Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khó thở ở người đái tháo đường có nguyên nhân do đâu?

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Đái tháo đường là bệnh lý rất phổ biến, xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Người bệnh cần nắm rõ được các biến chứng nguy hiểm của bệnh, thông qua các triệu chứng của cơ thể. Tìm hiểu về tình trạng khó thở ở người đái tháo đường qua bài viết dưới đây.

Khó thở ở người đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng oxy đến nuôi dưỡng các cơ quan, do đó ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn và hô hấp của cơ thể.

Khó thở ở người đái tháo đường là gì?

Khi lượng đường huyết tăng cao hoặc giảm xuống quá thấp, người bệnh đái tháo đường có thể cảm thấy khó thở. Triệu chứng này có thể là hồi chuông cảnh báo cho biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, cụ thể hơn là cơ thể bị nhiễm toan ceton. 

Bên cạnh đó, khó thở ở người đái tháo đường có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm như bệnh tim mạch, viêm phổi, suy thận, nhiễm trùng huyết, nhiễm toan lactic hay đơn giản là bệnh nhân đang căng thẳng quá mức.

Khó thở ở người đái tháo đường 01
Tìm hiểu về triệu chứng khó thở ở người đái tháo đường

Nguyên nhân xuất hiện triệu chứng khó thở ở người đái tháo đường

Như đã đề cập phía trên về nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở ở người đái tháo đường, tiếp theo mời bạn đọc cùng tìm hiểu sâu hơn về một số nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm toan Ceton do đái tháo đường

Nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường xảy ra khi cơ thể thiếu insulin trầm trọng, nhưng không được điều trị bằng thuốc. Biến chứng này sẽ càng nặng hơn khi cơ thể trải qua các đợt stress sinh lý như chấn thương, tình trạng nhiễm trùng hay phẫu thuật. Không có insulin đồng nghĩa với việc cơ thể không sử dụng được đường để tạo ra năng lượng, thay vào đó phải thủy phân chất béo. Quá trình ly giải mô mỡ tạo ra năng lượng và các chất chuyển hóa là các thể ceton.

Ceton được tạo thành sau đó thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Tuy vậy, nếu nồng độ thể ceton tăng cao vượt quá khả năng đào thải của thận, thì sẽ tích lũy trong máu gây nhiễm toan. Cơ thể đáp ứng lại bằng cách tăng thải ceton qua đường hô hấp, gây ra biểu hiện khó thở ở người đái tháo đường.

Nhiễm toan ceton là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể làm bệnh nhân hôn mê, thậm chí đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ điều trị, có lối sống lành mạnh và cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi cơ thể xuất hiện triệu chứng khó thở.

Khó thở ở người đái tháo đường 02
Nhiễm toan ceton là biến chứng cực kỳ nguy hiểm của bệnh đái tháo đường

Bệnh tim mạch

Người bệnh đái tháo đường cần biết cách kiểm soát tốt đường huyết của mình, giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài sẽ làm xơ vữa hệ thống mạch máu, rối loạn các dây thần kinh và ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao gặp phải biến cố nhồi máu cơ tim.

Thêm nữa, đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của bệnh suy tim (tim suy giảm chức năng tống máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể). Suy tim có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng khó thở ở người đái tháo đường. Ngoài ra, các triệu chứng có thể gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực, vã mồ hôi. Khi có các triệu chứng trên, bạn nên đi khám ngay vì đây rất có thể là biểu hiện của bệnh tim mạch.

Suy thận

Suy thận mạn là biến chứng thường ghi nhận ở bệnh nhân tiểu đường. Theo thời gian, đường huyết không ổn định kéo dài làm thận giảm khả năng đào thải các chất cặn bã và nước. Điều này làm cơ thể bị ứ dịch, ảnh hưởng đến hoạt động của tim và phổi, gây ra các cơn khó thở ở người đái tháo đường.

Ngoài ra, suy thận dẫn đến cơ thể bị thiếu máu, do thận chịu trách nhiệm tiết ra hormone kích thích tủy xương tổng hợp hồng cầu. Hồng cầu là trung gian vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể, sự thiếu hụt tế bào máu này có thể làm người bệnh tiểu đường cảm thấy khó thở.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Các nghiên cứu chỉ ra được rằng, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ tăng gấp 3 lần so với người bình thường. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn hoạt động hệ hô hấp trong giấc ngủ. Tình trạng này làm máu thiếu hụt oxy vận chuyển đi nuôi các cơ quan, gây ảnh hưởng đầu tiên đến chức năng của não bộ và tim mạch. Khó thở ở người đái tháo đường có thể là do thiếu hụt oxy trong tình trạng ngưng thở khi ngủ.

Một số triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ có thể kể đến như: Ngủ ngày, hay thức giấc giữa đêm, ngáy to và thường ngắt quãng (thở hổn hển hoặc bị nghẹt thở), cảm giác mệt mỏi, giảm tập trung vào ban ngày.

Khi nào thì nên gặp bác sĩ?

Bên cạnh tình trạng khó ở người đái tháo đường, bệnh nhân cũng cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chăm sóc, nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Vết loét hoặc vết thương lâu lành.
  • Tiểu đường bị ngứa da (khu vực quanh âm đạo hoặc bẹn).
  • Nhiễm trùng nấm men thường xuyên.
  • Tăng cân đột ngột.
  • Thay đổi về màu sắc và cấu trúc da, da sậm màu và mịn hơn ở vùng cổ, nách, bẹn.
  • Cảm giác ngứa và tê ở lòng bàn tay hoặc bàn chân.
  • Giảm thị lực.
  • Tình trạng rối loạn cương dương (ED).
  • Triệu chứng cơ thể bị hạ đường huyết, bao gồm các dấu hiệu: Mệt mỏi, chóng mặt, hồi hộp, ớn lạnh, đổ mồ hôi, cáu kỉnh, bối rối, đói bụng, cảm thấy đau hoặc tê lưỡi, môi, má.
  • Các triệu chứng đáng chú ý khác: Nhìn mờ, đau đầu, da nhợt nhạt, tim đập nhanh, co giật, gặp ác mộng hoặc khóc khi ngủ.
Khó thở ở người đái tháo đường 03
Một số dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiểu đường mà bạn cần đến cơ sở y tế

Khó thở ở người đái tháo đường có thể là triệu chứng của một biến chứng nguy hiểm cần được can thiệp y tế nhanh chóng, nhằm ngăn cản tình trạng diễn tiến nặng nề hơn. Người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ điều trị bằng thuốc, thay đổi chế độ ăn và lối sống, cũng như nhận biết được các biến chứng của bệnh.

Xem thêm: Tìm hiểu bệnh gai đen ở người tiểu đường

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin