Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khi nào cần tầm soát ung thư đầu cổ? Quy trình tầm soát ung thư vùng đầu cổ

Ngày 27/08/2024
Kích thước chữ

Ung thư đầu cổ là một nhóm bệnh phức tạp với nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu quy trình tầm soát ung thư đầu cổ cho đối tượng có yếu tố nguy cơ cao nhé!

Khi nào cần tầm soát ung thư đầu cổ? Việc tầm soát nên được thực hiện ngay khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như đau họng dai dẳng, khó nuốt hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Đối với những người có nguy cơ cao, việc kiểm tra định kỳ là một cách hiệu quả để phát hiện bệnh sớm, từ đó điều trị kịp thời.

Thông tin về ung thư đầu cổ

Ung thư đầu cổ là một nhóm các bệnh ác tính xảy ra ở khu vực đầu và cổ, bao gồm thanh quản, hầu họng, tuyến nước bọt và các xoang. Đây là một nhóm bệnh lý phức tạp, bao gồm nhiều loại ung thư khác nhau nhưng phần lớn các khối u ở vùng này đều là ung thư biểu mô tế bào vảy nằm trên bề mặt niêm mạc của vùng đầu và cổ.

Khi chẩn đoán ung thư đầu cổ, bác sĩ thường phân loại ung thư dựa trên mức độ xâm lấn của khối u. Điều này rất quan trọng trong việc xác định giai đoạn để đưa ra phương pháp điều trị.

Ung thư đầu cổ thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, đặc biệt là ở những người trên 50 tuổi. Điều này có thể giải thích bởi thói quen tiêu thụ rượu và thuốc lá nhiều hơn ở nam giới, những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự xuất hiện của ung thư.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm nhiễm virus HPV, tiếp xúc nhiều với tia cực tím, suy giảm hệ miễn dịch và yếu tố di truyền. Virus HPV, đặc biệt là các chủng nguy cơ cao, đã được chứng minh là có liên quan mật thiết đến ung thư ở hầu họng.

Bên cạnh đó, thực phẩm chứa chất bảo quản, đặc biệt là những chất có khả năng gây ung thư, nếu được tiêu thụ liên tục trong thời gian dài, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Khi nào cần tầm soát ung thư đầu cổ? Quy trình tầm soát ung thư cho người có nguy cơ 1
Ung thư vùng đầu cổ bao gồm nhiều bệnh lý khác nhau

Khi nào cần tầm soát ung thư đầu cổ?

Tầm soát ung thư đầu cổ là một quy trình giúp phát hiện sớm bệnh lý trong khu vực đầu và cổ, nơi có nhiều khối u có thể phát sinh. Mặc dù các triệu chứng ung thư đầu cổ thường không rõ ràng, việc nhận diện các dấu hiệu cảnh báo sớm để thực hiện tầm soát sẽ giúp ngăn chặn bệnh tiến triển, đồng thời tăng khả năng điều trị hiệu quả.

Triệu chứng cảnh báo ung thư đầu cổ rất đa dạng, thường ít ảnh hưởng rõ rệt đến cơ thể ở giai đoạn đầu. Điều này khiến nhiều người bỏ qua hoặc không để ý đến chúng, dẫn đến việc bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn khi được phát hiện.

Những dấu hiệu như đau họng dai dẳng, khó nuốt, khàn tiếng kéo dài hoặc lở miệng không lành là những triệu chứng phổ biến mà bệnh nhân nên lưu ý. Khi gặp phải những triệu chứng này, cần đến bệnh viện để thực hiện khám, thực hiện tầm soát ung thư đầu cổ. Các dấu hiệu khác cũng cần được chú ý, bao gồm

  • Đau khi nuốt;
  • Đau tai, ù tai;
  • Đau đầu thường xuyên;
  • Nhiễm trùng xoang mạn tính;
  • Tình trạng chảy máu miệng không rõ nguyên nhân;
  • Xuất hiện các đốm đỏ hoặc trắng ở trong khoang miệng;
  • Nổi hạch bất thường ở vùng đầu, mặt, cổ.

Quy trình tầm soát bao gồm các xét nghiệm, chụp chiếu như nội soi, chụp X-quang, siêu âm kết hợp các xét nghiệm mô học để xác định chính xác tình trạng bệnh. Phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị hiệu quả hơn, cải thiện tiên lượng của bệnh nhân.

Khi nào cần tầm soát ung thư đầu cổ? Quy trình tầm soát ung thư cho người có nguy cơ 2
Người bệnh có triệu chứng nghi ngờ cần tầm soát ung thư đầu cổ

Quá trình tầm soát ung thư đầu cổ

Tầm soát ung thư đầu cổ là một quy trình đa giai đoạn, bao gồm nhiều phương pháp chẩn đoán để phát hiện, đánh giá tình trạng của bệnh. Quy trình này thường được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo phát hiện sớm, chính xác ung thư ở vùng đầu và cổ.

Khám lâm sàng bởi chuyên gia

Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong quy trình tầm soát ung thư đầu cổ. Bác sĩ sẽ thu thập thông tin từ bệnh nhân về tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ và triệu chứng hiện tại. Đây là cơ sở để bác sĩ xác định khả năng mắc ung thư, giúp quyết định các phương pháp chẩn đoán tiếp theo. Bác sĩ sẽ kiểm tra các khu vực như họng, miệng, cổ và các hạch bạch huyết để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường.

Thăm dò hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh cung cấp kết quả nhiều giá trinh trong quá trình tầm soát ung thư đầu cổ, giúp xác định vị trí, kích thước và đặc điểm của khối u nếu có. Các phương pháp hình ảnh thường được sử dụng bao gồm:

  • Nội soi là phương pháp sử dụng ống nội soi với camera nhỏ để quan sát trực tiếp các khu vực như mũi, họng và thanh quản. Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện những bất thường trong cấu trúc niêm mạc cùng các tổn thương có thể là dấu hiệu của ung thư.
  • Siêu âm sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh các cơ quan nội tạng và cấu trúc xung quanh. Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá kích thước, tính chất của khối u, cũng như xác định liệu khối u có xâm lấn đến các mô xung quanh không.
  • Chụp X-quang giúp kiểm tra các cấu trúc xương cùng mô mềm trong vùng đầu cổ. Phương pháp này có thể cung cấp cái nhìn tổng quan về các khu vực như hàm mặt, khoang miệng và các mô xung quanh, hỗ trợ chẩn đoán.
  • Chụp CT sử dụng tia X để tạo ra các hình ảnh chi tiết của bên trong cơ thể từ nhiều góc khác nhau. Phương pháp này có thể phát hiện các khối u nhỏ, giúp đánh giá kích thước cũng như sự lan rộng của khối u.
  • Chụp MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của mô mềm, bao gồm amidan và đáy lưỡi. MRI có độ phân giải cao, thường được sử dụng để đánh giá tình trạng của khối u một cách chính xác hơn.
Khi nào cần tầm soát ung thư đầu cổ? Quy trình tầm soát ung thư cho người có nguy cơ 3
Thăm dò hình ảnh là bước quan trọng khi tầm soát ung thư đầu cổ

Xét nghiệm cận lâm sàng

Xét nghiệm là một phần không thể thiếu trong quá trình tầm soát ung thư đầu cổ với những chỉ định cơ bản như sau:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe tổng quát, giúp phát hiện các dấu hiệu sức khỏe bất thường. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm này để hỗ trợ chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh.
  • Sinh thiết là phương pháp lấy mẫu mô từ khối u hoặc hạch bạch huyết để kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp xác định cấu trúc và tính chất của tế bào, từ đó chẩn đoán chính xác sự hiện diện của ung thư.
  • Xét nghiệm Biomarker (dấu ấn sinh học) của khối u giúp xác định các yếu tố phân tử của khối u, cung cấp thông tin về nguy cơ ung thư. Phương pháp này hỗ trợ trong việc định hướng các phương pháp điều trị và theo dõi tình trạng bệnh.
Khi nào cần tầm soát ung thư đầu cổ? Quy trình tầm soát ung thư cho người có nguy cơ 4
Xét nghiệm dấu ấn sinh học cung cấp thông tin giá trị về bệnh ác tinh

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về quy trình tầm soát ung thư đầu cổ. Đây là một quy trình phức tạp với nhiều bước thực hiện bao gồm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh kết hợp xét nghiệm. Việc phát hiện sớm ung thư, đánh giá chính xác tình trạng bệnh sẽ giúp chuyên gia đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng của bệnh nhân.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin