Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Khám Nội thần kinh là khám những gì? Các phương pháp khám Nội thần kinh

Ngày 08/04/2024
Kích thước chữ

Khám Nội thần kinh là gì? Khám Nội thần kinh là quá trình đánh giá để phát hiện các vấn đề trong hệ thần kinh. Nội thần kinh là một chuyên ngành trong lĩnh vực nội khoa chịu trách nhiệm về việc khám và chẩn đoán về thần kinh, cũng như cung cấp tư vấn và điều trị chuyên sâu cho các bệnh lý liên quan đến hệ thống thần kinh.

Để hiểu rõ về vai trò của khám Nội thần kinh là gì cũng như một số phương pháp để khám thần kinh, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khoa Nội thần kinh là gì?

Chuyên khoa Nội thần kinh là một phần của lĩnh vực y học thuộc khoa thần kinh, và phân nhánh chuyên môn còn lại của lĩnh vực này là khoa Ngoại thần kinh. Cụ thể, Nội thần kinh là chuyên khoa tập trung vào việc chẩn đoán, theo dõi, tư vấn và điều trị các bệnh lý thần kinh mà có thể được điều trị bằng thuốc. Điều này phân biệt Nội thần kinh hoàn toàn khác biệt so với chuyên khoa ngoại thần kinh, nơi chuyên môn được tập trung vào điều trị các bệnh lý thần kinh thông qua các phương pháp can thiệp ngoại khoa.

Nội thần kinh là chuyên khoa tập trung vào việc điều trị các bệnh lý thần kinh mà có thể được điều trị bằng thuốc
Nội thần kinh là chuyên khoa tập trung vào việc điều trị các bệnh lý thần kinh mà có thể được điều trị bằng thuốc

Khám Nội thần kinh là khám những gì?

Khám Nội thần kinh có mục tiêu chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên sâu trong lĩnh vực thần kinh, bao gồm:

  • Các bệnh đau đầu như đau nửa đầu, đau đầu căn nguyên mạch máu, đau đầu mạn tính hàng ngày,...
  • Điều trị đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ,...
  • Đau thắt lưng hông do thoái hóa cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, viêm khớp cùng chậu,...
  • Rối loạn tiền đình;
  • Điều trị chóng mặt do thiếu máu não;
  • Tư vấn và điều trị các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ cấp tính hoặc mãn tính;
  • Khám và điều trị liệt dây 7 ngoại vi, viêm dây thần kinh sọ não, hội chứng ống cổ tay, đau vai khuỷu tay do chơi thể thao,...
  • Chẩn đoán và điều trị liệt nửa người do đột quỵ não;
  • Các bệnh lý về sa sút trí tuệ như suy giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ, Alzheimer;
  • Bệnh Parkinson;
  • Điều trị động kinh ở người lớn và trẻ em;
  • Viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, thoái hoá hệ thần kinh, xơ cột bên teo cơ, nhược cơ, xơ não tuỷ rải rác;
  • Bệnh lý nhiễm trùng thần kinh như viêm não màng não, viêm tủy;
  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên như viêm đa dây thần kinh, Hội chứng Guillain-Barre, các bệnh rễ và đám rối dây thần kinh, thần kinh liên sườn, liệt các dây thần kinh sọ,...
  • Bệnh lý thần kinh do rối loạn chuyển hóa;
  • Nhiễm độc như bệnh Wilson, nghiện rượu, thiếu hụt vitamin B1, B12,...

Đội ngũ y, bác sĩ trong chuyên khoa này sử dụng các phương tiện cận lâm sàng như điện não, điện cơ, CT Scan, MRI, cùng các phương pháp chẩn đoán huyết học, miễn dịch học để hỗ trợ trong quá trình khám và điều trị bệnh lý thần kinh.

Khám nội thần kinh có mục tiêu chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên sâu trong lĩnh vực thần kinh
Khám Nội thần kinh có mục tiêu chẩn đoán và điều trị các bệnh lý chuyên sâu trong lĩnh vực thần kinh

Các phương pháp khám Nội thần kinh

Theo quy ước, khám thần kinh bắt đầu bằng việc hỏi về triệu chứng bệnh và tiến hành lượng giá thần kinh dựa trên việc thăm khám và kiểm tra mọi chức năng từ cảm giác, vận động, cơ lực, trương lực cơ, phản xạ, các dây thần kinh sọ đến các hoạt động của hệ tự trị và chức năng tâm trí.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán chính xác trong khám Nội thần kinh bao gồm:

  • Xét nghiệm sàng lọc máu, nước tiểu hoặc các chất dịch cơ thể khác để hỗ trợ trong việc chẩn đoán bệnh, đánh giá mức độ nghiêm trọng và theo dõi hiệu quả của các loại thuốc điều trị.
  • Xét nghiệm di truyền để xác định liệu có tồn tại gen gây ra các rối loạn thần kinh trong trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh.
  • Điện não đồ dùng để theo dõi hoạt động điện của não thông qua hộp sọ, hỗ trợ trong việc chẩn đoán các rối loạn co giật và chuyển hóa, nhiễm trùng hoặc viêm ảnh hưởng đến hoạt động của não.
  • Điện cơ hoặc EMG ghi lại hoạt động điện của cơ bắp để chẩn đoán các rối loạn thần kinh và cơ, chèn ép rễ thần kinh cột sống và các rối loạn tế bào thần kinh vận động như xơ cứng teo cơ bên.

Các phương pháp hình ảnh trong khám Nội thần kinh bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) tạo ra hình ảnh hai chiều của các cơ quan, xương và mô sử dụng tia X, hỗ trợ trong chẩn đoán thích hợp bằng cách hiển thị vùng não bị ảnh hưởng.
  • Hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô cơ thể sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) quét cung cấp hình ảnh về hoạt động của não bằng cách đo các đồng vị phóng xạ được tiêm vào máu.

Chụp cắt lớp phát xạ đơn photon (SPECT) được sử dụng để đánh giá chức năng não nhất định bằng cách sử dụng một đồng vị phóng xạ được tiêm tĩnh mạch vào cơ thể, tương tự như chụp PET.

MRI là một trong những phương pháp hình ảnh trong khám thần kinh
MRI là một trong những phương pháp hình ảnh trong khám thần kinh

Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau khi khám thần kinh

Các bệnh lý thần kinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể mà còn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Khả năng làm việc, tương tác xã hội và thậm chí cả khả năng tự chăm sóc bản thân đều có thể bị ảnh hưởng. Do đó, việc đề cao chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thần kinh đúng cách là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa sự phát triển của các bệnh lý từ khi chưa có dấu hiệu nào.

Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để phòng tránh và hạn chế các bệnh lý Nội thần kinh:

  • Khám sức khỏe định kỳ: Định kỳ kiểm tra sức khỏe từ 6 tháng đến 1 năm giúp bạn theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và phát hiện kịp thời bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
  • Giảm áp lực và căng thẳng: Áp lực và căng thẳng là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh lý thần kinh. Bằng cách phân bổ thời gian hợp lý và thực hiện các biện pháp thư giãn thường xuyên như ngồi thiền, tập yoga, hoặc tập thể dục, bạn có thể giảm thiểu rủi ro của các vấn đề thần kinh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Duy trì một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, hạn chế đường và các thực phẩm không tốt cho sức khỏe giúp cơ thể hoạt động bình thường và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh lý thần kinh khác.
  • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm không chỉ giúp hệ thần kinh phục hồi mà còn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và cải thiện tâm trạng. Chất lượng giấc ngủ cũng cần được quan tâm, vì vậy hãy tạo điều kiện để có một giấc ngủ sâu và thoải mái.
  • Vận động thường xuyên: Thực hiện các hoạt động vận động như tập thể dục, đi bộ, hoặc yoga hàng ngày giúp cải thiện sự lưu thông máu, giảm nguy cơ tắc nghẽn và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý thần kinh.
Khám sức khỏe định kỳ giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và phát hiện kịp thời bất kỳ dấu hiệu bất thường nào
Khám sức khỏe định kỳ giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của mình và phát hiện kịp thời bất kỳ dấu hiệu bất thường nào

Trên đây chúng tôi đã cung cấp chi tiết thông tin về khám Nội thần kinh là gì và các phương pháp khám Nội thần kinh thường được sử dụng. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ mắc các bệnh về thần kinh, bệnh nhân cần đến các bệnh viện uy tín để thăm khám và bác sĩ sẽ đưa cho bạn lời khuyên tốt nhất về phương pháp điều trị.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin