Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Hỏi đáp: Uống nước vối hại thận không?

Ngày 25/08/2023
Kích thước chữ

Việc tìm hiểu về thức ăn, nước uống mà chúng ta nạp vào cơ thể hằng ngày sẽ giúp chúng ta có thể hiểu rõ về công dụng và tác hại của chúng. Từ đó nhận thức có cách sử dụng đúng cách để hạn chế những rủi ro ảnh hưởng tới sức khoẻ. Vậy uống nước vối hại thận có đúng hay không?

Cây vối là một loại cây quen thuộc thuộc với nhiều người dân, đặc biệt những người ở các tỉnh phía Bắc. Trong dân gian, nước sắc từ các bộ phận của cây vối còn sử dụng như để chữa bệnh một số bệnh về da, tiêu chảy, hay sát khuẩn các vết thương. Nhiều người còn sử dụng nước vối hằng ngày như một loại nước giải khát thay thế cho nước lọc. Bên cạnh những lợi ích từ việc sử dụng nước vối, cũng có những lo ngại về thông tin uống nước vối hại thận. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về tác dụng, tác hại của lá vối cũng như giải đáp thắc mắc nhé.

Tìm hiểu chung về cây vối

Cây vối tên khoa học của cây vối là Cleistocalyx operculatus, thuộc họ Sim (Myrtaceae). Cây vối thuộc loại cây thân gỗ, tốc độ phát triển khá nhanh, khi trưởng thành cây có thể cao 10-15m, vỏ thân cây có màu nâu xám, nứt dọc và phân cành. Có 2 loại phổ biến là vối nếp và vối tẻ. 

Lá vối mọc đối, phiến lá có hình bầu dục, đầu lá nhọn, gốc lá thuôn, mép lá không có răng cưa, không có lông, trên lá có đốm nâu, chiều dài 9-18cm, rộng 4-8cm, gân lá có khoảng 8-10 đôi. Lá vối nếp có màu xanh nhạt, hơi ngả vàng, kích thước nhỏ, còn lá vối tẻ to hơn, có màu xanh đậm. Nước lá vối nếp đậm vị và thơm hơn lá vối tẻ. Hoa vối có màu trắng, thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 7. Quả vối nhỏ, hình trứng hay hình bầu dục, nhăn nheo, có đường kính 7-12mm, khi chín có màu tím giống quả sim, có dịch bên trong.

Cây vối phân bố chủ yếu ở vùng có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc,… Ở Việt Nam, cây vối thường được trồng ở các tỉnh miền Bắc, một số tỉnh miền Trung như Thanh hoá, Nghệ An và ở các tỉnh Tây Nguyên. Hầu như các bộ phận cây vối đều có thể sử dụng được, nhưng phổ biến là sử dụng lá vối để uống.

Uống nước vối hại thận 1
Ở nước ta, cây vối thường được trồng ở các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung

Tác dụng của cây vối

Dưới đây là một số tác dụng mà cây vối mang lại cho sức khỏe:

  • Cây vối có tính mát, vị đắng chát, có tác dụng thanh nhiệt, từ lâu được nhiều người dùng để làm trà uống giải khát.
  • Lá vối, nụ vối chứa hàm lượng cao tanin có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm, se lành niêm mạc đại tràng nên có thể hỗ trợ cho việc điều trị viêm loét đại tràng, viêm ruột, tiêu chảy.
  • Trong nụ vối có các hoạt chất (chủ yếu là polyphenol và flavonoid) có khả năng ức chế hoạt tính của men alpha-glucosidase, làm chậm quá trình hấp thụ đường, do đó có khả năng kiểm soát đường huyết trong cơ thể.
  • Nụ vối chứa Beta-sitosterol có khả năng điều hòa chuyển hóa cholesterol, hỗ trợ điều trị giảm mỡ máu.
  • Lá vối khô hay tươi sắc đặc đều có khả năng sát trùng, có thể dùng để rửa những vết loét, mụn nhọt, ghẻ ngứa, hay hỗ trợ điều trị vết thương do bỏng.

Tác hại

Hầu như không có tác hại nào do sử dụng cây vối, các ảnh hưởng xấu đến người sử dụng thường do uống sai cách hoặc sai thời điểm. Uống nước vối khi đói sẽ gây kích thích hệ tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột, gây ra cảm giác cồn cào, khó chịu ở ruột. Uống nước vối quá đặc ngay sau khi ăn vì nó có thể cản trở quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng.

Uống nước vối hại thận không?

Một số người lo lắng rằng uống nước vối hại thận nhưng đây là lo lắng không có cơ sở và hiện nay chưa có một bằng chứng khoa học có giá trị nào chứng minh điều này.

Hơn nữa, trong đề tài nghiên cứu khoa học của PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện 103 - Học viện Quân Y) đã thực hiện nghiên cứu “Bước đầu nghiên cứu tác dụng điều trị sỏi đường tiết niệu bằng nước hãm nụ vối” nhằm chứng minh mối liên quan giữa việc uống nước vối có ảnh hưởng đến bệnh nhân sỏi thận.

Uống nước vối hại thận 2
"Uống nước vối hại thận không?" là câu hỏi được nhiều người quan tâm

Theo đó, nghiên cứu này được thực hiện trên 46 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện 103 - Học viện Quân Y đã được chẩn đoán sỏi thận và đạt các yêu cầu của nghiên cứu. Các bệnh nhân được hướng dẫn sử dụng nước vối hằng ngày liên tục trong trong 6 tháng với hàm lượng 15g nụ vối pha với 1,8 lít nước. Cuối cùng đưa ra kết luận rằng việc sử dụng nước vối còn có tác dụng làm mòn sỏi thận, làm giảm đáng kể kích thước các viên sỏi trong thận của bệnh nhân và đồng thời có khả năng tống sỏi thận ra bằng qua đường tiết niệu.

Ngoài tác dụng giải khát, nghiên cứu cũng đưa ra kiến nghị sử dụng nước vối với một số đối tượng là những người có sỏi đường tiết niệu có kích cỡ nhỏ không kèm biến chứng, hoặc những người có nguy cơ hình thành sỏi (cường calci niệu), hoặc nguy cơ tái phát sỏi (ở những người đã phẫu thuật lấy sỏi) nên uống nước vối với hàm lượng khuyến cáo thường xuyên để phòng tái phát sỏi.

Tóm lại, đến thời điểm hiện tại đã có lời giải đáp cho nỗi lo lắng uống nước vối hại thận.

Uống nước vối đúng cách

Theo Hội Đông y Việt Nam đã khẳng định dù sử dụng nước từ cây vối khá lành tính và đem nhiều lợi ích với sức khỏe cho người sử dụng nhưng không vì thế mà quá lạm dụng, uống quá nhiều có thể gây ảnh hưởng không mong muốn tới cơ thể.

Theo đó, chỉ nên sử dụng một nắm lá vối nhỏ pha loãng với 1,5 lít nước mỗi ngày. Không nên pha quá đặc, nếu dùng nhằm hỗ trợ điều trị thì một ngày cũng không nên uống quá 1 ly nước lá vối đặc, vì nếu uống quá nhiều có thể ảnh hưởng tới hoạt động của hệ bài tiết. Nên uống nhiều lần trong ngày. Cũng không nên uống nước vối khi đói sẽ gây kích thích tiêu hoá, làm tăng nhu động ruột sẽ gây cảm giác khó chịu, cồn cào. Cũng không nên sử dụng nước vối đặc ngay sau ăn có thể ảnh hưởng tới việc hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể.

Uống nước vối hại thận 3
Uống nước lá vối khi đói có thể gây kích thích tiêu hoá sẽ gây cảm giác khó chịu, cồn cào

Phụ nữ có thai cần cần thận trọng khi sử dụng và nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng. Không dùng cho trẻ em quá nhỏ. Nên sử dụng nước vối từ lá khô, để hạn chế các chất kháng khuẩn, kháng viêm chứa nhiều trong lá vối tươi có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh vật đường tiêu hoá.

Trên đây là một số chia sẻ mà Nhà thuốc Long Châu gửi đến người đọc thông tin về việc sử dụng nước từ cây vối, đồng thời đưa ra lời giải thích về nỗi lo uống nước vối hại thận. Cần sử dụng đúng cách, đúng thời điểm để đem lợi ích cho người sử dụng. Không nên quá lạm dụng cũng như cần thận trọng khi sử dụng với các đối tượng đặc biệt. Phụ nữ có thai và trẻ em cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm