Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Ghi điện cơ là phương pháp chẩn đoán bệnh gì?

Ngày 27/12/2023
Kích thước chữ

Ghi điện cơ (EMG) là một thủ tục chẩn đoán nhằm đánh giá sức khỏe của cơ và các tế bào thần kinh vận động có vai trò điều khiển các cơ. Kết quả EMG có thể tiết lộ rối loạn chức năng thần kinh, rối loạn chức năng cơ hoặc các vấn đề về truyền tín hiệu từ dây thần kinh đến cơ.

Ghi điện cơ (EMG) giúp bác sĩ đánh giá phản ứng điện của cơ và các dây thần kinh vận động. Đây là kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh nhất là chẩn đoán phân biệt tổn thương.

Ghi điện cơ là gì?

Ghi điện cơ (EMG) là kỹ thuật đo hoạt động điện của cơ và thần kinh. Đây là một phương pháp chẩn đoán được sử dụng để đánh giá chức năng cơ và thần kinh, cũng như xác định bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào liên quan đến rối loạn chức năng cơ, rối loạn chức năng thần kinh hoặc gián đoạn giao tiếp thần kinh với cơ.

Ghi điện cơ là phương pháp chẩn đoán bệnh gì 1
Ghi điện cơ giúp đánh giá chức năng cơ và dây thần kinh vận động

Tế bào thần kinh vận động truyền tín hiệu bắt đầu chuyển động cơ bắp, dẫn đến co cơ hoặc căng cơ. Trong thời gian nghỉ ngơi, hoạt động điện trong cơ thường ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, khi cơ co lại, hoạt động điện trở nên rõ ràng. Khi cường độ co cơ tăng lên thì mức độ hoạt động điện cũng tăng theo. Những tín hiệu này biểu hiện dưới dạng sóng cơ, hỗ trợ bác sĩ đánh giá chức năng bình thường của cơ.

Trong EMG, có hai loại điện cực được sử dụng cho điện cơ là điện cực kim và điện cực lá. Trong số đó, điện cực kim được công nhận là phương pháp điện cơ tốt hơn để đánh giá chức năng của bộ phận vận động. Vì vậy, thuật ngữ điện cơ thường dùng để chỉ phương pháp ghi điện cơ bằng điện cực kim.

Ghi điện cơ được chỉ định trong trường hợp nào?

Khi thăm khám lâm sàng, nếu bác sĩ nhận thấy bạn có dấu hiệu hoặc triệu chứng rối loạn thần kinh hoặc cơ, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện đo EMG. Các dấu hiệu, triệu chứng bệnh xương khớp đó có thể bao gồm:

  • Ngứa ran;
  • ;
  • Yếu cơ;
  • Sụp mi;
  • Khó nuốt;
  • Yếu chi;
  • Teo cơ;
  • Đau cơ hoặc chuột rút;
  • Một số loại đau chân tay.
Ghi điện cơ là phương pháp chẩn đoán bệnh gì 2
Ghi điện cơ được chỉ định khi có dấu hiệu đau cơ kéo dài

Kết quả ghi cơ điện cần thiết giúp bác sĩ thực hiện chẩn đoán hoặc loại trừ một số tình trạng, bệnh lý như:

  • Rối loạn cơ bắp, chẳng hạn như chứng loạn dưỡng cơ hoặc viêm đa cơ.
  • Một số bệnh lý ảnh hưởng đến kết nối giữa dây thần kinh và cơ, chẳng hạn như bệnh nhược cơ.
  • Rối loạn dây thần kinh bên ngoài tủy sống (dây thần kinh ngoại biên), chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay hoặc bệnh lý thần kinh ngoại biên.
  • Các rối loạn ảnh hưởng đến tế bào thần kinh vận động trong não hoặc tủy sống, chẳng hạn như bệnh xơ cứng teo cơ một bên hoặc bệnh bại liệt.
  • Một số bệnh lý rối loạn ảnh hưởng đến rễ thần kinh như thoát vị đĩa đệm ở cột sống.

Trước khi thực hiện kỹ thuật ghi điện cơ, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về tình trạng các loại thuốc bệnh nhân đang dùng. Đo điện cơ và kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh sẽ không được thực hiện nếu bệnh nhân đang dùng thuốc, bao gồm cả thuốc chống đông máu như Warfarin và Heparin.

Các bước thực hiện ghi điện cơ

Trước khi thực hiện

Trước khi tiến hành ghi điện cơ, bác sĩ sẽ giải thích rõ quy trình thực hiện cho bạn. Nếu bạn còn chưa hiểu hoặc thắc mắc vấn đề gì có thể hỏi ngay lúc đó. Khác với một số loại xét nghiệm, ghi điện cơ không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện, nhưng bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Không nên sử dụng thuốc lá, cà phê, trà hay các loại nước chứa caffein trước 2 - 3 tiếng thực hiện xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
  • Bạn nên thông báo cho bác sĩ các loại thuốc mà mình đang sử dụng, liệt kê cả các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ, thuốc thảo mộc…
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn có sử dụng máy điều hòa nhịp tim.
  • Nên mặc quần áo thoáng mát, dễ dàng cởi bỏ nếu có yêu cầu từ bác sĩ.
  • Ngừng sử dụng kem dưỡng da hoặc dầu dưỡng trên da vài ngày trước khi thực hiện thủ thuật, hoặc ít nhất là ngừng sử dụng chúng vào ngày thực hiện.
  • Nếu bạn đang điều trị rối loạn đông máu, hãy thông báo cho bác sĩ.
  • Tùy thuộc vào từng cá nhân, có thể bác sĩ sẽ đưa ra một số yêu cầu khác trước khi thực hiện. 
Ghi điện cơ là phương pháp chẩn đoán bệnh gì 3
Trao đổi với bác sĩ về đơn thuốc bạn đang sử dụng

Trong khi thực hiện

Ghi điện cơ được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn kỹ thuật cao. Quy trình thực hiện đo điện cơ sẽ bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Bạn sẽ được yêu cầu cởi bỏ mọi quần áo, đồ trang sức, kẹp tóc, kính mắt, máy trợ thính hoặc các vật kim loại khác có thể cản trở quy trình. Nếu được yêu cầu cởi bỏ quần áo, bạn sẽ được cấp áo choàng để mặc. Bạn sẽ được yêu cầu ngồi hoặc nằm để kiểm tra.

Bước 2: Vị trí chọc kim sẽ được làm sạch bằng dung dịch sát trùng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ dùng một điện cực kim đồng tâm ghim vào vùng da đó và dừng lại ở phần nông của cơ.

Ghi điện cơ là phương pháp chẩn đoán bệnh gì 4
Sát trùng trước khi thực hiện

Bước 3: Bạn sẽ được bác sĩ yêu cầu thư giãn và sau đó thực hiện các động tác co cơ nhẹ rồi tăng dần đến co cơ tối đa để kiểm tra. Các hoạt động của cơ sẽ được ghi lại và hiển thị trên màn hình dưới dạng sóng cơ.

Như vậy, toàn bộ quá trình ghi điện cơ sẽ diễn ra trong khoảng 30 - 60 phút. Trong khi thực hiện, người bệnh cần bình tĩnh và làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Sau khi thực hiện

Sau khi thực hiện, một số cơn đau nhức cơ có thể kéo dài khoảng một ngày rồi nhanh chóng biến mất. Bạn có thể bị bầm tím nhẹ tại vị trí ghim kim, nhưng tình trạng này cũng sẽ nhanh chóng mờ dần sau vài ngày. Thông báo cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy đau, nhức, sưng hoặc chảy mủ ở vị trí đâm kim. Tùy thuộc vào tình huống của bạn, bác sĩ có thể cung cấp cho bạn các hướng dẫn bổ sung hoặc thay thế sau khi thực hiện thủ thuật.

Ghi điện cơ là một thủ thuật có rủi ro thấp và hiếm khi xảy ra biến chứng. Sau khi có kết quả sẽ được tổng kết thành một báo cáo và bác sĩ sẽ giải thích kết quả thăm khám cho bạn. Kết quả ghi điện cơ sẽ giúp bác sĩ có phương hướng tiếp tục điều trị đối với tình trạng sức khỏe của bạn.

Xem thêm: Viêm cơ thể vùi: Nguyên nhân, triệu chứng và giải pháp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin