Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Góc giải đáp: Bệnh loãng xương có mấy cấp độ?

Ngày 27/05/2023
Kích thước chữ

Loãng xương gây rối loạn chuyển hóa khiến xương giảm đi sức mạnh, dễ bị gãy kèm theo nguy cơ mắc một số bệnh khác. Bệnh lý về xương này thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi. Biết được loãng xương có mấy cấp độ cũng như phân loại loãng xương sẽ giúp bạn nắm rõ tình trạng bệnh nặng hay nhẹ để có hướng điều trị phù hợp với bản thân.

Loãng xương là bệnh lý xuất hiện do mật độ xương sụt giảm và tổn thương cấu trúc tổ chức xương. Người bệnh có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, nứt xương, mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ… thậm chí tàn phế, tàn tật vĩnh viễn. 

Chỉ số xác định mức độ loãng xương

Vào năm 1994, tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã đưa ra tiêu chuẩn đánh giá sức khỏe của xương, xác định loãng xương có mấy cấp độ bằng cách đo mật độ xương theo phương pháp DEXA tại vùng cột sống thắt lưng và cổ xương đùi. Có hai chỉ số xác định mức độ loãng xương bao gồm:

Chỉ số T-score

  • T-score từ -1 SD trở lên: Mật độ xương nằm ở mức bình thường.
  • T-score mức -1 SD đến -2,5 SD: Thiếu xương.
  • T-score dưới mức -2,5 SD: Loãng xương.
  • T-score dưới -2,5 kèm theo tiền sử hay hiện tại có gãy xương: Loãng xương nặng.
Góc giải đáp: Bệnh loãng xương có mấy cấp độ?
Có hai chỉ số xác định mức độ loãng xương là Z-score và T-score

Chỉ số Z-score

  • Z-score = 0: Mật độ xương bằng giá trị trung bình ở độ tuổi đó.
  • Z-score > 0: Mật độ xương cao hơn giá trị trung bình của lứa tuổi đó.
  • Z-score < 0: Mật độ xương cao hơn giá trị trung bình vào độ tuổi đó.
  • Z-score: < -1,5: Cần đánh giá xem có bệnh lý thứ phát nào gây mất xương không.
  • Z-score < -2,0 kèm tiền sử hoặc hiện tại có gãy xương: Loãng xương.

Ngoài kỹ thuật đo mật độ xương, thăm khám lâm sàng bác sĩ có thể đề xuất kết hợp một số xét nghiệm khác như: Xét nghiệm hormon giáp, xét nghiệm máu chức năng thận hoặc đánh giá mức độ khoáng chất liên quan đến sức khỏe xương trong cơ thể.

Các cấp độ loãng xương 

Loãng xương có mấy cấp độ? Dựa trên kết quả đo mật độ xương, y học chia loãng xương thành 3 cấp độ khác nhau cho thấy được sự tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh bao gồm:

Loãng xương nhẹ

Là cấp độ đầu tiên và nhẹ nhất của bệnh loãng xương. Trong trường hợp này, mật độ xương bị giảm nhưng chưa đủ nghiêm trọng để được chẩn đoán là loãng xương. Nguy cơ gãy xương cũng chưa cao.

Loãng xương trung bình

Đây là cấp độ vừa phải của bệnh loãng xương. Mật độ xương giảm một cách đáng kể và nguy cơ gãy xương tăng lên. Những người ở cấp độ này có khả năng gãy xương cao hơn so với người có xương bình thường.

Loãng xương nặng

Là cấp độ nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương. Mật độ xương rất thấp và nguy cơ gãy xương rất cao. Người ở cấp độ này dễ gãy xương thậm chí trong các tình huống nhẹ.

Góc giải đáp: Bệnh loãng xương có mấy cấp độ? 1
Loãng xương nặng là cấp độ nguy hiểm kéo theo nguy cơ cao gãy xương

Phân loại loãng xương

Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, loãng xương được phân loại thành: 

Loãng xương nguyên phát

Bệnh loãng xương nguyên phát liên quan trực tiếp đến tuổi tác hay hiện tượng mãn kinh ở nữ giới tuổi trung niên. Cơ chế gây bệnh bắt đầu từ sự lão hóa của tạo cốt bào gây mất cân bằng giữa các mô xương bị hủy hoại và số lượng tế bào xương mới được tái tạo.

Các loại loãng xương nguyên phát gồm:

  • Loãng xương sau mãn kinh (loãng xương typ 1): Hình thành do sự suy giảm nội tiết tố oestrogen, giảm sản xuất hormon tuyến cận giáp trạng và tăng thải canxi niệu. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm: Mất khoáng chất của xương xốp, lún đốt sống, gãy xương.
  • Loãng xương tuổi già (loãng xương typ 2): Càng lớn tuổi, nguy cơ loãng xương càng cao do chức năng chuyển hóa canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết cho xương suy giảm, gây mất cân bằng tạo xương. Bệnh loãng xương tuổi già gây mất khoáng chất toàn thể và dễ gặp biến chứng hơn so với người trẻ tuổi.
Góc giải đáp: Bệnh loãng xương có mấy cấp độ? 2
Loãng xương thứ phát dễ xuất hiện ở người mắc một số bệnh về nội tiết

Loãng xương thứ phát

Loãng xương thứ phát hình thành do những nguyên nhân được xác định rõ ràng. Chủ yếu có liên quan đến một số bệnh mãn tính, thói quen xấu hay dùng một số loại thuốc kéo dài. Bệnh sẽ xảy ra sớm hơn, nặng hơn, khó điều trị hơn, nhiều biến chứng hơn nếu người bệnh có kèm thêm các yếu tố nguy cơ sau:

  • Bị mắc các bệnh mãn tính ở đường tiêu hóa như: Viêm đại tràng, viêm loét dạ dày, viêm ruột… mãn tính làm giảm hấp thu canxi, protein, vitamin D ở đường tiêu hóa.
  • Bị thiểu năng các tuyến sinh dục ở nam hoặc nữ như: Suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, thiểu năng tinh hoàn…
  • Bị mắc một số bệnh về nội tiết như: Cường tuyến giáp trạng, cường tuyến vỏ thượng thận, bị đái tháo đường…
  • Bị suy thận mãn tính, phải chạy thận lâu ngày.
  • Bị các bệnh về xương khớp mãn tính như: Viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp.

Cách ngăn chặn loãng xương phát triển sang cấp độ nặng hơn

Để ngăn chặn sự tiến triển của loãng xương, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

Điều trị tích cực 

Dựa theo thông tin loãng xương có mấy cấp độ, có thể thấy loãng xương được phát hiện ở giai đoạn sớm thì điều trị sẽ dễ dàng hơn và ngược lại. Người bệnh được chỉ định dùng các thuốc bổ sung canxi, vitamin D. Ngoài ra còn có một số nhóm thuốc khác như: Thuốc chống hủy xương, thuốc kích thích sản sinh tế bào xương mới và ức chế quá trình hủy xương, thuốc thúc đẩy quá trình đồng hóa và thuốc giảm đau.

Điều trị loãng xương là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì và thái độ tích cực hợp tác của người bệnh với bác sĩ chuyên khoa. Bạn nên tuân thủ khuyến cáo trong đơn thuốc, không được tự ý tăng liều mà cần uống thuốc đúng liều, đủ thời gian.

Thay đổi lối sống 

Để ngăn chặn loãng xương tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, người bệnh cần xây dựng một lối sống lành mạnh. Cụ thể:

  • Bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D, protein để làm tăng mật độ xương, đẩy nhanh tốc độ phát triển các tế bào xương, cải thiện tình trạng loãng xương, bổ sung năng lượng và chống mệt mỏi.
  • Giảm cân để giảm gánh nặng cho xương khớp.
  • Tránh sử dụng các thức uống làm giảm hấp thu canxi như: Nước ngọt có gas, bia, rượu, đồ uống chứa caffein.
  • Cai nghiện thuốc lá và tránh xa những nơi có người hút thuốc lá.
  • Tập thể dục mỗi ngày.
Góc giải đáp: Bệnh loãng xương có mấy cấp độ? 3
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề xương khớp

Tái khám định kỳ

Điều trị loãng xương có thể kéo dài 3 - 5 năm. Do đó, người bệnh cần định kỳ tái khám, dùng thuốc theo hướng dẫn và đo lại mật độ xương sau mỗi 1 - 2 năm để đánh giá được hướng tiến triển của bệnh cũng như khả năng đáp ứng với điều trị. Từ đó, đưa ra kế hoạch điều trị tiếp theo.

Trên đây là giải đáp chi tiết loãng xương có mấy cấp độ và những thông tin liên quan giúp bệnh nhân lưu ý các triệu chứng cũng như cách ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Bệnh lý này diễn tiến âm thầm nhưng một khi xuất hiện triệu chứng nghĩa là đã chuyển sang giai đoạn nặng. Do đó, bạn nên đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị kịp thời nếu có bất cứ các dấu hiệu nào bất thường về xương khớp.

Minh QA

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin