Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Khi nào trẻ có thể tự ngủ​? Làm thế nào để cho trẻ tự ngủ?

Ngày 21/12/2024
Kích thước chữ

Hiểu về giấc ngủ của con đối với nhiều cha mẹ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi nào trẻ có thể tự ngủ? Vấn đề này sẽ được chúng tôi giải đáp giúp bạn ngay sau đây. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé.

Trẻ nhỏ, nhất là trong những năm đầu đời, là giai đoạn phát triển nhanh chóng về cả thể chất lẫn nhận thức. Giấc ngủ trong giai đoạn này không chỉ giúp trẻ hồi phục sức lực mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các kết nối thần kinh. Vì vậy, cha mẹ cần hiểu và tạo giấc ngủ ngon cho trẻ.

Giấc ngủ của trẻ diễn ra như thế nào?

Giấc ngủ của trẻ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Khi trẻ ngủ, cơ thể không chỉ được nghỉ ngơi mà còn tham gia vào quá trình phát triển thể chất, cải thiện chức năng não bộ và củng cố trí nhớ.

Mỗi độ tuổi của trẻ đều có đặc điểm giấc ngủ khác nhau và việc hiểu rõ nhu cầu giấc ngủ của trẻ sẽ giúp cha mẹ nắm bắt được khi nào trẻ có thể tự ngủ, đảm bảo trẻ luôn nhận được đủ thời gian ngủ cần thiết và cũng giúp bản thân giảm đi một phần lo âu.

Các giai đoạn ngủ chủ yếu ở trẻ sơ sinh bao gồm giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement), thường được gọi là giấc ngủ chuyển động mắt nhanh và giấc ngủ NREM (Non Rapid Eye Movement), được gọi là giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh.

  • Giai đoạn REM: Mắt của em bé chuyển động xung quanh (khi nhắm), chân tay và ngón tay của bé có thể giật nhẹ, hơi thở của bé có thể nhanh hơn và bé có thể cử động miệng.
  • Giai đoạn NREM, em bé nằm yên và không thực hiện những chuyển động này. Thời gian của hai giai đoạn ngủ này của trẻ gần như là bằng nhau.

Khi bước sang giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu hình thành một số thói quen ngủ ổn định hơn. Ở giai đoạn này, giấc ngủ ban đêm kéo dài hơn và trẻ có thể giảm dần số lần thức dậy để bú đêm. Chu kỳ ngủ cũng bắt đầu chuyển sang gần giống người lớn hơn, bao gồm ba giai đoạn ngủ NREM và một giai đoạn ngủ REM. Chúng được phân biệt bằng các sóng não sau :

  • Giai đoạn 1 (NREM 1): sóng alpha và hoạt động tần số hỗn hợp biên độ thấp;
  • Giai đoạn 2 (NREM 2): trục chính giấc ngủ và phức hợp K;
  • Giai đoạn 3 (NREM 3): sóng delta;
  • Giai đoạn 4 (REM): sóng alpha và sóng beta (tương tự như trạng thái thức).
Hiểu rõ về giấc ngủ của trẻ, khi nào trẻ có thể tự ngủ​? 1
Giấc ngủ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần

Điểm khác biệt so với người lớn là khi còn là trẻ sơ sinh, chúng trải qua giai đoạn REM ngắn ngay sau khi ngủ thay vì trải qua giai đoạn REM ở cuối chu kỳ. Ngược lại, người lớn không trải qua REM cho đến khi họ ngủ được khoảng 90 phút.

Khi nào trẻ có thể tự ngủ?

Thời điểm trẻ bắt đầu có khả năng tự ngủ phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển và cách cha mẹ xây dựng thói quen ngủ cho trẻ. Dựa theo lý thuyết về giấc ngủ của trẻ đã đề cập ở trên, trung bình trẻ có thể tự ngủ bắt đầu từ khoảng 4-6 tháng tuổi.

Trong giai đoạn này, nhịp sinh học của trẻ bắt đầu dần hoàn thiện, cho phép trẻ ngủ trong thời gian dài hơn và tự đi vào giấc ngủ mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu hình thành chu kỳ giấc ngủ tương tự người lớn, bao gồm các giai đoạn ngủ sâu, ngủ nhẹ và ngủ REM (chuyển động mắt nhanh).

Một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng tự ngủ là khả năng tự xoa dịu bản thân, tức trẻ có thể làm bản thân cảm thấy thoải mái và quay trở lại giấc ngủ mà không cần bế hoặc ru. Ví dụ, trẻ có thể ngậm núm vú giả, ôm một món đồ chơi an toàn hoặc tự thay đổi tư thế ngủ.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng không phải trẻ nào cũng sẵn sàng tự ngủ từ 4 tháng tuổi. Một số trẻ có thể cần thêm thời gian, đặc biệt nếu trẻ đang mọc răng, trải qua giai đoạn phát triển vượt bậc hoặc đối mặt với các thay đổi xung quanh chẳng hạn như thay đổi nơi ngủ.

Trẻ sơ sinh có thể sẵn sàng để rèn luyện giấc ngủ từ sớm nhất là 5 tháng tuổi. Mặc dù vậy, thời điểm để luyện cho trẻ tự ngủ tốt nhất là khi bạn quyết định rằng thời điểm đó phù hợp với tình huống của gia đình mình.

Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, nhiều bé có thể ngủ qua đêm mà không cần thức dậy để ăn, vì nhu cầu dinh dưỡng vào ban đêm của bé đã giảm dần. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 25–50% trẻ sơ sinh tiếp tục thức giấc vào ban đêm ở giai đoạn này.

Dù vậy, với sự hỗ trợ đúng cách, phần lớn trẻ sẽ có thể tự ngủ từ 6-12 tháng tuổi. Giai đoạn này cũng là thời điểm lý tưởng để trẻ ngủ riêng, nhưng vẫn cần đảm bảo yếu tố an toàn cần thiết khác cho trẻ.

Hiểu rõ về giấc ngủ của trẻ, khi nào trẻ có thể tự ngủ​? 2
Những cột mốc quan trọng cho thấy khi nào trẻ có thể tự ngủ

Làm thế nào để cho trẻ tự ngủ?

Khi nào trẻ có thể tự ngủ? ​Khi trẻ đã có đủ dấu hiệu sẵn sàng để tự ngủ, việc áp dụng các phương pháp luyện ngủ phù hợp sẽ giúp trẻ học cách tự làm dịu và ngủ một cách dễ dàng hơn. Dưới đây là một số cách hiệu quả để giúp trẻ tự ngủ một cách hiệu quả:

Xây dựng thói quen đi ngủ cho trẻ

Một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ học cách tự ngủ chính là tạo ra một thói quen đi ngủ đều đặn. Trẻ em thường cảm thấy an tâm hơn khi biết rõ rằng sau các hoạt động trước khi ngủ, chúng sẽ được đi vào giấc ngủ. Các hoạt động này có thể bao gồm tắm, đọc sách hoặc nghe hát ru. Ngoài ra, hãy cho trẻ đi ngủ vào thời gian cố định, điều này giúp trẻ có thể dự đoán khi nào đến giờ ngủ và làm quen với nó.

Tạo ra môi trường ngủ an toàn và thoải mái

Môi trường ngủ rất quan trọng trong việc giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ dàng vào giấc ngủ. Phòng ngủ của trẻ cần được giữ yên tĩnh, tối và mát mẻ, đồng thời loại bỏ tất cả các yếu tố có thể gây mất tập trung như ánh sáng chói hoặc âm thanh ồn ào. Cũi hoặc giường của trẻ nên được trang bị các vật dụng an toàn, giảm nguy cơ tai nạn trong khi ngủ.

Hiểu rõ về giấc ngủ của trẻ, khi nào trẻ có thể tự ngủ​? 3
Môi trường yên tĩnh, an toàn và thói quen đều đặn giúp trẻ dễ dàng chìm vào giấc ngủ

Tập cho trẻ ngủ trong cũi hoặc phòng riêng

Đối với nhiều cha mẹ, việc cho trẻ ngủ riêng phòng hoặc ngủ riêng từ khi còn nhỏ là một quyết định khó khăn, nhưng điều này có thể giúp trẻ học cách tự ngủ. Các chuyên gia khuyến khích trẻ sơ sinh ngủ chung phòng với cha mẹ trong 6 tháng đầu để giảm nguy cơ đột tử sơ sinh (SIDS). Tuy nhiên, sau 6 tháng, việc cho trẻ ngủ trong cũi riêng có thể giúp trẻ hình thành sự độc lập khi đi vào giấc ngủ, miễn là môi trường ngủ là an toàn và thoải mái.

Áp dụng phương pháp luyện ngủ phù hợp

Một trong những cách hiệu quả giúp trẻ học cách tự ngủ là phương pháp luyện ngủ “Fading”, hay được hiểu là "làm quen dần". Hoặc có thể lựa chọn phương pháp khác nếu phù hợp với tính chất của gia đình bạn. 

Với phương pháp luyện ngủ Fading, cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách giảm dần sự hiện diện của mình trong quá trình trẻ đi ngủ. Ví dụ, nếu cha mẹ thường xuyên bế hoặc ru ngủ, có thể thử giảm bớt sự can thiệp một chút mỗi đêm, chỉ đơn giản là ngồi gần trẻ và không bế khi trẻ khóc. Điều này giúp trẻ cảm nhận sự an tâm nhưng đồng thời học được cách tự làm dịu mình.

Kiên nhẫn và duy trì thực hiện một cách nhất quán

Quá trình học tự ngủ có thể mất thời gian và sẽ có những đêm trẻ vẫn khóc hoặc thức dậy giữa đêm. Kiên nhẫn là yếu tố quan trọng trong việc giúp trẻ quen với việc tự ngủ. Cha mẹ cần giữ bình tĩnh và nhất quán trong phương pháp áp dụng, tránh thay đổi quá nhiều phương pháp ngủ hoặc can thiệp quá sâu trong suốt quá trình luyện ngủ. Một khi trẻ cảm nhận được sự ổn định và an toàn từ cha mẹ, việc tự ngủ sẽ trở thành thói quen tự nhiên.

Hiểu rõ về giấc ngủ của trẻ, khi nào trẻ có thể tự ngủ​? 4
Sự kiên nhẫn và duy trì của cha mẹ là yếu tố không thể thiếu giúp trẻ rèn cách tự ngủ thành công

Việc hiểu rõ về giấc ngủ của trẻ không phải là một điều dễ dàng, hy vọng với bài viết này mỗi cha mẹ sẽ có thêm kinh nghiệm giúp chăm sóc trẻ một cách tốt hơn. Bằng cách nắm rõ thời gian khi nào trẻ có thể tự ngủ đồng thời chú ý lắng nghe trẻ và điều chỉnh phương pháp phù hợp, những kết quả tích cực sẽ sớm đến với bạn. Chúc mỗi cha mẹ đều chăm con thành công.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin