Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Sức khỏe gia đình

Hiểu về hiện tượng trẻ sốt cao chân tay lạnh và thời điểm cần đưa bé đi khám bác sĩ

Ngày 22/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi trẻ sốt cao chân tay lạnh khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, đây có thể là phản ứng của cơ thể bé giúp chống lại tác nhân gây bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu bản chất của tình trạng này nhé!

Khi mầm bệnh xâm nhập cơ thể thường gây hiện tượng trẻ sốt cao chân tay lạnh. Lúc này, cha mẹ cần theo dõi kỹ sức khỏe của con để đánh giá mức độ nặng của triệu chứng, đồng thời nhận diện dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị ở trẻ.

Tình trạng trẻ sốt cao chân tay lạnh

Trẻ sốt cao chân tay lạnh là một triệu chứng phổ biến, thường khiến các bậc phụ huynh lo lắng, tìm kiếm giải pháp điều trị ngay lập tức. Sốt là một phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng, thường do hệ miễn dịch kích hoạt.

Khi cơ thể phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn hoặc virus, hệ miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách kích hoạt trục não bộ - vùng hạ đồi. Vùng hạ đồi này đặt một "set point" (điểm đặt nhiệt độ mới) cao hơn nhiệt độ cơ thể bình thường, yêu cầu cơ thể tăng nhiệt độ lên để chống lại tác nhân gây bệnh.

Để đạt được nhiệt độ mới này, cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch phóng thích các chất làm co mạch máu ở tay và chân, dẫn đến hiện tượng lạnh ở những vùng này. Đây là lý do tại sao khi trẻ bị sốt cao, bố mẹ thường thấy tay chân trẻ lạnh.

Khi cơ thể đạt đến nhiệt độ "set point" mà vùng hạ đồi đã thiết lập, các mạch máu sẽ giãn ra, dẫn đến việc tay chân trẻ hồng lên, có thể xuất hiện các đốm đỏ lấm tấm, trẻ vã mồ hôi và không còn cảm thấy lạnh nữa.

Hiểu về hiện tượng trẻ sốt cao chân tay lạnh và thời điểm cần đưa bé đi khám bác sĩ 1
Sốt cao là phản ứng bình thường của hệ miễn dịch giúp chống lại mầm bệnh

Dù hầu hết các trường hợp sốt cao kèm theo chân tay lạnh ở trẻ là phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiễm trùng, có những tình trạng nghiêm trọng cần được chú ý. Trong một số trường hợp, trẻ sốt cao chân tay lạnh có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm siêu vi nguy hiểm. Các siêu vi này có thể tấn công vào não bộ, hệ thống mạch máu gây bệnh lý nghiêm trọng như viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết.

Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu sốt cao kèm theo chân tay lạnh, bố mẹ cần theo dõi kỹ lưỡng cũng như đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.

Hiểu về hiện tượng trẻ sốt cao chân tay lạnh và thời điểm cần đưa bé đi khám bác sĩ 2
Cha mẹ cần chú ý khi trẻ sốt cao chân tay lạnh

Dấu hiệu sức khỏe của trẻ vẫn ổn định

Sức khỏe của trẻ em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Việc nhận biết các dấu hiệu sức khỏe ổn định ở trẻ giúp cha mẹ yên tâm hơn trong quá trình chăm sóc con cái. Tuy dấu hiệu trẻ sốt cao chân tay lạnh thường gặp nhưng nếu cha mẹ nhận thấy một số biểu hiện dưới đây sẽ giúp đánh giá sức khỏe của trẻ hiện vẫn ổn định.

Màu da là một trong những chỉ số dễ nhận thấy nhất về tình trạng sức khỏe của trẻ. Da trẻ khỏe mạnh thường có màu hồng hào, đều màu và không có những vết bầm tím hay xanh xao. Sự thay đổi màu sắc da có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như thiếu máu, nhiễm trùng hoặc vấn đề về tuần hoàn máu. Khi da trẻ có màu bình thường, điều đó cho thấy hệ thống tuần hoàn của trẻ đang hoạt động tốt, đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các cơ quan trong cơ thể.

Mặt khác, khả năng giao tiếp và sinh hoạt của trẻ là dấu hiệu rõ ràng về sức khỏe tâm lý và thể chất. Trẻ khỏe mạnh sẽ tương tác bình thường với môi trường xung quanh, vẫn nói chuyện và tham gia các hoạt động hàng ngày một cách bình thường.

Khi trẻ vẫn sinh hoạt và giao tiếp bình thường, điều đó cho thấy não bộ cùng các cơ quan cảm giác của trẻ đang hoạt động tốt, không có dấu hiệu của bất kỳ bệnh lý nào ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp và vận động.

Một dấu hiệu khác là khả năng tỉnh dậy nhanh chóng khi được gọi. Trẻ khỏe mạnh thường tỉnh táo, có thể dậy dễ dàng khi được gọi tên hoặc khi có kích thích nhẹ. Điều này cho thấy hệ thần kinh của trẻ đang hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về thần kinh.

Một dấu hiệu khác là cha mẹ quan sát môi, lưỡi của trẻ còn ẩm ướt, không khô và không khát nước là dấu hiệu cho thấy bé đang được cung cấp đủ nước, không bị mất nước.

Hiểu về hiện tượng trẻ sốt cao chân tay lạnh và thời điểm cần đưa bé đi khám bác sĩ 3
Khi bé vẫn giao tiếp và tương tác với cha mẹ cho thấy sức khỏe ổn định

Khi nào cần đưa con đi gặp bác sĩ?

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với các bậc phụ huynh. Việc nhận biết khi nào cần đưa trẻ sốt cao chân tay lạnh đi gặp bác sĩ giúp đảm bảo trẻ được điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo mà phụ huynh nên lưu ý để đưa con đi khám bác sĩ ngay lập tức, bao gồm:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi, sốt trên 39 độ C: Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, hệ thống miễn dịch còn rất yếu, chưa hoàn thiện. Khi trẻ bị sốt cao trên 39 độ C có thể là dấu hiệu của một nhiễm trùng nghiêm trọng. Sốt cao kéo dài dễ gây ra co giật, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ. Do đó, nếu trẻ nhỏ bị sốt cao, phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Da nhợt nhạt: Màu da nhợt nhạt hoặc tím tái có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tuần hoàn hoặc hô hấp, từ đó cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra, xác định nguyên nhân cụ thể.
  • Trẻ giảm phản ứng: Nếu trẻ không phản ứng như bình thường, không cười hoặc khóc liên tục trong vài giờ, điều này có thể cho thấy trẻ đang gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đồng thời, nếu bé khó đánh thức hoặc không tỉnh táo là dấu hiệu nguy hiểm, phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra.
  • Môi và lưỡi khô, mắt hoặc thóp trũng: Những dấu hiệu này thường cho thấy trẻ đang bị mất nước nghiêm trọng. Mất nước có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ có biểu hiện môi và lưỡi khô, mắt hoặc thóp trũng, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được bù nước kịp thời.
  • Cổ cứng: Đây là dấu hiệu đặc trưng của viêm màng não hoặc các vấn đề thần kinh nghiêm trọng khác. Khi trẻ có biểu hiện này, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị.
  • Mụn nước trên da: Khi trẻ xuất hiện mụn nước trên da có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nhiễm trùng như thủy đậu, herpes hoặc các bệnh da liễu khác cần được điều trị đúng cách để hạn chế tối đa biến chứng toàn thân.

Việc nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của trẻ cần được cha mẹ đặc biệt lưu để đảm bảo trẻ được chăm sóc và điều trị kịp thời. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở con như sốt cao, da nhợt nhạt, khó đánh thức, dấu hiệu mất nước, khó thở, cổ cứng… phụ huynh cần ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, tiếp nhận điều trị.

Hiểu về hiện tượng trẻ sốt cao chân tay lạnh và thời điểm cần đưa bé đi khám bác sĩ 4
Đưa trẻ đi khám kịp thời giúp hạn chế tối đa biến chứng bệnh

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về hiện tượng trẻ sốt cao chân tay lạnh. Mong bạn đọc đã có được kiến thức hữu ích giúp nhận diện sức khỏe của trẻ có ổn định hay cần xử trí y tế chuyên nghiệp để hạn chế tối đa biến chứng bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin