiên của mắt bị đục và mắt trở nên mờ mịt.
Đeo kính cận đúng cách: Các bước thực hiện cần nắm 2
Đeo kính cận đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ giúp bảo vệ thị lực

Vậy để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra với mắt, người bị cận thị cần làm gì? Đeo kính cận đúng cách với quy trình như sau:

  • Chẩn đoán: Lúc này bác sĩ sẽ kiểm tra mắt để xem xét tình trang của võng mạc và thần kinh thị giác, chẩn đoán thị lực ở mắt trái và mắt phải để biết chính xác độ cận của kính mà bệnh nhân cần đeo.
  • Điều trị: Hiện nay có hai phương pháp điều trị tật cận thị phổ biến là đeo kính hoặc phẫu thuật. Dựa trên độ cận được chẩn đoán, bác sĩ tiến hành tư vấn lựa loại tròng phù hợp và tiến hành cắt kính để bệnh nhân đeo. Ngoài loại kính gọng, kính áp tròng là lựa chọn khác có thể điều chỉnh được tật khúc xạ. Với trường hợp phẫu thuật mắt cận, bệnh nhân có thể chọn phẫu thuật Lasik, Lasek, Prk, Smile. Đặc điểm chung của các loại phẫu thuật này là dùng laser để định hình lại giác mạc và giảm nhu cầu đeo kính mắt.

Việc chẩn đoán và tiến hành cắt kính với độ phù hợp là lựa chọn của số đông người bị cận thị. Buộc bạn phải chọn địa chỉ khám và tư vấn kính uy tín để bảo vệ mắt. Trường hợp sau khi đeo kính cận nhưng cảm thấy chóng mặt, buồn ngủ, mỏi mắt thì buộc phải thăm khám bác sĩ ngay lập tức bởi khả năng cao bạn đang đeo kính sai độ.

Đeo kính cận đúng cách: Các bước thực hiện cần nắm 4
Vệ sinh kính mắt và thay tròng kính định kỳ

Một điểm đáng lưu ý hơn cả, nếu bạn can thiệp điều trị cận thị bằng cách đeo kính thì phải quan tâm đến cách vệ sinh kính và thay tròng kính theo định kỳ 6 tháng một lần. Vệ sinh kính với dung dịch rửa kính chuyên dụng giúp bảo vệ tròng kính không bị mờ và tránh ảnh hưởng đến mắt. Không nên đeo một loại tròng hơn 6 tháng bởi lúc này mắt có thể tăng hay giảm độ, kính bạn đang dùng không còn phù hợp nữa và cần khám mắt lại để thay tròng. 

Có thể chữa tật cận thị như thế nào?

Thực tế có nhiều trường hợp đeo kính cận đúng cách hay sau phẫu thuật cận thị vẫn có thể bị cận nặng hơn do không duy trì lối sống khoa học. Vậy muốn giảm độ cận một cách bền vững, buộc bạn phải thực hiện các cách can thiệp như sau:

  • Thuốc nhỏ Atropin: Thuốc nhỏ này có tác dụng làm giãn đồng tử mắt. Việc làm này thường được bác sĩ tiến hành trước và sau khám mắt hay phẫu thuật mắt. Sử dụng thuốc Atropin theo đúng chỉ định của bác sĩ có thể làm chậm sự tiến triển của tật cận thị.
  • Dùng kính áp tròng tiêu điểm kép: Đây là loại kính áp tròng có khả năng làm chậm sự tiến triển của cận thị.
  • Tăng thời gian sinh hoạt bên ngoài: Việc dành nhiều thời gian bên ngoài thiên nhiên là giải pháp đơn giản nhất để giảm nguy cơ cận thị.
Đeo kính cận đúng cách: Các bước thực hiện cần nắm 3
Nhỏ mắt, sinh hoạt lành mạnh, dinh dưỡng cân đối là biện pháp bảo vệ mắt tối ưu

Ngoài ra, dù bạn đang bị cận hay không, luôn có kế hoạch bảo vệ thị lực một cách chủ động. Bạn nên khám mắt định kỳ, làm việc và học tập dưới điều kiện ánh sáng tốt. Bên cạnh đó phải xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, Omega.

Có thể cân nhắc tập các bài tập giảm mỏi mắt nếu buộc phải tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh. Với dân văn phòng, học sinh, sinh viên nên dành thời gian tập luyện thể dục thể thao, tránh dụi mắt mỗi khi mỏi. Nếu có bất kỳ khó chịu nào ở vùng mắt buộc phải kiểm tra với bác sĩ có chuyên môn để được can thiệp kịp thời. 

Trên đây là những chia sẻ về đeo kính cận đúng cách. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về tật khúc xạ này, biết cách điều trị cũng như xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp để bảo vệ mắt. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm