Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Kiệt sức cảm xúc: Triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cảm xúc là những trạng thái tinh thần, tâm trạng và tình cảm mà chúng ta trải qua hàng ngày. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc diễn đạt và giao tiếp, cũng như ảnh hưởng đến quyết định và hành động của mỗi người. Đôi khi, sự khắc nghiệt của hoàn cảnh có thể đẩy chúng ta vào tình trạng bế tắc và kiệt sức cảm xúc. Để tránh rơi vào hoặc đắm chìm sâu trong trạng thái này, bạn cần nhận thức được các dấu hiệu cảnh báo và áp dụng biện pháp thích hợp để đối mặt và vượt qua nó.

Kiệt sức cảm xúc có thể tác động đến cả thể chất lẫn tinh thần và ảnh hưởng đến hành vi của một người. Triệu chứng này có thể tăng dần theo thời gian và thường đi kèm với áp lực liên tục, nhưng nhiều người thường không nhận ra sớm những dấu hiệu này. Việc nhận thức sớm các triệu chứng của kiệt quệ cảm xúc, cả ở bản thân và người xung quanh là vô cùng quan trọng để có thể cải thiện tình trạng và giúp bạn cảm thấy ổn định hơn.

Kiệt sức cảm xúc là gì?

Kiệt sức cảm xúc là trạng thái mà cảm xúc của bạn bị rối loạn do căng thẳng tích tụ từ cuộc sống cá nhân hoặc công việc hoặc kết hợp cả hai yếu tố này. Đây cũng là một trong những biểu hiện của sự kiệt sức. Người bị kiệt quệ cảm xúc thường cảm thấy bản thân không có quyền lực hoặc không thể kiểm soát được những điều xảy ra trong cuộc sống. Họ thường xuyên cảm thấy bị mắc kẹt trong các tình huống thường ngày.

Kiệt sức cảm xúc: Triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị - 1
Kiệt sức cảm xúc là trạng thái cảm xúc bị rối loạn do căng thẳng tích tụ

Nguyên nhân của kiệt sức cảm xúc có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau trong cuộc sống như:

  • Công việc áp lực cao như: Cảnh sát, y tá, bác sĩ hay giáo viên;
  • Môi trường học tập căng thẳng;
  • Làm việc nhiều giờ đặc biệt là trong công việc mà bạn không thích;
  • Sinh con, nuôi dạy con cái;
  • Căng thẳng tài chính, khó khăn về kinh tế, nghèo đói hay vô gia cư;
  • Quá trình ly hôn kéo dài;
  • Mất mát người thân hoặc bạn bè;
  • Sống với bệnh mãn tính hoặc chấn thương.

Bên cạnh đó, ngủ không ngon, thiếu năng lượng và giảm động lực trong cuộc sống có thể khiến bạn khó vượt qua tình trạng kiệt quệ cảm xúc này. Trạng thái căng thẳng mãn tính này kéo dài có thể gây ra tổn hại vĩnh viễn cho sức khỏe của bạn.

Triệu chứng của kiệt sức cảm xúc

Kiệt sức cảm xúc có thể biểu hiện qua những dấu hiệu về cảm xúc, hoạt động và thể chất. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người có thể trải qua tình trạng cảm xúc bị rối loạn theo cách riêng, nhưng các triệu chứng thường gặp bao gồm:

Triệu chứng cảm xúc

  • Sự lo lắng;
  • Sự thờ ơ;
  • Phiền muộn;
  • Cảm thấy tuyệt vọng;
  • Cảm thấy bất lực, bị mắc kẹt;
  • Cáu gắt;
  • Thiếu động lực;
  • Dễ xúc động, rơi nước mắt.
Kiệt sức cảm xúc: Triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị - 2
Cảm thấy tuyệt vọng có thể là triệu chứng của kiệt sức cảm xúc

Các triệu chứng thể chất

  • Mệt mỏi;
  • Nhức đầu;
  • Chán ăn;
  • Đau cơ hoặc căng cơ.

Các triệu chứng hoạt động

  • Không đáp ứng thời hạn;
  • Tính trách nhiệm thấp hơn ở nơi làm việc;
  • Vắng mặt nhiều hơn;
  • Thực hiện công việc, nhiệm vụ chậm hơn.

Người sử dụng lao động có nhân viên bị kiệt sức cảm xúc do làm việc quá sức có thể bắt đầu nhận thấy những thay đổi về hiệu suất công việc và tinh thần chung của đội nhóm.

Điều trị kiệt sức cảm xúc

Để điều trị tình trạng kiệt sức cảm xúc, bạn nên thay đổi một số thói quen trong lối sống. Dưới đây một số phương pháp và lối sống bạn có thể áp dụng nhằm giảm bớt các triệu chứng của kiệt sức cảm xúc:

Loại bỏ tác nhân gây căng thẳng

Cách tốt nhất để điều trị căng thẳng, kiệt sức cảm xúc là loại bỏ tác nhân gây ra nó. Điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được nhưng cần xác định được nguyên nhân chính gây ra căng thẳng. Nếu môi trường làm việc là nguồn gốc của căng thẳng, hãy xem xét thay đổi công việc hoặc công ty. Nếu sếp hoặc người quản lý là nguyên nhân gây căng thẳng, hãy cân nhắc chuyển sang một bộ phận mới để cải thiện tình trạng của bạn.

Kiệt sức cảm xúc: Triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị - 3
Loại bỏ tác nhân gây căng thẳng để điều trị kiệt sức cảm xúc

Ăn uống lành mạnh

Chọn một chế độ ăn uống cân bằng, giàu trái cây, rau và thực phẩm giàu Protein như: Thịt nạc, các loại cá, hải sản, các loại đậu... Tránh đồ ăn nhanh, các món ăn nhẹ nhiều đường và thực phẩm chiên hoặc chế biến. Ăn uống lành mạnh còn giúp bạn nhận được vitamin và khoáng chất cần thiết, cải thiện tiêu hóa, mức năng lượng và giấc ngủ. Từ đó tác động domino lên trạng thái cảm xúc, thay đổi tích cực tâm trạng của bạn.

Vận động thể chất

Bất kỳ hoạt động thể chất nào đều giúp tăng mức endorphin và serotonin, cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho việc vận động thể chất như: Chạy bộ, đi bộ nhanh hoặc tham gia lớp tập thể dục cũng sẽ giúp giải tỏa tâm trí của bạn.

Hạn chế rượu bia

Rượu bia và caffeine có thể thúc đẩy tạm thời tâm trạng của bạn nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi. Sau đó, chúng lại làm tăng cảm giác lo lắng và ngăn cản giấc ngủ của bạn. Hạn chế sử dụng các chất này là cần thiết để cải thiện giấc ngủ và tâm trạng.

Ngủ đủ giấc

Rất nhiều người biết giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần. Ngủ đủ giấc giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não, giảm nguy cơ rối loạn cảm xúc như: Lo âu và trầm cảm. Một giấc ngủ chất lượng cao có thể làm tăng khả năng điều chỉnh cảm xúc, giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Cố gắng ngủ từ 8-9 tiếng mỗi đêm và xây dựng thói quen lành mạnh trước khi đi ngủ để đảm bảo giấc ngủ chất lượng.

Kiệt sức cảm xúc: Triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị - 4
Ngủ đủ giấc sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của kiệt sức cảm xúc

Thực hành chánh niệm

Các kỹ thuật chánh niệm như: Thiền, yoga hoặc thực hành thở là cách giảm căng thẳng và cân bằng cảm xúc được nhiều người áp dụng. Bằng cách tập trung vào hiện tại, thực hành chánh niệm giúp đẩy lùi căng thẳng, giảm bớt lo lắng về quá khứ và tương lai. Điều này giúp giảm bớt cảm giác kiệt quệ do căng thẳng kéo dài.

Ngoài ra, chánh niệm giúp bạn nhận ra cảm xúc và suy nghĩ của mình. Hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra kiệt sức cảm xúc có thể giúp bạn tìm ra cách đối phó hiệu quả hơn.

Trò chuyện với bạn bè, người thân

Nói chuyện với một người bạn hoặc người thân trong gia đình có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Điều này mang lại cảm giác được hỗ trợ và an ủi, giúp giảm bớt cảm giác cô đơn và kiệt quệ cảm xúc. Sự hiện diện và lắng nghe của bạn bè có thể giúp bạn cảm thấy không đơn độc trong những khó khăn, nâng cao tinh thần lạc quan và cải thiện tích cực tâm trạng.

Nghỉ ngơi vừa đủ

Nghỉ ngơi vừa đủ là một yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình trạng kiệt quệ cảm xúc. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả để tái tạo năng lượng và cân bằng tâm trạng. Cần đảm bảo bạn dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để phục hồi sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.

Tìm sự hỗ trợ chuyên môn

Nếu cần thiết, hãy tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia như: Bác sĩ tâm lý hoặc nhân viên tư vấn để được hỗ trợ về mặt tâm lý và điều trị phù hợp như: Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hoặc các loại thuốc hỗ trợ. Để giúp kiểm soát các triệu chứng của bạn, trong một số trường hợp bác sĩ có thể đề xuất một số loại thuốc như:

  • Thuốc chống trầm cảm như: Chất ức chế tái hấp thu chọn lọc-serotonin (SSRI);
  • Thuốc chống lo âu;
  • Thuốc hỗ trợ ngủ theo toa;
  • Các loại thuốc như: Benzodiazepine có thể gây nghiện nên được sử dụng ngắn hạn để giảm nguy cơ phụ thuộc.

Những phương pháp này không chỉ giúp bạn giảm căng thẳng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của bạn. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ và lần lượt áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày để đạt được hiệu quả tối đa.

Kiệt sức cảm xúc: Triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo và cách điều trị - 5
Nên tìm sự tư vấn của bác sĩ khi gặp tình trạng kiệt sức cảm xúc kéo dài

Điều gì có thể xảy ra nếu không điều trị kiệt sức cảm xúc kịp thời?

Căng thẳng dẫn đến kiệt quệ cảm xúc có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ kiệt sức hoàn toàn. Theo thời gian, trạng thái này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Căng thẳng mãn tính có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thống miễn dịch, tim mạch, sự trao đổi chất và sức khỏe tổng thể của bạn. Các hậu quả của tình trạng cảm xúc kiệt quệ bao gồm:

  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim do huyết áp cao;
  • Cảm lạnh thường xuyên;
  • Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng;
  • Tăng cân không kiểm soát;
  • Suy giảm chất lượng giấc ngủ thậm chí mất ngủ;
  • Lão hóa sớm và suy giảm năng suất lao động;
  • Cảm thấy lo lắng và phiền muộn liên tục.

Nếu bạn đang trải qua giai đoạn căng thẳng kéo dài, cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất lẫn tinh thần và gặp phải nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống thì rất có thể bạn đang gặp phải tình trạng kiệt sức cảm xúc. Nhiều người có thể không chú ý đến cảm xúc của mình, dẫn đến việc không nhận ra và xử trí đúng đắn khi gặp tình trạng này. Thông qua việc nhận thức các triệu chứng và cách điều trị kể trên bạn có thể thực hiện các bước phù hợp để cải thiện tình trạng của mình, giải tỏa căng thẳng nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin