Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Huyết thanh kháng nọc rắn là gì? Một số loại huyết thanh kháng nọc rắn hiện tại có ở Việt Nam

Ngày 20/04/2024
Kích thước chữ

Ở Việt Nam hiện có rất nhiều loại rắn độc nguy hiểm như rắn chàm, cạp nia, cạp nong, hổ mang,... vì vậy việc phát triển huyết thanh kháng nọc rắn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ tử vong và di chứng khi bị cắn bởi rắn độc

Quá trình nghiên cứu và phát triển huyết thanh kháng nọc rắn được bắt đầu từ cuối thế kỉ 19. Cho tới giai đoạn năm 1940-1950 những lọ huyết thanh kháng nọc rắn thương mại đầu tiên ra đời. Từ đó tới nay huyết thanh kháng nọc rắn luôn là loại thuốc quan trọng giúp cứu sống những bệnh nhân bị rắn độc tấn công. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn một số thông tin về chế phẩm y tế đặc biệt này

Huyết thanh kháng nọc rắn là gì?

Huyết thanh kháng nọc rắn là một loại huyết thanh chứa các globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu độc tố từ nọc rắn. Huyết thanh này được tạo ra thông qua quá trình miễn dịch, trong đó ngựa khỏe mạnh được tiêm phòng với một loại nọc rắn cụ thể để kích thích hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể phản ứng với chất độc tố đó.

Huyết thanh kháng nọc rắn 01
Ngựa khỏe mạnh được tiêm để tạo ra huyết thanh khánh nọc rắn

Huyết thanh kháng nọc rắn có thể được phân loại thành hai loại chính:

Huyết thanh kháng nọc rắn đơn giá

Đây là loại huyết thanh chứa globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu chất độc tố từ một loại nọc rắn cụ thể. Nó được sản xuất bằng cách tiêm phòng ngựa với một loại nọc rắn đặc biệt và sau đó thu gom huyết thanh từ ngựa đã được miễn dịch.

Huyết thanh kháng nọc rắn đa giá

Đây là loại huyết thanh chứa globulin có khả năng trung hòa đặc hiệu chất độc tố từ nhiều loại nọc rắn khác nhau. Điều này thường đạt được bằng cách tiêm phòng ngựa với một số loại nọc rắn khác nhau, từ đó kích thích sự hình thành của một loạt các kháng thể phản ứng với nhiều chất độc tố khác nhau.

Sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn như thế nào?

Huyết thanh kháng nọc rắn là chế phẩm y tế không quá phổ biến nên cách sử dụng nó chắc chắn là câu hỏi mà nhiều người sẽ thắc mắc. 

Quy trình để điều trị với huyết thanh kháng nọc rắn

Quy trình đều trị cơ bản gồm 05 bước như sau:

  • Lựa chọn loại huyết thanh phù hợp: Loại huyết thanh cần được lựa chọn dựa trên loại rắn gây cắn và khu vực địa lý. Mỗi loại rắn độc sẽ sản xuất các loại độc tố riêng, và huyết thanh sẽ được sản xuất để chứa kháng thể chống lại các độc tố đó. Do đó, việc xác định chính xác loại rắn cắn là rất quan trọng.
  • Xác định liều lượng phù hợp: Liều lượng huyết thanh cần được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng, cân nặng của nạn nhân, và mức độ độc tính của loại rắn cắn. Điều này thường được tính dựa trên các hướng dẫn y tế cụ thể từ các tổ chức y tế có uy tín.
  • Chuẩn bị huyết thanh và tiêm: Huyết thanh thường được cung cấp dưới dạng bột khô hoặc dung dịch lỏng và phải được pha loãng hoặc kích hoạt trước khi sử dụng. Sau đó, nó được tiêm vào cơ bắp của nạn nhân, thường ở đùi hoặc cánh tay. Quá trình này phải được thực hiện bởi người có kỹ năng và kinh nghiệm để đảm bảo tiêm đúng cách và an toàn.
  • Theo dõi và quản lý phản ứng phụ: Sau khi tiêm huyết thanh, nạn nhân cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian dài để theo dõi các triệu chứng phản ứng phụ như phát ban, khó thở, hoặc sốt. Trong trường hợp xuất hiện phản ứng phụ nghiêm trọng, cần phải có các biện pháp xử lý ngay lập tức, và nếu cần, tiến hành điều trị cứu chữa thêm.
  • Theo dõi và điều trị hỗ trợ tiếp theo: Sau khi tiêm huyết thanh, nạn nhân cần tiếp tục được theo dõi và cung cấp điều trị tiếp theo theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm cung cấp thuốc giảm đau, theo dõi chức năng thận và gan, và giữ cho vết cắn sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
Huyết thanh kháng nọc rắn 02
Liều lượng huyết thanh kháng nọc rắn cần được xác định dựa trên mức độ nghiêm trọng

Một số lưu ý và thận trọng khi sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn

Sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn cần được thực hiện và theo dõi bởi chuyên gia y tế có kinh nghiệm để đảm được sự an toàn cũng như có biện pháp xử lý ngay khi có vấn đề phát sinh. Dưới đây là một số lưu ý thận trọng khi sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn:

  • Đánh giá bệnh sử bệnh nhân: Cần xem xét và đánh giá chi tiết tình hình sức khỏe người bệnh. Hỏi rõ về tiền sử mắc các bệnh lý như mề đay, hen, dị ứng, sốc,...
  • Test da: Cần thực hiện test da với tất cả các đối tượng bệnh nhân trước khi thực hiện tiêm huyết thanh kháng nọc rắn nhằm đánh giá mức độ mẫn cảm của cơ thể
  • Xem xét thuốc các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng: Thận trọng theo dõi kĩ và đánh giá tình trạng bệnh nhân tiêm huyết thanh kháng nọc rắn một cách thường xuyên nếu bệnh nhân đó đang sử dụng các thuốc chẹn Beta (kể cả nhóm chẹn Beta chọn lọc với tim)

Một số loại huyết thanh kháng nọc rắn hiện tại có ở Việt Nam

Ở Việt Nam, huyết thanh kháng nọc rắn được sản xuất chủ yếu từ hai loài rắn độc là rắn lục xanh (Trimeresurus albolabris) và rắn hổ đất (Deinagkistrodon acutus). Hai loại huyết thanh này đều có thể sản xuất được dưới cả dạng đơn giá và đa giá

Huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh

Rắn lục xanh là một loài rắn độc phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.

  • Huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh được sản xuất từ việc thu thập và xử lý nọc độc của loài rắn này.
  • Nọc rắn lục xanh chứa các thành phần độc hại như enzyme protease và phospholipase A2, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như làm tổn thương cơ, thần kinh, và gây ra tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
  • Huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh được sử dụng để điều trị người bị cắn của loài rắn này bằng cách cung cấp các kháng thể chống lại nọc độc, giúp làm giảm nguy cơ tử vong và các biến chứng khác.

Huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất

Rắn hổ đất là một loài rắn độc thuộc họ Viperidae, phân bố ở các khu vực núi và rừng ẩm ở Việt Nam và khu vực Đông Á khác.

  • Nọc của rắn hổ đất chứa các độc tố mạnh mẽ như protease, phospholipase A2, và metalloproteinase, có thể gây ra các triệu chứng đau đớn, sưng tấy, và thậm chí là tử vong.
  • Huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất được sản xuất từ việc thu thập và xử lý nọc của loài rắn này, sau đó được sử dụng để điều trị nạn nhân bị cắn.
Huyết thanh kháng nọc rắn 03
Rắn hổ đất là một trong hai loại rắn phổ biến được dùng để tạo ra huyết thanh kháng nọc ở Việt Nam

Qua bài viết chắc hẳn các bạn đã hiểu thêm về huyết thanh kháng nọc rắn là gì? Những lưu ý khi sử dụng nó và một số loại huyết thanh kháng nọc rắn có ở Việt Nam hiện nay. Ngoài hiểu biết về thuốc, quan trọng nhất chúng ta nên thực hiện nhiều biện pháp tự bảo vệ mình để phòng tránh bị rắn cắn

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin